Home / Chia Sẻ / KHỔ NÃO TRẦN AI

KHỔ NÃO TRẦN AI

khonaotranaiChúa Giêsu đã xác định: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6:34) Với kinh nghiệm “xương máu” dày dạn, tiền nhân kết luận: “Đời là bể khổ.” Là phàm nhân, chắc chắn ai cũng phải vượt qua cái “ải” đau khổ – gọi là “khổ ải,” chắc chắn không thể tránh, càng tránh né càng tự chuốc khổ.

Có những thứ nên dùng chiến lược “tẩu vi thượng sách,” nhưng với đau khổ thì không thể áp dụng chiến lược đó, kể cả tam thập lục kế của Tôn Tẫn cũng vô hiệu. Tốt nhất là “đi xuyên qua” đau khổ – tức là “sống chung với lũ.” Cụ thể là suốt hai năm qua, loài người đã đủ trải nghiệm về nỗi khổ với coronavirus. Cái tên corona có nghĩa đẹp là “triều thiên” nhưng đó chỉ là chiêu bài của quỷ dữ, bởi vì thực sự nó là “vòng gai” hoặc “vòng kim cô” kiềm chế con người về mọi phương diện.

  1. LIÊN QUAN

Thiên nhiên và con người có liên quan mật thiết. Phá môi trường là phá thiên nhiên, là đi ngược lại định luật của Thiên Chúa. Và hậu quả đã và đang nhãn tiền. Tham sân si rồi chính mình có an toàn? Các hiện tượng thiên nhiên có ảnh hưởng sự sống của con người. Đơn giản như nguyệt thực và nhật thực cũng ảnh hưởng thời tiết, mùa màng, khí hậu,… và tất nhiên ảnh hưởng cuộc sống của con người. Một cọng rác nhỏ cũng ảnh hưởng thiên nhiên, nhưng người ta chỉ coi là “chuyện nhỏ” nên vẫn bất chấp. Vô ý thức nên cố chấp!

Hiện tượng “Ngũ Tinh Liên Châu” – hoặc “Ngũ Tinh Hội Tụ” – là hiện tượng thiên văn hiếm gặp. Đó là khi năm hành tinh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong Thái Dương Hệ cùng nằm trên một đường thẳng – “đường thẳng” theo góc nhìn từ trái đất chứ không phải là đường thẳng thực sự. Năm 2021 đã xảy ra hiện tượng đó, và con người đã lao đao khốn đốn lắm rồi, mức tăng giảm thất thường, khó dự đoán.

Năm 2022 có các hiện tượng này: Tam Tinh Hội Tụ (cuối tháng 3), Mưa Sao Băng Lyrids (đầu tháng 4), Trăng Đen (cuối tháng 4), Nhật Thực Một Phần (30/4 và 25/10), Mưa Sao Băng Eta Aquarids (đầu tháng 5), Nguyệt Thực Toàn Phần (giữa tháng 5 và đầu tháng 11), Siêu Trăng (giữa tháng 6, giữa tháng 7 và giữa tháng 8), Ngũ Tinh Hội Tụ (cuối tháng 6), Mưa Sao Băng Perseids (giữa tháng 8), Mưa Sao Băng Orionids (gần cuối tháng 10), Sao Hỏa Sáng Cực Đại (đầu tháng 12), Mưa Sao Băng Geminids (giữa tháng 12).

Thế thì con Cọp có quậy phá như con Trâu năm ngoái? Cái gì cũng có mối liên quan, dù cho đó là liên đới – theo nghĩa tốt, hoặc liên lụy – theo nghĩa xấu. Việc lây nhiễm khó tránh khỏi, nhưng “lạy Chúa Giêsu, Đấng duy nhất cứu độ và chữa lành, chúng con tín thác vào Ngài!”

  1. CỌP CÁI

Trong Việt ngữ, hầu như mọi vật dụng đều dùng mạo từ “cái” và nhiều thứ dùng “con.” Đặc biệt là cái gì quan trọng thì được ví là giống cái: Sông cái, cột cái,… Cái gì dữ dằn, ác độc, nguy hiểm thì cũng ví với giống cái: Rệp cái, muỗi cái, cọp cái, quỷ cái,… Tại sao không ví với giống đực? Thật khó lý giải thấu đáo.

Truyện kể rằng… Xưa có một thiền sư sống ẩn dật tại một thâm sơn cùng cốc nọ. Một hôm, sư tình cờ thấy một chú bé bị bỏ rơi và đem về hang núi nuôi dưỡng.

Chú bé lớn lên dưới sự chăm sóc của nhà sư giàu lòng từ bi hỉ xả. Sống giữa những động đá thâm u, dưới những cội tùng xanh lá, tâm tính chú cũng đơn sơ và bình yên như những con nước trong chảy róc rách qua các hòn cuội trắng. Ngoài sư phụ ra, chú không hề thấy mặt một người nào khác. Bạn bè thân thuộc của chú là những thú rừng hiền lành thường quấn quít vây quanh chú như hươu, nai, khỉ, vượn,…

Chú tiểu lớn lên giữa khung trời bao la của thiên nhiên, và mãi đến lúc trưởng thành chú vẫn có màu mắt trong xanh như trẻ thơ. Chú chưa hề biết buồn lo là gì cả.

Giang san của chú chỉ có một con vật đáng đề phòng là con cọp chúa thỉnh thoảng mò ra ven suối, uống nước, giỡn trăng và gầm rú inh ỏi. Mỗi lần chúa tể sơn lâm này về, chú thường theo lệnh thầy rút lên một cây cao cho an toàn. Theo óc tưởng tượng của chú, cọp là một con thú có bộ dáng dữ dằn ghê lắm. Nhưng chú chưa từng giáp mặt với nó lần nào, thế nên rừng núi vẫn còn là tổ ấm yên ổn hồn nhiên che chở cho chàng trai mới lớn.

Cho đến một hôm, vị thiền sư nhận được tin một người bạn cố tri của mình lâm bệnh nặng, sư liền quảy túi hạ sơn và chú tiểu cũng được dịp theo thầy xuống núi để học khôn luôn thể.

Trần cảnh xôn xao đa diện của thế nhân khêu gợi óc hiếu kỳ của chàng trai hơn là ham muốn. Chàng bỡ ngỡ nhìn ngắm và lắng nghe tất cả với thái độ lạnh nhạt của người ngoài cuộc. Dòng đời vẫn miên man trôi chảy, chàng nhìn với cặp mắt xanh của trẻ thơ. Tất cả đều có vẻ lạ lùng đến buồn cười.

Trên đường trở về, hai thầy trò tình cờ gặp một thiếu nữ bán lụa. Chàng trai kinh ngạc và say sưa nhìn gương mặt của “người lạ” mà lần đầu tiên chàng thấy có một sự thu hút kỳ lạ. Thấy vẻ sững sờ của đệ tử, nhà sư vội vàng nắm tay chàng rảo bước. Chàng trai bỡ ngỡ hỏi:

– Bạch tôn sư! Đó là con gì vậy?

Nhà sư buông thõng:

– Cọp đó. Ði mau lên kẻo mất mạng bây giờ!

Hai thầy trò trở về sơn động. Nhà sư để ý thấy sau chuyến viễn du, đệ tử của mình đâm ra thẫn thờ, bỏ ăn, bỏ ngủ, và có cái gì đó thay đổi trong tâm tư chàng trai trẻ. Một hôm, sau cơn dằn vặt tột độ, chàng tìm đến thầy và thú thật:

– Bạch tôn sư! Sao mà con nhớ con cọp hôm ấy quá, thà rằng con tìm đến gặp nó, cho nó nhai xương con cho rồi. Tan thân mất mạng về tay con cọp dễ thương còn dễ chịu hơn là ở đây mà dằn vặt nhớ thương nó. Từ 20 năm qua, chưa bao giờ con nếm trải nỗi đau đớn kịch liệt như thế này. Con phải làm sao đây, thưa thầy?

Nhà sư trầm giọng:

– Khổ não trần ai là vậy đó con!

Đó là truyện ngụ ngôn về nỗi khổ của con người, về loại phổ biến mà chúng ta gọi là “tình cảm khác phái.” Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ hiểu theo giới hạn đó, mà nên hiểu rộng hơn về đa dạng các lĩnh vực khác trong kiếp sống phàm nhân, đặc biệt là khái niệm về đau khổ. Thảo nào người ta thở dài mà không thở ngắn!

  1. QUAN NGẠI

Cuộc đời không là luống hoa hồng, không phải lúc nào cũng êm ả như dòng sông, mà luôn động như biển cả. Vì thế, cuộc sống có nhiều thứ đáng quan ngại. Thiên Chúa tốt lành nên lo liệu mọi sự cho con người, nhưng con người ảo tưởng quá mức. Ngài tuyệt đối nhân lành, chắc chắn Ngài KHÔNG tạo ra bất kỳ sự dữ nào. Dù là ai, kể cả người vô thần, cũng nên tạc dạ ghi lòng hai điều quan yếu: [1] Thiên Chúa toàn năng KHÔNG làm điều dữ, KHÔNG bẻ quặt lẽ công minh. (G 34:12) [2] Thiên Chúa KHÔNG làm ra cái chết. (Kn 1:13)

Thánh Phaolô gọi sự dữ là điều mầu nhiệm. (2 Tx 2:7) Phàm nhân không thể hiểu mặc dù rất muốn hiểu. Tuy nhiên, người ta cũng nhận ra giới hạn hiểu biết của mình và lập ra khoa biện thần luận (theodicy) để lý giải phần nào về sự đồng hiện hữu của cái tốt và cái xấu. Có lần Chúa Giêsu giáo huấn và kết luận: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.” (dụ ngôn Lúa và Cỏ Lùng, Mt 13:24-30)

Không gì hơn là chịu đựng và chịu đựng. Đối với dịch bệnh covid cũng vậy, vì chúng ta không thể lý giải thấu lý đạt tình, cũng chẳng kiểm soát nó như các lĩnh vực khác. Vả lại, kẻ thù rất mưu mô khó lường. Chiên không cãi lại lý lẽ gian ngoa của sói dữ hoặc cọp dữ đâu!

Về vấn đề lây nhiễm cũng không đơn giản. Điều cần xác định là covid không “dạo chơi” trong không khí. Nếu nó bay trong không khí như lúc đầu người ta tưởng thì thế giới này chết hết rồi. Đồng ý là nó lây nhiễm do “giọt bắn” khi giao tiếp hoặc tiếp xúc với vật nhiễm trùng. Các bệnh truyền nhiễm như lao phổi hoặc viêm gan siêu vi B cũng theo kiểu đó.

Còn vấn đề đeo khẩu trang và rửa tay. Hoàn toàn tốt, trước tiên là vệ sinh chính mình, nhưng không tuyệt đối. Những “giọt bắn” có thể mạnh hay nhẹ là do người ta nói to hay nói nhỏ. Nếu KHÔNG NÓI thì làm gì có “giọt bắn” chứ? Nguy cơ cao vì tiếp xúc nhiều nếu ở nơi công cộng – công ty, siêu thị, cửa tiệm, nhà hàng,… đặc biệt là khi sử dụng nhà vệ sinh, thang máy,… Do có nhiều người ra vào sử dụng tay nắm cửa hoặc vòi nước. Nếu không sử dụng các loại đó thì làm gì phải rửa tay bằng nước sát khuẩn? Phải chăng chỉ làm “chiếu lệ” theo hình thức và vẫn vô ý thức. Vậy thì vô ích!

Đâu là nguyên nhân với những con số bất thường về lây nhiễm, tử vong? Còn việc chính “quỷ cái” covid tự biến chủng nữa! Phải chăng covid là loại vi trùng sinh học có thể TỰ BIẾN HÓA QUA CHẤT GÌ ĐÓ ở con người? Vấn đề đáng quan ngại và nhận định: Chất gì đó ở người này “kỵ” với chất gì đó ở người kia nên mới tránh tụ họp đông người?

Có vấn đề “kỳ quặc” đáng lưu ý: Một số nhà thờ đã có nhiều người tham dự. Thấy có một số người vẫn rôm rả nói chuyện với nhau khi ở ngoài nhà thờ mà họ KHÔNG đeo khẩu trang. Nhưng khi bước vô nhà thờ thì họ bắt đầu đeo khẩu trang, thậm chí có người yên vị rồi mới đeo khẩu trang. Còn nữa, có người mới từ nhà lên, chẳng đụng chạm gì – vì cửa nhà thờ đã mở rộng, nhưng khi bước vô nhà thờ thì họ sát khuẩn tay. Hình thức đến vậy sao? Ý thức vứt đâu rồi?

Lây nhiễm phải có quy trình “di chuyển” từ A sang B. Biến chủng mới không thể do lây nhiễm mà là tự phát triển, nó “khởi đầu” quy trình tự biến hóa – đột biến gien. Có lẽ vì thế mà bỗng dưng xuất hiện Beta, Delta hoặc Omicron. Liệu nó có đột biến nào khác? Trên thế giới đã từng có nhiều dịch tễ xưa nay. Gọi là “đại dịch” nhưng nó chỉ ảnh hưởng vùng miền nào đó – kể cả Black Death, chứ các đại dịch trước đây không ảnh hưởng toàn cầu như “dịch quỷ” covid. Chắc hẳn đó là mưu độc của con người, nói cho chính xác là tà ý của bọn ác nhân.

Suốt hai năm qua, cả thế giới lúng túng như gà mắc dây thun vì bị “mắc dịch.” Tất cả chúng ta, không loại trừ ai, cũng là “dân oan thứ thiệt” của thời đại và dịch bệnh, vì thế mà hơn bao giờ hết, chúng ta rất cần Thiên Chúa, nghĩa là phải không ngừng tha thiết nài van Ngài: “Xin đổi mới cuộc đời chúng con cho được như thời xa xưa ấy.” (Ac 5:21b) Chúng ta không thấy không khí nhưng chúng ta luôn cần không khí. Nếu không khí ô nhiễm sẽ ảnh hưởng sự sống của chúng ta, nếu thiếu không khí thì chúng ta có thể chết sớm. Thiên Chúa vô hình, chúng ta không thấy Ngài, nhưng chúng ta luôn cần Ngài.

Lạy Thiên Chúa, chúng con “mắc dịch” quá, xin cứu vớt chúng con, vì nước đã dâng lên tới cổ. Chúng con thật khốn cùng đau khổ, xin cứu vớt đỡ nâng. (Tv 69:2, 30) Xin cứu chúng con khỏi người gian ác, giữ gìn chúng con khỏi kẻ bạo tàn. Lòng chúng bày chước độc mưu thâm, cả ngày chỉ biết gây xung đột. Chúng mài lưỡi nhọn như lưỡi rắn, chứa đầy mồm nọc độc hổ mang. (Tv 140:2-4) Xin thương xót và ban bình an cho mọi người. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Tháng Giêng Nhâm Dần – 2022

Xin mời tham khảo thêm:

✽ Dấu Chỉ Thời Cuối

https://tramthienthu.blogspot.com/2017/10/dau-chi-thoi-cuoi.html

✽ Cuộc Đối Đầu Cuối Cùng

https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/cuoc-oi-au-cuoi-cung.html

✽ Đức Mẹ Tiên Báo Thời Cuối Cùng

https://tramthienthu.blogspot.com/2021/12/uc-me-tien-bao-thoi-cuoi-cung.html

✽ Năm 2022 và 2026 Thế Nào?

https://tramthienthu.blogspot.com/2021/08/nam-2022-va-2026-nao.html

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …