Home / Chia Sẻ / KHÁT VỌNG KIẾP NGƯỜI

KHÁT VỌNG KIẾP NGƯỜI

khatvong-kiepnguoiĐến hẹn lại lên theo một chu kỳ tất yếu, Mùa Vọng lại về, và cũng là khởi đầu Năm Phụng Vụ mới.

Mùa Vọng là khoảng thời gian thế gian mong đợi Đấng Cứu Thế giáng sinh làm người. Đấng ấy là “Ngôi Lời trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14), là Đấng Thiên Sai mang tôn danh Giêsu Kitô.

Con người như đất khô cằn vì “hạn bà chằn” lâu ngày, thế nên luôn khao khát Cơn-Mưa-Giêsu. Và chỉ có Mưa Giêsu mới khả dĩ làm chúng ta “đã” cơn khát.

Trong kiệt tác “Cung Oán Ngâm Khúc” (chữ Hán: 宮怨吟曲) của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), câu 103 và 104 có nói tới kiếp người:

Trăm năm nào có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì

Còn Thiên Chúa nói với mỗi chúng ta: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:19). Thân phận phàm nhân chỉ là cát bụi mà thôi. Xét ra chẳng có giá trị gì. Đồ càng cũ càng có giá trị, gọi là đồ cổ; người càng cũ càng bị người ta xa tránh, chẳng ai muốn quan tâm “người cổ”, thậm chí còn bị chê là lỗi thời và lạc hậu.

Nói vậy nghe chừng bi quan quá. Nhưng không phải thế, người ta cần biết vậy để mà bớt tham-sân-si, để cố gắng ngày càng sống tốt hơn, ích lợi hơn không chỉ cho chính mình mà còn cho tha nhân.

Thân phận quá nhỏ nhoi, con người quá yếu đuối, quá bất túc và bất trác, vì vậy mà người ta càng khát vọng, có những khát vọng vô cùng cháy bỏng, tưởng chừng có thể “chết” đi nếu không đạt được. Ước mơ nhiều mà chẳng được bao nhiêu. Nhưng chính nhờ vậy mà người ta giảm bớt kiêu ngạo, chứ muốn gì được nấy thì người ta sẽ chẳng coi ai ra gì, và chắc hẳn người ta không còn tin vào bất cứ thần linh nào nữa. Cuộc đời không là vườn hồng, bước đời không đi trên thảm lụa, có vậy mới thành nhân.

Càng sống lâu người ta càng thấy mình kém cỏi về đủ mọi lĩnh vực, thế nên người ta phải kêu cầu Thiên Chúa: “Thân phận con khốn khổ nghèo hèn, xin mau đến cùng con, lạy Thiên Chúa! Ngài là Đấng phù trợ, là Đấng giải thoát con, muôn lạy Chúa, xin đừng trì hoãn” (Tv 70:6). Hằng ngày, người ta vẫn không ngừng sáng nguyện, trưa cầu, tối khấn: “Xin dủ lòng thương mau đến giúp, vì chúng con đã khổ quá nhiều” (Tv 79:8).

Có thể có người nghĩ rằng Chúa không nghe hoặc làm ngơ, vì họ cầu xin quá nhiều mà chẳng thấy động tĩnh gì, cũng có thể có người sẽ thối chí nản lòng. Thực ra Chúa biết hết, Ngài muốn chúng ta “đừng lải nhải” (Mt 6:7), mà Ngài tập cho chúng ta đức kiên trì. Thánh Thomas Tiến sĩ nói: “Công hiệu của năng lực cầu nguyện là do đức ái, nhưng năng lực để cầu nguyện cho được hiệu quả vẫn là do đức tin và đức cậy của mình”. Thánh Sibyllina giải thích: “Mong đợi, giống như một đồ đựng, đồ đựng càng lớn thì chứa được càng nhiều, đồ đựng càng nhỏ thì chứa được càng ít. Mong đợi lớn thì được ân điển nhiều, mong đợi nhỏ thì được ân điển ít”.

Quả thật, khi cầu nguyện mà không thấy động tĩnh gì, không thấy cảm giác gì, đó mới là cách cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa. Người ta có thể rưng rưng mắt lệ hoặc bật khóc khi cầu nguyện, nhưng có thể đó chỉ là cảm giác nhất thời, vì “bức xúc” cá nhân điều gì đó, chứ chưa hẳn là vì say Men Tình Giêsu.

Cuộc sống có biết bao thứ để chờ đợi, ước mong, hoài vọng, nhưng điều cần là phải biết lắng nghe. Nghe cũng phải có phương pháp, lắng nghe chứ không nghe bình thường, lắng nghe cả những điều trái ý mình chứ không chỉ lắng nghe điều hợp ý mình với cả tấm lòng. Khó lắm! Vả lại, Thiên Chúa chỉ nói thì thầm với chúng ta khi chúng ta vui mừng, nhưng Ngài lại nói to trong lương tâm của chúng ta khi chúng ta giãy giụa trong bể khổ trần ai. Chính lúc chúng ta “đầu hàng vô điều kiện” thì Ngài sẽ kịp thời ra tay: “Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (1 S 2:6).

Lắng nghe mà chưa hiểu thì lắng nghe tiếp, và tâm sự với Chúa: “Xin Ngài lắng nghe con rên rỉ: có ai thèm an ủi con đâu! Mọi kẻ thù con vui mừng hớn hở khi biết chính Ngài gây khổ cực cho con. Ngày Ngài hứa, xin cho mau đến để chúng cùng số phận với con” (Ac 1:21). Mà thật đấy: “Ngài có đó khi con tưởng mình đơn côi, Ngài nghe con khi chẳng ai thèm đáp lại, Ngài thương con khi tất cả đều hững hờ” (Thánh Augustinô).

Chúng ta thực sự cần Chúa, vì chỉ có Ngài mới là Cứu Cánh: “Lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con bởi lòng thương dân Ngài, xin ngự đến viếng thăm mà ban ơn cứu độ” (Tv 106:4). Có yêu Chúa mới cần Chúa, mong Chúa: “Lạy Chúa, con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài mau đến phù trợ con. Xin lắng nghe lời con, khi con kêu lên Ngài” (Tv 141:1). Khoảng mong chờ nào cũng là khoảng thời gian dài nhất, dù chỉ phải chờ 5 phút cũng thấy thời gian sao quá lâu!

Chờ mong, nhưng có thành khẩn? Nếu thật lòng mong chờ thì Thiên Chúa không nỡ để chúng ta phải chờ lâu, vì Đấng làm chứng về những điều đó phán: “Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” (Kh 22:20a). Chắc chắn như vậy, nhưng bổn phận của mỗi chúng ta vẫn phải cầu nguyện liên lỉ: “Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22:20b).

Mùa Vọng cứ đến rồi qua, càng lớn tuổi càng trải qua nhiều Mùa Vọng, nhưng vấn đề không phải sống qua nhiều Mùa Vọng mà là còn “đọng” lại chút gì ý nghĩa thánh đức hay không. Đó mới là điều Chúa muốn!

Chúa Giêsu đã đến thế gian lần thứ nhất để trao ban Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Đó là “lần đầu”. Ngài sẽ đến thế gian lần thứ hai để hoàn tất công cuộc cứu độ, gọi là Tận Thế hoặc Cánh Chung. Đó là “lần cuối”. Nhưng còn một lần Ngài đến riêng với từng người: Lúc chúng ta chết. Đó là “lần giữa”.

Lần nào cũng quan trọng, nhưng “lần giữa” là lần tối quan trọng với từng người, vì chúng ta không được chứng kiến Chúa Giêsu đến “lần đầu” trong nghèo hèn và đau khổ, và không biết chúng ta có diễm phúc chứng kiến Ngài đến “lần cuối” trong vinh quang hay không, nhưng chắc chắn ai trong chúng ta cũng sẽ một lần chứng kiến Ngài đến “lần giữa”.

Lạy Thiên Chúa, xin Ngài tuôn đổ xuống Sương-Giêsu và Mưa-Giêsu để gội mát và giải khát chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …