Home / Chia Sẻ / Kinh Kính Mừng

Kinh Kính Mừng

 

Năm Sự Vui

PHI LỘ – Năm 1917, khi hiện ra tại Fátima (Bồ Đào Nha) với ba trẻ chăn chiên – Luxia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã nhắn nhủ: “Hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày… Hãy cầu nguyện nhiều và dâng những hy sinh để cầu cho các tội nhân… Ta là Mẹ Mân Côi. Chỉ có Mẹ mới có thể giúp các con. …Cuối cùng, Trái tim Vô nhiễm của Mẹ sẽ thắng!”.

Năm 2017 là dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fátima, chúng ta hãy nhắc nhở nhau về ba lời khuyên của Đức Mẹ: [1] Ăn năn đền tội, [2] Tôn sùng Mẫu Tâm, [3] Siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ đã cho biết rằng mỗi lần đọc một kinh Kính Mừng là dâng cho Mẹ một đóa hồng tươi đẹp, và đọc xong một chuỗi Mân Côi là dâng cho Mẹ một triều thiên hoa hồng.

VuiTrong tâm tình yêu mến Đức Mẹ, đặc biệt là việc tận hiến cho Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng tìm hiểu Năm Sự Vui. Chuỗi Mân Côi quan trọng vì là “Bản tóm lược Kinh Thánh”. Khi lần chuỗi Mân Côi với Năm Sự Vui, chúng ta thấy đời sống hằng ngày của chúng ta thêm phấn khởi, thêm nhiều lợi ích qua việc kết hiệp với Đức Kitô và lòng sùng kính Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta nhờ Đức Mẹ để đến với Đức Giêsu Kitô, qua Chúa Con để đến với Chúa Cha.

1. Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ (Lc 1:26-38; Is 7:10-15). Chúng ta cầu xin được “ở khiêm nhường”, tức là biết sống khiêm nhường. Khiêm nhường, khiêm hạ hoặc khiêm nhu cũng là một, “khiêm” nào cũng khó. Chữ K mà thật là khó “ca” quá chừng! Khiêm nhường là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức, vô cùng quan trọng đối với bất kỳ ai, vì chính Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậukhiêm nhường” (Mt 11:29). Đức Mẹ là người luôn sống khiêm nhường, được chọn làm Mẹ Thiên Chúa nhưng lại chỉ nhận mình là Nữ Tỳ của Chúa (Lc 1:38).

Sau khi biết tin Chị Ê-li-da-bét cũng có hỉ tín và chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã vội vã đi thăm Chị. Khi hai người mẹ phấn khởi, Đức Maria đã chúc tụng Thiên Chúa bằng bài Magnificat, trong đó có đề cập đức khiêm nhường: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:25). Thánh Phaolô cũng khuyên sống khiêm nhường: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (1 Pr 5:5-6). Thiên Chúa có kế hoạch riêng cho từng người, không ai biết trước, nhưng Thiên Chúa sẽ hành động đúng lúc, đúng thời theo kế hoạch của Ngài.

Người khiêm nhường thì hiền lành. Khiêm nhường là nhân đức cao quý đến nỗi Chúa Giêsu đã đặt là một trong Tám Mối Phúc: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:4). Tuy nhiên, nên nhớ rằng càng làm lớn càng dễ ỷ lại, kiêu ngạo, do đó, càng cần đức khiêm nhường hơn bao giờ hết. Trồng rừng phải mất nhiều thời gian, nhưng đốt rừng chỉ trong thoáng chốc, chỉ cần một que diêm. Que diêm đó là thói kiêu ngạo!

2. Ðức Maria đi viếng Bà Thánh Y-sa-ve (Lc 1:39-56). Chúng ta cầu xin được “lòng yêu người”, yêu mọi người như chính mình. Biết tin Chị Y-sa-ve (Ê-li-da-bét) mang thai được sáu tháng rồi, Đức Maria đã vội vã lên đường đến nhà Anh Chị Da-ca-ri-a và Ê-li-da-bét. Đường sá xa xôi, đồi núi hiểm trở, lại phải lội bộ, nhưng Đức Maria không ngần ngại. Không chỉ thăm viếng, Đức Maria còn ở lại ba tháng để giúp đỡ bà Chị đang bụng mang dạ chửa, chờ cho Chị được mẹ tròn, con vuông, rồi mới về nhà. Đức Maria làm tất cả chỉ vì lòng yêu thương.

Vâng, đạo Công giáo được mệnh danh là Đạo Yêu Thương. Đúng vậy, vì Chúa Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (Ga 13:34; Ga 14:12). Thánh sử Gioan cũng minh định: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa”  (1 Ga 4:7).

Thích người thích mình, yêu người yêu mình, đó là lẽ thường, không có gì đặc biệt, vì những người không có niềm tin vào Đức Kitô mà họ cũng vẫn làm, thậm chí các loài động vật cũng sống như vậy thôi. Vì thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải “cao cấp” hơn như vậy thì mới xứng đáng là con cái của Thiên Chúa và là môn đệ của Ngài: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thùcầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:43-45). Thiên Chúa giàu lòng thương xót, không thiên vị bất kỳ ai (x. Gl 2:6; Cv 10:34).

Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu”, và so sánh rất cụ thể: “Nếu ai nói ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20). Hai chữ yêu thương có thể rút gọn còn một chữ YÊU, ngắn gọn và đơn giản, nhưng lại rất khó thực hành đúng mức. Bài học giản dị nhất mà lại khó nhất, chúng ta cứ học mãi mà vẫn chưa thuộc!

3. Ðức Mẹ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá (Lc 2:1-14; Mt 2:1-12; Gl 4:1-7). Chúng ta cầu xin được “lòng khó khăn”. Ở đây, danh từ “khó khăn” không có nghĩa là “khó tính”, “khó nết”, “khó chịu”, “khó ưa”,… mà là sống nhân đức khó nghèo, sống tinh thần khó nghèo, có tinh thần khó nghèo sẽ dẫn tới hành động, thể hiện sự khó nghèo. Thật vậy, nghèo khó hoặc thanh bần là một trong ba lời khấn chính của các tu sĩ, những người sống theo lời khuyên Phúc Âm trong đời sống thánh hiến.

Khi Con Thiên Chúa giáng sinh tại Belem, thiên thần báo tin cho các mục đồng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12). Trẻ sơ sinh được bọc tã là chuyện bình thường, nhưng vấn đề là “nằm trong máng cỏ”. Khi chào đời, người ta không được sinh ra trong nệm ấm, chăn êm, thì cũng được sinh ra ở một nơi tương đối đàng hoàng, có giường chiếu hẳn hoi. Chỉ những ai “đẻ rơi” mới ở ngoài đường hoặc ngoài đồng. Vậy mà Con Thiên Chúa lại sinh trong cảnh nghèo khó hơn bất cứ ai trong chúng ta. Sau khi được báo tin, chi các mục đồng đã liền hối hả ra đi theo hướng ánh sao. Kinh Thánh cho biết: “Đến nơi, họ gặp Cô Maria, Chú Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Đúng y như lời báo của các thiên thần. Quá đỗi bất ngờ, hoàn cảnh của Thánh Gia khó khăn ngoài sức tưởng tượng.

Chúa Giêsu đã chọn cách sống nghèo không giống ai, đó là Ngài làm gương để dạy chúng ta phải sống nhân đức nghèo khó. Ngài muốn chúng ta chia sẻ vật chất với người khác, giúp đỡ người khác, và Ngài đặt động thái sống nghèo khó là Mối Phúc thứ nhất trong Bát Phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Bài học giáng sinh là bài học về nhân đức nghèo khó. Lối sống hưởng thụ, tìm an nhàn là đối nghịch với nhân đức nghèo khó, tất nhiên cũng “đối lập” với Thiên Chúa.

4. Ðức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh (Lc 2:22-40). Chúng ta cầu xin được “vâng lời và chịu lụy”. Vâng lời là một nhân đức và là một trong ba lời khấn chính của các tu sĩ. Vâng lời liên quan chịu lụy, chịu đựng. Kinh Thánh xác định: “Vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9). Khi Sứ thần Gáp-ri-en truyền tin, Đức Maria đã e ngại và bối rối vì chưa hiểu. Sau khi được giải thích, Đức Maria đã mau mắn chấp nhận: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Quả thật, đức vâng lời rất quan trọng. Vì tin tưởng nên mới yêu mến, do đó mà không chần chừ, sẵn sàng vâng lời ngay, vâng lời trong mọi hoàn cảnh.

Chúa Giêsu luôn vâng lời. Sau ba ngày mê mải lo việc của Chúa Cha, khiến Đức Maria và Đức Giuse phải khổ sở đi tìm, Đức Maria “trách yêu” Con Trai Giêsu, Ngài cho cha mẹ biết lý do, nhưng Ngài vẫn đi xuống cùng với cha mẹ, theo cha mẹ trở về Na-da-rét và hằng vâng phục cha mẹ (x. Lc 2:51). Ngài là Thiên Chúa nhưng khi chấp nhận làm Con trong một gia đình, Ngài vẫn giữ đức vâng lời, vẫn tôn trọng và theo ý muốn của cha mẹ.

Nói đến vâng lời, chúng ta thường cho rằng người nhỏ phải vâng lời người lớn, bề dưới phải vâng lời bề trên,… Tuy nhiên, nếu như vậy thì vẫn phiến diện, vì chúng ta đôi khi vẫn phải “vâng lời” người nhỏ hơn mình khi người nhỏ hành động đúng. Khi người lớn sai trái thì không thể bắt người dưới vâng lời!

5. Ðức Mẹ tìm được Chúa Giêsu trong Ðền Thánh (Lc 2:42-52). Chúng ta cầu xin được “giữ nghĩa cùng Chúa luôn”. Ơn này rất quan trọng, vì Chúa Giêsu là cây nho, còn chúng ta là cành nho, cành không thể tách khỏi thân, dù chỉ trong khoảnh khắc, nghĩa là chúng ta phải luôn được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Vâng, thiếu Ngài trong một giây thôi, chúng ta sẽ trở thành hư không chứ đừng nói làm nên trò trống gì.

Giữ nghĩa cùng Chúa là không lầm lũi trong “bóng đen tội lỗi”, luôn sống trong ơn thánh, như vậy là cố gắng nên thánh từng ngày. Sau khi gặp lại cha mẹ, Chúa Giêsu đã ngoan ngoãn vâng lời và cùng cha mẹ trở về nhà, Thánh sử Luca cho biết: “Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Ước gì mỗi chúng ta cũng biết cố gắng noi gương Chúa Giêsu để luôn được người đời yêu mến và được Thiên Chúa thương xót.

Cố gắng hoàn thiện thật lòng chứ không giả hình. Chúng ta có thể “che mắt” người đời chứ không thể che giấu Thiên Chúa. Vả lại, cây kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra thôi. Thật thú vị vì Chúa Giêsu đã xác định: “Cứ xem quả thì biết cây” (Mt 12:33; Lc 6:44). Rất dễ hiểu và rất rạch ròi.

Năm Sự Vui như ngôi sao năm cánh, mỗi cánh là một nhân đức: Khiêm nhường, yêu người, nghèo khó, vâng lời và tín thác. Đó là những điều cần thiết để chúng ta hoàn thiện trên hành trình về Quê Trời, trên hành trình nên thánh. Hãy mở rộng lòng để Thần Khí Chúa biến đổi chúng ta từ trong ra ngoài (x. 2 Cr 3:18; Pl 3:21).

Nếu thực sự muốn bước theo Đức Kitô, chúng ta phải để cho Ngài biến đổi chúng ta, nghĩa là chúng ta để cho Ngài hóa thành nhục thể trong chúng ta, y như Ngài đã hóa thành nhục thể trong cung lòng Đức Mẹ vậy. Khi chúng ta thưa “xin vâng” với Ngài đủ mức thì chúng ta không còn là chúng ta nữa, chính Đức Kitô hóa thành nhục thể nơi chúng ta, như Thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20). Sống bằng sự sống của Chúa thì chúng ta phải sinh tình yêu cho mọi người, thể hiện yêu thương như Đức Kitô, và tìm kiếm tình yêu sinh ra từ lòng yêu mến Chúa.

Quả thật, đời sống Kitô hữu thực sự là chuỗi Mầu Nhiệm Vui kéo dài…

Thiết tưởng cũng rất nên biết rằng, trước khi giã từ cõi thế ngày 20-2-1920, Giaxinta cho biết điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý. Đó là lời khuyến cáo của Đức Mẹ: “Nhiều linh hồn sa hỏa ngục vì tội xác thịt hơn là vì các lý do khác. Những tội đó xúc phạm Chúa rất nặng. Nhiều cuộc hôn nhân không tốt, họ không làm vui lòng Chúa và không thuộc về Thiên Chúa. Các linh mục phải khiết tịnh, rất khiết tịnh. Họ không được bận rộn với bất cứ thứ gì khác ngoài việc quan tâm Giáo hội và các linh hồn. SỰ BẤT TUÂN CỦA CÁC LINH MỤC ĐỐI VỚI CÁC BỀ TRÊN VÀ ĐỨC GIÁO HOÀNG LÀ RẤT LÀM MẤT LÒNG CHÚA. Đức Mẹ không thể ngăn cản bàn tay của Chúa Con khỏi trừng phạt thế giới vì nhiều tội trọng. Hãy nói với mọi người rằng Thiên Chúa ban ân sủng qua Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria. Hãy bảo họ cầu xin ân sủng từ Mẹ, và Thánh Tâm Chúa Giêsu muốn được tôn kính cùng với Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria”.

Những lời này rất đáng để chúng ta nghiêm túc suy tư mà tự chấn chỉnh cách sống như Chúa Giêsu đã căn dặn: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

Năm Sự Thương

ThuongTrong tâm tình yêu mến Đức Mẹ, đặc biệt là tận hiến cho Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng tìm hiểu Năm Sự Thương. Chuỗi Mân Côi quan trọng vì là “Kinh Thánh tóm gọn”. Khi lần chuỗi Mân Côi với năm sự Thương, chúng ta thấy đời sống hằng ngày của chúng ta thêm sức mạnh để vượt qua mọi nghịch cảnh của cuộc đời, đồng thời thêm nhiều lợi ích qua việc kết hiệp với Đức Kitô và lòng sùng kính Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta nhờ Đức Mẹ để đến với Đức Giêsu Kitô, qua Chúa Con để đến với Chúa Cha.

1. Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu (Mt 26:36-40). Chúng ta cầu xin ơn biết “ăn năn tội nên”. Ăn năn tội “cho nên” là sám hối thật lòng chứ không làm chiếu lệ, cho xong lần, hoặc làm theo “phong trào” (dịp lễ, tết, dịp đặc biệt,…). Tuy nhiên, ăn năn tội có hai cách: [1] Ăn năn tội cách trọn, [2] Ăn năn tội cách chẳng trọn. “Ăn năn tội cách trọn” là chân thành sám hối vì nhận biết Thiên Chúa là Đấng chí thánh mà mình đã xúc phạm đến Ngài, sám hối vì yêu mến Ngài; còn “ăn năn tội cách chẳng trọn” là sám hối vì sợ bị Chúa trừng phạt, sợ mất phần thưởng đời đời.

Ăn năn sám hối rồi thì phải quyết tâm dốc lòng chừa, quyết tâm chống lại mọi cám dỗ. Hãy khó với chính mình, đừng để “cái tôi” vùng lên kẻo sập bẫy của ba thù (xác thịt, thế gian, ma quỷ). Trong ba thù, “xác thịt” là đối thủ ở gần chúng ta nhất, vì thế mà cũng nguy hiểm nhất – nghĩa là chúng ta phải cảnh giác với nó nhiều nhất.

Thánh sử Mátthêu cho biết: Bấy giờ Đức Giêsu đi cùng với các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Ngài nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện”. Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:36-39). Thánh sử Luca nói chi tiết: “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22:44).

Khi cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã tìm được sức mạnh và niềm tin, và rồi các thiên thần đã tới an ủi Ngài. Chúa Giêsu sẽ an ủi và nâng đỡ chúng ta, đồng thời Ngài cũng ân cần nói với chúng ta: “Tại sao con lại lo lắng trong những lúc khó khăn? Hãy tín thác và vững mạnh trong Thầy. Hãy hướng lên Thiên Chúa của con trong những lúc con gặp khó khăn nhất, và con sẽ chiến thắng”. Chúng ta hãy phó thác cuộc đời cho Chúa, và cứ để Ngài hành động theo Thánh Ý Ngài, như Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong lúc “căng thẳng” nhất: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi thì xin vâng ý Cha” (Mt 26:39 và 42).

2. Chúa Giêsu chịu đánh đòn (Mt 27:26). Chúng ta cầu xin ơn biết “hãm mình, chịu khó bằng lòng”. Đó là chấp nhận sự khốn khó với niềm tín thác chứ không than thân trách phận, không tự so sánh hoàn cảnh của mình với hoàn cảnh của người khác.

Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giêsu lại và giải đi nộp cho ông Philatô (Mc 15:1). Các thượng tế tố cáo Chúa Giêsu nhiều tội, nhưng Ngài không nói gì. Tổng trấn Philatô hỏi ý kiến đám đông, họ la to: “Đừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!” (Ga 18:40). Mà Baraba là một tên cướp khét tiếng. Và rồi ông Philatô truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Ngài (Ga 19:1).

Chúa Giêsu im lặng khi được tra xét, Ngài cũng im lặng khi chịu đánh đòn dã man. Và Ngài dịu dàng nói với mỗi chúng ta: “Con ơi, các nhục hình họ áp dụng thật khủng khiếp, nhưng Ta vẫn có thể cam chịu vì yêu thương con, vì thương xót con. Tại sao con không thể yêu mến Ta mà chịu các nỗi đau khổ ở thế gian? Mà các nỗi đau khổ đó có đáng gì so với đau khổ mà Ta đã phải chịu đâu? Hãy chấp nhận mọi đau khổ vì yêu mến Ta, Ta không bỏ con một mình đâu, họ gây đau khổ cho con cũng là gây đau khổ cho Ta thêm nhiều lần nữa. Con oan một thì Ta oan mười. Con đau một thì Ta đau mười. Con hãy cố gắng lên!”.

William Arthur Ward (1921-1994) nói: “Cũng như thung lũng cho ngọn núi chiều cao, đau khổ tạo ý nghĩa cho lạc thú; cũng như mạch nước là nguồn của suối, nghịch cảnh sâu sắc có thể là châu báu”. Thật dễ để dùng ống tay áo lau khô những giọt lệ rơi, nhưng phải biết cách để xóa dấu nước mắt khỏi trái tim mình. Những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát, và họ đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Họ có lòng can đảm, sự nhạy cảm và sự thấu hiểu đối với cuộc đời. Chính cuộc đời đã làm cho họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Người đẹp không thể tự nhiên mà có. Đau khổ có vẻ đẹp riêng của nó, chẳng vậy mà Chúa Giêsu luôn động viên chúng ta chịu đau khổ – tinh thần và thể lý.

3. Chúa Giêsu chịu đội mão gai (Mt 27:27-31). Chúng ta cầu xin ơn biết “chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng”. Cũng như chịu đau khổ, chúng ta phải biết “nuốt nó vào trong”. Khi bị người khác sỉ nhục, “cái tôi” sẽ đòi nổi dậy chống lại đối phương. Người xấu có thể tìm cách lăng nhục người khác bằng cách gieo oan giáng họa, bịa đặt, vu khống. Bị sỉ nhục oan mà có thể dằn lòng thì tốt, nhưng nếu bị sỉ nhục vì đáng bị như vậy thì không oan. Kinh Thánh nói: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường” (Cn 11:2). Coi chừng “cái tôi” là cảnh giác với tính kiêu ngạo – đầu mối các thứ xấu xa khác.

Thánh sử Mátthêu cho biết: Bấy giờ, lính của tổng trấn đem Đức Giêsu vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!”. Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá (Mt 27:27-31).

Hãy nghĩ về sự sỉ nhục, sự xúc phạm, và nỗi đau khổ mà Chúa Giêsu đã chịu. Họ tước đoạt nhân phẩm của Ngài, chà đạp nhân vị của Ngài, coi Ngài như một tội nhân ghê gớm nhất. Ngài nhìn và nói với chúng ta: “Tại sao con thất vọng khi gặp đau khổ? Đó không là cách con yêu mến Ta sao? Con hãy suy về nỗi thống khổ của Ta và tìm kiếm sự phong phú kỳ diệu trong nỗi đau khổ đó”. Chúng ta hãy nghĩ về Chúa Giêsu chịu đau khổ vì chúng ta, và hãy cầu xin Ngài ban thêm sức mạnh để chúng ta khả dĩ chấp nhận mọi điều sỉ nhục ở đời này – cả tinh thần lẫn thể lý.

Văn sĩ Auguste Villier de l’Isle Adam (1838-1889, Pháp quốc) nhận xét: “Người nhục mạ bạn, họ chỉ nhục mạ ý tưởng của họ nghĩ về bạn, tức là họ nhục mạ chính họ!”. Như vậy, khi mình bị nhục mạ mà lại không bị, nếu mình nhịn nhục thì họ càng tức, vì sự im lặng của chúng ta như cục than hồng đặt vào họ. Thật là hay, thế thì rất đáng để thực hành noi gương Đức Giêsu Kitô: Nhịn nhục.

4. Chúa Giêsu vác Thánh Giá (Mt 27:27-32). Chúng ta cầu xin ơn vui lòng “vác Thánh Giá theo chân Chúa”. Chúa Giêsu nhiều lần bảo chúng ta phải từ bỏ mình, vì có thể từ bỏ chính mình thì mới khả dĩ theo Ngài, mà theo Ngài thì không được sung sướng, không an nhàn, không thảnh thơi, mà ngược lại, theo Ngài thì phải vác thập giá, nghĩa là luôn phải chịu thiệt thòi, luôn gặp khốn khó, xui tận mạng. Chắc chắn ai theo Ngài thì phải can đảm lắm!

Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simôn, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu. Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: ‘Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!’. Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: ‘Đổ xuống chúng tôi đi!’, và với gò nống: ‘Phủ lấp chúng tôi đi!’. Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”. Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người (Lc 23:26-32). Chúa Giêsu cũng đang nói với chúng ta những lời như vậy: “Con hãy thật lòng than khóc vì tội con chứ Ta không cần con thương khóc gì Ta đâu!”.

Mặc dù Chúa Giêsu chịu đau khổ vì chúng ta, nhưng Ngài vẫn chấp nhận gánh nặng vì thương xót chúng ta, tình yêu của Ngài hoàn toàn dành cho chúng ta vô điều kiện. Thập Giá gồm hai thanh gỗ ghép lại, nặng cả trăm ký, kéo lê đi thì sức nặng cũng còn khoảng 80 kg. Không phải dễ vác đi lên đồi cao trên con đường gồ ghề.

Trên đường từ dinh Philatô tới Đồi Sọ, Đức Maria chứng kiến nỗi đau khổ và nhục nhã mà Con Trai phải chịu. Chúng ta có thể tưởng tượng đôi mắt và khuôn mặt của Đức Mẹ thế nào? Chắc chắn Mẹ đau đớn lắm. Chúng ta hãy cầu xin Chúa thêm sức cho chúng ta đủ sức vác thập giá đời mình đến cuối đường trần, và cầu xin Đức Mẹ nâng đỡ chúng ta trên con đường thập giá trần thế này.

5. Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào Thánh Giá (Mt 27:33-35; Ga 19:31-37; Lc 23:33-46). Chúng ta cầu xin ơn biết “đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa”. Tính xác thịt chính là “cái tôi”. Nó là một trong ba kẻ thù nguy hiểm nhất (xác thịt, thế gian, ma quỷ). Nhưng “tính xác thịt” nguy hiểm hơn, vì nó là chính chúng ta. Kẻ thù này ở gần nhất và dễ thấy nhất, nhưng lại là kẻ thù khó chiến thắng nhất.

Nó chỉ chết thật khi chúng ta dám “đóng đinh” nó vào Thánh Giá của Đức Giêsu Kitô. Ghim chặt được nó rồi cũng chưa an tâm, phải đợi cho nó chết thật thì chúng ta mới có thể thanh thản bước theo Thầy Chí Thánh Giêsu. Nó nhỏ mà to, bé mà sống dai. Nó chẳng là gì nhưng nó có thể làm sụp đổ mọi lâu đài mà chính chúng ta dày công xây dựng cả đời. Ghê sợ thật!

Thánh sử Gioan tường thuật: Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu: “Thưa Mẹ, đây là con của Mẹ”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19:25-27).

Chúa Giêsu nhận chúng ta là con cái của Đức Mẹ, đồng thời Ngài cũng muốn chúng ta gần gũi và thân mật với Đức Mẹ. Ngài muốn chúng ta với tư cách là con cái, chúng ta hãy nắm chặt lấy tay Đức Mẹ. Ngài cũng muốn chúng ta hãy trao phó cuộc đời mình cho Đức Mẹ, để nhờ Mẹ mà chúng ta đến với Con Yêu Dấu của Mẹ là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Đức Mẹ là Đấng Vô Nhiễm và khiêm nhường, chúng ta cầu xin Mẹ giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi nhờ ơn Vô Nhiễm của Mẹ, và cầu xin Mẹ giúp chúng ta triệt tiêu thói kiêu ngạo nhờ đức khiêm nhường của Mẹ. Được như vậy thì chúng ta chắc chắn được gần kề bên Chúa Giêsu, thanh thản nghỉ ngơi trong Thánh Tâm Ngài.

Suy niệm sự thương khó của Chúa Giêsu nhưng lòng chúng ta lại cảm thấy nhẹ nhàng chứ không trĩu nặng. Quả thật, đời sống Kitô hữu thực sự là chuỗi Mầu Nhiệm Thương kéo dài, đặc biệt trong Mùa Chay Thánh này…

Năm Sự Mừng

MungTrong tâm tình yêu mến Đức Mẹ, đặc biệt là tận hiến cho Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng tìm hiểu Năm Sự Mừng. Chuỗi Mân Côi quan trọng vì là “Kinh Thánh tóm gọn”. Khi lần chuỗi Mân Côi với năm sự Mừng, chúng ta thấy đời sống hằng ngày của chúng ta thêm hy vọng về sự sống vĩnh hằng trên Nước Trời, đồng thời thêm nhiều lợi ích qua việc kết hiệp với Đức Kitô và lòng sùng kính Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta nhờ Đức Mẹ để đến với Đức Giêsu Kitô, qua Chúa Con để đến với Chúa Cha.

1. Chúa Giêsu Sống Lại (Mc 16:1-7; Lc 24:1-12; Ga 20:19-31). Chúng ta cầu xin ơn được “sống lại thật về phần linh hồn”. Sống lại có hai phần, phần xác và phần hồn. Sống lại về phần xác là sự lạ, là điều quan trọng, nhưng sống lại về phần hồn còn quan trọng hơn, vì phạm tội là chết về phần hồn, mà ai trong chúng ta cũng đã từng phạm tội – tức là chết về phần hồn. Như vậy, sự sống lại về phần hồn càng quan trọng đối với chúng ta hơn bao giờ hết.

Chúa Giêsu đã chịu đau khổ, bị hành hạ cho đến chết trên Thập Giá, nhưng Ngài sống lại vào đêm Chúa Nhật phục sinh, vinh quang và bất tử, đúng như Ngài đã nói trước (Mt 28:1-7). Chúa Giêsu sống lại là bảo đảm rằng chúng ta cũng sẽ được sống lại cả phần xác và phần hồn, nhưng chúng ta phải sống lại về phần hồn ngay khi còn tại thế. Thánh Phaolô xác định: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8). Niềm tin của chúng ta không mơ hồ, không ảo tưởng, mà rất chắc chắn và xác thực.

Khi sống lại, Chúa Giêsu đã bỏ lại tấm khăn liệm ở trong mộ đá. Khăn liệm đó là biểu tượng của sự yếu đuối phàm nhân, sự bất toàn nơi mỗi chúng ta, và chúng ta cũng phải trút bỏ hết để khả dĩ sống lại với Đức Kitô, không còn lệ thuộc vào trần tục, ngay cả Tử Thần cũng phải chịu thua. Nơi Ngài, mọi thứ hay chết đều trở nên vinh quang và vĩnh hằng. Ngài đã hiện ra bằng xương bằng thịt để minh chứng Ngài sống lại (Lc 24:36-43; Ga 20:19-20).

Yếu tố đầu tiên về sự thánh thiêng thể hiện nơi Đức Kitô phục sinh: Loại trừ mọi thứ hư hỏng, mọi thứ trần tục; giải thoát khỏi mọi khiếm khuyết, mọi yếu đuối, mọi đau khổ. Nhưng cũng có yếu tố thánh thiêng khác: Kết hợp với Thiên Chúa, tự hiến tế cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào về trời thì chúng ta mới khả dĩ hiểu Chúa Giêsu sống trọn vẹn cho Chúa Cha như thế nào. Sự sống của Đức Kitô phục sinh trở nên nguồn vinh quang vô hạn cho Chúa Cha. Đau khổ không còn chút ảnh hưởng nào nơi Ngài, mọi thứ nơi Ngài sáng chói và đẹp đẽ, mạnh mẽ và sống động.

