Home / Chia Sẻ / KHÓC VỚI MẸ

KHÓC VỚI MẸ

KHÓC VỚI MẸGiáo Hội kính nhớ Đức Mẹ Sầu Bi ngày 15 tháng 09. Lễ này bắt nguồn từ Phúc Âm với lời tiên tri của Simêon nói rằng một lưỡi gươm sẽ đâm vào trái tim của Đức Mẹ. Khi đứng dưới chân Thập Giá, Mẹ đã thực sự trở thành biểu tượng của người mẹ đau khổ. Kiệt tác Pietà của danh họa Michelangelo mô tả Đức Mẹ ôm thi thể bất động của Con Yêu.

Trong ngày lễ này, chúng ta nên hướng đến sự đau buồn của Đức Mẹ sau khi Chúa Giêsu chịu chết. Nhưng chúng ta, với tư cách là những người khóc thương cái chết của những người thân yêu trong cuộc sống, có thể sát cánh với Đức Mẹ trong lúc đau buồn, giống như Đức Mẹ chắc chắn sẽ đứng bên chúng ta trong lúc chúng ta đau buồn. Người Mẹ Sầu Bi mang đến cho chúng ta những bài học khác nhau trong khoảng thời gian u sầu và đau khổ của chúng ta.

ĐỨC MẸ ĐỨNG BÊN CHÚNG TA

Cái chết đến với người thân yêu của chúng ta. Có thể chúng ta đã hiện diện khi người thân của chúng ta trút hơi thở cuối cùng. Là một linh mục, khi cầu nguyện với một gia đình bên giường bệnh của người thân đang hấp hối, tôi thường nghĩ tới sự hiện diện của Đức Mẹ với chúng ta. Là người Công giáo, suốt đời chúng ta thường cầu xin Đức Mẹ chuyển cầu qua Kinh Kính Mừng, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp chúng ta bây giờ và lúc lâm chung. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, tôi tin rằng Đức Mẹ vẫn trung thành với lời cầu xin của chúng ta và những lời cầu bầu của Mẹ giúp người sắp chết trong giây phút đó. Những câu chuyện từ các vị thánh cũng kể lại sự hiện diện của Đức Mẹ trên giường bệnh. Trong lúc đau buồn, chúng ta sát cánh với Đức Mẹ, người đã đứng dưới chân Thập Giá và đau khổ, chúng ta cầu xin Mẹ không chỉ đứng với chúng ta trong lúc đó, mà cùng chúng ta cầu nguyện cho người thân yêu của chúng ta, và cũng cầu cho chúng ta.

TÌM LẠI DẤU ĐỜI

Trong tiểu sử về cuộc đời của Chúa Giêsu và Đức Mẹ, lời kể của Đấng đáng kính Anne Catherine Emmerich về những gì xảy ra sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập Giá. Bà dựa trên những mặc khải về cuộc đời, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, gợi ý rằng sau khi Chúa Giêsu được mai táng, Đức Mẹ đã đi lại con đường khổ nạn của Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến dinh Philatô, nơi Chúa Giêsu bị tra khảo, đến đường đi lên đồi Sọ. Đức Mẹ đã trải nghiệm lại đau khổ của Con Yêu.

Đối với Emmerich, người mẹ đau buồn đã khóc thương khi nhớ lại các sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Điều tương tự cũng có thể hữu ích cho chúng ta, những người đang than khóc. Điều đó có thể là đến viếng thăm những nơi có ý nghĩa – chẳng hạn ngôi nhà thời thơ ấu, nơi ghi đậm ký ức, mộ phần,… Tìm lại dấu đời của những người thân yêu có thể là niềm an ủi, khi chúng ta nhớ lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của họ.

LƯU GIỮ KỶ NIỆM

Thánh Luca cho chúng ta biết rằng Đức Mẹ trân trọng những khoảnh khắc đặc biệt của cuộc đời Chúa Giêsu và suy đi nghĩ lại trong lòng. Đức Mẹ đau thương khi ôm lấy thi thể bất động của Con Yêu, Mẹ nhớ lại đã từng ôm Con khi còn là Hài Nhi nơi máng cỏ Belem. Lưu giữ những ký ức đẹp đẽ về cuộc sống mà Mẹ đã sống với Con Thiên Chúa. Sau cái chết của Con và chuẩn bị mai táng, ký ức tràn ngập trong tâm trí và trái tim của mỗi người khi xem lại hình ảnh hoặc video đầy những dấu ấn kỷ niệm. Khi Đức Mẹ cùng các tông đồ vào Phòng Tiệc Ly và an ủi họ, chúng ta có thể tưởng tượng họ trân trọng tất cả các sự kiện họ đã chia sẻ với Chúa Giêsu. Đức Mẹ dạy chúng ta ghi nhớ và quý trọng như một cách trợ giúp để giảm bớt đau buồn và thương tiếc.

HY VỌNG ĐOÀN TỤ

Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Đức Mẹ đã sống những ngày còn lại và mong được ở bên Con mãi mãi. Tuy nhiên, có những thời điểm trong cuộc đời, Đức Mẹ có thể đến gần Chúa Giêsu – khi cử hành Bí tích Thánh Thể. Mỗi lần các tông đồ bẻ bánh với Giáo Hội sơ khai, mỗi lần họ đọc lời truyền phép từ đêm Tiệc Ly, sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa họ. Khi rước lễ, Đức Mẹ đón nhận Chúa Giêsu trong lòng. Điều này cũng đúng với chúng ta và những người thân yêu của chúng ta. Thánh Lễ chúng ta cử hành trên trái đất này là cách tham dự Phụng Vụ Thiên Đàng. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta tham dự cùng các thiên thần và các thánh trong bài thánh ca ngợi khen, chúng ta cũng cùng ca ngợi những người được chúc phúc trên Thiên Đàng. Tin rằng những người thân yêu của chúng ta đang ở bên Chúa, việc chúng ta tham dự Thánh Lễ nối kết chúng ta với những người đã đi trước chúng ta. Đó chỉ là một trong nhiều lý do mà chúng ta nên cử hành Thánh Lễ cho những người đã khuất.

Hơn nữa, chúng ta nên sống với niềm mong đợi được đoàn tụ. Sự hiệp nhất của chúng ta trên thế gian giới hạn trong việc cử hành Thánh Thể, nhưng chúng ta biết rằng chúng ta có thể được kết hợp với những người chúng ta yêu mến cho đến muôn đời trên Vương Quốc Thiên Đàng, khi chúng ta được lãnh nhận phần thưởng mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Điều đó có nghĩa là chúng ta nên sống xứng đáng được thừa hưởng Vương Quốc đã được chuẩn bị cho chúng ta từ khi sáng thế bằng cách từ bỏ tội lỗi, sửa đổi cách sống, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Chắc chắn rằng mỗi ngày trong cuộc đời của Đức Mẹ đều muốn ở bên Con Yêu, và Thiên Chúa đã làm cho Đức Mẹ thỏa ước mong bằng cách cho Mẹ về Thiên Đàng cả thể xác và linh hồn mà không phải qua sự chết. Thiên Chúa cũng muốn thỏa mãn ước muốn của chúng ta, nhưng chúng ta phải làm trọn trách nhiệm của mình. Vì thế, hãy sống mỗi ngày trong niềm mong đợi về Quê Trời vĩnh phúc!  

LOONEY EDWARD

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi – 2020

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …