Có những đêm thâu trằn trọc không ngủ. Có những bữa ăn không thấy ngon miệng. Có những chiều ngối nhìn xa xăm. Có những khi ngờ nghệch đối diện với chính mình. Có những lúc thẫn thờ ngồi nhìn trang giấy. Hình như có điều gì đó cứ bâng khuâng, cứ buồn buồn, cứ đeo đẳng và khó tả. Tôi lại viết. Viết theo phản xạ. Viết để tự giải thoát. Viết cho tôi hay cho ai? Viết cho những gì xa ngái, trống vắng? Viết những điều mơ hồ, không có thực? Tình yêu thì lớn lao, và nỗi nhớ thì trừu tượng, mà con người lại quá hữu hạn! Tôi vẫn miệt mài đi tìm gặp chính mình. Bạn hay tôi khó hiểu? Tôi hiểu chưa đúng ý bạn nên tôi tự lao mình vào sa mạc chăng?
Ước mơ, hoài bão, cuộc sống, kể cả tình yêu, nỗi nhớ, chờ đợi, thậm chí cả những suy tư, những toan tính, nỗi nhạc và niềm thơ cũng chung số kiếp: Lận đận trăm bề! Cuộc đời nhiêu khê và khắc nghiệt hơn dự đoán. Còn lại gì sau những lời thề, hò hẹn? Phải chăng là khoảng hoang vu trong lòng, khoảng thời gian trống vắng, hụt hẫng và mệt mỏi của con tim và khối óc? Không bi lụy nhưng hình như còn nguyên những mối trầm tư và dự tính bộn bề!
Không thành công thì cũng thành nhân. Mà tôi thực sự thành nhân chưa? Thế nào là thành công? Người ta thường dựa trên tiền tài và chức tước. Mà, khi thành công thì đời sẽ tha thứ mọi chuyện (Ngạn ngữ Pháp). Thành danh mà chưa giàu có thì cũng không được công nhận, dẫu biết rằng một giờ sống tràn ngập vinh quang đáng giá bằng một năm sống âm thầm, không tên tuổi (Walter Scott). Thật vậy, văn hào Shakespeare đã nhận định: “Có những người sinh ra được sự nổi tiếng rơi vào mình, có nhưng người tìm mãi cũng thấy, nhưng có những người tìm cả đời cũng không thấy”. Sự thật nào cũng có những hương vị ngọt ngào riêng, rất riêng biệt, ai chưa từng trải nghiệm thì khó có thể hiểu và cảm thông. Một khi đã “nếm” dư vị của nó mới thấu hiểu câu ngạn ngữ Trung quốc: “Chẳng nếm mùi cay đắng khó nên bậc siêu quần”.
Ai cũng muốn thoát ly gian khổ và đau khổ, nhưng đau khổ vẫn xảy ra hằng ngày. Ai cũng có nhân cách, nhưng cần một nhân cách đúng đắn và thích hợp với nhân vị. Vì “phẩm chất quý giá nhất của con người là sự chân thành” (Ngạn ngữ Nhật). Miễn cưỡng là đồng nghĩa với lọc lừa và gian dối – theo một ý nghĩa nào đó.
Nắng. Mưa. Màu nắng vàng ươm, trong như sắc pha lê, nhưng có lúc chợt hanh hao, xa ngái. Nắng oi ả đến mấy thì vẫn không thể hong khô được hoài niệm phơi đầy ký ức. Mưa không đủ trôi hết nỗi buồn, ngay chỉ trong cơn mưa phùn mà đôi khi lòng cũng đủ ướt sũng!
Người Anh dùng thành ngữ “Living is no picnic” để diễn tả một thực tại cuộc sống như một phạm trù triết-lý-sống. Kinh qua cuộc đời, người ta càng lớn tuổi càng dễ cảm thông và tha thứ, tạo thành một Tam Đoạn Luận (syllogism) của cuộc đời, để đủ hiểu cái trăn-trở-êm-đềm, cái nỗi-đau-ngọt-ngào, và cái tất yếu mà không ai mua được bằng vàng bạc. Ngược lại, theo Gibbon, ai có một trái tim để giải quyết, một cái đầu để sắp xếp, và đôi tay để hành động mới khả dĩ biết sống và sống xứng đáng.
Xin mượn lời G. Fraytack (Đức) để khép lại khoảng-trầm-tư-nắng-mưa: “Người nào có tấm lòng vàng thì dù mặc quần áo nghèo khổ cũng vẫn cao quý”. Hãy tự tin, kiên trì, chân thành, vị tha và yêu thương để cùng xây dựng xã hội và chữa lành mọi vết thương thế giới…
Lạy Chúa, không có Ngài thì con không thể làm được gì, vì tất cả đều là Hồng ân (Rm 4:16). Xxin cho con biết Chúa, và xin cho con biết con, để con càng ngày càng nên giống Chúa trong mọi sự. Đời con không xuôi xắn, luôn trắc trở và vô duyên, đôi khi con cũng cảm thấy buồn và xao xuyến, nhưng con luôn tín thác vào Lòng Thương Xót vô biên của Ngài. Chính Ngài đã từng chịu khổ đau và nhục nhã ê chề thì con cũng không thể thoát khổ đau, vì “trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ” (Mt 10:24). Xin hướng dẫn con trong Chân lý của Ngài và bảo ban con (Tv 25:5).
Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội (Lc 18:9-14). Này con đây, con đến để thực thi Ý Ngài (Dt 10:7 và 9). Xin giúp con nhìn thấy Chúa qua tha nhân, và xin cho họ cũng gặp được Ngài nơi con, lạy Đấng giàu lòng thương xót! Con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của con. Amen.
TRẦM THIÊN THU