Home / Chia Sẻ / KIỂU CHẾT

KIỂU CHẾT

KIỂU CHẾTChết là ngưng hô hấp, hết thở, ai cũng giống nhau, có gì khác mà kiểu với cách? Dĩ nhiên lúc đó ai cũng bất động như nhau, không khác gì, thế nhưng vẫn có “phong cách” khác nhau liên quan cái chết.

Kinh Thánh nói như ra lệnh: “Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều phải chết.” (Hc 8:7) Còn người Latin có thành ngữ: “Memento mori!” Ai cũng sợ chết, chỉ khác nhau về mức độ. Kiểu chết liên quan cách sống. Victor Hugo thẳng thắn nói: “Chết chẳng là gì. Không sống mới đáng sợ.”

Rất chí lý và thú vị với nhận định của Steve Jobs: “Nhớ mình sẽ chết, đó là công cụ quan trọng nhất giúp tôi thực hiện những lựa chọn lớn trong cuộc đời. Bởi vì hầu hết tất cả mọi thứ, tất cả những hy vọng phù phiếm, lòng kiêu hãnh, nỗi sợ mất mặt hay thất bại, tất cả những thứ này sẽ mờ nhạt đi khi ta đối diện với cái chết, chỉ để lại điều gì thật sự quan trọng. Hãy nhớ rằng bạn sẽ chết, đó là cách tốt nhất để tránh cái bẫy cho rằng bạn vẫn còn thứ để mất. Thật ra bạn chẳng có gì. Không có lý do để không đi theo trái tim. Không ai muốn chết. Thậm chí cả những người muốn tới Thiên Đường cũng không muốn phải chết để lên được đó. Cái chết là điểm đến của tất cả chúng ta, không ai có thể trốn thoát. Vì thế, cái chết có lẽ là phát minh tốt nhất của sự sống. Đó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó xóa cái cũ để mở đường cho cái mới. Ngay bây giờ là bạn, nhưng một ngày không xa, bạn dần dần trở nên già và bị xóa đi. Tôi xin lỗi, nếu điều đó nghe có vẻ cường điệu, nhưng đó hoàn toàn là sự thật.”

Nói chuyện chết chóc không là bi quan mà vẫn lạc quan, không là xui xẻo mà vẫn rất hên, vì nhờ vậy mà biết tỉnh thức và sẵn sàng. Có cái chết lành và có cái chết dữ, đó là kiểu chết theo tâm linh. Có một kiểu chết cũng đáng quan ngại, đó là kiểu chết này: “Hầu hết con người chết trước khi tắt thở, chết bởi tất cả những khát khao trần tục, vậy nên hơi thở cuối cùng chỉ là chiếc khóa trên cánh cửa của tòa nhà đã hoang vắng.” (Oliver Wendell Holmes) Mark Twain cho biết: “Nỗi sợ cái chết đến từ nỗi sợ cuộc sống. Người sống được hết mình luôn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào.” Rất đúng với ý của Chúa Giêsu.

Là phàm nhân, chắc chắn ai cũng phải chết, trở về nơi mình phát xuất, như Thiên Chúa đã cho biết: “Từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3:19) Tuy nhiên, chúng ta thấy có những người chết khổ, chứ không chết hèn hoặc chết nhục, còn có những người lại chết sang, chết sướng mà vẫn hèn và nhục. Ôi chao, chết mà vẫn có giai cấp! Thật ư? Đúng. Trình thuật Lc 16:19-31 đề cập hai dạng chết đó qua dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó.

Thánh Luca cho biết: Có ông nhà giàu mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có người nghèo khó Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được ăn những thứ rớt xuống từ bàn ăn của ông nhà giàu, nhưng cũng chẳng có mà ăn. Mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc trên thân thể Ladarô. Rồi Ladarô chết và được thiên thần đem vào lòng Tổ Phụ Ápraham, còn  Ông nhà giàu chết và được an táng, chắc là đám tang lớn lắm.

Về phần đời, ông nhà giàu “chết sướng” chứ chẳng như đám ma của dân nghèo. Về tâm linh, ông ta phải vô âm phủ và chịu cực hình. Khi đó, ông ta ngước mắt lên thấy Tổ Phụ Ápraham ở đàng xa, thấy có cả Ladarô nữa. Bấy giờ ông ta van xin Tổ Phụ Ápraham thương xót mà sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước rồi nhỏ trên lưỡi ông ta cho mát mẻ, vì ông ta bị lửa thiêu đốt khổ lắm.

Tổ Phụ Ápraham ôn tồn: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô SUỐT MỘT ĐỜI CHỊU TOÀN NHỮNG BẤT HẠNH. Bây giờ, Ladarô ĐƯỢC AN ỦI nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một VỰC THẲM LỚN, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng KHÔNG ĐƯỢC, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng KHÔNG ĐƯỢC.” Công lý nghiêm minh, công bằng rạch ròi.

Xin cho mình không được, ông nhà giàu lại xin cho người khác: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” Tổ Phụ Ápraham nói ngay rằng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, chúng cứ nghe lời các vị đó. Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ thì họ sẽ ăn năn sám hối.” Tổ Phụ Ápraham xác định: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.” Trực tiếp mà còn chưa hiệu quả thì nói chi gián tiếp, nghe qua người khác. Hai kiểu chết “tiêu biểu” rất đáng suy tư – nhất là trong Mùa Cầu Hồn này.

Giống nhau về kiếp người và với một cuộc đời để sống, thế mà kẻ thì khốn khổ, người thì sung sướng. Ladarô chịu kiếp nghèo mà phải khổ, khổ tới tận cùng, chết mà vẫn khổ, mà chết khổ thì bị coi là chết hèn. Còn ông nhà giàu dư tiền thừa của, tiệc tùng linh đình, ngồi mát ăn bát vàng, karaoke ồn ào bất kể ngày đêm, họ có chết vẫn sung sướng, sang trọng.

Cuộc sống đời thường cho thấy rằng cái chết của người nghèo thực sự cô đơn, lạc loài, âm thầm, lặng lẽ, lạnh lẽo như chùa bà đanh, chẳng ai phúng điếu, thế nên người ta gọi là “đám ma.” Còn cái chết của người giàu rất hoành tráng, rầm rộ, nhộn nhịp, khắp nơi thấy giăng cờ, treo phướn, trống to kèn lớn, nhiều hội đoàn phúng điếu nườm nượp, thế nên người ta gọi là đám tang. Hai con người, hai kiểu chết. Một kiểu chết khổ và một kiểu chết sướng. Nhà nghèo sống khổ mà chết vẫn hèn, nhà giàu sống sướng mà chết vẫn sang.

Kinh Thánh nhắc nhở: “Hãy nhớ rằng cái chết không trì hoãn đâu, và ngày hẹn của âm phủ, con nào có biết! Mọi xác phàm như chiếc áo, thảy đều mòn hao, vì quy luật muôn đời là: chắc chắn con sẽ phải chết.” (Hc 14:12 và 17) Có một kiểu chết xem chừng đơn giản mà lại rất nhiêu khê: “Sống hay chết đều do cái lưỡi, ai yêu chuộng nó, sẽ lãnh nhận hậu quả.” (Cn 18:21)

Đám ma chẳng xa đám tang, đám tang cũng ngang đám ma, nhưng hai “đám” có gì đó rất khác xa nhau! Tại ai?

Chết sướng hay chết khổ, chết sang hay chết hèn, đó là cách nhận xét của loài người. Đối với Thiên Chúa, mọi người đều bình đẳng, chẳng ai hơn hay kém. Vấn đề quan trọng đáng quan tâm hơn, và phải lưu ý đặc biệt, là “chết bẩn” hay “chết sạch” – tức là chết dữ hay chết lành.

Có kiểu chết khác nhau thì cũng có cách khóc khác nhau. Kinh Thánh nói: “Hãy khóc thương kẻ ly trần, vì nó đã mất ánh sáng; hãy khóc thương đứa ngu đần, vì nó đã mất trí khôn. Khóc người chết thì khóc ít thôi, vì nó đã được yên nghỉ; còn đứa ngu đần, tuy sống mà tệ hơn là chết. Khóc than người chết chỉ có bảy ngày, còn đứa ngu đần và đứa vô đạo, thì phải khóc than chúng bao lâu chúng còn sống.” (Hc 22:11-12)

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. (Tv 51:3-5) Lạy Mẹ Maria, xin cho con được chết lành trong tay Mẹ, xin phù hộ cho con và các linh hồn được thưởng cùng Mẹ trên Thiên Quốc. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Đêm thượng tuần tháng 11-2020

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG