Home / Chia Sẻ / KẾ HOẠCH HÔN NHÂN CỦA CHÚA

KẾ HOẠCH HÔN NHÂN CỦA CHÚA

KHHonNhancuaChuaKhi nghĩ về những lời khuyên thiết thực cho một cuộc hôn nhân tốt đẹp, chúng ta tự nhiên nghĩ đến những điều như dành thời gian trò chuyện với nhau, hẹn hò cùng nhau hoặc phát triển sự lãng mạn trong mối quan hệ. Tất cả những điều đó đều là những lời khuyên tuyệt vời và rất hữu ích cho mối quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, tôi muốn đi sâu hơn một chút và xem xét một số ý tưởng sẽ củng cố nền tảng hôn nhân và phát triển tình yêu đôi lứa trong sự kết hợp phúc đức này. Những ý tưởng được đề cập trong bài này sẽ tóm tắt ngắn gọn một số nội dung có trong cuốn “God’s Plan for Your Marriage” – Kế Hoạch của Thiên Chúa đối với Hôn Nhân của Bạn.

Điều đầu tiên cần thiết là nhận ra phẩm giá của người phối ngẫu. Người phối ngẫu của bạn (như chính bạn) được tạo ra theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là người phối ngẫu có phẩm giá vô cùng lớn lao được ban cho vào thời điểm thụ thai. Bất kể một người làm gì hoặc điều gì xảy ra trong cuộc sống của họ, phẩm giá mà Thiên Chúa ban cho không thể bị xóa bỏ hoặc giảm sút. Chúng ta có thể hành động chống lại nhân phẩm của chính mình và người khác có thể đối xử với chúng ta theo cách vi phạm nhân phẩm của chúng ta, nhưng phẩm giá của chúng ta không thể thay đổi.

Mỗi chúng ta là một con người. Một con người được định nghĩa là một sinh thể sống có tâm trí và ý chí tự do. Linh hồn chúng ta là nguyên lý sự sống bên trong chúng ta, gồm hai yếu tố: tâm trí và ý chí. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã mặc khải chính Ngài là Sự Thật, Sự Sống và Tình Yêu. Linh hồn chúng ta được tạo ra vì sự sống, tâm trí chúng ta được tạo ra vì sự thật, và ý chí chúng ta được tạo ra vì tình yêu. Nói cách khác, chúng ta được tạo ra theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, được tạo ra vì sự thật, sự sống và tình yêu.

Là những người được tạo ra theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, cách thích hợp duy nhất để đối xử với nhau là theo nhân phẩm. Vào ngày một đôi uyên ương kết hôn, họ thề yêu thương nhau. Tình yêu là đức tính tốt, không phải là cảm xúc. Như vậy, nó vẫn giữ nguyên mặc dù có thể có cảm xúc. Tình yêu được định nghĩa là luôn làm những gì tốt nhất cho đối phương. Yêu nhau là luôn tìm kiếm và chỉ tìm kiếm điều tốt đẹp của nhau. Tình yêu đối lập với ích kỷ, vì thế yêu thương là phục vụ. Tình yêu là con đường hai chiều, nghĩa là hai người cùng cho đi và cùng đón nhận. Lấy của người khác là dùng người khác, điều này vi phạm nhân phẩm của con người. Nhận được những gì người kia cho đi chính là một phần của tình yêu được trao tặng.

Sự đại lượng qua lại của hai người phục vụ lẫn nhau mang lại sự hiệp thông của những con người. Trong Bí tích Hôn Phối, sự hiệp thông giữa hai con người đạt tới đỉnh cao. Về hôn nhân, Chúa Giêsu xác định một điều tuyệt đối: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19:6; Mc 10:9) Khi nghe điều này, người ta thường nghĩ đến sự kết hợp thể xác của hai vợ chồng, bởi vì Kinh Thánh nói rằng cả hai trở nên một xương một thịt. Chúng ta sẽ xem xét điều này, nhưng trước hết chúng ta phải hiểu rằng hôn nhân trước hết là sự kết hợp thiêng liêng. Điều Thiên Chúa kết hợp là linh hồn của vợ và chồng.

Khi các linh hồn được kết hợp với nhau trong Bí tích Hôn Phối, hai người cùng giao ước với nhau và với Thiên Chúa. Giao Ước Hôn Nhân này được xây dựng dựa trên Giao Ước Phép Rửa, làm tăng thêm phẩm giá mà chúng ta được ban cho khi được Thiên Chúa tạo dựng. Như Thánh Phaolô nói, chúng ta đã trở thành thụ tạo mới trong Chúa Giêsu Kitô, và trở nên thành viên của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa, được tham dự vào bản chất thần thánh, có nghĩa là chúng ta được nâng lên một cấp độ siêu nhiên về hành động và hiện hữu. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể yêu thương nhau như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta.

Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta đã được thể hiện trọn vẹn trên Thập Giá. Trong hành động yêu thương trọn vẹn này, Chúa Giêsu không chỉ biến đổi tất cả thụ tạo, mà Ngài còn biến đổi hôn nhân. Khi chịu chết trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã ký kết giao ước hôn nhân với Người Phối Ngẫu của Ngài là Giáo hội. Thánh Phaolô nói về điều này trong một đoạn Kinh Thánh bị lạm dụng và bị hiểu sai nhiều nhất. Trong chương 5 của thư gửi giáo đoàn Êphêsô, Thánh Phaolô nói về mối quan hệ giữa vợ và chồng, nhưng rồi lại nói đến Chúa Kitô và Giáo hội. Chúng ta không có thời gian để giải quyết hết đoạn văn, nhưng xin hãy hiểu rằng Thánh Phaolô yêu cầu chính xác điều tương tự từ cả hai vợ chồng. Cả hai đều phải yêu thương và phục tùng lẫn nhau, giống như chúng ta thấy trong mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và Giáo hội.

Sự kết hợp của vợ chồng là sự kết hợp thánh, cũng như sự kết hợp của Chúa Kitô và Giáo hội. Trên Thập Giá, Chúa Giêsu hiến mạng sống Ngài cho Hiền Thê của Ngài, và Giáo hội đón nhận sự sống đó. Trong hy tế Thánh Lễ, Giáo hội tuôn trào sự sống của mình, là sự sống đã được Chúa Giêsu trao ban, và Ngài đón nhận sự sống đó trong Bí tích Thánh Thể. Trong hôn nhân, người chồng và người vợ chết cho chính mình và dành sự sống cho nhau, và người này nhận món quà sự sống từ người kia. Trong khi mầu nhiệm này diễn ra trong mọi khía cạnh của hôn nhân, nó được thể hiện một cách trọn vẹn nhất trong sự kết hợp thể xác của hai vợ chồng. Là con người, khi chúng ta thực hiện hành động của ý chí, hành động đó được thể hiện bằng thể lý trong và qua cơ thể. Trong hôn nhân, hai vợ chồng thực hiện hành động ước muốn trao mình cho nhau. Lúc đó Chúa kết hợp linh hồn của hai vợ chồng. Vì vậy, sự kết hợp thể xác của đôi lứa trong vòng tay hôn nhân là biểu hiện thể lý của sự kết hợp thiêng liêng của linh hồn họ.

Điều này thật sâu sắc, nhưng thậm chí còn tốt hơn nữa. Hai bí tích có liên quan mật thiết nhất về biểu tượng là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hôn Phối. Mặc dù ở các cấp độ khác nhau, nhưng tính biểu tượng vẫn tương tự. Vì vậy, vợ chồng có thể suy gẫm về tính cách của Chúa Giêsu khi Ngài hy sinh chính Ngài cho chúng ta, hiến mạng sống của Ngài cho chúng ta, và hoàn toàn hiến dâng chính Ngài cho chúng ta khi chúng ta rước lễ. Ngài cũng nhận sự hy sinh của chúng ta dành cho Ngài, và Ngài nhận món quà tự hiến của chúng ta cho Ngài. Trong hôn nhân, đặc biệt là qua dấu chỉ hôn nhân (sự kết hợp thể lý), hai vợ chồng nên theo ý định của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Thiên Đàng liên quan việc yêu mến Chúa và yêu thương nhau. Hơn nữa, Kinh Thánh tiết lộ rằng Thiên Đàng là bữa tiệc hôn nhân. Hôn nhân Kitô giáo là điềm báo về sự sống vĩnh hằng nơi Chúa Giêsu, Đấng là Chàng Rể, và mỗi người chúng ta là thành viên của Hiền Thê – tức là Hội Thánh. Tất cả những điều này nhằm giúp hai vợ chồng nhận ra phẩm giá ơn gọi của họ, nhưng cũng để nhận ra tầm quan trọng của việc sống ơn gọi này một cách nghiêm túc. Vì hôn nhân trước hết là sự kết hợp thiêng liêng, nên hai vợ chồng phải xây dựng sự kết hợp thiêng liêng đó. Đây là nền tảng cho mọi thứ khác trong hôn nhân. Mỗi người phải có đời sống cầu nguyện riêng, vợ chồng phải cầu nguyện cùng nhau, phải cầu nguyện với con cái. Nếu sự kết hợp giữa vợ chồng ám chỉ sự kết hợp của Đức Kitô và Hiền Thê của Ngài là Hội Thánh, thì việc hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu là điều hoàn toàn cần thiết để hôn nhân thăng hoa như Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa yêu thương bạn, Ngài chỉ muốn những gì tốt nhất cho bạn: yêu, được yêu, và được biến đổi thành tình yêu.

ROBERT J. ALTIER

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN