Home / Chia Sẻ / KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO:VAI TRÒ CỦA MỖI KITÔ HỮU

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO:VAI TRÒ CỦA MỖI KITÔ HỮU

       10-20-2019 5-04-14 PM   Từ ngày lãnh bí tích Thanh Tẩy, người Kitô hữu nhận trong mình 3 sứ vụ: tư tế – ngôn sứ và vương đế.Một trong ba sứ vụ đó – ngôn sứ – mỗi người được mời gọi cũng như phải có trách nhiệm với ơn gọi của mình. Và, nhất là trước khi về Trời, Chúa mời gọi: “Các con hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” Với lời này, mọi người phải nhớnhiệm vụ loan báo Tin Mừng là không phải của riêng ai. Có người thầm nghĩ là của giám mục,linh mục, tu sĩ hay người thuộc Ban Truyền Giáo… Và như thế, cần phải cân chỉnh lại cách nhìn và nhất là cân chỉnh đời sống của mình.

          Người ta vẫn thường nói có đạo rồi phải giữ đạo và chuyện này rất quan trọng. Hay hơn thế nữa khi ta nghe nói “tin đạo chứ đừng tin người có đạo.”Thật đau lòng và suy nghĩ cho những người có đạo. Những người có đạo có thật sự giữ đạo hay không và có để người khác tin rằng mình có đạo hay không? Hay mình chỉ là người đóng mác nhãn Kitô mà thôi, còn trong người mình chả có một chút gì Kitô cả.

          Ngày nay, hơn bao giờ hết, sứ mạng truyền giáo vẫn là sứ mạng căn cốt của người Kitô hữu. Chả phải cứ lên đường loan báo Tin Mừng hay dự các hội thảo hội nghị, hay ra định hướng là truyền giáo. Chuyện cần thiết nhất là phải sống cùng, sống với, và sống cho người khác như Đức Kitô thì mới gọi là truyền giáo.

          Nếu nhắc đến truyền giáo mà không nhắc đến Đức Kitô quả là điều thiếu sót thật lớn và coi như chả có gì để nói. Đơn giản vì chính Đức Kitô đã được Thiên Chúa, vì yêu thế gian đã ban cho con người để con người được cứu độ ngang qua cuộc đời hay nói đúng hơn là ngang qua đau khổ – cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô.

          Đức Kitô đã đến thế gian này và đón nhận kiếp người cũng như sống chết với con người với ơn gọi phục vụ ơn cứu độ. Cái chết trên cây thập tự chính là lễ tế cuối cùng và tuyệt hảo nhất mà Chúa Giêsu đã dâng cho Chúa Cha để đền tội cho nhân loại hững hờ.Cả cuộc đời Chúa Giêsu, đến thế gian không phải để được phục vụ nhưng đã phục vụ và làm giá chuộc cho nhân loại.Nếu như Đức Kitô chỉ nhập thể nhưng không nhập thế thì coi như không hoàn thành sứ mạng và có thể xem ra vô ích. Đức Kitô đã nhập thể và nhập thế.Thật vậy, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc (với các môn đệ), cùng đồng thân đồng phận với con người và nhất là đồng thân đồng phận trong con người tội lỗi để nâng người tội lỗi lên tầm cao mới là không chỉ sạch tội mà được ơn cứu độ.

          Nhìn lại cuộc đời của nhà truyền giáo vĩ đại nhất mọi thời đại ta thấy Đức Giêsu đã vùi đời mình trong thân phận làm người và gần gụi con người đến mức không còn mức nữa. Chúa Giêsu đã cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ và đã hủy đời mình ra không. Chính vì như hạt lúa gieo vào lòng đất đó mà 12 hạt lúa khác và hàng ngàn, hàng vạn hạt lúa khác đã thối đi và sinh nhiều bông hạt.

          Và ta thấy, công cuộc loan báo Tin Mừng mãi mãi là sự giằng co của biết bao nhiêu người khi đứng trước sứ mạng to lớn ấy. Tôi phải làm gì? Tôi phải sống như thế nào? Tôi không có tiền thì sao truyền giáo? Tôi không tri thức sao truyền giáo? Tôi không có sức khỏe sao truyền giáo? Có khi do suy nghĩ quá mà người ta đâm ra lối loạn tâm thần.

          Ta cứ nhìn lại hành trình của những hạt lúa đã gieo vào lòng đất ít nhiều ta thấy cuộc đời của các Đấng như thế nào?Một Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ với 4 bức tường nhưng đã trở thành bổn mạng của các xứ truyền giáo.Một Gioan Maria Vianney đã hy sinh cả đời mình để phục vụ trong sứ mạng mục tử. Một Phanxicô Xavie đã dong duỗi trên mọi nẻo đường…  Mỗi người một cách thế nhưng rồi có một cách thế chung là rập đời mình theo mầu nhiệm Thánh Giá Chúa.

          Còn nếu nói phải nói gì thì hẳn ta nhớ Thánh Phaolô: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không nóinhững lời hoa mỹ nhưng đến với anh em bằng cả tấm lòng.”  Vâng! Nếu dựa vào tiền bạc vật chất hay tài vặt để truyền giáo e rằng cần phải xem lại. Khi ta vịn vào vật chất hay tài năng thì khi ấy ta đã lạc đường mất hướng. Người ta sẽ không theo và tin anh khi anh giàu có ở giữa người nghèo đâu. Người ta cũng chả tin anh khi anh nói hoa mỹ nhưng không sống như những gì anh nói. Và nhất là ngày hôm nay người ta sợ anh định hướng lắm rồi hay không dám nói là người ta ngán ngẩm những con người định hướng.

          Khi và chỉ khi anh sống với người ta và cùng ăn cùng uống, cùng làm việc với người ta thì khi ấy anh mới nói cho người khác về một Đức Kitô khác đang sống trong anh. Không khéo thì anh sẽ sống khác Đức Kitô chứ không phải là một Đức Kitô khác.

           Thực trạng đáng buồn là ngày hôm nay người ta nói nhiều quá và nói hay quá nhưng lại không sống. Hội thảo, hội nghị người ta nói nhiều quá, người ta định hướng nhiều quá nhưng chưa bao giờ đưa ngón tay lay thử. Ngày nay, người ta không cần định hướng nữa mà ngày nay người ta cần những người sống và chứng nhân.

          Thật thế, ta thấy Hội Nghị có mở ra, Hội Thảo có bàn thảo và định hướng cứ đánh máy thì cũng chẳng làm được gì khi không thấy nhân chứng sống. Ngày xưa, Đức Kitô hình như không ngồi bàn giấy để định hướng loan báo Tin Mừng. Ngày xưa, chính Đức Kitô đã sống định hướng của mình bằng chính đời sống thật của mình.

          Và như thế, nhân dịp Giáo Hội nhớ và mừng ngày khánh nhật truyền giáo, mỗi người chúng ta được dịp nhắc nhở chính mình về sứ mạng mà Chúa mời gọi. Ta tự trả lời trước mặt Chúa về sứ mạng và ơn gọi của chúng ta.

          Nếu như không có sức lực và hạn chế về mọi mặt, Lời Kinh Mân Côi trong tháng truyền giáo ngoại thường này chắc chắn sẽ là sức hút mãnh liệt cho công việc loan báo Tin Mừng đã đang và sẽ đến với những vùng anh chị em chưa biết Chúa. Nếu như còn sống và sinh hoạt với cộng đồng thì chính lời ăn tiếng nói, cách sống của mỗi người sẽ minh chứng cho người khác biết mình là ai. Khi thật sự mình sống trong tư cách một người có Chúa thật thì khi ấy lực hút người khác vào Đức Kitô sẽ khác.

          Vẫn là những con người mong manh, mỏng dòn và yếu đuối, ta lại xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để trong hoàn cảnh sống, môi trường sống, ta hãy là người sống cùng, sống với, và sống cho người khác như Đức Kitô vậy. Có như thế thì lời mời gọi truyền giáo trở nên sống động ngay trong chính cuộc đời của chúng ta.

Người Giồng Trôm

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN