Home / Chia Sẻ / Khi người có tội biện minh

Khi người có tội biện minh

 

Khi người có tội biện minh

5-2-2019 11-12-25 AMTrích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Nhiều năm trước đây, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II bị la ó ở Hà Lan, bài xã luận của một tờ báo Bỉ có đoạn bình luận như sau: có thể thấy khác biệt giữa người Hà Lan và người Bỉ trong cách họ phản ứng với Đức Giáo Hoàng. Người Hà Lan không giữ các điều răn, nhưng họ vẫn muốn làm thánh, vì thế họ muốn thay đổi điều răn. Người Bỉ chúng ta cũng không giữ điều răn, nhưng chúng ta biết chúng ta không là thánh, vì thế chúng ta nhận biết điều đó và xin được cứu chuộc.

Chắc chắn bình luận hơi thiên lệch khi nói đến khác nhau giữa người Hà Lan và Bỉ, nhưng nó lại đúng trên một phương diện khác.

Nền văn hóa chúng ta khó dung hợp với tính ngay thẳng, lại khó mà chấp nhận mình yếu đuối. Trong chúng ta và quanh chúng ta, tất cả đều gợi ý để chúng ta biện minh, bào chữa, đòi hỏi sửa đổi các tiêu chuẩn vì chúng ta không cách nào tôn trọng được chúng.

Cả trong cầu nguyện và xưng tội, càng ngày càng ít thấy ngọn lửa thành khẩn và ăn năn.

Khuynh hướng biện minh thay vì chấp nhận yếu đuối và tội là cám dỗ mạnh nhất mà tất cả chúng ta phải chạm trán. Bởi vì sự kiện không chấp nhận sự yếu đuối và tội lỗi của mình còn nguy hiểm hơn chính sự yếu đuối và tội lỗi.

Thiếu thành thật với chính mình là bước đầu dẫn đến tội chống Thần Khí, tội duy nhất không bao giờ được tha thứ.

Chúng ta đều biết lời cảnh cáo của Chúa Ki-tô về tội phạm thượng, một tội đối với Thần Khí và tội đó sẽ không bao giờ được tha thứ. Đó là tội gì?

Nói một cách đơn giản, đó là tội tự lừa dối mình, lừa dối lương tâm mình đến độ tin vào lời nói dối của mình. Lừa dối biến thành sự thật. Nếu tội này không được tha, không phải vì Chúa không muốn tha, nhưng vì đương sự không còn thấy có nhu cầu cần được tha thứ nữa. Sống trong bóng tối mà cứ cho là sống trong ánh sáng, tội mà cứ cho là ân sủng, hư hỏng mà cứ cho là đức hạnh.

Người sống trong trạng thái này cảm thấy có một sự ghê tởm nào đó với đức hạnh, thơ ngây và hạnh phúc đích thực. Nếu có sự tha thứ, người này cũng không chấp nhận.

Tội này lúc nào cũng bắt đầu bằng biện minh, không chấp nhận mình có tội. Có nhiều chuyện chính trong nội tâm và trong môi trường sống chung quanh dung dưỡng cho nhu cầu cần biện minh, dành phần lý về mình, cứu bộ mặt mình bằng cách chối bỏ sự yếu đuối và tội lỗi của mình.

Nó ở khắp mọi nơi, trong khuynh hướng trốn tránh mọi hình thức xưng tội, trong bất lực không nhận biết phần trách nhiệm về bất hạnh của mình, trong khuynh hướng không chấp nhận mình kém đạo đức. Chúng ta còn thấy điều này trong việc chúng ta thấy khó mà ăn năn về các việc mình đã làm – ở nhà thờ cũng như ở nơi khác.

Càng ngày, xưng tội càng mang dáng dấp của sự kháng lại quyền bính đạo đức và tự biện minh dựa trên tư tưởng đã là người, phạm tội là chuyện bình thường. Thay vì chân thành ăn năn, thì người ta tỏ ra tức giận với quyền bính đạo đức, đặc biệt là với Giáo hội.

Theo ý tôi, nó chẳng tiên đoán một chuyện gì tốt. Như một nhà hiền triết nhận xét, giận dữ ấp ủ một phản kháng chống những gì gọi là nhân bản.

Ngày nay, hiếm có người thu thuế nào xưng: “Tôi là người tội lỗi! Tôi đã làm những chuyện không đúng! Tôi thiếu đạo đức, tôi không sống với những gì tôi tin. Tôi làm điều xằng bậy vì tôi yếu đuối. Tôi không bào chữa được. Lạy Chúa xin thương xót, con là kẻ khốn khổ!”

Phổ biến hơn là khuynh hướng đổ lỗi cho Giáo hội, cho các người có trách nhiệm, cho  giáo dục tôn giáo mình nhận được khi còn nhỏ, nó làm chúng ta mang mặc cảm tội lỗi, tạo trở ngại cho tự do của chúng ta và làm chúng ta không hạnh phúc.

Ruth Burrows, viết trong cuốn Hướng dẫn cầu nguyện thần bí (Guideline for Mystical Prayer) như sau:

Tôi sốc khi thấy lòng ăn năn đích thực có rất ít chỗ trong đời sống chúng ta và ngay cả trong giờ chết. Chỉ một vị thánh mới có thể chết một cách thánh. Còn tất cả chúng ta, chúng ta cần ra đi như những người có tội, dưới mắt mình cũng như dưới mắt người khác, và bình an phải đến với chúng ta từ lòng tin chúng ta đặt vào lượng lòng lành của Chúa, không phải từ ảo tưởng ngầm và mãn nguyện đã sống cho Chúa.

Tiếp đó tác giả kể câu chuyện hai nữ tu mà tác giả đã cùng sống. Xơ thứ nhất không thành tâm trong đời sống cầu nguyện. Phần lớn cuộc đời, xơ sống một cách tầm thường. Nhưng xơ chấp nhận điều đó. Xơ không bao giờ dựng chuyện và không bao giờ huênh hoang mình là một con người khác, xơ chấp nhận xơ tầm thường. Về già, xơ cố gắng thành tâm hơn nhưng thói quen đã ăn nếp, xơ chết trước khi trở nên con người toàn vẹn. Nhưng xơ chết trong hạnh phúc, cái chết của một người tội lỗi xin Chúa tha thứ vì mình yếu đuối.

Xơ thứ hai cũng sống tầm thường, không thành tâm trong đức ái và trong lời cầu nguyện. Nhưng ngược với xơ thứ nhất, xơ thứ hai không bao giờ chấp nhận điều này. Đối với chính mình và với người khác, xơ tỏ ra thánh thiện. Kết quả là một sự lừa dối mà chính xơ là nạn nhân đầu tiên.

Chỉ có thánh mới chết trong tư cách thánh. Còn chúng ta, chúng ta phải sống và chết trong lòng ăn năn chân thành, trong tư cách là người có tội xin Chúa và người khác tha thứ vì đã có một cuộc sống yếu đuối.

Trong lòng chân thành đích thật có sự cứu chuộc. Một vi phạm dù rất nhỏ đến lòng chân thành sẽ là hạt giống, mà nếu để hạt giống này lớn lên thì nó sẽ thúc đẩy chúng ta phạm thượng với Thần Khí.

Nguyễn Kim An dịch 

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …