Home / Chia Sẻ / KIÊN CƯỜNG

KIÊN CƯỜNG

Nước Nam Bé Nhỏ Nhưng Không Khiếp Nhược

Người Việt Kiên Cường Quyết Chẳng Quy Hàng

KIÊN CƯỜNGVĩ nhân Mahatma Gandhi đã xác định: “Strength does not come from physical capacity, it comes from an indomitable will. – Sức mạnh không đến từ năng lực thể chất, nó đến từ ý chí bất khuất.” Kiên cường là đức tính cần thiết trong cuộc sống – cả đời và đạo. Tín nhân Công giáo Việt Nam đã bị bách hại gần 300 năm thì không phải là ít – từ thế kỷ 17 tới 19, với 53 sắc chỉ cấm đạo. Thật kinh khủng!

Trong khoảng thời gian đó, tiền nhân của chúng ta chịu tra tấn đủ kiểu: Bào Cách – trói vào cột lửa cho đến chết, Tẫn Hình – cắt xương bánh chè, Xử Giảo – treo cổ, Lăng Trì – tùng xẻo, lóc thịt theo tiếng cồng chiêng, và còn nhiều cách khác như xỏ mũi, xâu tai, phanh thây, voi giày, ngựa xéo,… Ác nhân dã man vô cùng!

Trong chế độ quân chủ chuyên chế, theo quan niệm Nho giáo, vua là “thiên tử” nên có quyền sinh sát: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung.” Vua cho sống thì được sống, bắt chết thì phải chết, chống lại là khi quân, không chịu chết là bất trung. (sic!) Các vị Tử đạo Việt Nam đã vùng lên giành quyền dân chủ, vua chỉ là người được Thiên Chúa ban quyền điều hành đất nước mà thôi, mọi người đều là “tứ hải giai huynh đệ.” Không ai có quyền sát nhân, chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền sinh tử. (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13; Tb 13:2; x. Tv 30:4) Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu đã chết vì nhân loại, dù Ngài là Thiên Tử đích thực.

Quan nhất thời, dân vạn đại. Chính phủ nào không vì dân thì không thể tồn tại. Người dân làm chủ đất nước chứ không phải chính quyền – vua chúa, quốc vương hoặc tổng thống. Vì thế, tiền nhân Việt Nam chân chính đã can đảm chống lại cái sai của vua chúa thời đó, dám chết cho giá trị của Nền Dân Chủ cao quý để bảo vệ Chân Lý và Công Lý, đặc biệt là chết để bảo vệ đức tin.

Thời gian cấm đạo dữ dội nhất là thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Thời kỳ đó đã có hàng trăm ngàn vị tử đạo. Người Công giáo ở cả miền Bắc và miền Trung đều bị bách hại đủ kiểu, vì thế họ đã tìm cách di cư vào Nam để có thể tự do tôn thờ Thiên Chúa, nhiều nhất là cuộc di cư tháng 7-1954. Tự do không là loại “freeware” nên phải đi tìm bằng mọi giá.

Đại văn hào Victor Hugo (1802-1885, Pháp) đã cảm nhận: “Chết cho tình yêu là sống trong tình yêu.” Chỉ có những người yêu thật mới khả dĩ hiểu được. Tiền nhân Việt Nam đã chứng minh tình yêu đó. Kinh Thánh cho biết: “Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình. Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử.” (Kn 3:2-4) Với tầm nhìn của phàm nhân, họ là những người thua thiệt, dại dột, thậm chí là ngu xuẩn, nhưng thật ra họ lại được phần gia nghiệp đời đời là chính Thiên Chúa.

Sinh tử là quy trình làm người. Ai cũng chỉ sống một lần và cũng chỉ chết một lần. Do đó, phải cố gắng sống có ý nghĩa và chết cho hợp lý. Mỗi người chỉ có một cuộc đời, hơn thua nhau là sống khôn hay xả láng. Chỉ là chuyện “không tưởng” đối với khái niệm kiếp luân hồi. Cuộc sống không quan trọng ở chiều dài mà quan trọng ở chiều sâu. Ai cũng chỉ có một cuộc đời nhưng số phận có thể khác nhau, Kinh Thánh phân biệt số phận của người công chính và số phận của phường vô đạo. Cái chết có ý nghĩa chứng tỏ cuộc đời người đó xứng đáng: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:10)

Cuộc sống được gọi là đời thường nhưng lại bất thường, vì có quá nhiều thứ nhiêu khê. Vì thế, người ta luôn phải cảnh giác không ngừng, cả tinh thần lẫn thể lý. Một trong các thứ cần phải luôn cảnh giác là những người chúng ta giao tiếp hằng ngày, như Thánh Phaolô đã nói: “Chơi với kẻ xấu, người tốt cũng ra xấu.” (1 Cr 15:33) Cần phải “cẩn tắc vô ưu” là vậy. Người Việt cũng có những cách nói tương tự: “Chọn bạn mà chơi,” hoặc “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.” Sờ vào bùn đất thì chắc chắn tay vấy bẩn, sống trong môi trường ô nhiễm thì không thể tránh bệnh tật. Yếu thì đừng hóng gió, ngó mưa.

Có thể có chút cường điệu, nhưng đó là điều mà chúng ta phải công nhận lời ví von của Giradin: “Tình yêu chỉ sống được nhờ đau khổ. Sống trong hạnh phúc, tình yêu sẽ chết dần mòn.” Chính đau khổ và hy sinh chất tiết ra từ tình yêu chân thật. Còn Bussy Rebutin so sánh: “Tình yêu trong xa cách ví như ngọn lửa trong gió, gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn.” Đó là cách ví von về tình yêu đôi lứa, nhưng vẫn có ý nghĩa đối với các dạng tình yêu khác, kể cả tình mến mà chúng ta dành cho Thiên Chúa. Tình yêu như ngọn lửa, rất mềm mà lại rất mạnh. Có thể dập tắt một đốm lửa dễ dàng, nhưng khó dập tắt một ngọn lửa lớn.

Các tôi trung luôn đặt trọn niềm vui và hy vọng vào Thiên Chúa, hoàn toàn tín thác nơi Ngài. Họ THEO ĐẠO thì quyết GIỮ ĐẠO, cụ thể là can đảm SỐNG ĐẠO dù bị cấm cách hoặc bách hại. Chuyện tất yếu như quy luật bất biến: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.” (Tv 126:5) Các thánh tử đạo Việt Nam đã thấy được phía sau những gì đang xảy ra với chính mình lúc đó, như Thánh Vịnh nói: “Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.” (Tv 126:6) Hy vọng của họ bừng sáng và bất diệt.

Lữ hành trần gian là cuộc tử đạo liên lỉ từng ngày. Tử đạo kiểu nào cũng có cái khó riêng, chẳng có cách tử đạo nào dễ dàng, nhẹ nhàng, thoải mái. Tử đạo kiểu nào cũng có nét đặc trưng, nếu không can đảm thì không thể vượt qua chính mình. Chính Chúa Giêsu đã minh định: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10:22; Mt 24:13; Mc 13:13)

Trước đó, Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt 10:17-18) Lời tiên báo đó đã và đang xảy ra khắp nơi trên thế giới, cụ thể là ở Việt Nam, càng ngày càng có xu hướng gia tăng chứ chẳng giảm bớt. Thật đáng sợ với mưu thâm kế độc, nhưng đừng hoang mang hoảng sợ, vì Ngài căn dặn: “Khi người ta nộp anh em thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (Mt 10:19-20) Chắc chắn không gì ngoài Ý Chúa.

Tiền nhân Việt Nam cũng là con Rồng cháu Tiên, cũng sinh trưởng trên dải đất chữ S nhỏ bé này, ở một đất nước như chúng ta, với nhiều thứ giống như chúng ta: hoàn cảnh sống, hít thở, ăn uống,… thế nhưng các ngài đã viết nên Huyết Tình Ca tuyệt vời bằng chính những giọt máu đào. Có thể chúng ta không viết bản đời mình bằng máu tử đạo, nhưng chúng ta có thể viết bằng cách khác: Âm thầm chịu đựng đau khổ vì Chúa. Đó cũng là một cách tử đạo liên lỉ, sinh ích cho chính mình và các linh hồn. Không ai có thể viết thay, chỉ có chính mỗi chúng ta tự viết mà thôi.

Kính mừng chư thánh tử đạo Việt Nam, chợt nhớ danh tướng Trần Bình Trọng đã chống quân Nguyên – Mông năm 1285. Bị giặc bắt nhưng ông vẫn khẳng khái nói: “Tôi thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.” Một tấm gương sáng về tính cương trực và lòng ái quốc.

Làm người phải “đứng thẳng” như vậy, chứ không hèn nhát khom lưng bưng bô cho kẻ khác. Ngài Thomas Jefferson (1743-1826), tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, xác định: “Nếu pháp luật bất công, người ta không chỉ phải bất tuân mà còn bắt buộc phải làm như vậy.” Thánh GH Phaolô VI cho biết: “Chính trị là một dạng bác ái cao nhất.” Tổng thống Trần Khánh Viêm (Singapore) định nghĩa đơn giản mà chí lý: “Chính trị không phải là điều gì lớn lao. Chính trị là dám nói lên những gì mình không thích, không muốn. Chính trị là dám chống lại cái sai của những người lãnh đạo và quản lý tài sản của chính các bạn đóng góp.”

Thiên Chúa đã thẳng thắn nói với ngôn sứ Giêrêmia: “Hãy chỗi dậy! HÃY NÓI với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi ĐỪNG RUN SỢ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.” (Gr 1:17)

Lạy Thiên Chúa, xin cứu chữa Việt Nam và cả thế giới khỏi sự dữ. Xin ban thêm can đảm, gia tăng tin yêu, thúc đẩy ý chí bất khuất trước mọi cái ác ở đời này. Xin các thánh tử đạo Việt Nam đồng hành với chúng con và luôn nguyện giúp cầu thay. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN