Năm 1993, khi tôi 16 tuổi, tôi tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới ở Denver, Colorado, Hoa Kỳ. Một ngày nọ, nhóm của tôi tham dự Giờ Chầu Thánh Thể với sự hướng dẫn của Lm Benedict Groeschel, CFR. Mặc dù tôi lớn lên trong gia đình Công giáo, luôn tham dự Thánh Lễ hằng ngày, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhớ lại việc làm Giờ Thánh.
Theo lời Lm Groeschel, việc nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đã đánh động tôi theo một cách mới và sâu sắc. Tôi nhớ mình đã nghĩ: “Nếu Chúa Giêsu yêu tôi đến nỗi Ngài ẩn mình dưới hình dạng tấm bánh thì tôi cũng muốn hiến mạng sống vì Ngài.”
Những ân sủng tương tự đã xảy ra trong cuộc sống của nhiều tín hữu trong suốt lịch sử và tiếp tục xảy ra trong thời đại của chúng ta. Thánh Juliana Cornillon, còn được gọi là Thánh Juliana Liège (Bỉ), sống vào thế kỷ 12. Mồ côi từ lúc 5 tuổi và được gởi đến sống với các nữ tu dòng Augustinô, trở thành nữ tu và được học đến mức có thể đọc các tác phẩm của các giáo phụ bằng La ngữ.
ĐGH Bênêđíctô XVI đã dành một buổi tiếp kiến chung cho cuộc đời và nhân chứng của bà, ngài chia sẻ: “Lúc 16 tuổi, Juliana có thị kiến đầu tiên, sau đó tái diễn nhiều lần trong khi chầu Thánh Thể. Thị kiến cho thấy mặt trăng trong vẻ huy hoàng trọn vẹn, cắt ngang đường kính bởi một đường sọc tối. Chúa đã làm cho Juliana hiểu ý nghĩa của những gì đã xuất hiện. Mặt trăng tượng trưng cho sự sống của Giáo hội trên trái đất, mặt khác, đường mờ đục thể hiện sự thiếu vắng lễ mà Juliana được yêu cầu phải xin một cách hiệu quả: nghĩa là lễ mà các tín hữu có thể tôn thờ Bí tích Thánh Thể để gia tăng đức tin, thăng tiến trong việc thực hành các nhân đức và đền tội cho các tội phạm đến Bí tích Cực Thánh.” (Ngày 17-11-2010)
Thánh Juliana đã giữ bí mật về trải nghiệm này khoảng 20 năm. Khi tâm sự điều đó với người khác, bà đã gặp những phản ứng trái chiều, cả ủng hộ và lên án. Cũng như trong cuộc đời của nhiều vị thánh, bà đã phải chịu khổ sở trong một thời gian, thậm chí là sự ghẻ lạnh từ chính cộng đoàn tu của bà. Tuy nhiên, Thánh Juliana vẫn trung thành yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, dành thời giờ cho Ngài, và lôi kéo người khác đến với tình yêu của Trái Tim Thánh Thể Ngài.
Năm 1246, ĐGM Robert Thourette đã thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa ở Liège. Thánh Juliana đã soạn bài cho lễ Mình Máu Thánh Chúa, và sau đó Thánh Thomas Aquinô cũng đã làm. Năm 1264, ĐGH Urbanô IV đã làm cho ngày này thành ngày nghĩa vụ thánh đối với Giáo hội hoàn vũ “để bày tỏ tầm quan trọng của việc tôn kính Thánh Thể của Đấng Cứu Độ.” (Thánh Gioan Phaolô II, thư gởi giám mục GP Liège ngày 26-6-1996, dịp kỷ niệm 750 năm thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa)
Sự cần thiết của việc tham dự Thánh Lễ, Rước Lễ và dành thời gian cho Chúa trong giờ chầu Thánh Thể ngày càng cấp thiết trong thời đại chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II giải thích trong thư gởi giám mục GP Liège: “Thật là vô giá khi được trò chuyện với Chúa Giêsu và tựa vào ngực Chúa Giêsu như môn đệ yêu dấu của Ngài, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của Thánh Tâm Ngài. Chúng ta học biết sâu sắc hơn về Đấng đã hiến thân trọn vẹn, trong những mầu nhiệm khác nhau của cuộc sống thần tính và nhân tính của Ngài, để chúng ta có thể trở thành môn đệ và đáp lại bằng hành động hiến dâng cao cả này, vì vinh quang của Thiên Chúa và sự cứu rỗi của thế giới.”
Một số vị thánh, chẳng hạn như Thánh Anphong Ligôri và Thánh Phêrô Julian Eymard cũng đã viết những bài suy niệm để tôn vinh Thánh Thể. Rất nhiều người trong thời hiện đại cũng có tình yêu nồng nhiệt đối với Thánh Thể. Nhiều người nhớ lại tình yêu nhiệt thành của TGM Fulton J. Sheen đối với Thánh Thể, ngài đã truyền bá Giờ Thánh hằng ngày giữa những người Công giáo và cả những người không Công giáo “để chống lại giờ của cái xấu.”
Trong tuyển tập Chiến Tranh và Hòa Bình của TGM Fulton J. Sheen, người biên soạn Al Smith viết về tình yêu sâu sắc của ngài đối với Chúa Giêsu Thánh Thể: “TGM Sheen cũng nói rằng ‘câu chuyện tình yêu vĩ đại nhất mọi thời đại được chứa đựng trong tấm bánh nhỏ màu trắng.’ Đó là tình yêu đã biến đổi ngài. Giờ Chầu Thánh Thể hằng ngày của ngài đã trở thành một huyền thoại. Từ ngày thụ phong cho đến ngày qua đời, TGM Sheen dành một giờ mỗi ngày để cầu nguyện trước Thánh Thể. Từ bàn làm việc, qua một cánh cửa mở, ngài có thể nhìn vào Nhà Tạm bất cứ lúc nào. Sự kết hiệp với Đức Kitô đã giúp ngài có thể dẫn người khác đến với Đức Kitô đầy đủ hơn, chính xác hơn và thuyết phục hơn trong tất cả những gì ngài đã nói và làm. TGM Sheen là người đa tài và có nhiều thành tích, nhưng chính Đức Kitô đã cho phép ngài ấy sử dụng chúng theo cách tốt nhất.”
Các cuộc rước Thánh Thể cũng là một bằng chứng quan trọng cho niềm tin của chúng ta vào sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu Thánh Thể và đã thúc đẩy nhiều cuộc hoán cải. Trước khi Thánh Elizabeth Ann Seton gia nhập Công giáo, có những cuộc rước Thánh Thể đi ngang qua nhà bà.
Rồi bà bày tỏ niềm khao khát về Chúa Giêsu Thánh Thể trong lá thư gởi cho một người bạn: “Chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu chúng ta tin những điều mà những linh hồn thân yêu này tin: rằng họ sở hữu Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể… Khi họ mang Mình Thánh Chúa đi ngang dưới cửa sổ của tôi… Tôi không thể ngăn được nước mắt. Chúa ơi, con sẽ hạnh phúc biết bao… nếu con có thể tìm thấy Ngài trong nhà thờ như người ta.”
Thánh Elizabeth thường xoay ghế khi ở trong nhà thờ Tin lành để đối diện với nhà thờ Công giáo và gần Chúa Giêsu hơn trong Bí tích Thánh Thể. Một lần, khi tham dự Thánh Lễ với một người bạn Công giáo, bà quỳ gối trên cao và nghĩ đến lời Thánh Phaolô: “Họ ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa.” (1 Cr 11:29) Mặc dù bị gia đình phản đối, niềm khao khát Chúa Giêsu Thánh Thể trong bà mạnh đến nỗi bà đã xin gia nhập Giáo hội Công giáo.
Chân phước Niels Reginsen – người tiên phong về khoa giải phẫu và địa chất – đã bị thuyết phục về sự cần thiết phải dâng mình hoàn toàn cho Chúa trong Bí tích Thánh Thể, đến nỗi ngài đã gia nhập Công giáo và sớm trở thành linh mục. Ngài viết về sự biến đổi kỳ diệu thế này: “Tôi tò mò và bối rối quan sát cuộc rước Thánh Thể và sự nhiệt thành xung quanh đó. Biểu ngữ và thảm trang trí đung đưa trong làn gió nhẹ từ biển thổi vào… Những cánh hoa rơi tứ phía… Tôi không thể làm gì khác hơn là dâng lên Chúa những gì tốt nhất của mình.”
Chân phước Niels nhớ lại một số người bạn Dòng Tên đã chia sẻ với ngài về tầm quan trọng của Bữa Tiệc Ly và niềm tin của người Công giáo về sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Trong cuốn tự truyện Một Tâm Hồn, Thánh nữ Têrêsa Lisieux nhớ lại niềm vui hồi nhỏ khi tôn kính Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể: “Tôi đặc biệt yêu thích các cuộc rước tôn vinh Thánh Thể. Thật là niềm vui cho tôi khi được tung những bông hoa bên chân Chúa! Trước khi để chúng rơi xuống đất, tôi đã tung chúng lên cao hết mức có thể, và tôi chưa bao giờ hạnh phúc như khi nhìn những bông hồng của mình chạm vào Mặt Nhật Thánh Thể.”
Ước gì niềm vui Thánh Thể được nhen nhóm trong tâm hồn chúng ta mỗi khi cử hành Thánh Lễ. Ước gì chúng ta trở thành những người canh giữ Thánh Thể vì sự vinh hiển của Thiên Chúa và sự cứu rỗi của các linh hồn. Hãy lưu ý lời của Thánh Gioan Phaolô II: “Qua việc chầu Thánh Thể, tín nhân góp phần một cách bí ẩn vào việc biến đổi thế giới và loan báo Tin Mừng. Bất cứ ai cầu nguyện với Đấng Cứu Độ sẽ thu hút cả thế giới đến với mình và dâng lên Thiên Chúa. Vì vậy, những người đứng trước mặt Chúa đang hoàn thành việc phục vụ xuất sắc. Họ đang giới thiệu với Đức Kitô tất cả những ai không biết Ngài hoặc ở xa Ngài: thay mặt họ canh giữ sự hiện diện của Ngài.” (Thư gởi giám mục GP Liège, 26-6-1996)
MARY BETH BRACY
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)