Home / Chia Sẻ / KHÔNG THỂ LÀM THINH

KHÔNG THỂ LÀM THINH

1-13-2020 8-40-14 PMMọi nơi và mọi lúc, ở đâu cũng có những điều CẤM làm, có những điều NÊN làm, có những điều PHẢI làm. Các mức độ hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, nói một điều gì đó – có thể nên hoặc không nên nói, cấm nói hoặc phải nói. Theo truyền thống hội đường Do Thái, luật gồm 613 điều – 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Điều CẤM LÀM nhiều hơn điều PHẢI LÀM. Nếu chia đều một năm, mỗi ngày có một điều cấm. Kinh khủng thật!

Trong cuộc sống, người ta có câu tục ngữ:“Im lặng là vàng.”Kinh Thánh xác định: “Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn.” (Cn 10:19)Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng nên im lặng, có những lúc không thể không nói, không thể im lặng, nghĩa là không chỉ NÊN nói mà còn PHẢI nói – thậm chí là cần nói nhiều. Và lúc đó, “lời nói còn quý hơn quà tặng.” (Hc 18:16)

Lời nói thực sự quan trọng, tại sao vậy? Kinh Thánh cho biết: “Nhờ lời nói mà người ta biết được ai khôn ngoan, do phát biểu mà biết được trình độ học vấn.” (Hc 4:24) Và còn hơn thế nữa: “Vinh hay nhục đều ở lời nói cả, và cái lưỡi chính là mối họa cho con người.” (Hc 5:13) Vì lý do đặc biệt là “ai cũng lầm lỗi trong lời nói của mình.” (Hc 19:16) Thật đáng quan ngại!

Lời liên quan Lưỡi (2 L), và Lưỡi liên quan Lời. Nếu không có lưỡi, người ta không thể nói, có lưỡi mà chỉ ngắn một chút thôi cũng không thể phát âm rõ, nghĩa là nói không chuẩn lời. Và lời nói liên quan các hệ lụy khác nữa.

Lời nói liên quan việc làm chứng.Chứng nhân là người kiên trì và trung tín làm chứng về một điều gì đó để bảo vệ Chân Lý và Công Lý, đặc biệt là làm chứng về Đức Kitô, Đấng-nhập-thể-và-nhập-thế. Chúa Giêsu ra lệnh: “KHÔNG ĐƯỢC LÀM CHỨNG GIAN.” (Mt 19:18) Chính Ngài đã xác định với chúng ta: “Việc Thiên Chúa muốn quý vị làm là tin vào Đấng mà Người đã sai đến.” (Ga 6:29) Tin nhận Chúa Giêsu là tin nhận và tôn vinh Chúa Cha.

Lời nói liên quan hành động, việc làm. Làm chứng là công việc cần thiết, nhưng hành động đó dễ khiến người ta đề cao cái tôi của mình, thế nên cần lưu ý: Cứ cố gắng làm theo khả năng Chúa ban, (1 Cr 3:5) đừng quá chú trọng kết quả, vì kết quả thế nào là tùy vào Chúa. Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.” (1 Cr 3:6) Và ông xác định: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.” (Ep 2:10) Đó là bổn phận và trách nhiệm của mọi người.

Ngôn sứ Isaia cho biết Thiên Chúa tiếp tục nói về Đức Kitô qua “Bài Ca Thứ Nhì” của Người Tôi Trung: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.” (Is 49:3)Là Kitô hữu, mỗi chúng ta cũng phải luôn cố gắng trở thành người tôi trung của Thiên Chúa, noi gương Đức Kitô. Ngôn sứ Isaia nói thêm:“Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.” (Is 49:5)

Để nhấn mạnh và nhắc nhở, Thiên Chúa tiếp tục lên tiếng: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.” (Is 49:6)

Ai cũng phải trở thành nhân chứng – nhân chứng của Tin Mừng, của Tình Yêu Thương, của Lòng Chúa Thương Xót, của Chân Lý, của Công Lý, của Ơn Cứu Độ, của Ngôi-Hai-Làm-Người. Thật vậy, Chúa Giêsu đã trao nhiệm vụ cho mọi người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16:15) Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người mỗi cách, mức độ khác nhau, nhưng ai cũng phải thực hiện tích cực theo khả năng riêng, không thể đùn đẩy theo kiểu “không mợ thì chợ cũng đông.” Chúa Giêsu đã nói thêm cho rõ ràng: “Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết.” (Mt 24:14)

Về mọi thứ, cách riêng đối với việc làm, chắc chắn rằng nếu không có ơn Chúa thì chúng ta chẳng làm được gì. (x. Ga 15:5) Đó là sự thật vừa mặc nhiên vừa minh nhiên. Vì thế,luôn phải tin tưởng và trông cậy nơi Chúa, như Thánh Vịnh gia đã tâm sự:“Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu. Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta. Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin tưởng vào Chúa.” (Tv 40:2 & 4) Đó là cách sống tín thác và khôn ngoan.

Thiên Chúa tạo nên mọi sự, nghĩa là Ngài có tất cả, Ngài không cần gì nữa. Thánh Vịnh gia xác định: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi.” (Tv 40:7)Những gì chúng ta làm, gọi là làm cho Chúa nhưng thực ra cũng chẳng thêm gì cho Ngài, mà lại chỉ thêm ích lợi cho chính chúng ta. Mặc dù Ngài không đòi hỏi, nhưng Thánh Vịnh gia vẫnthân thưa: “Này con xin đến! Trong sách có lời chép về con rằng: Con thích làm theo Thánh Ý, và ấp ủ Luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.” (Tv 40:8-9)Tự nguyện (tình nguyện) luônđáng giá hơn miễn cưỡng. Thiên Chúa cũng quý trọng động thái đó. Tinh thần tự nguyện liên quan sự tự do, chọn lựa và quyết định.

Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, không ai giấu được bất cứ điều gì đối với Ngài. Nếu chúng ta yêu sự thật thì cũng dám chân thật và thẳng thắn với chính mình. Nếu như vậy, chúng ta sẽ không xấu hổ mà thân thưa với Chúa: “Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.” (Tv 40:10) Không ngậm miệng làm thinh trước bất kỳ ai để bảo vệ chân lý và công lý, không luồn cúi kẻ khác, như vậy mới can đảm và xứng đáng, nếu không thì chỉ là yêu mình, là hèn nhát, bợ đỡ, tâng bốc kẻ “vai vế” hơn mình. Hèn nhát liên quannhục nhã. Chắc chắn như vậy.

Đã là Kitô hữu thì ai cũng là chứng nhân, phải làm chứng về Đức Kitô – Đấng là con đường, là sự thật và sự sống. (Ga 14:6) Thánh Phaolô nhận thức và xác nhận: “Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Kitô Giêsu, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta.” (1 Cr 1:1-2) Chúng ta là những người kêu cầu danh thánh Giêsu Kitô, nghĩa là chúng ta cũng thuộc về dân thánh của Ngài.

Trở nên chứng nhân là một ơn gọi. Khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã có ơn gọi đó, nhưng Thiên Chúa không ép buộc ai, mà hoàn toàn cho tự do hành động theoý riêng. Muốn làm chứng thì không chỉ cần tự nguyện mà còn phải có lòng can đảm. Nghe chừng đơn giản và dễ dàng, nhưng lại phức tạp và khó khăn. Có lẽ vì vậy mà Thánh Phaolô chân thành cầu chúc: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.”(1 Cr 1:3) Có Ân Sủng và Bình An thì chúng ta hoàn toàn an tâm, có thể đủ can đảm làm chứng về Thiên Chúa – mọi nơi và mọi lúc.

Ngay ngày hôm sau khi ông Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu, có một số người đã đến chất vấn ông,và ông trả lời thẳng thắn: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1:26-27) Kinh Thánh cho biết rõ ràng rằng sự kiện đó xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi chính ông Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu.

Ông Gioan rất thẳng thắn nhưng luôn khiêm nhường. Ông sống giản dị tới mức như “dân bụi đời”, thế nhưng ông rất nghiêm túc. Bề ngoài của ông xem chừng rất “thô”, nhưng tâm hồn ông lại rất mạnh mẽ, cứng rắn, không sợ bất cứ một thế lực nào trên thế gian này. Nói như chơi mà làm thật, chứ không lẻo mép, bép xép, ba hoa, lắm chuyện. Thế mới thực sự có thể gọi là “chịu chơi” đấy.Chắc gì mấy ai dám hành động như ông? Bọn “giá áo túi cơm” chỉ ưa tâng bốc và hèn nhát,hằng ngày chúng ta vẫn thấy họ ở mọi ngõ ngách cuộc đời này. Rất cầnnỗ lực tránh “phong cách” của bọn giả hình di truyền “máu” Pha-ri-sêu, vì ở gần loại người đó thì chỉ nguy hiểm mà thôi. Yếu sức thì không nên hóng gió!

Khi thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, ông Gioan liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1:29-30) Một lời chứng giản dị nhưng tuyệt vời lắm. Đó là sự thật, ông Gioan không thể không giới thiệu cho người khác biết.

Thật thâm thúy với câu tục ngữ Việt Nam: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.” Nghĩa là đừng khoe khoang, đừng khoác lác, đừng háo danh, đừng mạo nhận, và đừng tưởng mình là bách khoa tự điển. Ông Gioan thật tuyệt vời vì ông đã không ngần ngại thú thật: “Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.” (Ga 1:31)Và rồi ông còn chứngminh: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” (Ga 1:32-33)Chính ông thấy rõ ràng, nhãn tiền chứ không nghe đồn hoặc nghe người khác kể lại. Không thể sai được!

Ông Gioan là một con người đầy bản lĩnh, một chứng nhân bất khuất, đồng thời cũng chân thật, thẳng thắn và dứt khoát, ông xác nhận: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1:34) Sự thật minh nhiên, ai tin thì diễm phúc, ai không tin thì vô phúc. Đó là lẽ tất nhiên.

Đức tin là một hồng ân, và cũng là dạng thông minh tâm linh cần thiết để có thể được hưởng phúc trường sinh. Đức tin thực sự rất quan trọng, đến nỗi Thánh LM Gioan Eudes đã so sánh:“Không khí chúng ta thở, cơm bánh chúng ta ăn, trái tim đập trong lồng ngực chúng ta cũng không cần thiết để giúp chúng ta có thể sống đúng là một con người cho bằng lời cầu nguyện giúp cho chúng ta có thể sống đúng là một tín hữu.”

Lạy Thiên Chúa, chúng con chỉ là hư vô, nhưng lại diễm phúc được Ngài tạo nên giống hình ảnh Ngài, và dù chỉ là cát bụi bất xứng mà vẫn được gọi Ngài là Cha,xin sức mạnh và trí tuệ để chúng con chứng tỏ cho thế gian biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, và Người Con Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Xin thêm tin yêu để chúng con sẵn sàng bảo vệ chân lý, công lý, và kiến tạo hòa bình đích thực. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …