Chúng ta đã tìm hiểu bốn nhân đức Thánh Thể: Khiêm Nhường, Bác Ái, Vâng Phục, và Thanh Khiết. Bây giờ là nhân đức Khó Nghèo Thánh Thể.
Rất ít người sẵn sàng tìm kiếm sự khó nghèo. Đức Khó Nghèo mang đặc tính tiêu cực trong văn hóa Tin Mừng bảo vệ quyền người dùng và quyền sở hữu ngày nay. Chưa hết, Chúa Giêsu còn cho thấy điều ngược lại – sự khó nghèo là cửa ngõ dẫn đến sự giàu có của Thiên Đàng. Nếu chúng ta muốn trở nên nghèo tinh thần và giàu nhân đức, chúng ta phải nghiên cứu Sự Khó Nghèo Thánh Thể của Chúa Giêsu và thường xuyên lãnh nhận Ngài. Thánh Phêrô Julian Eymard, được một số giáo hoàng tuyên bố là Tông đồ Thánh Thể, nhắc nhở chúng ta về nhân đức khó nghèo quý giá như thế nào qua những lời này:
Trong mọi việc Ngài làm và thu được, Ngài đều tìm kiếm điều khó nghèo nhất. Hãy nhìn Ngài trong cuộc đời tông đồ của Ngài. Ngài luôn mặc quần áo lao động và tiếp tục sống như người nghèo. Ngài quỳ trên nền đất trống để cầu nguyện. Ngài chỉ ăn bánh – loại bánh của người nghèo. Ngài sống bằng lòng từ thiện. Ngài đi như người nghèo, và cũng trải qua cơn đói khát mà không thể thỏa mãn theo ý Ngài. Sự khó nghèo khiến Ngài trở nên hèn hạ trước mắt những người giàu có và quyền thế; mặc dù vậy, Ngài vẫn không ngần ngại nói với họ: “Vae vobis divitibus! – Khốn cho các người, hỡi những người giàu có trên thế gian!”
Ngài chọn những môn đệ nghèo như Ngài, và cấm họ có hai chiếc áo hoặc lương thực cho tương lai, tiền bạc hoặc cây gậy để tự vệ. Ngài chết trong sự bỏ rơi và bị lột bỏ cả quần áo tồi tàn của Ngài. Ngài được chôn cất trong tấm vải liệm vay mượn và được đặt trong một ngôi mộ do lòng từ thiện của bạn bè. Ngay cả sau khi phục sinh, Ngài đã hiện ra cùng các môn đệ trong trang phục khó nghèo.
Cuối cùng, trong Bí Tích Cực Thánh, tình yêu khó nghèo khiến Ngài che giấu vinh quang thiên tính của Ngài và sự huy hoàng nhân tính vinh quang của Ngài. Trong Bí tích Thánh Thể, Ngài tự tước đi mọi tự do và hành động bên ngoài cũng như mọi quyền sở hữu để trở nên khó nghèo hơn và không có gì có thể gọi là của riêng Ngài. Theo cách nào đó, Ngài ở trong Thánh Thể như trong cung lòng của Thánh Mẫu Ngài, được bao bọc trong các dạng thánh và ẩn mình bên dưới chúng, chờ đợi từ lòng bác ái của loài người, vấn đề về bí tích và những vật cần thiết để thờ phượng. [1]
Người Pharisêu và Sađốc kỳ vọng Đấng Mêsia là một nhà cai trị chính trị đầy quyền lực. Chúa Giêsu đến làm đảo lộn thế giới của họ và của chúng ta. Tình yêu khó nghèo của Ngài được thể hiện suốt đời Ngài và tồn tại cho đến tận thế trong Bí tích Thánh Thể. Mỗi lần chúng ta nhìn lên Bánh Thánh, chúng ta phải tin chắc rằng Thiên Chúa Hoàn Vũ thích sự khó nghèo của tâm hồn chúng ta hơn Ngai Thánh của Ngài. Câu hỏi chúng ta nên tự vấn: “Tại sao Chúa Giêsu say mê sự khó nghèo đến vậy?” Thánh Phêrô Julian Eymard đề cập điều này một cách tuyệt vời bằng những lời này:
Thứ nhất, vì như là con của Ađam, Ngài chấp nhận tình trạng bản chất lưu đày của chúng ta, vốn đã bị tước bỏ các quyền đối với các thụ tạo thấp hèn. Thứ hai, vì Ngài muốn thánh hóa mọi hành vi khó nghèo bằng sự khó nghèo của Ngài được thực hiện trong Giáo Hội. Ngài trở nên khó nghèo để qua việc không quan tâm của cải trần thế, Ngài có thể tách chúng ta ra khỏi chúng và truyền cho chúng ta sự giàu có của Thiên Đàng. Ngài trở nên khó nghèo để sự khó nghèo, vốn là điều kiện của chúng ta, sự sám hối và phương tiện đền tạ của chúng ta qua Ngài mà có thể trở nên vinh dự, đáng ao ước và đáng yêu. Ngài trở nên khó nghèo để chúng ta thấy và chứng minh cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài. Ngài vẫn khó nghèo trong Bí tích Thánh Thể, bất chấp tình trạng vinh hiển của Ngài, để luôn là mẫu mực sống động và hữu hình cho chúng ta. [2]
Chúa đến để đồng cảm với chúng ta, những kẻ tội lỗi, và chỉ cho chúng ta con đường đến với Chúa Cha. Trong khi nhiều người tìm cách tích lũy của cải trong thế giới chóng qua này, Chúa Thánh Thể nhắc nhở chúng ta rằng Ngài là kho tàng lớn nhất, Đấng không bao giờ qua đi. Thật ngạc nhiên khi Chúa Giêsu trở nên khó nghèo trong Bí tích Thánh Thể, để có thể ban mọi nhân đức và ân sủng của Ngài cho bất cứ ai sẵn sàng. Chúng ta càng dành nhiều thời gian để chiêm ngưỡng Bí tích Thánh Thể và đón nhận Ngài một cách xứng đáng, chúng ta càng ít quan tâm đến của cải trần thế. Với ân sủng của Chúa, chúng ta có thể dần dần tách mình ra khỏi việc theo đuổi của cải trần thế: tiền bạc, của cải và địa vị. Thay vào đó, chúng ta chỉ nên tập trung vào kho tàng duy nhất và bền vững, đó là Bí tích Thánh Thể, “vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó.” (Mt 6:21) Nếu lòng chúng ta tìm kiếm điều gì khác ngoài Chúa thì sẽ bị lừa dối và bị áp bức. Nhưng nếu chỉ tìm kiếm Chúa Thánh Thể, chúng ta sẽ tìm thấy sự thanh thản giữa những mùa thay đổi và những đau khổ của cuộc sống này.
PATRICK O’HEARN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
[1] St. Peter Julian Eymard, The Real Presence: Eucharistic Meditations (New York: The Sentinel Press, 1938), 229-230.
[2] St. Peter Julian Eymard, The Real Presence: Eucharistic Meditations (New York: The Sentinel Press, 1938), 231.