Home / Chia Sẻ / KHÚC NHÔI

KHÚC NHÔI

KHÚC NHÔINợ Phong Trần Đương Nhiên Phải Trả
Đời Thế Tục Khắc Khoải Khôn Nguôi

Là con người, không ai lại không có những nỗi niềm, những chuyện lòng, những nỗi lòng, những tâm sự riêng tư và thầm kín, đôi khi rất khó nói ra. Trẻ em có nỗi niềm riêng của trẻ em, người lớn có nỗi niềm của người lớn, nam hoặc nữ cũng có nỗi niềm đặc trưng theo giới tính và tuổi tác.

Nỗi niềm còn gọi là “khúc nhôi” – cũng gọi là “khúc nôi.” Đó là điều mà ai cũng có nên cần có người để tâm sự. Chắc hẳn ai cũng đã từng ưu tư phiền muộn giữa cuộc đời này, như Kinh Thánh nói: “Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi.” (Ac 3:20) Người ta có nhiều nỗi niềm lắm, bởi vì “đời là bể khổ,” nỗi niềm chẳng bao giờ nguôi ngoai, và nó chỉ hết khi người ta tắt thở mà thôi!

Khi sinh ra, ai cũng cất tiếng khóc chào đời. Chào đời là vui mà lại khóc chứ không cười. Kỳ lạ thật! Đau khổ như phần cứng được cài đặt mặc định, gọi là “định mệnh” an bài, như Chúa Giêsu đã nói: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6:34) Kinh Thánh nói: “Từ bậc vua chúa trên ngai vinh hiển đến kẻ cùng đinh chân lấm tay bùn, từ người cân đai áo mão đến kẻ khố rách áo ôm, ai cũng đều giận dữ, ghen tương, băn khoăn, lo lắng, rồi sợ chết, rồi hận thù cãi cọ” (Hc 40:3-4) Con người phức tạp quá!

Kinh Thánh cho biết nỗi khổ của ông Gióp, khổ đến tột cùng, và ông khốn khổ quá đỗi, vì ngay cả người vợ cũng nguyền rủa ông. Chắc hẳn ông cũng thấy buồn nên ông đặt vấn đề: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?” (G 7:1) Ông hỏi cũng là cách ông trả lời. Ông so sánh: “Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công. Gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.” (G 7:2-3)

Đó là thực tế của kiếp người, vì ai cũng tay trắng khi sinh ra và vẫn trắng tay khi chết đi. Vậy mà người ta vẫn tìm cách giành giật và kèn cựa nhau đủ kiểu, thậm chí giết người khác vì chút lợi lộc cho mình. Có thể ví giọt nước mắt là “biểu tượng” của kiếp người, bởi vì cuộc đời buồn nhiều hơn vui, và luôn bị giằng co dữ dội, như Thánh Phaolô đã từng thú thật: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7:19)

Thi sĩ Cao Bá Quát có cách nhìn độc đáo: “Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy? Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.” Tính khôi hài có thể làm cho nỗi khổ bớt cay đắng, bớt nghiệt ngã. Đau mà vẫn cười, đó là khôn khéo. Chính Chúa Giêsu đã phải trải qua gian khổ mới tới vinh quang. Tin tưởng là điều cần thiết trong cuộc sống – tin người và tự tin. Về tâm linh, niềm tin còn cần thiết hơn, và đó là đức tin.

Chuỗi đời “sinh – lão – bệnh – tử” là quy trình tự nhiên của đời người, và cũng là quy luật muôn thuở. Càng than thở càng khổ sở. Hãy học cách thức của đóa hoa: mặc cho giông tố, hoa vẫn nở rạng rỡ, mặc cho mưa gió, hoa vẫn tươi nở dù sẽ bị tan vỡ.

Sống khôn hay dại là do mình: “Kẻ ngu si không kìm được giận dữ, người khôn khéo biết nén nhục nuốt sầu.” (Cn 12:16) Tự giúp mình rồi trời sẽ giúp. Sau cơn hạn, trời lại mưa; sau cơn mưa, trời lại sáng. Điều quan trọng là kiên trì cầu nguyện: “Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu.” (Tv 90:15)

Vui thì cứ cười nhưng đừng quá lố, giống như rượu cứ uống nhưng đừng quá chén. Buồn thì cứ khóc nhưng đừng ủy mị, bi quan, yếm thế. Cứ đứng thẳng người, đừng cúi đầu khom lưng trước bất kỳ ai!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con không ngừng cố gắng vẽ bức-tranh-cuộc-đời-con bằng chính nét-cọ-số-phận của con theo ý Ngài. Xin cho danh Ngài cả sáng, và xin cho con có thể sinh hoa kết trái theo ý Ngài an bài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …