“Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”. Đó lời cầu nguyện đẹp đầy ắp tình mến của Thánh Phanxicô, một người nghèo “giàu sang” ở miền Assisi. Và ngài xác định: “Tất cả bóng tối trên thế gian cũng không thể dập tắt được ánh sáng của một ngọn nến”.
Khi sắp chết,Lenin đã nói: “Muốn cứu nước Nga, điều chúng ta cần là ông Phanxicô Assisi”.Lenin nói đúng, vì Thánh Phanxicô Assisi là một trong các vị thánh lớn trong lịch sử Giáo Hội.Thế kỷ 13, ngài giúp phục hồi Giáo Hội thời Trung cổ bằng nền tảng của Dòng Anh Em Hèn Mọn (Dòng Phanxicô).Ngàicó các tài năng siêu phàm – nhà thần bí, người chữa bệnh, nhà lãnh đạo, cũng như khả năng cộng sinh đặc biệt (special symbiosis) với thiên nhiên.
Không lạ gì khi thi sĩ Dante viết một bài thơ về Thánh Phanxicô, gọi ngài là “hoàng tử có nhiệt huyết của các thiên thần”.Tuy nhiên, còn hơn các biệt tài đó, sự thành công của Thánh Phanxicô có nguồn gốc từ ước muốn của ngài, đó là sống noi gương Đức Giêsu Kitô, đặc biệt là Đức-Kitô-chịu-đóng-đinh. Nhiều người ngày nay nghĩ sai về Thánh Phanxicô, cho rằng ngài mang giày dép và sống đầy đủ.Thật ra ngài sống một cuộc đời tuân thủ và kết hiệp với cuộc đời hy sinh của Đức Kitô. Xem lại cuộc đời của ngài, chúng ta có thể thấy ngài sống kết hiệp với Đức Kitô và phát triển qua các giai đoạn tử đạo như thế nào.
Cùng với nhiều người trẻ, nhất là những người xuất thân từ các gia đình giàu có, Thánh Phanxicô lúc trẻ cũng đi theo những thứ hư ảo của cuộc đời.Truyền thống cho biết rằng ngài thích rượu chè, ăn uống, hội hè, và sống theo xu hướng nuông chiều mình. Các thi phẩm về những người hát rong thời Trung cổ cũng làm cho ngài xao xuyến. Có thể các thi phẩm đó làm cho ngài mơ ước trở thành hiệp sĩ trong thập tự quân. Thật vậy, trong một lần đụng độ vào năm 1202 khi chống lại một thành phố gần đó của Perugia, chàng trai Phanxicô đã bị thương và bị bắt tù 1 năm. Trong thời gian đó, ngài bị bệnh lâu ngày. Sau khi được phóng thích, ngài lại bị bệnh, tư tưởng ngài bắt đầu tránh xa sự mạo hiểm và ước muốn thế gian. Ngài bắt đầu dành nhiều giờ cầu nguyện say đắm, luyện tập tâm linh, và chiêm niệm Thiên Chúa. Đó là cuộc hoán cải thứ nhất của ngài.
Trong thời gian này Thánh Phanxicô có cuộc gặp gỡ lạ lùng với một người phong cùi. Ngài nhận biết khi cầu nguyện rằng Thiên Chúa muốn ngài từ bỏ mình và chiến thắng ý riêng. Lúc đó, lương tâm ngài giằng co mạnh mẽ về sự ghê tởm người phong cùi. Một hôm, ngài đang cưỡi ngựa đi ở một vùng quê thì gặp một người phong cùi. Nhớ lại quyết định của mình, ngài đến gần người đó, cho họ ít tiền và hôn tay người đó. Sau khi lên ngựa, ngài quay lại nhìn người đó, nhưng không thấy anh ta đâu cả.Từ đó, Thánh Phanxicôbắt đầu đi thăm và giúp đỡ những người phong cùi, rửa vết thương cho họ, hôn họ, và cùng ăn uống với họ.Nhờ vậy mà ngài có thể từ bỏ chính mình.
Khi đang cầu nguyện trước một Thánh Giá tại một nhà nguyện San Damiano năm 1205, Thánh Phanxicô nghe tiếng Chúa Giêsu. Ngài thấy môi Chúa Giêsu chuyển động và nói:“Này Phanxicô, hãy sửa Nhà của Ta, vì con có thể thấy nó đang sụp đổ”.Ba lần Chúa Giêsu nói với ngài như vậy. Thánh Phanxicô xúc động vì thị kiến này,và tìm cách sửa nhà nguyện đó. Ngài bán tài sản của cha mẹ để trả tiền sửa nhà nguyện. Sau đó, theo hướng dẫn của giám mục, ngài hiểu rằng lấy tiền của cha mẹ như vậy là không được. Cuối cùng, trước sự ngạc nhiên của giám mục, cha của ngài và nhiều nhân chứng khác, Thánh Phanxicô cởi bỏ hết quần áo và của cải. Trần truồng như vậy, Thánh Phanxicô chính thức từ bỏ mình, rời xa cha mẹ và thế gian để sống cuộc đời nghèo khó.
Thánh Phanxicô sống cầu nguyện và sống khắc khổ trong một túp lều vài năm. Ngài vẫn đi xin tiền để tiếp tục sửa chữa nhà nguyện và các nhà thờ khác. Sau khi sửa xong nhà nguyện San Damiano, ngài sửa các nhà thờ San Pietro della Spina và Portiuncula (cũng gọi là Little Portion),nhà thờ dâng kính Đức Mẹ của các Thiên Thần. Về sau, Thánh Bônaventura kể lại rằng việc Thánh Phanxicô tu sửa ba nhà thờ này là biểu tượng của ba dòng mà ngài sáng lập sau đó: Dòng Anh Em Hèn Mọn, Dòng Nữ Thánh Clara Nghèo Khó,và Dòng Ba Phanxicô cho giáo dân.Khi tham dự Thánh Lễ tại nhà thờ Portiuncula,ngài nghe đọc Phúc Âm:“Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”(Lc 9:3). Điều này ảnh hưởng sâu xa tới Thánh Phanxicô, như thể chính Chúa Giêsu sai ngài đi vậy. Ngài ra đi chỉ với một chiếc áo với sợi dây thắt lưng, ngài loan báo Tin Mừng cho mọi người mà ngài gặp.
Thánh Phanxicôtiếp tục sống cuộc đời từ bỏ và nghèo khó.Với uy tín và sự rao giảng, Thánh Phanxicô mau chóng được nhiều người theo. Họ cũng sống tinh thần nghèo khó của Đức Kitô, khất thực, phục vụ người nghèo và loan báo Tin Mừng. Đời sống của họ là cuộc tử đạo qua việc hành xác, đền tội và cầu nguyện. Năm 1209, sau khi ĐGH Innocent III mơ thấy Thánh Phanxicô nâng Đền Thờ Lateranô lên, ngài phê chuẩn Luật Dòng của thánh nhân. Các tu sĩ cạo đầu và có thói quen khắc khổ là mặc áo vải thô có mũ trùm đầu với sợi dây thắt nút thắt lưng.Thánh Phanxicô được phong chức phó tế, sống khiêm nhường, nghĩ mình không xứng đáng chịu chức linh mục. Khi Dòng Phanxicô được phê chuẩn, các tu sĩ sống theo luật nghèo khó,khiết tịnh và vâng lời Giáo Hội Công giáo Rôma.
Thánh Phanxicô tìm cách loan báo Tin Mừng và cứu các linh hồn, được thể hiện qua công việc truyền giáo.Năm 1219, Thánh Phanxicô cùng thập tự quân tới Ai Cập, nhưng không với tư cách là hiệp sĩ như ngài nghĩ hồi còn trẻ, mà với tư cách là nhà truyền giáo của Đức Kitô. ĐGH Honorius III đã ban hành Thập Tự Quân Đệ Ngũ (Fifth Crusade) để giành lại Thánh Địa và Giêrusalem. Từ khi hoán cải,Thánh Phanxicô luôn sống cuộc đời tử đạo về tâm linh và khắc khổ về thể lý. Với thập tự quân vây quanh TP Damietta của Ai Cập gần Cairo, Thánh Phanxicô sẵn sàng tử đạo thực sự vì Đức Kitô. Sau khi cảnh báo với thập tự quân rằng họ sẽ thua trận vàchịu tổn thất nhiều, họ đã tấn công bằng mọi giá.Khi quân Hồi giáo thắng, thập tự quân tử vong khoảng 5.000 người và1.000 người khác bị bắt tù, người ta kêu gọi đình chiến. Khi cuộc chiến giảm xuống, Thánh Phanxicô và một người bạn được phép tới doanh trại Saracens (quân Hồi giáo Ai Cập) và gặp Sultan al-Malik al-Kamil (vua Hồi giáo).
Thánh Phanxicô vào lãnh địa của quân thù với nhiệt huyết cứu các linh hồn chứ không có vũ khí, và sẵn sàng chịu chết. Ngài bị quân Hồi giáo bắt trói và đánh đập, rồi dẫn tới vua Hồi giáo. Ngài cho biết rằng ngài tới với tư cách là sứ giả của Chúa cho biết sự thật về Kitô giáo và muốn cứu linh hồn nhà vua. Mặc dù quân Hồi giáo muốn chặt đầu Thánh Phanxicô, nhưng nhà vua lay chuyển vì sự quan tâm cứu độ của Thánh Phanxicô dành cho mình. Một trong những người bạn của Thánh Phanxicô mô tả vua Hồi giáo là “con thú hung dữ” đã trở nên “hiền từ” nhờ Thánh Phanxicô.
Nhờ ơn Chúa, Thánh Phanxicô được phép ở lại đó vài tuần, thảo luận về thần học và Phúc Âm. Vua Hồi giáo không chịu theo Kitô giáo công khai vì có thể bị quân lính giết, thế nên Thánh Phanxicô trở về với thập tự quân trước sự ngạc nhiên của họ. Theo truyền khẩu, sau đó vua Hồi giáo đã hoán cải trước khi chết để theo đức tin của Thánh Phanxicô. Bạn của ngài, tu sĩ Illuminato, nói rằng sau khi nghe Phanxicô thuyết giảng, vua Hồi giáo “đã có đức tin Kitô giáo ghi dấu vào tâm hồn”. Theo di sản của Thánh Phanxicô, các tu sĩ dòng này coi sóc các nơi thánh của Kitô giáo ở Thánh Địa và Trung Đông, những nơi đó vẫn được duy trì ngày nay.
Thánh Phanxicô cập nhật hóa Luật Dòng năm 1221,Regula non Bullata, chương XVI, về việc đi loan báo Tin Mừng ở những vùng Hồi giáo bằng cách trích dẫn lời của Chúa Giêsu: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16). Thánh nhân khuyên can đảm loan báo Tin Mừng của Đức Kitô, mặc dù có bị bách hại và phải chết.
Năm 1224, Thánh Phanxicô lên núi La Verna để ăn chay 40 ngày và tĩnh tâm chuẩn bị mừng lễ Tổng Thần Micae. Vào ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, 14 tháng 9, khi suy niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Kitô, Thánh Phanxicô thị kiến thiên thần Seraphim có 6 cánh gắn chặt vào Thánh Giá bay tới chỗ ngài. Khi thiên thần tới gần, ngài nhận ra đó là Chúa Giêsu bị đóng đinh chân tay vào Thánh Giá. Thánh Phanxicô hiểu thị kiến đó là chính ngài sẽ được biến đổi bằng tình yêu Thiên Chúa thành một hình ảnh hoàn hảo của Đức Kitô chịu đóng đinh. Sau khi thị kiến,Thánh Phanxicô thấy mình có 5 vết thương của Chúa Giêsu trên cơ thể, bốn dấu ở chân tay và một dấu ở ngực. Ngài nhận Năm Dấu là bằng chứng của sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, như lời Thánh Phaolô nói: “Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu” (Gl 6:17).Hai năm tiếp theo cho tới khi chết, Thánh Phanxicô nhận Năm Dấu như cuộc tử đạo đau khổ để thể hiện sự kết hiệp trọn vẹn với cuộc khổ nạn của Đức Kitô.
Thánh Phanxicô ấp ủ nỗi đau khổ vì yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.Thánh Bônaventura cho biết lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô:“Lạy Chúa, không gì làm cho con hạnh phúc hơn là Ngài cho con chịu đau khổ với Ngài. Thi hành Thánh Ý Ngài là niềm an ủi trọn vẹn đối với con”.Đó là lúc thánh nhân biên soạn “Khúc Ca Anh Mặt Trời”.Ngài khó khăn đi lại vì hai vết thương ở chân, đôi mắt gần như mù, và ngài chìm dần vào cõi chết chiều ngày 3-10-1226.Noi gương nghèo khó và cái chết của Chúa Giêsu, ngài yêu người ta cầu cởi bỏ hết y phục của ngài và chôn ngài để ngài được thông phần cái chết của Chúa Giêsu. Trong khi hấp hối, Thánh Phanxicô xin những người theo ngài hãy bám chặt vào Phúc Âm và đức tin của Giáo Hội. Với cuộc đời như vậy, ngài đã được lãnh nhận phần thưởng vĩnh hằng.
Khi suy tư về cuộc đời củaThánh Phanxicô,chúng ta được nhắc nhớ về các giai đoạn tử đạo mà ngài đã trải qua, từ việc từ bỏ tài sản tới việc phục vụ người phong cùi và người nghèo, dám liều mạng đi truyền giáo cho người Hồi giáo, chịu đựng sự yếu đuối, rồi cuối cùng chịu năm vết thương của Chúa Giêsu. Trong lịch sử Giáo Hội, Thánh Phanxicô là hiện thân của Đức Kitô. Thánh nhân tin vào đời sống hy sinh, nghèo khó, và khiêm nhường. Chính tình yêu trong sáng như thiên thần và đức khiêm nhường của Thánh Phanxicôđã thúc giục ngài làm máng cỏ đầu tiên, theo tinh thần đơn giản và tôn kính trong đêm lễ Giáng Sinh để kính mừng Con Thiên Chúa – Mầu Nhiệm Nhập Thể.
Thánh Phanxicô dành trọn tình yêu cao cả cho Chúa Giêsu và noi gương sống của Đức Kitô. Thánh nhân cũng tin rằng sự đau khổ có tính cứu độ và chịu thay cho người khác, nếu dâng đau khổ cho Chúa, đồng thời cũng đáng công trạng để cứu các linh hồn. Việc cứu các linh hồn là vấn đề quan trọng trong cuộc đời ngài. Là chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô, tất cả chúng ta được mời gọi hoàn tất những gì còn thiếu trong nỗi đau khổ của Đức Kitô và cùng chia sẻ công việc cứu độ của Ngài, vì Ngài đã xác định: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12:26).Và bây giờ, chúng ta hãy ở bên Chúa Giêsu cùng vớiThánh Phanxicô, người anh em của chúng ta.
BRIAN KNANICK
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từCatholicExchange.com)