Mt 28:1-8 cho biết: Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay”. Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay.

Chúng ta cũng được Chúa Giêsu giải thoát khỏi tội lỗi, được sống lại với Ngài, chúng ta cũng phải làm chứng về Ngài. Chúng ta phải không ngừng thắp sáng tình yêu thương, đức tin, đức cậy, và không ngừng cầu nguyện. Nguyện xin Thánh Maria Mácđala nguyện giúp cầu thay để chúng ta cũng có niềm tin kiên vững và làm chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa qua từng ngày trên đường lữ hành trần gian này.

2. Chúa Giêsu lên trời (Mc 16:14-20; Lc 24:50-51; Cv 1:1-11). Chúng ta cầu xin ơn “ái mộ những sự trên trời”. Sau khi sống lại được bốn mươi ngày, Chúa Giêsu về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Thánh Luca cho biết: “Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ, các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24:50-53).

Những sự trên trời là gì? Rất nhiều. Nói chung là những điều tốt đẹp, liên quan các nhân đức đối thần và đối nhân. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14:15). Ngài nhấn mạnh: “Ai CÓ và GIỮ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14:21). Chúa Giêsu cũng đang lặp lại những lời đó đối với mỗi chúng ta. Nếu chúng ta thực sự yêu mến Ngài, chúng ta sẽ được hưởng vinh quang của Ngài. Nếu chúng ta chân thành yêu mến Ngài, chúng ta sẽ được lên trời với Ngài sau khi chúng ta hoàn tất hành trình trần gian. Lên trời là cùng đích của cuộc đời mỗi chúng ta.

Chúa Giêsu lên trời, không phải là bỏ chúng ta, mà Ngài về trước để dọn chỗ cho chúng ta, và chính Ngài sẽ trở lại đón chúng ta đi (Ga 14:2-3). Chúa Giêsu lên trời là vào Vương Quốc vinh quang, những ai trung tín với Ngài cũng sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng nơi Vương Quốc đó. Lời hứa của Ngài luôn chắc chắn. Quả thật, Ngài cũng đã xin Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17:24). Phúc thay những người tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và yêu mến Ngài!

3. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Ga 14:23-31; Cv 2:1-11). Chúng ta cầu xin được “đầy dẫy ơn Chúa Thánh Thần”. Chúng ta quen nói là “bảy ơn Chúa Thánh Thần”, nhưng không phải chỉ bảy ơn mà nhiều ơn, và chính Ngài vẫn liên tục hoạt động trong Giáo Hội hằng ngày, tác động từng phút từng giây.

Kinh Thánh cho biết: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2:1-4). Đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài về trời: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14:16-17).

Chúa Thánh Thần đến bằng nhiều cách, rõ ràng nhất là khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Ngài đến để làm cho chúng ta can đảm làm chứng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngài đến để đổ đầy tình yêu vào lòng chúng ta, vì Ngài là Ngôi Vị Yêu Thương trong Sự Sống của Thiên Chúa. Ngài như hơi thở, nguồn hứng yêu thương vô hạn, từ đó chúng ta có thể sống trọn vẹn.

Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội phát triển không ngừng, sinh cây quả ngọt trái lành là các trinh nữ, các vị tử đạo, các anh hùng nhân đức,… Chúng ta gọi đó là các thánh. Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới dạng chim bồ câu, nước, gió, lửa. Sau Đại Hồng Thủy, bồ câu xuất hiện với nhành lá cho biết nước đã rút, đất bắt đầu có sự sống. Bồ câu cũng là biểu tượng của sự hòa bình, ai cũng khao khát hòa bình.

Nước, gió, lửa là những thứ rất mềm mà rất mạnh, không gì có thể chống lại. Thiếu nước, chúng ta khát; thiếu gió, chúng ta khó chịu; thiếu lửa, chúng ta không có đồ ăn; thiếu không khí, chúng ta chết. Chúa Thánh Thần rất cần thiết. Vì thế, Giáo Hội luôn cầu nguyện: “Veni Sancte Spiritus – Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến”.

4. Ðức Mẹ lên trời (Lc 1:41-50; Tv 45; St 3:13; Kh 12). Chúng ta cầu xin ơn được “ơn chết lành trong tay Đức Mẹ”. Ai cũng phải chết, không thể tránh được, nhưng cách chết thì chúng ta có thể chọn. Sống sao, chết vậy. Sống tốt thì chết lành, sống ác thì chết dữ. Chết lành thì mới được về trời. Đức Maria là thụ tạo đặc biệt, không phải trải qua sự chết, mà được đưa về trời cả hồn và xác.

Được về trời là được cứu độ. Nhưng làm sao để được cứu độ? Thánh tiến sĩ Thomas Aquinas nói: “Có ba điều cần để con người được cứu độ: biết mình TIN gì, biết mình MUỐN gì, và biết mình LÀM gì”. Đức Kitô mong muốn tất cả chúng ta yêu thương mọi người trong Nhiệm Thể Ngài, nhất là những người hèn mọn. Yêu người là thước đo lòng mến Chúa.

Chúng ta thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ bằng cách tán dương các đặc ân siêu phàm mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, một trong các đặc ân đó là “mông triệu” (hồn xác lên trời). Tín điều này đã được ĐGH Piô XII định tín qua Thông điệp “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa Quảng Đại), ban hành ngày 1-11-1950. Đức Maria chỉ là thôn nữ bình thường nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn theo kế hoạch cứu độ của Ngài. Quả thật, sau khi được truyền tin, Đức Maria đi thăm Chị Ê-li-da-bét, và Chị Ê-li-da-bét đã chúc mừng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lc 1:42). Lời này cũng là lời kinh Kính Mừng chúng ta cầu nguyện hằng ngày.

Cựu Ước cũng đề cập hình bóng Đức Maria qua lời ông Út-di-gia nói với bà Giu-đi-tha: “Này trang nữ kiệt, bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này. Thiên Chúa hài lòng về những việc của bà. Xin Thiên Chúa toàn năng ban cho bà nhiều ơn phúc, đến muôn thuở muôn đời” (Gđt 13:18-20; 15:10).

Đức Maria là thụ tạo mà lại được làm Mẹ Thiên Chúa. Chắc chắn lời cầu bầu của Mẹ rất hữu hiệu. Điều này đã được “kiểm chứng” tại tiệc cưới ở Cana (Ga 2:1-12). Vì thế, Thánh Phanxicô Salê đã tin tưởng và khuyên chúng ta: “Hãy chạy đến với Đức Maria, ngã vào vòng tay Mẹ với lòng tin tưởng hoàn toàn”. Nhờ Mẹ đến với Chúa là con đường an toàn và chắc chắn.

5. Ðức Mẹ được thưởng trên Trời (Kh 12:1). Chúng ta cầu xin ơn “được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng”. Giáo Hội dành cho Đức Mẹ nhiều tôn danh Nữ Vương, đặc biệt là Nữ Vương Thiên Đàng. Đó là điềm lạ mà chính Thánh Gioan đã được thị kiến: “Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12:1).

Phần thưởng chỉ dành cho người có công xứng đáng. Tuy nhiên, nữ phi công Amelia Mary Earhart (Hoa Kỳ, 1897-1937) nói: “Điều khó khăn nhất là quyết định hành động, phần còn lại chỉ là sự bền bỉ. Nỗi sợ hãi là những con hổ giấy. Bạn có thể làm bất cứ điều gì mình quyết định làm. Bạn có thể hành động để thay đổi và chi phối cuộc đời mình; và con đường, chính quá trình đó là phần thưởng. Chúa Giêsu cũng đã từng dạy chúng ta phải biết sống khiêm nhường: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17:10).

Mục đích sống của chúng ta là “sự sống đời đời”, sự sống này chỉ có ở Nước Trời mà thôi. Phương tiện sống là ơn thánh hóa, nguồn của sự thánh thiện xuất phát từ Thiên Chúa Cha, vì Chúa Giêsu đã động viên chúng ta: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Hoàn thiện để nên thánh, đó là ước muốn Chúa Giêsu dành cho mỗi chúng ta, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Hoàn tất trách nhiệm này thì chắc chắn được Thiên Chúa thưởng, tức là thỏa nguyện mà chúng ta tha thiết cầu xin: “Được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng”.

Đức Giêsu Kitô là Ađam mới, Đức Maria là Êva mới. Bà Êva là “mẹ của chúng sinh” (St 3:20). Đức Maria còn hơn Êva, vì Đức Maria là Mẹ của những người sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Ai cũng muốn được nhận phần thưởng là Nước Trời, nhưng đó mới chỉ là mong ước, vấn đề quan trọng là phải sống và biến ước mơ đó trở thành sự thật.

Thật hạnh phúc khi chúng ta có người mẹ trần gian, càng hạnh phúc hơn khi chúng ta có Người Mẹ tâm linh là Đức Maria, Thánh Mẫu Thiên Chúa. Thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ là lần Chuỗi Mai Côi. Hãy cầu nguyện chân thành với cả tấm lòng hiếu thảo của người con. Lòng yêu mến Đức Mẹ cũng là lòng yêu mến dành cho Con Yêu Dấu của Mẹ – Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Ước gì mỗi chúng ta đều biết tận hiến cuộc đời mình cho Đức Mẹ.

Quả thật, Thánh Ðamianô đã nói: “Ðược sống dưới sự che chở của Đức Mẹ là một hạnh phúc lớn lao”. Còn Thánh Denis đã xác nhận: “Đức Mẹ là nơi nương náu của những người đã hòng hư mất, là hy vọng của những người không còn hy vọng”.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …