Home / Chia Sẻ / KHI NÀO CUỘC ĐỜI CHÚNG TA VIÊN MÃN?

KHI NÀO CUỘC ĐỜI CHÚNG TA VIÊN MÃN?

14 - Jesus on the Cross 07 - CKhi nào cuộc đời chúng ta viên mãn?  Đến một lúc nào đó trong đời, chúng ta có thể nói được: “Chính là đây!  Đây là cao điểm!  Từ giờ tôi chẳng thể làm gì hơn thế này nữa.  Tôi đã dốc hết sức mình!”

Lúc nào thì chúng ta nói được như thế?  Sau khi đạt đến đỉnh cao sức khỏe và sức mạnh thể chất?  Sau khi sinh con?  Sau khi nuôi dạy con cái thành công?  Sau khi có một tác phẩm bán chạy?  Sau khi nổi tiếng?  Sau khi thắng chức vô địch lớn?  Sau khi mừng kỷ niệm 60 năm ngày cưới?  Sau khi tìm được tri kỷ?  Sau khi bình an trở lại, thoát được cơn dằn vặt kéo dài?  Khi nào thì chúng ta có thời điểm đó?  Khi nào chúng ta đi đến tận đỉnh con đường trưởng thành?

Nhà thần nghiệm thời trung cổ, Gioan Thánh Giá nói cho rằng chúng ta đạt đến điểm này khi đến được “tâm điểm thâm sâu nhất của mình.”  Nhưng với ngài, tâm điểm thâm sâu nhất trong linh hồn này, lại không giống với quan niệm thường có của chúng ta.  Với thánh Gioan, tâm điểm thâm sâu nhất này chính là điểm tối đa có thể trong sự tiến triển của con người, sự trưởng thành thâm sâu nhất có thể đạt được trước khi chết.  Nếu thật là thế, thì với một bông hoa, tâm điểm thâm sâu nhất, điểm tột đỉnh tiến triển của nó, sẽ không phải là lúc nở hoa, mà là lúc nó chết và tạo thành hạt giống.  Đó là sự tiến triển xa hơn, là thành tựu tối cùng của nó.

Vậy còn điểm tiến triển tối hậu của chúng ta là gì?  Tôi cho rằng chúng ta có khuynh hướng nghĩ nó như một thành tựu tích cực và cụ thể, như thành công trong sự nghiệp, hay một thành tích về thể thao, trí tuệ, hay nghệ thuật đem lại cho chúng ta sự thỏa mãn, công nhận và danh tiếng.  Nhưng nếu nhìn từ quan điểm ý nghĩa sâu xa, có lẽ chúng ta sẽ trả lời theo kiểu khác, nói rằng thành tựu tối hậu của chúng ta là một hôn nhân trọn vẹn, được làm cha mẹ, hay sống cuộc đời phục vụ tha nhân.

Vậy nếu như một bông hoa, khi nào chúng ta sẽ tạo thành hạt giống đây?  Henri Nouwen cho rằng người ta sẽ có những câu trả lời rất khác nhau cho câu hỏi này. “Với một số người, đó là tận hưởng ánh hào quang của danh tiếng, với số khác, là khi họ được hoàn toàn quên lãng, với một số là khi họ đạt đến tột đỉnh sức mạnh, với số khác là khi họ yếu đuối và vô lực, với một số là khi năng lực sáng tạo triển nở, với số khác là khi họ mất hết tự tin vào năng lực của mình.”

Vậy lúc nào thì Chúa Giêsu tạo thành hạt giống của Ngài, sự viên mãn của Ngài?  Với Chúa Giêsu, đây không phải là ngay sau phép lạ làm cho dân chúng kinh ngạc, cũng không phải khi Ngài đi trên mặt nước, hay khi Ngài vang danh khắp cõi Israel đến nỗi dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua.  Không phải như thế.  Vậy lúc nào Chúa Giêsu không còn gì nữa để vươn đến?

Và Henri Nouwen lại một lần nữa cho chúng ta câu trả lời này.  “Tuy nhiên, chúng ta biết một điều, với Con Người, mọi sự đến hồi viên mãn, khi Ngài mất hết tất cả, mất quyền uy để lên tiếng và chữa lành, mất sự thành công và tầm ảnh hưởng, mất môn đệ và bạn bè, thậm chí là mất cả Chúa của mình.  Khi Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự, bị tước hết phẩm giá con người, Ngài biết rằng mình đã đến thời điểm đó, và nói, ‘Mọi sự đã hoàn tất!’”

Chữ hoàn tất ở đây có gốc Hy Lạp là Tetelesti.  Đây là một diễn đạt được các họa sĩ dùng để nói rõ rằng tác phẩm đã hoàn thiện và không thêm thắt gì nữa.  Nó còn được dùng để thể hiện việc gì đó đã xong.  Ví dụ như, chữ Tetelesti được đóng dấu trên các bản án sau khi phạm nhân đã mãn hạn tù, còn được ngân hàng dùng đóng trên giấy ghi nợ đã trả xong, được gia nhân dùng khi báo cáo với chủ đã hoàn thành công việc, và được các vận động viên thốt lên khi băng qua vạch đích.

Đã hoàn tất!  Một bông hoa chết đi để tạo thành hạt giống, nên cũng hợp lý khi đây là những lời cuối cùng của Chúa Giêsu.  Trên thập giá, vẫn trung tín đến cùng với Chúa Cha, với lời của mình, với lòng yêu thương mà Ngài đã giảng dạy, Ngài thôi sống và bắt đầu chết, và đấy là khi Ngài tạo thành hạt giống của mình, khi thần khí Ngài bắt đầu ngấm vào thế giới.  Ngài đã đến tâm điểm thâm sâu nhất của mình, cuộc đời Ngài đã viên mãn.

Vậy khi nào chúng ta thôi sống và bắt đầu chết?  Khi chúng ta đi từ đóa hoa nở rộ đến tạo thành hạt giống?  Nhìn qua, thì dĩ nhiên là khi sức khỏe, uy lực, danh tiếng và sự thu hút của chúng ta bắt đầu suy giảm và mờ nhạt đi, bị đẩy dần ra rìa và xuống dốc.  Nhưng khi nhìn qua lăng kính cuộc đời Chúa Giêsu, thì chúng ta thấy rằng khi mờ nhạt đi, như một bông hoa đã qua thời điểm bung nở, chúng ta bắt đầu tạo ra một sự gì đó còn hấp dẫn hơn cả nở hoa.  Đó là khi chúng ta có thể nói, “Đã hoàn tất!”

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …