Home / Chia Sẻ / KHUÔN MẶT CON NGƯỜI

KHUÔN MẶT CON NGƯỜI

KHUÔN MẶT CON NGƯỜITôi nhớ lại cuộc trò chuyện với một cô gái trẻ, cô xác định rằng cô không tin Chúa. Tôi nói với cô: “Nếu bạn không tin vào Chúa thì bạn tin vào cái gì?” Cô gái nói: “Tôi tin vào đức hạnh.” Tôi nói: “Vậy tất cả những gì bạn cần làm là coi trọng đức hạnh.” Bây giờ, tôi không thể xác định mình đã giữ vai trò quan trọng trong sự cải đạo tiếp theo của cô ấy hay không, cả về niềm tin vào Chúa và Giáo hội Công giáo, nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã có cơ sở vững chắc khi ám chỉ đến ý nghĩa đạo đức của khuôn mặt.

Chúng ta cần nhiều hơn sự trừu tượng để sưởi ấm trái tim và thúc đẩy chúng ta làm những điều tốt đẹp. Bạn tôi tiếp tục viết hai cuốn sách rất hay ca ngợi hôn nhân và gia đình. Mong muốn cuối cùng của tất cả con người là một ngày nào đó được nhìn thấy Khuôn Mặt của Chúa. Nhưng trong cuộc lữ hành trần gian, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu Khuôn Mặt Ngài trên khuôn mặt của người khác.

Theo chặng Đàng Thánh Giá thứ 6, bà thánh Veronica đã thấy Khuôn Mặt Thiên Chúa, bà đã cảm động và lau mặt cho Ngài. Chúa Giêsu bày tỏ lòng biết ơn bằng cách để lại dấu Khuôn Mặt Ngài trên tấm vải mà bà đã dùng. Chúng ta không biết tên thật của Thánh Veronica. Tên Veronica được đặt như vậy bởi vì Chúa Giêsu đã cung cấp cho bà “hình ảnh thật” về dung mạo Ngài, một dung mạo tồn tại rất lâu sau khi Ngài phục sinh và đem đến cho thế giới lời nhắc nhở về ý nghĩa đạo đức của khuôn mặt con người. Khuôn Mặt Chúa Giêsu trên tấm khăn của Thánh Veronica đem đến cho thế giới một thông điệp tiếp nối Tin Mừng, không nói bằng lời mà bằng những cảm xúc, tính cách và tâm hồn của Thiên Chúa hằng sống. Tương tự, khuôn mặt chúng ta thể hiện với người khác cũng có sức thuyết phục hơn lời nói.

Các triết gia chính thống chưa quan tâm nhiều đến ý nghĩa đạo đức của khuôn mặt. Nhưng điều này không xảy ra với Max Picard (1888-1965), một nhà tâm thần học và triết gia người Thụy Sĩ. Ông được mệnh danh là “Thi Sĩ của Khuôn Mặt Con Người.” Trong cuốn “The Human Face” (Khuôn Mặt Con Người) xuất bản năm 1929, Picard nói với chúng ta rằng khi chúng ta nhìn vào một khuôn mặt con người, toàn bộ con người chúng ta bị ấn tượng bởi đó là lời kêu gọi nối kết tâm hồn với nhau. Thiên Chúa ở trong mọi khuôn mặt. Như vậy, chúng ta có thể trải nghiệm mối quan hệ trực diện với Thiên Chúa, không gian can thiệp tràn ngập tình yêu. Buồn thay, Picard xác nhận rằng không gian này đã bị trục xuất trong thế giới hiện đại. Con người đã xâm nhập nơi Thiên Chúa ngự. Việc đánh mất tình yêu đã kết hợp con người với Thiên Chúa trong mối quan hệ trực diện này đã khiến con người hiện đại rơi vào tình trạng cô đơn.

Có lẽ khoảng không gian giữa khuôn mặt của Thánh Veronica và Chúa Giêsu tràn đầy tình yêu. Hơn nữa, tình yêu giữa hai người là mẫu mực cho mọi mối quan hệ trực tiếp giữa con người với nhau. Trong thế giới đương đại, mối quan hệ mặt đối mặt đang biến mất khi con người tập trung vào vật chất mà không thể mỉm cười với nhau và bộc lộ con người bên trong của mình. Khuôn mặt đã được thay thế bằng vẻ mặt bề ngoài.

Một nhà tư tưởng khác quan tâm nhiều đến khuôn mặt con người là Emmanuel Levinas, triết gia người Pháp sinh tại Lithuania và có nguồn gốc Do Thái. Ông đã xây dựng “Triết Học Khuôn Mặt,” trong đó điểm khởi đầu của triết học là nhìn vào khuôn mặt người khác. Trong cuốn “Totality and Infinity” (Toàn Bộ và Vô Hạn), ông nói rằng chữ đầu tiên của khuôn mặt là “Chớ Giết Người.” Đó là một giới răn được khắc ghi trong cấu trúc của mỗi khuôn mặt. Đó là giới răn có sức thuyết phục hơn lời nói. Một mệnh lệnh khác được viết trên mặt là “Đừng Để Tôi Cô Đơn.” Levinas viết: “Theo tôi, cái Vô Hạn xuất hiện dưới hình thức biểu đạt của khuôn mặt. Khuôn mặt tượng trưng cho Vô Hạn.” Theo ông, tiếp cận khuôn mặt cũng là khả năng tiếp cận ý tưởng về Thiên Chúa.

Điều trớ trêu chính trong các chặng Đàng Thánh Giá là điều răn “chớ giết người,” được viết trước mặt Chúa Giêsu và khắc trên tấm khăn của Thánh Veronica, lại không được những kẻ đóng đinh Ngài công nhận và bị phủ nhận. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã để lại một thông điệp cho tất cả chúng ta phải chú ý. Hãy nhìn vào khuôn mặt của người khác và bạn sẽ tìm thấy mệnh lệnh phải yêu thương. Khuôn mặt nói lên sự thật thể hiện mệnh lệnh đạo đức. Người ta nói rằng rất khó để nói dối khi một người đang nhìn thẳng vào mặt người khác. Khi bị phủ nhận, sự thật của khuôn mặt sẽ ám ảnh kẻ nói dối rất nhiều như đã ám ảnh người kể chuyện trong “Tell-Tale Heart” của Edgar Allan Poe.

Họa sĩ René Magritte, người Bỉ, đã thực hiện một số bức tranh mô tả một người đàn ông và một người phụ nữ đang ôm nhau, trong khi đầu họ được che phủ hoàn toàn bởi một tấm vải trắng. Họ không thể nhìn thấy khuôn mặt của nhau. Những hình ảnh này là biểu tượng của thế giới xa lánh ngày nay, trong đó con người vẫn còn xa lạ với nhau. Chủ đề này đã được nhiều nghệ sĩ lặp lại nhiều lần. Một cách khác để thể hiện sự cô lập, sự cô đơn và sự xa cách là không có những mối quan hệ trực diện – mặt đối mặt.

Thánh Veronica cống hiến cho thế giới ngày nay một bài học vô cùng quan trọng. Bà nói với chúng ta rằng con đường dẫn đến tình yêu bắt đầu từ những mối quan hệ trực diện. Chúng ta phải dành thời gian để nhìn vào mặt nhau. Sau đó, chúng ta sẽ thấy chân dung của một linh hồn phản ánh Tình Yêu mà Thiên Chúa dành cho tất cả những ai được tạo dựng theo hình ảnh Ngài.

TS DONALD DEMARCO

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …