Home / Chia Sẻ / Khiêm nhường và biết ơn

Khiêm nhường và biết ơn

 

Truyền giáo là một hoạt động mang hình tam-giác-cân với 3 cạnh: Truyền giáo – Khiêm nhường – Biết ơn. Các cạnh phải nối kết, nếu không thì không thể là tam giác.

Có lần ĐGM G.B. Bùi Tuần chia sẻ: “Công cuộc cứu độ trong truyền giáo là một công cuộc được Chúa trao cho nhiều người. Mỗi người đảm trách một việc nhất định, tại một nơi nhất định, trong một thời gian nhất định. Có người là Matta, phải vất vả với nhiều việc. Có người là Maria ngồi nghe Chúa dạy dỗ, cầu nguyện, lo đời sống nội tâm. Trong truyền giáo, Chúa dùng những con người mà Chúa muốn. Xưa những con người tai tiếng, như người đàn bà Samaria có 5 đời chồng, như Saolê hăng hái bắt đạo, họ cũng được Chúa gọi để truyền giáo. Nay cũng vậy, chúng ta phải trân trọng và biết ơn”.

Truyền giáo là việc chung, không của riêng ai, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi người có niềm tin Kitô. Trong hoạt động truyền giáo, mỗi người đều có phần việc riêng và vị trí riêng, Chúa dùng mỗi người theo Tôn Ý Ngài. Giáo hội là một tập thể với nhiều thành phần khác nhau, nhưng các chi thể vẫn liên kết trong một thân mình Thiên Chúa. Trước mặt Ngài, mọi người đều là tội nhân, đều cần giá máu cứu độ của Đức Kitô. Do đó, không ai có thể cho mình là hơn người khác, vì đối với Thiên Chúa, mọi người đều bình đẳng. Vả lại, chúng ta làm được gì cũng là do hồng ân Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã khuyên: “Làm xong việc gì thì hãy nói: Chúng tôi là đầy tớ vô dụng” (Lc 17:10). Chúa Giêsu đã nêu gương: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28).

Thánh Phanxicô Xaviê đi truyền giáo khắp nơi, được Giáo hội đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo (trong đó có Việt Nam). Còn thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường tu viện trong 9 năm, không đi đâu để truyền giáo, nhưng thánh nữ vẫn được Giáo hội tôn phong tiến sĩ và đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Thánh nữ xác nhận: “Tôi vui thích được làm bé nhỏ” (I am happy to be little).

Trong cuốn “Wisdom for Everyday Life From the Book of Revelation” có câu: “Chính những điều chúng ta thấy xấu hổ nhất lại là những điều dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu. Điều mà Ngài yêu tôi trong sự yếu đuối của tôi là điều làm cho tôi trở thành kỳ diệu nơi bản chất yêu thương của Ngài”.

Kinh Phật dạy: “Con người là nô lệ vì chưa hủy diệt được ý tưởng về bản ngã trong nội tâm”. Chúa Giêsu dạy: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18:14). Khiêm nhường là nhân đức cần thiết, cả về đối thần và đối nhân, vì khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức.

ĐGM G.B. Bùi Tuần chia sẻ: “Thiết tưởng, chúng ta cũng nên khiêm nhường đối với những người mà chúng ta được sai đến truyền giáo. Biết ơn họ đã cộng tác với chúng ta. Nhớ ơn họ đã nâng đỡ chúng ta”.

Nói đến truyền giáo thì có liên quan việc cử hành phụng vụ. Một linh mục thuộc GP Bà Rịa – Vũng Tàu cương quyết không cho ai làm thừa tác viên cho rước lễ, và nói: “Chỉ có linh mục mới được trao Mình Thánh”. Vài năm nay, giáo dân dự lễ nhiều nơi có khuynh hướng giơ tay khi đọc Kinh Lạy Cha, thế mà một linh mục thuộc Giáo hạt Gia Định nói chắc như đinh đóng cột: “Khi đọc Kinh Lạy Cha, chỉ có linh mục được giơ tay” (sic!). Sao vậy?

Giáo xứ nào cũng có những người giúp đỡ các linh mục quản xứ làm việc truyền giáo và phụng vụ – Ban hành giáo, các Lễ sinh, các Ca trưởng và Ca đoàn, các Giáo lý viên, các Hội đoàn,… có nơi còn có các nữ tu, thậm chí những người tự nguyện không công như quét nhà thờ, cắm hoa, trang trí,… Tất cả vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu. Tuy nhiên, đôi khi họ bị coi thường, bị lãng quên, bị gạt ra ngoài, bị “áp chế”,… Ai có thể làm các động thái đó? Khỏi nói thì ai cũng đủ biết. Thiết tưởng cũng cần phân biệt chủ chiênthợ chiên để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội đúng cách, đôi khi có thể Chúa “bị oan” khi chúng ta cho đó là Ý Chúa và có thể Chúa “bị lợi dụng” khi chúng ta nói: “Để Chúa trả công”. Sáng danh Chúa hay sáng danh con với kiểu “độc đoán” đó?

Khiêm nhường có liên quan lòng biết ơn. Người khiêm nhường thì dễ biết ơn, người không khiêm nhường thì không muốn biết ơn ai – nhất là khi người đó lại “nhỏ” hơn mình (“nhỏ” về cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Mười người phong cùi được chữa khỏi, nhưng chỉ có MỘT người trở lại cảm ơn Chúa Giêsu, mà người này lại là dân Samari — dân ngoại, còn 9 người kia một đi không trở lại. Đó là vong ân bội nghĩa! Giáo hội cũng là xã hội. Dù bạn là ai, là gì, theo cấp bậc xã hội hoặc Giáo hội, thì trước tiên bạn vẫn phải là con người và theo qui luật sống của Đạo Làm Người.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nên một và hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5:48), xin thánh hóa và hướng dẫn chúng con trong chân lý của Ngài (Tv 25:5), xin giúp chúng con biết sống khiêm nhường và biết ơn bất kỳ ai. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu, Chúa chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …