Home / Chia Sẻ / KHÁT VỌNG TRỜI CAO

KHÁT VỌNG TRỜI CAO

KhatvongtroicaoChúng ta đã bước sang năm Phụng vụ mới, mà khởi đầu là Mùa Vọng.  Có lẽ mọi tín hữu đều biết đến bài thánh ca quen thuộc: “Trời cao hãy đổ sương xuống…”  Bài thánh ca diễn tả niềm khát vọng sâu xa của Dân riêng, mong đợi Chúa thực hiện lời hứa của Ngài mà ban Đấng Cứu thế.  Đó là niềm khát vọng hướng về trời cao.  Như đất khô mong nước nguồn, trần gian mong đợi Đấng Cứu tinh.

Sống ở đời, ai cũng có khát vọng.  Khát vọng hay hy vọng là hướng về những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai.  Niềm khát vọng nuôi dưỡng ý chí và tạo nghị lực cho con người.  Ai cũng khát vọng có một cuộc sống ổn định và một tương lai tươi sáng.  Đó là những khát vọng chính đáng.

Mùa Phụng vụ đầu năm mang tên Mùa Vọng.  Trong thời gian này, Giáo Hội gợi lại cho chúng ta tâm tình hy vọng đợi chờ của dân Israen.  Mặc dù trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, kể cả trong thời lưu đầy, dân Israen vẫn mong đợi Đấng Cứu thế.  Họ tin vào lời Chúa hứa với tổ tiên họ.  Họ chắc chắn Thiên Chúa sẽ không rút lời, vì Ngài là Đấng trung tín.

Trong Mùa Vọng, các Kitô hữu sống tinh thần chờ đợi của Dân Israen.  Họ tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa.  Những gì các ngôn sứ đã tiên báo trong Cựu ước đều đã được thực hiện nơi Đức Giêsu thành Nagiarét, vị ngôn sứ có quyền năng trong lời nói và việc làm.  Nếu ngôn sứ Isaia tiên báo nhân loại sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái, thì Chúa Giêsu lại đề nghị một thế giới huynh đệ lấy đức yêu thương làm luật sống và làm nền tảng cho mọi hành động của con người.

Ngôn sứ Isaia say sưa chiêm ngưỡng và diễn tả thành thánh Giêrusalem trong tương lai.  Giêrusalem sẽ là trung tâm thế giới, sẽ là Nhà của Thiên Chúa, nơi muôn dân quy hướng về.  Isaia đệ nhất là vị ngôn sứ sống ở hậu bán thế kỷ thứ tám trước Công nguyên.  Thời đó, Giêrusalem là thủ đô, là trung tâm chính trị, văn hoá và tôn giáo của dân Do Thái.  Hằng năm người Do Thái tuốn về thánh đô để hành hương cầu nguyện.  Nhưng sẽ có ngày vinh quang của thành thánh vượt qua mọi biên giới để đến với thế giới.  Đức Giêsu là Ánh sáng trần gian.  Người đã đến để xoá tan bóng tối đêm đen, chiếu rọi ánh sáng tới khắp mọi miền thế giới.  Ngày hôm nay, một phần lớn dân số thế giới đều tin nhận Đức Giêsu.   Dù những thực hành đức tin có phần giảm sút, nhưng họ vẫn tin rằng Đức Giêsu là Đấng trung gian của lịch sử.  Như thế, có thể nói hình ảnh thành Giêrusalem mà ngôn sứ Isaia đã thấy trong thị kiến nay đã thành hiện thực.  Giáo Hội của Chúa Kitô chính là thành Giêrusalem đích thực.  Công đồng Vatican II đã khẳng định Giáo Hội là ánh sáng muôn dân.  Giáo Hội có mục đích loan báo Đức Giêsu, và nhờ ánh sáng Đức Giêsu, Giáo Hội dẫn đưa nhân loại tìm về chân hạnh phúc.  Giáo Hội không phải Nước Trời, nhưng tiếp nối sứ vụ loan báo Nước Trời mà Chúa Giêsu đã khai mở ở trần gian.

Để Giáo Hội toả sáng, mọi thành viên của Giáo Hội được mời gọi sống thánh thiện và đạo đức, nghĩa là tỉnh thức.  Đức Giêsu đã trích dẫn nhân vật ông Nôê trong Cựu ước.  Xã hội hôm nay cũng giống như thời ông Nôê.  Người ta vẫn lo lắng việc đời, vẫn ăn uống và vẫn cưới vợ gả chồng.  Những sinh hoạt này tự nó không phải là tội.  Vấn đề ở chỗ, người ta coi những sinh hoạt ấy như đích điểm tối hậu của cuộc đời và dửng dưng với sứ điệp sám hối của Chúa.  Bản thân ông Nôê là một thông điệp Chúa muốn gửi đến cho nhân loại lúc bấy giờ.  Việc ông đóng tàu trước bàn dân thiên hạ như một lời cảnh báo những tai ương sẽ đến do cơn giận của Thiên Chúa, nhưng những người đương thời vẫn dửng dưng làm ngơ.  Qua nhân vật ông Nôê, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh thức để nhận ra những dấu chỉ của quyền năng Thiên Chúa.  Nhiều người hỏi rằng sao chờ đợi mãi mà không thấy ngày tận thế hoặc không thấy các dấu chỉ Chúa Giêsu loan báo được thực hiện.  Nếu ngày tận thế chưa đến với toàn thể vũ trụ, thì ngày ấy lại đang đến gần mỗi chúng ta.  Đó là lúc chúng ta kết thúc hành trình cuộc đời để gặp gỡ Chúa.  Lúc đó chúng ta phải trình bày với Ngài về những hành động chúng ta đã làm khi sống trên dương thế.  “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến.”  Chúa Giêsu nói đến một tương lai.  Tương lai ấy lại không biết lúc nào, nhưng chắc chắn sẽ đến.  Thiên Chúa đang đến gần chúng ta, nên chúng ta phải loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.  Thánh Phaolô khuyên chúng ta như thế.  Mang vũ khí của sự sáng, đó chính là sự tỉnh thức, khôn ngoan.  Đó cũng là lòng mến Chúa yêu người mà Chúa Giêsu dạy chúng ta.

Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20).  Đó là lời kết của sách Khải Huyền, cũng là cuốn sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh.  Đó cũng là tâm tình của chúng ta, tâm tình hướng về trời cao với những khát vọng tốt đẹp trong cuộc sống.  Cùng với những khát vọng về một cuộc sống ổn định bình an, chúng ta hãy hướng về Đấng Emmanuel.  Người sẽ lấp đầy những khát vọng sâu xa của chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …