Một người vợ chẩn đoán bị ung thư. Một người con rời khỏi Giáo Hội. Một đồng nghiệp bị nhập viện sau một cú va chạm trên xa lộ. Một người thân cận mất việc làm. Hàng triệu người ngủ mà không có của ăn, không được chăm sóc y tế, và không nhà cửa. Hàng ngàn phụ nữ trẻ bị buộc lao vào tình trạng nô lệ tình dục. Một đất nước từ chối quyền sống của một thai nhi. Toàn thể người dân chịu sự thống trị của một bạo chúa.
Có quá nhiều nỗi thống khổ trên thế giới tưởng chừng như không thể vượt thắng được. Nhưng rồi Kinh Thánh lại dạy chúng ta hãy có niềm hy vọng vì điều dường như không thể đối với chúng ta lại có thể đối với Thiên Chúa (Lc 18:27). Đây rõ ràng là lý do vì sao việc cầu nguyện chuyển cầu lại trở nên quá giá trị. Và đây là lý do vì sao chúng ta muốn nhìn đến lời chuyển cầu trong Mùa Chay này.
Giá Trị Của Sự Chuyển Cầu.
Chuyển cầu không giống với việc thờ phượng, việc soi sáng thiêng liêng, hay tạ ơn. Đó không chỉ là việc cầu nguyện cho những người đang cần giúp đỡ. Chuyển cầu là một sự kết hợp của việc xin Thiên Chúa đi vào một hoàn cảnh khó và việc tin rằng Chúa sẽ giải quyết gian khó ấy.
Bạn có muốn biết việc cầu nguyện chuyển cầu quan trọng thế nào đối với Thiên Chúa không? Chỉ cần nhìn vào Kinh Lạy Cha có lẽ là tất cả mọi điều bạn cần. Trong lời kinh ấy, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin nhiều điều quan trọng: cho người ta thấy vinh quang của Thiên Chúa và thờ phượng Người; cho người ta được đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa; để Thiên Chúa ban cho chúng ta lương thực hằng ngày, tha thứ tội lỗi, và bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ. Còn gì nữa, theo Thánh Luca, Chúa Giêsu đính kèm với lời cầu nguyện này bằng lời hứa là nếu chúng ta xin, thì chúng ta sẽ nhận lãnh (Lc 11:9).
Việc chuyển cầu là quá giá trị đến nỗi chính Chúa Giêsu cũng cầu nguyện cách này. Trong Bữa Tiệc Ly, chỉ vài giờ trước khi Ngài chịu chết, thì Ngài đã cầu nguyện cho các tông đồ của Ngài và cho chúng ta: bảo vệ chúng ta, ân sủng để chiến thắng cơn cám dỗ, thánh hoá chúng ta, và sự hiệp nhất của chúng ta (Ga 17:9-21).
Rõ ràng, lời cầu nguyện chuyển cầu không phải là một việc thiêng liêng hạng hai. Đặc biệt là trong mùa đầy ân sủng như Mùa Chay, chuyển cầu có thể là một vũ khí mạnh mẽ chống lại tội lỗi, và sự sợ hãi ở nơi những người thân yêu của chúng ta và trong thế giới.
Sự Kiên Định
Sự kiên định là trung tâm của việc cầu nguyện chuyển cầu. Người liên lỉ sẽ dành được sự chú ý của Thiên Chúa. Chẳng phải đây là điều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta qua dụ ngôn người bạn kiên định sao (Lc 1:5-13)? Vào giữa đêm, một người thân cận đến xin giúp đỡ, nhưng người kia thì không muốn đi ra khỏi giường. Bất chấp sự kháng cự của ông, cuối cùng thì người kia cũng ra khỏi giường và giúp người hàng xóm của ông – vì sự kiên định của người hàng xóm của ông. Cùng một cách, Chúa hứa rằng rằng nếu chúng ta kiên định trong việc cầu nguyện chuyển cầu của chúng ta, thì Thiên Chúa sẽ đáp trả.
Hai câu chuyện khác từ Kinh Thánh cũng dạy cùng một thông điệp tương tự. Một là câu chuyện dụ ngôn về một bà góa đã đến khẩn xin ông thẩm phán cho đến khi ông ta chấp nhận yêu cầu của bà thì thôi. Chúa Giêsu nói với những người nghe Ngài rằng ông quan tòa không nhất thiết phải quyết định theo hướng có lợi cho bà vì bà đúng; mà chỉ vì bà ấy làm cho ông ta mỏi mệt (Lc 18:1-8).
Câu chuyện còn lại là một cuộc gặp gỡ thật sự mà Chúa Giêsu có với người phụ nữ Ca-na-an (Mt 15:21-28). Con gái của bà đang cần chữa lành, nhưng vì bà là một người dân ngoại, nên Chúa Giêsu gần như là không sẵn lòng giúp. Bất chấp việc nghe thấy Chúa Giêsu coi dân của bà như những con chó, bà vẫn kiên định. Bà đã không bị từ chối. Sau cùng, Chúa Giêsu đồng ý “Này bà, niềm tin của bà mạnh thật!” (15:8). Những câu chuyện này thật đơn giản nhưng rõ ràng: hãy nhẫn nại!
Chúa Giêsu Chuyển Cầu Cho Chúng Ta
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài rằng các ông sẽ bỏ Ngài trong giờ Ngài cần giúp đỡ. Rồi Ngài quay sang Phê-rô và nói, “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:32). Ngài biết Phê-rô sẽ cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa sau khi ông từ chối là biết Chúa Giêsu, và Ngài đã cầu nguyện cụ thể cho sự trợ giúp ấy.
Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện cho Phê-rô hay các tông đồ. Trong Thư Gửi Tín Hữu Do Thái, chúng ta đọc thấy rằng Ngài “sống mãi mãi để chuyển cầu” cho mỗi người chúng ta (7:25). Hãy ghi lại hình ảnh này: Chúa Giêsu, giờ đây đã sống lại trong vinh quang và vẻ đẹp của Thiên Đàng, đang dành toàn bộ thời gian của Ngài – mãi mãi – để cầu nguyện cho chúng ta. Ngay bây giờ, Ngài đang cầu nguyện cho bạn và cho những người thân yêu của bạn.
Theo cùng một cách thế, chúng ta là những người Công Giáo được dạy ngay từ rất sớm là hãy xin Mẹ Maria “chuyển cầu cho chúng con trong giờ lâm tử.” Chúng ta tin rằng Đức Đồng Trinh Maria có một vai trò chuyển cầu đặc biệt trên thiên đàng. Giống như bất cứ một người mẹ tốt lành nào, Mẹ có thể bước vào căn phòng của con trai mình bất cứ lúc nào và xin sự trợ giúp của Ngài. Mẹ biết những thách đố và những vết thương và những nhu cầu của con cái Mẹ, và Mẹ hằng tiếp tục cầu nguyện cho họ. Và giống như bất cứ một người mẹ tốt lành nào, Mẹ an ủi chúng ta khi chúng ta cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta. Mẹ tái đảm bảo với chúng ta rằng Mẹ ở cùng chúng ta, cầu nguyện ngay cạnh chúng ta.
Đây không phải là những sự thật ủi an sao? Chúa Giêsu đã hứa rằng nếu chúng ta xin, thì chúng ta sẽ lãnh nhận. Ngài đã hứa rằng nếu chúng ta kiên định trong việc cầu nguyện của chúng ta, thì chúng ta sê thấy Thiên Chúa hành động. Và Ngài hứa rằng Ngài sẽ cùng chúng ta, cùng với Mẹ của Ngài, trong việc cầu nguyện cho hết mọi nhu cầu và bận tâm mà chúng ta dâng lên Ngài. Chúng ta không bao giờ đơn độc trong cầu nguyện!
Ý Muốn Nhiệm Mầu Của Thiên Chúa
Nhưng chúng ta sẽ nói, “Tôi kiên định. Nhưng tại sao một số lời cầu nguyện của tôi lại không được đáp trả?” Đây là một trong những mầu nhiệm lớn lao của niềm tin nơi chúng ta. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu luôn yêu thương chúng ta. Chúng ta biết rằng Ngài không muốn thấy bất cứ ai đau khổ. Nhưng chúng ta không luôn thấy những đáp trả cho những lời nguyện cầu của chúng ta, bất luận là ý hướng tốt lành thế nào và chúng ta đang kiên định cỡ mấy. Câu trả lời tốt nhất chúng ta có thể mang lại là Thiên Chúa luôn đáp trả lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng chúng ta không luôn biết cách nào và khi nào.
Joe Difato, nhà xuất bản của tạp chí này, là một gương của sự nhẫn nại. Ông có một cô con gái lớn bị mù kể từ khi cô bé lên bốn. Joe cầu nguyện thường xuyên cho con gái mình được chữa lành. Giống như bất cứ người cha mẹ nào, ông muốn con gái ông sáng mắt. Đồng thời, ông thấy chính bản thân mình bị thoái lui vào khả năng là con gái ông sẽ luôn mù. “Tôi tin rằng Chúa Giêsu muốn chữa lành con gái tôi, và tôi cầu xin điều này”, ông nói. “Nhưng con gái tôi vẫn cứ mù. Đôi khi tôi mất niềm hy vọng là con gái tôi sẽ sáng mắt. Đôi khi tất cả mọi điều tôi có thể làm là nỗ lực kiên định bất chấp sự hoài nghi của tôi.”
Bốn Mươi Ngày Cầu Nguyện
Trước sự bất lực của chúng ta để hiểu trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa, thì cách duy nhất là chúng ta tiếp tục tiến bước trong niềm tin của mình bằng việc kiên định. Cách duy nhất để tiến bước là tin rằng Thiên Chúa sẽ đáp trả lại lời cầu nguyện của chúng ta theo sự khôn ngoan của Ngài và theo thời gian của Ngài.
Vì thế, khi Mùa Chay bắt đầu, tại sao lại không đặt ra một danh mục cầu nguyện của riêng chúng ta? Hãy nghĩ về những người mà bạn biết là đang đau đớn, bất luận về thể lý hay tinh thần. Hãy nghĩ về một hoặc hai hoàn cảnh trên thế giới đang lôi cuốn sự chú ý của bạn nhất – nạn dịch virus corona – và thêm chúng vào danh mục của bạn. Rồi hãy nhìn vào danh mục mỗi ngày và cầu nguyện cho những nhu cầu này.
Chớ gì tất cả chúng ta “cầu nguyện không ngừng” trong Mùa Chay này (1 Tx 5:17). Ai mà biết? Có khi vào Chúa Nhật Phục Sinh, Thiên Chúa sẽ cho chúng ta một câu trả lời đặc biệt cho một trong những lời cầu nguyện sâu thẳm nhất của chúng ta cho ai đó trên danh mục của chúng ta!
Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ The Word Among Us)