“Chúng ta phải cầu nguyện luôn mà không biết mệt mỏi, vì sự cứu rỗi của nhân loại không phụ thuộc vào sự thành công về vật chất, và cũng không dựa trên khoa học mà làm mờ đi sự minh mẫn. Và nó cũng không phụ thuộc vào vũ khí và các nghành công nghiệp của con người, nhưng nó chỉ dựa vào một mình Chúa Giêsu” (Thánh Frances Xavier Cabrini)
Đọc những lời lẽ khôn ngoan của các thánh chúng ta hiểu được các ngài đã tìm được kho tàng mà Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ trong Phúc Âm Luca chương mười hai, “kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó.” Kho tàng mà các thánh tìm được chính là thứ mà mỗi người chúng ta được sinh ra để đi tìm; thế nhưng tại sao những người tìm thấy được nó thì chẳng có bao nhiêu? Không biết các bạn có bao giờ đọc tiểu sử của các thánh và suy tư về cuộc đời của các ngài thật sự như thế nào chưa? Nếu các bạn chưa từng thực hiện điều này, tôi mời bạn hãy đi tìm đọc một mẫu chuyện nhỏ của một vị thánh quen thuộc với bạn và suy tư về kho tàng họ tìm được. Và nếu bạn đã từng đọc qua nhưng chưa bao giờ suy tư xin hãy dừng lại chốc lát và suy tư về lối nhìn và cách sống của các ngài. Một loạt những câu hỏi sẽ được đặt ra: các ngài đã nhìn thấy gì? Cái gì đã thúc đẩy các ngài để đi tìm kho tàng đó mà các ngài đã bỏ hết cuộc đời để tìm kiếm? Nói một cách khác, kho báu của các thánh là gì? Phải chăng đó chỉ vỏn vẹn là một Thiên Chúa mà chúng ta cùng được biết và được mời gọi chia sẻ kho tàng vô giá ấy? Nếu những gì các thánh đã nhận ra đều được tỏ lộ cho chúng ta qua nhiều thế kỷ, tại sao chúng ta lại không nhận thấy? Phải chăng chúng ta là những người như Chúa đã nói trong Phúc âm, “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe?”
Các thánh là những người có tầm nhìn xa và họ không lu bu với những bận rộn xung quanh, bởi thế cuộc sống của các ngài không chỉ luẩn quẩn với những công việc hàng ngày. Nhưng các ngài luôn dành thời gian để trèo lên đỉnh núi của tâm hồn để quan sát lại tầm nhìn và hướng đi của mình. Thật sự trên đỉnh núi chúng ta sẽ nhìn mọi sự rõ ràng hơn. Ở đó, chúng ta không chỉ nhìn thấy được những gì liên quan đến chính mình, nhưng còn nhìn thấy cả một thế giới rộng lớn đang bao trùm lấy ta và ta là một phần tử nhỏ trong thế giới sống động ấy. Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra rằng phải có một sức mạnh siêu nhiên làm chủ và điều khiển tất cả, và con tim của chúng ta sẽ nhận ra sự tài tình của Thiên Chúa cũng như sự hiện diện của Ngài trong vũ trụ này. Chính ở trên đỉnh núi của tâm hồn mà các thánh nhận ra được sự nhỏ bé của mình và tìm được kho tàng quý báu của các ngài – là chính Chúa Giêsu, kho tàng của mọi tạo vật.
Nhìn lại kinh nghiệm sống của mỗi người, có lẽ chúng ta đã có dịp trèo núi hay được đi núi. Trong kinh nghiệm đó chúng ta nhận ra rằng con đường đi đến đỉnh núi không dễ dàng và chúng ta phải dồn hết sức lực mới đến được nơi mà ta muốn đến. Và khi đến nơi, ta hẳn quên đi sự mệt mỏi của chặng đường đã qua và chỉ biết kinh ngạc trước sự hùng vĩ của thiên nhiên. Nơi đó trước khung cảnh thiên nhiên, chúng ta cảm thấy mọi sự như mới mẻ, như chúng ta được tiếp sức, và chúng ta cảm thấy mình thật nhỏ bé và được bao bọc trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Trên đỉnh núi đó, chúng ta được nhắc nhở rằng chúng ta không làm chủ bất cứ gì nhưng được mời gọi để sống và thưởng thức sự hùng vĩ và cảnh đẹp của thiên nhiên.
Hành trình của tâm hồn mỗi người chúng ta cũng tương tự. Chúng ta phải dồn hết sức lực để trèo, để tìm, để khám phá. Hành trình của mỗi người chúng ta là tìm ra kho báu của đời mình, một kho tàng mà Thiên Chúa đã trao ban cho riêng từng người chúng ta. Các thánh là những người đã đi trước và các ngài đã tìm được và đã hướng dẫn chúng ta biết cách tìm đến kho tàng vô giá đó. Sự chọn lựa là do chúng ta và nằm trong tầm tay của mình.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy dùng chút thời gian trong ngày để tìm hiểu những con đường các thánh đã đi qua, hầu giúp chúng ta biết trèo lên đỉnh núi thiêng liêng của con tim, định hướng lại con đường trước mặt và tiếp tục tìm kiếm vì chúng ta không thể quên rằng chúng ta được sinh ra để đi tìm kho tàng quý báu dành cho chúng ta – đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa. Nguyện xin các thánh – là những người đã dành hết cuộc đời của các ngài để đi tìm kho tàng quý báu ấy, và khi tìm được rồi các ngài đã can đảm đánh đổi tất cả để được nó – dạy cho chúng ta biết bắt chước các ngài và luôn đi tìm Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày.
Củ Khoai
********************************************
Con đã tìm hạnh phúc từ lâu,
đôi khi như người điên, người mất trí,
với sự đam mê, với lòng tham lam
tiền bạc, quyền hành, quyền lực…
con đã nếm mùi chút ít những điều đó,
nhưng lạy Chúa, con không tìm được niềm vui.
Con đã tìm hạnh phúc trong sự khôn ngoan,
Khôn ngoan như thế gian đề nghị
kiến thức, khoa học, tiếng tăm,
biết hết về lòng người,
hiểu hết về định mệnh thế giới,
nhưng đây cũng vậy, con không thấy chi cả.
Con cũng đã tìm thành công, lạy Chúa
Trong đời con, trong nghề nghiệp, trong gia đình,
được đứng nhứt mọi nơi, được mọi người nghe,
được mọi người nhìn nhận, nhưng con không gặp chi cả.
Hôm nay, lạy Chúa, Chúa mời con lắng nghe Chúa.
Chúa không đợi nơi con công trạng và thành công.
Chúa chờ con giữa đời con,
một đời người thật đơn giản, thật nhỏ bé.
Và chính nơi đó, Chúa tự biểu lộ để sau cùng
Con tìm thấy trong sự hiện diện của Chúa
Ý nghĩa của đời con.
“Ai có tai thì nghe.” (Mt 11, 15)
Hiền Hòa chuyển dịch