I. Kinh Mân Côi là bản tóm tắt Tin Mừng
1.1. Năm Sự Vui
Năm mươi Kinh Mân Côi đầu tiên mang dấu ấn của niềm vui tỏa chiếu từ biến cố Nhập thể. Điều này quá rõ ràng, ngay từ Mầu nhiệm đầu tiên là biến cố Truyền tin, chúng ta nghe thấy lời sứ thần Gabrien chào Trinh nữ Nadarét, nối liền với lời mời gọi vui hưởng niềm vui thiên sai: Mừng vui lên hỡi Bà đầy ơn phúc. Tiếp đến là niềm vui hội ngộ giữa Đức Maria và Bà Êlisabết: Tiếng chào của Đức Maria và sự hiện diện của Đức Kitô trong cung lòng Ngài đã làm cho Gioan nhảy lên vui sướng (Lc 1, 14). Rồi niềm vui tràn ngập trong biến cố Bêlem, khi Hài nhi Giêsu là Đấng cứu độ trần gian ra đời, được tiếng hát của các thiên thần loan báo cho các mục đồng như một tin vui cả thể (Lc 2, 10).
Hai Mầu nhiệm sau cùng: Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh. Không chỉ biểu lộ niềm vui vì Chúa Giêsu được thánh hiến, nhưng còn ghi lại lời nói xuất thần của cụ già Ximêông tiên báo Chúa Giêsu sẽ trở nên một dấu hiệu chống báng cho dân Israen và một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Mẹ (Lc 2, 34-35). Như thế là niềm vui xen lẫn với bi kịch ẩn giấu trong Mầu nhiệm thứ năm là tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền thánh. Chúa Giêsu mạc khải về Mầu nhiệm của Người là người Con hiến thân trọn vẹn cho công việc của Đức Chúa Cha, cho thấy tính cách triệt để của Tin Mừng. Đây là điềm báo khó hiểu về Mầu nhiệm cứu độ.
Kitô giáo tiên vàn là Tin Mừng và toàn bộ nội dung của Tin Mừng là con người của Đức Giêsu Kitô Ngôi Lời mặc xác phàm, Đấng cứu độ duy nhất của thế giới. Đức Maria dẫn dắt chúng ta khám phá bí mật của niềm vui Kitô giáo.
1.2. Năm Sự Sáng
Gồm năm thời điểm quan trọng trong cuộc đời hoạt động công khai của Chúa Giêsu: 1/ Chịu phép Rửa tội tại sông Giođan. 2/ Tỏ mình ra tại tiệc cưới Cana. 3/ Công bố Nước Thiên Chúa và kêu mời sám hối. 4/ Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. 5/ Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể như một biểu hiện Mầu nhiệm Vượt Qua.
Mỗi Mầu nhiệm trên là một mạc khải về Nước Thiên Chúa đang hiện diện trong chính bản thân của Chúa Giêsu: Sự Sáng thứ nhất: Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Giođan, Đấng vô tội đã trở thành tội vì chúng ta (2 Cor 5, 21) thì cửa trời mở ra và có tiếng Chúa Cha tuyên nhận Người là con yêu dấu và trong khi đó, Thánh Thần ngự xuống trên Người và trao cho Người sứ mệnh phải thi hành. Sự Sáng thứ hai: là dấu chỉ đầu tiên tại Cana, khi Chúa Giêsu biến nước thành rượu và mở rộng tâm hồn các môn đệ tin Người, nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria. Sự Sáng thứ ba: Chúa Giêsu giảng dạy loan báo Nước Thiên Chúa đang đến và kêu gọi sám hối, tin tưởng vào Lòng Chúa Thương Xót, lãnh nhận Bí tích Hòa giải mà Người ủy thác cho Giáo hội (Ga 20, 22-23). Sự Sáng thứ bốn: Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Vinh quang Thiên Chúa chói ngời trên dung nhan Đức Kitô, khi Chúa Cha truyền lệnh cho các môn đệ phải nghe Lời Người để chuẩn bị cho họ đón nhận cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Sự Sáng thứ năm: Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể để ban Mình và Máu thánh cho con người và khẳng định Ngài yêu thương nhân loại đến cùng (Ga 13, 1).
1.3. Năm Sự Thương
Các Mầu nhiệm này là cao điểm mạc khải tình yêu Thiên Chúa và nguồn mạch ơn cứu độ loài người. Kinh Mân Côi chọn lựa một vài giai đoạn của cuộc khổ nạn để mời gọi các tín hữu suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Bắt đầu từ núi Cây dầu nơi Chúa Giêsu kinh nghiệm sự sầu não đối diện với thánh ý Chúa Cha. Và cái giá của sự trung thành với thánh ý Chúa Cha biểu lộ qua việc chịu đánh đòn, đội mão gai, vác Thập giá và chết trên Thập giá. Đức Kitô là Vị Thiên Chúa vì yêu thương đã hạ mình cho đến chết trên Thập giá (Pl 2, 8).
1.4. Năm Sự Mừng
Kinh Mân Côi mời gọi người tín hữu vượt lên trên bóng tối của cuộc khổ nạn để chiêm ngắm vinh quang của Đức Kitô trong Mầu nhiệm sống lại và lên trời. Khi chiêm ngưỡng Đấng Phục sinh, người Kitô hữu tái khám phá lý do của niềm tin (1 Cor 15, 14) và sống lại niềm vui của những người được Chúa hiện ra và cả của Đức Maria nữa. Trong Mầu nhiệm lên trời, Đức Kitô đã được nâng lên ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang. Chính Đức Maria sẽ được nâng lên trong cùng một vinh quang ấy, trong biến cố Đức Mẹ hồn xác về trời. Rồi chính Chúa Giêsu sẽ đội triều thiên cho Đức Mẹ, tôn phong Đức Mẹ là Nữ Vương các thiên thần và các thánh. Ở trung tâm biến cố của Người Con và Người Mẹ, Kinh Mân Côi mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Mầu nhiệm thứ ba, Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống ban sự sống mới trong Chúa Kitô cho Giáo hội và các tín hữu, giúp mọi người vững bước lên đường Truyền giáo.
II. Các Kinh đọc
2.1. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện chính Chúa Giêsu dạy chúng ta.
2.2. Kinh Kính Mừng, lập đi lập lại lời chào của sứ thần Gabrien và Bà Êlisabết, đồng thời suy niệm các Mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu.
2.3. Kinh Sáng Danh là lời các thiên thần tôn vinh Chúa Ba Ngôi.
Kết luận: Chân phước Gioan Phaolô 2 đã viết: Kinh Mân Côi là một lời Kinh được vô vàn các vị thánh ưa thích và được Giáo hội khuyến khích đọc, vì Kinh Mân Côi mang lại nhiều hoa trái thánh thiện.
Lm. JB. Võ Văn Ánh