Home / Chia Sẻ / HY VỌNG TRONG KHOẢNG MONG CHỜ

HY VỌNG TRONG KHOẢNG MONG CHỜ

HY VỌNG TRONG KHOẢNG MONG CHỜNgày xưa Thánh Gioan Tẩy Giả đã ví mình là “Tiếng Kêu Trong Hoang Địa.” Tuy nhiên, nỗi buồn của “ông bụi đời” Gioan không ảo não như những “tiếng kêu” của chúng ta – kẻ phàm nhân và tội nhân.

Tiếng Kêu Trong Hoang Địa của ông Gioan gợi nhớ đến loài Vạc (Nycticorax), cũng gọi là Hạc, loại động vật có cánh, một loài chim thuộc họ Diệc, kiếm ăn ban đêm và có tiếng kêu buồn thảm. Tiếng Vạc kêu sương nghe buồn thảm vì là tiếng lòng của kẻ lẻ bạn, đơn độc, một mình bay đi kiếm ăn ban đêm nhưng lòng vẫn thương nhớ khôn nguôi về người bạn tình phương xa. Não nề lắm! Câu “tiếng vạc kêu sương” liên quan điển tích này:

Thôi Hộ là danh sĩ đời Trung Ðường, diện mạo khôi ngô, thích làm bạn với sách vở. Trên đường lên kinh ứng thí giữa tiết Thanh Minh, mọi người đang vui hội Ðạp Thanh (giẫm lên bãi cỏ xanh). Khi đi ngang qua vườn hoa đào tuyệt đẹp, chàng dừng lại ngắm và xin nước uống, một mỹ nhân duyên dáng ra mở cửa. Nàng mời trà, chàng đón nhận. Ðôi tay vô tình chạm nhau, nàng thẹn thùng cúi mặt, má ửng hồng, chàng cũng bồi hồi, ngượng nghịu. Gặp nhau không lâu nhưng cả hai thấy tâm đầu ý hợp, quyến luyến nhau. Thôi Hộ phải đi vì công danh sự nghiệp, Phụng Trinh đứng dưới gốc đào ngơ ngẩn nhìn theo…

Năm sau, vào ngày hội du xuân, chàng nho sinh nhớ người con gái đã khiến chàng dệt bao mộng đẹp. Chàng tìm đến vườn đào để thăm. Bước vội vã hân hoan của chàng khựng lại khi thấy cửa đóng then cài, cảnh cũ còn mà người xưa vắng bóng. Chàng buồn bã nhìn hoa đào nở tươi trong gió xuân mà bùi ngùi niềm cô quạnh. Chàng thờ thẫn đau lòng khi nghĩ nàng đã theo chồng. Quá thất vọng, chàng thảo bốn câu thơ trên cửa cổng, ghi lại tâm tư sầu nhớ ngậm ngùi của mình.

Chiều đến, nàng cùng cha trở về, chợt nhìn lên cổng thấy bốn câu thơ, nét chữ tinh xảo, ý thơ dồi dào, nàng xúc động khi biết rõ tình cảm nhớ mong của chàng ẩn chứa trong đó. Nàng buồn bã hối tiếc không về kịp để gặp lại chàng. Ngày qua ngày nàng tựa gốc đào tha thiết mong đợi và hy vọng nho sĩ phong nhã năm xưa trở lại. Thời gian cứ trôi, cánh chim bạt gió cất tiếng kêu thảm thiết não nùng vì lẻ bạn khiến lòng nàng tê tái. Cứ hết hè lại thu sang, đông qua rồi xuân về, nỗi nhớ nhung nung nấu khiến lệ trào khóe mắt, bóng chàng vẫn biền biệt. Nàng tuyệt vọng, bỏ ăn, bỏ ngủ, thân xác tiều tụy, dung nhan võ vàng.

Người cha lo tìm thầy giỏi chữa trị cho nàng. Làm gì có thuốc trị bệnh tương tư! Biết mình kiệt sức không sống được, nàng đành thuật lại tâm sự của mình cho cha nghe và xin cha tha tội bất hiếu. Người cha xúc động thương cho phận bạc của con gái. Nhìn con nằm lịm trên giường bệnh chờ đợi tử thần, ông nóng lòng đứng ngồi không yên. Ông nghĩ đến chàng thư sinh, chỉ có người ấy mới có thể cứu sống con gái. Vừa ra khỏi cổng, ông gặp ngay một chàng thư sinh tuấn tú. Thấy ông già đi như chạy, chàng vội thăm hỏi. Ông kể nỗi lòng của mình… Và rồi họ nhận ra nhau. Hai người vội chạy vào nhà, nhưng cũng là lúc Phụng Trinh trút hơi thở cuối cùng. Chàng xúc động quỳ xuống, cầm tay nàng, úp mặt vào mặt nàng vừa khóc nức nở vừa kêu tên nàng thảm thiết.

Nhưng lạ thay, tiếng kêu bi thương của chàng si tình như có phép mầu khiến nàng thức tỉnh, và những giọt nước mắt nóng hổi của tình yêu nhỏ xuống mặt nàng khiến nàng hồi sinh. Nàng mở mắt nhìn chàng và nở một nụ cười sung sướng. Ðào Bạch Phụng bằng lòng cho Phụng Trinh và Thôi Hộ nên duyên cầm sắt.

Khối tình si chân thành của hai người đã “động” đến Trời cao, và Trời đã biến nỗi sầu thương của họ thành niềm hân hoan khôn tả và hạnh phúc tràn trề. Chính niềm hy vọng của họ đã khiến tình yêu của họ sống mạnh mẽ, mặc dù xa cách nhưng đôi tim vẫn gần nhau. Trong tình yêu, người ta gọi đau khổ là “thú đau thương.” Kỳ lạ thật!

Đặc biệt hơn, Tiếng Kêu Trong Hoang Địa của ông Gioan không theo gió bay đi mất, mà theo gió bay tới mọi nơi và lùa vào mọi ngóc ngách của cuộc đời, đặc biệt là len lỏi vào tận con tim và huyết quản của nhân thế. Và đã có kết quả ngay lập tức. Bằng chứng cụ thể: “Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan.” (Mc 1:5)

Mùa Vọng là hành trình mong chờ, chắc chắn niềm hy vọng sẽ được đền đáp xứng đáng, nhưng phải kiên trì, tỉnh thức và sẵn sàng kẻo sập bẫy ma quỷ. Mùa Vọng cần thinh lặng, không phải để nghĩ những điều vớ vẩn, mà để cầu nguyện liên lỉ: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót chúng con!” Sự im lặng và không tụ họp bàn tán trong Mùa Vọng này không chỉ để tránh tội, mà còn có thêm mối lợi thực tế: Tránh dịch.

TRẦM THIÊN THU

Chúa Nhật II Mùa Vọng, 06-12-2020

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …