Home / Giáo Dục Kito Giáo / KHUYẾN KHÍCH TRẺ NÓI THẬT

KHUYẾN KHÍCH TRẺ NÓI THẬT

hChúa Giêsu luôn thẳng thắn, trực tính, chẳng thiên vị, chẳng vị nể ai, không xét người theo bề ngoài, cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa (Mt 22:16; Mc 12:14; Lc 20:21). Vì sự thật mà Ngài bị giết chết thê lương. Thánh Gioan Tẩy Giả cũng bị bay đầu chỉ vì dám nói thẳng, nói thật (x. Mt 14:3-11; Mc 6:17-19).

Chúa Giêsu không hề úp mở: “Có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”; thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5:37). Nhưng vì “con cái đời này khôn ngoan hơn con cái sự sáng” (Lc 16:8) nên người ta đã thoái hóa và “biến chất”, không còn “nhân chi sơ tính bổn thiện” nữa. Thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7).

Nói thẳng, nói thật là tôn trọng và can đảm bảo vệ chân lý. Đó là công lý. Thế nhưng những người đó lại bị người ta cho là “khó chịu”, bị ghét bỏ, bị xa lánh, thậm chí còn bị hại. Họ dại hay khôn? Đa số có thực sự đúng? Thiểu số có là lập dị? Nên theo Chúa bằng lời nói hay bằng hành động?

Trẻ em là mầm non của xã hội, là rường cột của đất nước, là tương lai của Giáo hội, thế nên chúng ta phải dạy chúng chân thật từ nhỏ và từ những điều bình thường nhất.

Nếu bắt gặp trẻ nói dối, đừng vội lo sợ mà rầy la chúng. Nói dối cũng là một phần bình thường của tuổi thơ, và đa số trẻ em đều nói dối ở một giai đoạn nào đó trong độ tuổi nào đó. Nhưng quan trọng là cha mẹ phải nhắc nhở chúng rằng sự chân thật luôn là điều tốt. Cha mẹ cũng nên lưu ý chúng để kiểm soát xem chúng có khuynh hướng nói dối hay không, nếu có thì phải tìm ra nguyên nhân.

TẠI SAO TRẺ NÓI DỐI?

Có nhiều lý do khiến trẻ nói dối:

– Che giấu điều gì đó mà chúng đã làm sai và sợ bị la rầy hoặc sợ bị phạt.

– Hỏi cha mẹ và để ý cách phản ứng.

– Muốn tạo sự chú ý.

– Tìm cách xử lý tình huống.

– Không muốn làm tổn thương ai đó.

– Muốn bảo vệ người khác.

KHI NÀO TRẺ BẮT ĐẦU NÓI DỐI?

Khoảng 3 tuổi, trẻ bắt đầu hiểu rằng người lớn không phải lúc nào cũng biết chúng có nói dối hay không, và chúng nhận ra rằng nói dối có thể giúp chúng khỏi gặp rắc rối khi chúng sai lầm.

Khoảng 4 tuổi đến 6 tuổi, trẻ khôn khéo hơn để “bịa chuyện”, dù có thể chúng dễ bị phát hiện. Một số trẻ thích “bịa chuyện”, và chúng khoái chí khi làm người lớn phải chú ý. Khuynh hướng nói dối của trẻ “chi tiết” hơn khi chúng đi học. Ở tuổi này, trẻ sẽ tạo biên độ và kết quả, nói dối là cách để chúng làm điều đó.

Khi lớn hơn, chúng phát triển hiểu hơn về cách nghĩ của người khác, và khi 8 hoặc 9 tuổi, nhiều trẻ em có thể nói dối “tinh vi” hơn nên khó phát hiện. Chúng biết nói dối là cách khước từ trách nhiệm về hành động của mình hoặc có thể thoái thác việc mà chúng không muốn làm, và chúng cố gắng dùng cách này tới mức tối đa.

Khi lớn hơn, chúng bắt đầu nhận ra rằng nói dối “trắng” (tức là không có ý xấu, là “nói dối vô tội”) có thể là cách tránh làm tổn thương người khác, và chúng sẽ sử dụng nếu chúng muốn “lấy lòng” người khác.

KHI NÓI DỐI LÀ VẤN ĐỀ NGHIÊM TRỌNG

Đa số trẻ em đều có chút “khoác lác” – một phần trong quá trình phát triển của trẻ. Chúng cũng biết, thường là từ cha mẹ, rằng “nói dối vô tội” có thể tránh làm tổn thương người khác, và nói dối để che giấu điều gì đó có thể là “chiến thuật thành công”. Mặc dù không nên khuyến khích nói dối, những điều này vẫn là những ví dụ về cách cư xử khá bình thường.

Tuy nhiên, một số trẻ có thể gặp rắc rối về cách nói dối cứ lặp đi lặp lại, rồi có thể trở thành thói quen xấu. Trong một số trường hợp, chúng có thể bịa những chuyện ranh ma khiến người khác gặp rắc rối. Điều này có thể là dấu hiệu rắc rối về cảm xúc và cần phải tìm căn nguyên của vấn đề khiến chúng hành động như vậy.

Trong một số trường hợp khác, nói dối có thể là “tiếng kêu cứu”, và cách cư xử này là cái cần coi chừng. Nếu theo sau là sự lo lắng, như vì đã ăn cắp hoặc làm tổn thương người khác, cần phải nhờ các chuyên gia tâm lý.

LÀM SAO KHUYẾN KHÍCH TRẺ NÓI THẬT?

– Hãy làm gương tốt.

– Hãy nói thật và không biện hộ hoặc nói dối đùa.

– Hãy có “nội quy” rõ ràng về điều gì được làm và điều gì không được làm. Nói về một người không hại ai nhưng nói dối thì người đó không tốt, hoặc một cầu thủ bóng đá giỏi nhưng gian dối thì không ai cho tham gia đội tuyển. Như vậy, nói dối là che giấu điều sai trái.

– Hãy nói rõ rằng cha mẹ sẽ không buồn nếu chúng sai lầm mà dám thú nhận, nhưng nếu chúng nói dối thì cha mẹ rất buồn. Hãy rạch ròi giữa việc nói dối và cách cư xử gây hậu quả trong động thái nói dối.

– Hãy khen khi trẻ “tự thú” điều lầm lỗi chứ không che giấu hoặc nói dối quanh.

– Hãy giải thích rằng nói dối gây mất lòng tin, nếu chúng thường xuyên nói dối, không ai dám tin nữa.

– Hãy phạt tương xứng với lỗi lầm. Chẳng hạn, nếu chúng nói dối về việc đi chơi với bạn bè vì chúng biết không được phép, có thể cấm chúng gặp bạn bè vài ngày để chúng nhận biết sai lầm của mình.

Chúa Giêsu – Đấng là con đường, sự thật và sự sống (Ga 14:6) – đã xác định: “Sự thật sẽ giải phóng quý vị” (Ga 8:32). Như vậy, sự thật rất quan trọng, vì sự thật chính là chân lý. Không ai lại không cần chân lý. Và chỉ qua “con đường” đó thì chúng ta mới khả dĩ đến được với Chúa Cha mà thôi. Đó là lý do rất cần thiết để chúng ta khuyến khích trẻ nói thật!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …