Home / Chia Sẻ / KẾT THÚC

KẾT THÚC

Ketthuc“Ngài giấu thời gian để chúng ta theo dõi và để mỗi người chúng ta có thể nghĩ rằng điều sắp tới sẽ xảy ra trong cuộc đời Ngài.” (Thánh Ephrem)

Trình thuật Lc 21:25-36 cho biết: Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.

Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi. Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

ĐỨC KITÔ LÀ THIÊN CHÚA

Chúa Giêsu trả lời câu hỏi về thời điểm xảy ra sự phá hủy Đền thờ, Ngài thay đổi hình ảnh, sử dụng các cụm từ và cách ám chỉ mà người Do Thái sẽ nhận ra là nói đến “Ngày của Chúa” mà các tiên tri thời Cựu Ước đã đề cập. “Ngày của Chúa” đề cập sự xuất hiện của Đấng Mêsia và sự khai mạc của Vương quốc Mới, cũng bao gồm sự kết thúc của Giao ước Cũ. Theo viễn cảnh của người Do Thái, đó sẽ là ranh giới phân định cho toàn bộ lịch sử nhân loại. Do đó, khi đưa ra những ám chỉ này, Chúa Giêsu liên kết các sự kiện sẽ xảy ra trong thế hệ Kitô hữu đầu tiên và kết thúc với việc thành Giêrusalem bị hủy diệt là Ngày Định Mệnh của Chúa. Nhưng “Ngày của Chúa” không kết thúc bằng sự sụp đổ của Đền Thờ, nó được mở rộng trong suốt phần còn lại của lịch sử nhân loại. Trong thời gian đó, kinh nghiệm của các thế hệ Kitô hữu đầu tiên – bắt bớ, phát triển, hoán cải toàn bộ thành phố và văn hóa, chiến tranh và thảm họa – sẽ được các thế hệ kế tiếp lặp lại cho đến khi Chúa Giêsu tái lâm. Vì vậy, những lời nhận xét của Chúa Giêsu về những ngày đó áp dụng cho mọi thời đại của Giáo Hội, và việc thành Giêrusalem và Đền Thờ bị phá hủy vào cuối lịch sử Cựu Ước là điềm báo trước về sự hủy diệt của trời và đất vào cuối lịch sử Tân Ước.

Đức Giêsu Kitô là Chúa của lịch sử. Khi chúng ta đọc sách lịch sử và xem tin tức hằng ngày, có vẻ không như vậy, nhưng thực tế là vậy. Vào một thời điểm nào đó trong tương lai, câu chuyện mà nhân loại đã đặt ra từ buổi bình minh của thời gian sẽ kết thúc; cách mà mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn. Do đó, hình ảnh mà Chúa Giêsu nói về “các dấu hiệu” nơi mặt trời, mặt trăng và sóng biển cho thấy trật tự ổn định của vũ trụ mà chúng ta tạo nên lịch sử sẽ bị “bật rễ” và lịch sử sẽ kết thúc. Khi điều đó xảy ra, Vương Quyền Thiên Chúa của Đức Kitô sẽ hiển hiện đầy đủ cho mọi người và sẽ đem lại kết quả cho Triều Đại Vĩnh hằng của Ngài. Tất cả lịch sử nhân loại đang tiến tới thời khắc cuối cùng, thời điểm tột đỉnh. Sự đóng góp cá nhân của mọi người vào câu chuyện của con người sẽ được tất cả mọi người biết đến vào lúc cuối cùng, khi Chúa đổi mới trời đất và lên ngôi vĩnh hằng.

ĐỨC KITÔ LÀ NGƯỜI THẦY

Chúa Giêsu không cho chúng ta biết ngày giờ chính xác của lần tái lâm. Ngài muốn chúng ta luôn sẵn sàng mọi lúc, đó là bài học về cây vả. Nếu chúng ta giữ tâm hồn tỉnh thức, chống lại lời ru ngọt ngào của những thú vui và mối quan tâm trần thế, chúng ta sẽ nhận ra những dấu hiệu khi Ngài đến gần và sẵn sàng đón Ngài khi Ngài đến. Ngài cũng cảnh báo rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với gian khổ trước khi có thể đứng trước Ngài trong vinh quang, sẽ không dễ dàng để trung thành với Thiên Chúa khi trải qua những thử thách của cuộc đời. Nếu không thì tại sao Ngài bảo chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện để đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến?

Mặc dù các thiên niên kỷ đã trôi qua mà chưa có sự xuất hiện của Ngài, nhưng những lời cảnh báo của Ngài vẫn khẩn cấp hơn bao giờ hết. Vì ngay cả khi một hoặc hai ngàn năm khác mở ra trước khi lịch sử kết thúc, lịch sử cá nhân của chúng ta vẫn có một điểm cuối dễ đoán hơn nhiều. Với tư cách cá nhân, chúng ta có thể thấy mình đứng trước Ngài bất cứ ngày nào. Mỗi người chúng ta phải chú ý đến lời cảnh báo của mình ngay bây giờ, trước khi ngày đó bất ngờ ập đến như một cái bẫy. Hằng năm, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về điều này khi Lễ Trọng Chúa Kitô Vua – kết thúc Năm Phụng Vụ. Chúng ta sẽ không có ai để đổ lỗi ngoại trừ chính mình nếu chúng ta không ghi nhớ lời nhắc nhở trong lòng. Điều đó không có nghĩa là run sợ và kinh hãi, mà chỉ đơn giản là trung thành với ý Chúa đối với cuộc sống của chúng ta, nguồn vui và ý nghĩa đích thực, cả về thời gian và vĩnh hằng.

ĐỨC KITÔ LÀ NGƯỜI BẠN

Chúa Giêsu nói với mỗi chúng ta: “Con có nghĩ Ta có lửa và diêm sinh trong mắt khi Ta nói lời cảnh báo này không? Con có nghĩ Ta đã nói chúng một cách lặng lẽ, trong cuộc trò chuyện thân mật với các môn đệ của Ta không? Con biết rằng Ta không bao giờ thích thú với việc tiêu diệt tội nhân. Ta chỉ muốn cứu rỗi họ, như Ta đã tìm kiếm con. Ta muốn con biết trái tim con người luôn băn khoăn về điều gì – ngày tận cùng của lịch sử sẽ đến, Ta sẽ tạo ra thụ tạo mới, công lý không được ban trong cuộc sống trần thế của con thì sẽ được ban, và lòng thương xót của Ta sẽ tỏa sáng trong tất cả vinh quang vô hạn của nó. Ta muốn con biết điều đó, để con có thể đứng vững trước những thử thách mà Ta luôn mang theo. Ta biết con tin Ta, nhưng bây giờ con có thêm lý do để làm như vậy. Con không phải lo sợ về tương lai, con đã biết những gì nó nắm giữ. Con có thể sẵn sàng và bình yên, con có thể hiến thân để yêu mến Ta và yêu thương những người Ta trao cho con để yêu thương. Mặc dù bây giờ Ta luôn ở bên con, nhưng con có thể bắt đầu mong chờ ngày chúng ta sẽ ở bên nhau, không còn ‘bức màn niềm tin’ nữa.”

ĐỨC KITÔ TRONG ĐỜI TÔI

Một lần nữa, con phải tạ ơn Ngài vì món quà Phúc Âm. Trong đó, Ngài nói chuyện trực tiếp với con – Ngài là người đã tạo nên con và yêu con nhiều hơn con yêu chính mình con. Ngài nuôi dưỡng linh hồn con bằng sự thật của lời nói và gương sáng. Lạy Chúa, con muốn trở thành một chuyên viên Tin Mừng – không phải là một chuyên viên học thuật, mà là một chuyên viên đầy yêu thương trong việc hiểu biết và làm theo ý Ngài, lạy Chúa và Thiên Chúa của con!

Thật không dễ để luôn sẵn sàng, lạy Chúa. Tại sao Ngài trì hoãn việc đến của Ngài? Ngài không cần phải nói với con – con đã biết rồi. Trong tình yêu và sự khôn ngoan của Ngài, Ngài đang chờ đến thời điểm thích hợp. Con muốn sống trung tín khi cuộc đời con kéo dài. Con muốn trải nghiệm tình yêu và niềm vui của Ngài, và con muốn lan tỏa điều đó cho những người xung quanh con. Xin lấp đầy trái tim con bằng ân sủng của Ngài, và lấp đầy tâm trí con bằng chân lý của Ngài.

Lạy Chúa, con biết rằng trung thành với Ngài, với những gì là thật, là đúng và tốt, sẽ đem lại rắc rối cho con, cũng như Ngài đã từng bị rắc rối. Nhưng Ngài sẽ không bao giờ để con bị cám dỗ ngoài khả năng chịu đựng của con, và Ngài sẽ luôn cho con bất cứ sức mạnh nào mà con cần. Con không sợ, lạy Chúa, con tiếp tục nhìn lên Ngài trên Thập Giá, thấy Ngài nhìn con và nói với con rằng đừng sợ hãi, chỉ cần trung thành, can đảm,…

JOHN BARTUNEK, LC

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Đêm 01-08-2022

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …