Tám trăm năm trước, nhà thơ Rumi đã viết: Điều tôi muốn làm là vọt ra khỏi con người tôi và ngồi tách hẳn ra. Tôi đã sống quá lâu ở nơi người ta có thể tìm tới.
Chẳng phải điều đó đúng với tất cả chúng ta hay sao, đặc biệt ngày nay! Đời sống của chúng ta thường xuyên giống như cái va li bị nhét quá tải. Gần như lúc nào chúng ta cũng cũng bận rộn, cũng đầy áp lực, còn một cú điện thoại phải gọi, còn một tin phải nhắn, một e-mail phải gởi đi, một chuyến thăm còn chờ, một nhiệm vụ chưa làm. Mãi mãi chúng ta lo lắng về những thứ chúng ta vẫn còn để đó chưa làm, về người mà chúng ta đã làm cho họ thất vọng, về những kỳ vọng không được đáp ứng.
Hơn nữa, trong mọi chuyện này, bao giờ người khác cũng có thể tìm tới được với chúng ta. Chúng ta chẳng có hòn đảo tĩnh lặng nào để trốn, chẳng có nơi ẩn náu cô tịch nào. Khi nào người khác cũng tìm được chúng ta. Một nửa thế giới có số điện thoại liên hệ với chúng ta và chúng ta chịu áp lực phải có mặt ở đó bất cứ khi nào. Rất thường xuyên chúng ta cảm thấy mình như đang ở trong guồng lao dịch mà chúng ta khao khát thoát ra. Và giữa tất cả trận đồ bận túi bụi, áp lực, ồn ào và mệt mỏi đó, chúng ta khao khát cô tịch, khao khát một tĩnh lặng nào đó, một hòn đảo bình yên nơi chấm dứt mọi áp lực và tiếng ồn để đơn giản chúng ta có thể ngồi xuống nghỉ ngơi.
Đó là ước ao lành mạnh. Tâm hồn chúng ta đang lên tiếng. Giống như thân thể, tâm hồn cũng liên tục cố gắng báo cho chúng ta biết nó muốn gì. Nó cần cô tịch. Nhưng tìm cô tịch thì chẳng dễ dàng. Tại sao?
Cô tịch là thứ khó nắm bắt, nó cần tìm chúng ta hơn chúng ta tìm nó. Chúng ta có khuynh hướng hình dung cô tịch một cách rất ngây ngô, như một cái gì đó chúng ta có thể “đắm mình trong đó” như đắm mình trong bồn nước ấm. Chúng ta có xu hướng hình dung cô tịch như sau: Chúng ta bận rộn, đầy áp lực, và mệt mỏi. Cuối cuần chúng ta có dịp thoát được áp lực này. Thuê một căn nhà nhỏ, có đầy đủ mọi thứ, lò sưởi, khu rừng ẩn mật. Chúng ta đem theo thức ăn, rượu vang, vài đĩa nhạc nhẹ và chúng ta để điện thoại, iPad hay máy tính xách tay ở nhà. Đây sẽ là một cuối tuần tĩnh lặng, thời gian để uống rượu vang bên lò sưởi và lắng nghe chim hót, một thời cô tịch.
Nhưng sự cô tịch không thể được lập trình dễ dàng như vậy. Chúng ta có thể thiết lập những điều kiện tối ưu cho nó, nhưng điều đó không bảo đảm rằng chúng ta sẽ tìm thấy nó. Nó phải tìm thấy ta, hoặc, nói chính xác hơn, một điều nào đó bên trong ta phải được đánh thức cho nó có mặt. Tôi xin chia sẻ một trải nghiệm của bản thân như sau:
Vài năm trước, khi còn dạy thần học ở một trường đại học, tôi thu xếp để sống ở tu viện Xi-tô hai tháng hè. Tôi đi tìm cô tịch, tìm cách sống chậm lại. Tôi vừa xong một học kỳ đầy áp lực, vừa dạy, vừa đảm nhiệm công việc hành chánh, tổ chức các buổi nói chuyện và hội thảo, và cố gắng viết đôi chút nữa. Tôi đã tưởng tượng ra hình ảnh gần-như-ngọt ngào về những gì sẽ gặp tôi ở tu viện đó. Tôi sẽ có hai tháng tuyệt vời trong cô tịch: Tôi sẽ đốt lò sưởi trong phòng, ngồi yên lặng bên cạnh. Tôi sẽ thinh lặng đi dạo trong khu rừng đằng sau tu viện. Tôi sẽ ngồi trên chiếc ghế đu ven hồ và châm tẩu hút. Tôi sẽ thưởng thức món ăn ngon lành, ăn trong yên lặng, tai nghe một thầy đọc to giọng một đoạn trong sách thánh, và tuyệt vời nhất, tôi sẽ cùng các thầy cầu nguyện – cùng hát trong ca đoàn, dâng thánh lễ, và cùng họ thiền tọa tĩnh lặng trong nhà nguyện an bình.
Tôi đến tu viện vào giữa chiều, vội vàng dỡ đồ đạc ra, và ngay lập tức bắt tay vào làm những việc trên. Đến chiều muộn tôi đã “phạt sạch”, giống như bãi cỏ đợi để được cắt từ lâu: Tôi đã châm lò sưởi và ngồi cạnh. Tôi đã đi dạo trong rừng, đã ngồi trên chiếc ghế đu cạnh hồ hút tẩu thuốc, đã cùng với các thầy hợp ca trong giờ kinh chiều, đã ngồi thiền với họ nửa giờ sau đó, đã ăn tối ngon lành trong im lặng, và rồi lại cùng với họ hát trong buổi lễ cuối ngày. Đến giờ đi ngủ trong buổi tối đầu tiên thì tôi đã làm xong tất cả mọi thứ mà tôi ao ước nó sẽ đem lại cho mình một sự cô tịch nào đó, và tôi đi ngủ mà lòng không yên, nhấp nhỏm lo lắng rồi đây không biết làm sao sống qua được hai tháng không ti vi, không báo chí, không điện thoại, không gặp gỡ bạn bè, và không những công việc đều đặn để làm xao lãng bản thân. Tôi đã làm tất cả những hoạt động cô tịch đúng đắn mà không tìm thấy cô tịch, thay vào đó tôi lại thấy bất an. Mất vài tuần cơ thể và tâm trí tôi mới chậm lại đủ để tôi tìm được yên tĩnh căn bản trước khi tôi có thể bắt đầu nhấm nháp bờ rìa của cô tịch.
Cô tịch không phải là cái gì chúng ta có thể vặn một cái là chảy ra ngay như nước máy. Nó cần một cơ thể và tâm trí chậm lại để chú ý tới phút giây hiện tại. Chúng ta ở trong cô tịch khi, như Merton nói, chúng ta trọn vẹn nếm được vị của nước đang uống, cảm nhận được hơi ấm của tấm chăn đang đắp, và yên tĩnh đủ để hài lòng với bản thể chính mình. Chúng ta thường không làm được điều đó, cho dù nỗ lực thiết tha, nhưng chúng ta cần tiếp tục những khởi đầu mới mẻ.
Rev. Ron Rolheiser, OMI