Một câu hỏi trung tâm trong tất cả những tranh luận về phụng vụ Công giáo ngày nay là: mục đích của phụng vụ là gì? Cuộc tranh luận thường có vẻ chỉ là một vấn đề của thị hiếu.
Theo quan điểm đó, những người theo chủ nghĩa truyền thống chỉ thích nhịp điệu bay bổng của tiếng Latinh, cũng như vẻ đẹp của thánh ca Grêgôriô – Bình Ca. Ngược lại, những người ủng hộ Thánh Lễ của Đức Phaolô VI cảm thấy như ở nhà bằng tiếng bản xứ và trong bầu không khí ít trang trọng hơn. Những người Công giáo này chắc chắn thích sự thân thuộc. Những người theo chủ nghĩa truyền thống thích trải nghiệm những gì họ không thường gặp hằng ngày.
Nhưng câu hỏi thực sự vẫn còn: Phụng vụ để làm gì?
Các giáo phụ, với tư cách là các giám mục chủ tọa phụng vụ mỗi ngày, thường viết về sự hiện diện của cộng đồng những người thờ phượng, các thánh, những người đã khuất và chư vị trên trời trong buổi thờ phượng chung của Giáo Hội. Các giáo phụ đã làm như vậy ngay từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội, vì phong tục cầu nguyện cho người chết của người Do Thái, vốn tưởng nhớ sự hiện diện liên tục của họ giữa những người sống, đã được truyền sang Kitô giáo. Không giống như cách hành lễ khác của người Do Thái, việc tuân theo được tiếp tục đôi khi có xung đột và chia rẽ (chẳng hạn việc cắt da bao quy đầu), lời cầu nguyện của người Do Thái cho người chết được chuyển thành cách cầu nguyện của Kitô giáo.
Ngoài ra, sự tuân thủ của người Do Thái vào thế kỷ I đã ảnh hưởng đến quan niệm của Kitô giáo về không gian thiêng liêng. Giống như người Do Thái đương thời, người theo Kitô giáo thường quy tụ để thờ phượng tại mộ của người chết, đặc biệt là các ngôi mộ của các vị tử đạo. Người sống chăm sóc để có hài cốt của người chết, và đánh dấu nơi an nghỉ cuối cùng của họ.
Như các giáo phụ thời đầu của Giáo Hội đã phản ánh về việc phụng vụ cầu cho người chết (lưu ý, thực hành đó thường có trước sự suy xét sau đó về chủ đề này trong lịch sử Giáo Hội), nhấn mạnh rằng phụng vụ mô phỏng Thiên Đàng.
Thánh Augustinô viết rằng trong phụng vụ, các thiên thần, các thánh và những người chưa được sinh ra đều kết hợp với nhau trong việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, như thể các tín hữu đã qua đời đứng bên cạnh người sống, và các thiên thần đứng bên bàn thờ hy lễ ở nơi tôn nghiêm.
Học giả Kinh Thánh danh giá Origen nói: “Tôi không nghi ngờ việc các thiên thần hiện diện trong cộng đoàn chúng ta.” Tương tự, ông đã dạy trong phần bình luận về Tv 22, rằng “sự thờ phượng tái hiện những gì đã xảy ra trong quá khứ như thể chúng ta đang thực sự ngắm nhìn Chúa Giêsu trên Thập Giá.” Khoảng một thế hệ sau khi Thánh Augustinô qua đời, Thánh GH Lêô Cả đã giảng rằng “chúng ta cảm nghiệm [những gì Chúa Giêsu đã làm] qua sức mạnh của các tác phẩm hiện tại.”
Thế kỷ XVI, Thánh Inhaxio Loyola đã khuyên chúng ta tưởng tượng đang thực sự hiện diện trong những cảnh tượng về cuộc đời của Chúa Giêsu – giáng sinh, rao giảng về Bát Phúc, trên đồi Canvê, và giữa các môn đệ khi Thánh Tôma sờ vào vết thương của Ngài với và trả lời: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”
Vì vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, Phụng Vụ phục vụ các Kitô hữu như sự ghi nhớ, sự hồi tưởng về những nơi xa xôi và quá khứ lâu đời cũng như hiện tại – ở đây và ngay bây giờ. Do đó, Thánh Augustinô và Thánh Lêô cũng khẳng định, cũng như Thánh Clêmentê ở Rôma ba thế kỷ trước đó, rằng Lời Chúa và Bí Tích có tác dụng, nghĩa là lời nói và cử chỉ thích hợp không chỉ là biểu tượng, mà có quyền lực.
Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện, Ngài không trả lời rằng nên nói bất cứ điều gì trong tâm trí hoặc trong lòng họ, nhưng họ nên nói: “Lạy Cha chúng con.” Từ đó, người Công giáo có đặc ân cầu nguyện một số lời cầu hơn những lời cầu khác. Đặc biệt họ tin cậy vào sự chuyển cầu của Đức Mẹ bằng Kinh Hãy Nhớ, Kinh Nữ Vương, và Kinh Mân Côi. Tất nhiên, chính Thánh Lễ vẫn là cách cao nhất về cầu nguyện, chúc tụng và tạ ơn.
Việc cử hành Thánh Thể biểu hiện sự hợp nhất giữa thời gian và không gian. Nỗ lực giải thích sự thờ phượng của Kitô giáo với hoàng đế La Mã ngoại giáo, Thánh Giustinô dạy rằng các tín hữu nhận một người sống qua bánh và rượu đã được thánh hóa. Thánh Irênê cũng xác nhận rằng bánh và rượu là thịt và máu thật của Chúa Giêsu Kitô.
Giáo huấn của cả hai vị có thể bắt nguồn từ Thánh Gioan, và do đó có nguồn từ chính Chúa Giêsu. Không người Công giáo nào viện dẫn quá khứ chỉ đơn thuần là “người lạc hậu” mà là tín hữu kết hợp chính mình với giáo huấn của Nhóm Mười Hai và Con Người của Đấng Cứu Độ.
Giáo Hội lịch sử phải có mối liên hệ thời gian với Chúa Giêsu ở Galilê và Giêrusalem. Không giống như những người ngoại giáo cùng thời, tổ tiên của chúng ta trong đức tin đã dâng lên Thiên Chúa “hy lễ lạ lùng và không đổ máu,” theo lời phụng vụ của Thánh Giacôbê, nghi thức cổ nhất mà chúng ta được biết. Không còn là chiên con, bồ câu, gia súc và các động vật khác được hiến tế cho Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã trở thành tế vật, dưới hình thức bánh và rượu được thánh hóa.
Phụng Vụ là hình ảnh của Thiên Đàng trên thế gian. Thật là món quà tuyệt vời! Thật là lời mời gọi khác thường!
Không thể nào cao hơn, và chúng ta phải ghi nhớ cả trái tim lẫn linh hồn khi nghĩ về sự thờ phượng chung của Giáo Hội, vì chúng ta không chỉ tưởng niệm Hy Lễ Vượt Qua, mà chúng ta còn hiện diện ở đó. Phụng Vụ đặt chúng ta trước sự hiện diện của Đấng Thiêng Liêng và nâng linh hồn chúng ta lên với Thiên Chúa. Ở đó, chúng ta nhìn thấy mục đích cuối cùng của cuộc đời chúng ta.
ROBERT W. SHAFFERN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)