Home / Chia Sẻ / HUYẾT TÌNH CA

HUYẾT TÌNH CA

Đức Tin Ngời Sáng Tươi Dòng Máu Đỏ

Tình Mến Sắt Son Thắm Sắc Da Vàng

HUYẾT TÌNH CANói đến tử đạo là có liên quan máu. Nói đến máu là ngầm hiểu liên quan tim. Mà tim chính là trung tâm bơm máu để nuôi sống cơ thể. Máu đông thì tim ngừng đập, tim ngừng đập thì sự sống chấm dứt – nghĩa là chết.

Là con người, ai cũng chỉ có một lần sống, và tất nhiên cũng chỉ có một lần chết. Chắc chắn không có kiếp luân hồi. Vì thế, người ta phải nỗ lực để sống có ý nghĩa thì cũng phải cố gắng để chết cho hợp lý. Thật kỳ lạ, trong Nhóm Mười Hai có đến 10 vị Tông Đồ chịu tử đạo, chấp nhận đổ máu ra để minh chứng Đức Tin, trừ người môn đệ trẻ Gioan và người phản bội Giuđa Ítcariốt. Rất phù hợp với Mối Phúc thứ tám: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:10) Thời nào cũng vẫn có các dạng bách hại, ngày nay còn tinh vi hơn. Bóng tối luôn đối lập ánh sáng, và ác nhân luôn chống lại hiền nhân.

Thật vậy, Chúa Giêsu xác định: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” (Mt 24:35; Mc 13:31; Lc 21:33) Ngài còn nói thêm để tái xác định và chứng minh: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.” (Mt 5:11-12) Và đó cũng chính là lời động viên những ai trọn niềm tin yêu Ngài.

Chắc hẳn ai cũng biết rằng mỗi người chỉ có MỘT cuộc đời vàMỘT lần sống, nhưng hơn thua nhau là biết sống khôn ngoan hay không. Vòng luân hồi chỉ là chuyện “không tưởng”. Cuộc sống không quan trọng ở chiều dài mà quan trọng ở chiều sâu. Ai cũng chỉ có một cuộc đời nhưng số phận có thể khác nhau, Kinh Thánh phân biệt số phận của người công chính và số phận của phường vô đạo. Dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó” (Lc 16:19-31) cho thấy số phận đời đời hoàn toàn khác nhau, và đôi nơi có “ranh giới” vĩnh viễn không thể qua lại với nhau.

Riêng về số phận của những người công chính, Kinh Thánh cho biết: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa.” (Kn 3:1)Như vậy là họ được “bay” thẳng về trời, không phải qua “ải” Luyện Hình. Thế thì không còn hạnh phúc nào hơn. Ước gì mỗi chúng ta,với cố gắng chịu đau khổ ở đời này, sẽ qua được “ải khổ” này. Mặc dù ở Luyện Hình chỉ một thời gian ngắn thì cũng khổ vô cùng, bởi vì cực hình ở Luyện Hình chẳng khác gì ở Hỏa Ngục.

Về số phận người lành, Kinh Thánh cho biết thêm: “Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình. Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử.” (Kn 3:2-4) Trong con mắt của người đời, họ là những người thua thiệt, là dại dột, nhưng thực ra họ lại được chính Thiên Chúa làm gia nghiệp đời đời. Tục ngữ Việt Nam cũng nói: “Cười người hôm trước, hôm sau người cười.” Hai chữ khác nhau, chỉ đổi vị trí là đảo nghĩa ngay: “Cười người” thành “người cười”. Thể chủ động (cười) biến thành thể thụ động (bị cười). Việt ngữ rất độc đáo, không chỉ về chữ viết mà cả về ngữ nghĩa.

Về vấn đề thanh luyện, tác giả sách Khôn Ngoan cho biết:“Sau khi chịu sửa dạy đôi chút, họ sẽ được hưởng ân huệ lớn lao. Quả thế, Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với Người. Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời. Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.” (Kn 3:5-9) Tiền nhân cũng nói: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý.” Có khổ luyện mới tinh thông, có bị khốn mới nên khôn, có vấp ngã mới biết đi đứng vững vàng.

Cuộc sống mỗi người mỗi khác, nhưng bức tranh cuộc đời của mỗi người đều được vẽ bằng những nét số phận. Cuộc đời của mỗi người cũng là những bài thơ với các thể loại và các vần điệu khác nhau. Cũng vậy, cuộc đời của mỗi người cũng là một bản trường ca với giai điệu khác nhau, tiết tấu khác nhau, âm thể khác nhau, hòa âm khác nhau, kể cả giai kết cũng khác nhau, nhưng ý chính vẫn phải là bản Tình Ca In Yêu. Đối với các thánh tử đạo Việt Nam, bản đời của các ngài là bản hùng ca vô thường, không chỉ viết bằng những nốt nhạc của số phận mà còn viết bằng máu đào, sáng màu tin và thắm màu yêu. Vâng, chính Chúa Giêsu đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Tình yêu đó vĩ đại và tuyệt vời biết bao!

Bất cứ dạng tình yêu nào cũng phải rỉ ra chất hy sinh mới là tình yêu đích thực. Chính cái chết lại khiến người ta hạnh phúc chứ không đau khổ. Hạnh phúc không chỉ tăng lên theo cấp số cộng, mà còn tăng lên theo cấp số nhân: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán: ‘Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!’. Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! ta thấy mình chan chứa một niềm vui.” (Tv 126:1-3)Thật là quá đỗi kỳ diệu, ngoài sức tưởng tượng của con người. Chúng ta,dù là người văn hay chữ tốt nhất thế giới, cũng không thể dùng phàm ngôn mà diễn tả hết niềm hạnh phúc như vậy – lớn lao, sâu thẳm, trải rộng,…

Tương tự, không tình yêu nào lại không có ít nhiều đau khổ, bằng cách nào đó. Thật vậy, đau khổ càng nhiều thì hạnh phúc càng lớn, chính nỗi buồn đau làm cho người ta cảm nhận được thế nào là niềm vui sướng.Thánh Vịnh gia xác định:“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.” (Tv 126:5-6) Đó là hệ lụy chắc chắn. Khi ở đỉnh cao niềm vui sướng, vì không còn biết diễn tả bằng cách nào khác nênđôi khi người ta phải bật khóc, để những giọt mặn của niềm vui sướng tự do lăn dài, cả hồn xác ướt đẫm nỗi vui mừng khôn tả. Khóc vì quá vui chứ không vì buồn, như cụ Nguyễn Công Trứ nói: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.” (Cây Thông)

Một đời theo Thầy Giêsu và thấm nhuần giáo huấn của Thầy, Thánh Phêrô đặt vấn đề: “Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em.” (1 Pr 4:14) Lạ hết sức, “bị sỉ nhục” mà lại là “có phúc”. Chắc chắn những người không có niềm tin Kitô giáo thì không thể nào hiểu nổi, và họ cũng không thể chấp nhận điều đó. Nhưng đối với các Kitô hữu, đó lại là mối phúc: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.”
(Mt 5:10-11)

Là người giàu kinh nghiệm tâm linh, Tông Đồ Phaolô vừa chia sẻ vừa tâm sự: “Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu. Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một SỰ ĐIÊN RỒ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, đó lại là SỨC MẠNH của Thiên Chúa.” (1 Cr 1:17-18) Cây Thập Giá là biểu tượng của đức tin, vì thế mà những kẻ bách hại rất sợ, họ đã dùng Thập Giá để dụ người ta bước qua, nhưng vô ích đối với những người vững tin vào Đức Kitô – cụ thể là hàng trăm ngàn các Việtnhân chịu tử đạo,họ đủ mọi lứa tuổi và đủ mọi thành phần.Những người bị giết vì đức tin nhiều nhất dưới triều baác vương Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Thiết tưởng cũng nên biết một chút về các nhục hình mà các vị tử đạo ngày xưa phải chịu, để biết các ngài rất kiên cường với đức tin: Lăng Trì – tùng xẻo, Xử Giảo – treo cổ, Tẫn Hình – cắt xương bánh chè, Bào Cách – trói vào cột lửa cho đến chết. Và còn nhiều loại nhục hình khác như xỏ mũi, xâu tai, phanh thây, voi giày, ngựa xéo, rũ tù,…

Thập Giá là sách dạy sống khôn ngoan, là vinh dự của tín nhân. Thánh Phaolô dẫn chứng: “Có lời chép rằng: Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?” (1 Cr 1:19-20)Những câu hỏi nhỏ nhưng không dễ trả lời chút nào, và cũng khó lý giải nếu không có loại tình yêu “khác người”. Thật vậy, “thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người, cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảngđiên rồ để cứu những người tin.” (1 Cr 1:21) Kinh Thánh xác định: “Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa,và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời.” (Hc 1:1)

Đức Khôn Ngoan vô cùng cần thiết, vì “con người ta dẫu thập toàn đi nữamà chẳng có Đức Khôn Ngoan của Ngàithì cũng kể bằng không không vậy.” (Kn 9:6) Thánh Phaolô cho biết: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1 Cr 1:22-25) Hai thái cực trái ngược nhau, vì thế mà người đời không thể hiểu nổi cách lập luận như vậy, nhưng chúng ta may mắn có đức tin Kitô giáo, cho nên chúng ta có thể hiểu cái lý lẽ nghịch-mà-thuận đó – dù mức độ hiểu nhiều hay ít, khác nhau ở mỗi người.

Nơi nào cũng có muỗi, ở đâu cũng có vi trùng. Ác nhân cũng vậy. Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt 10:17-18)Lời tiên báo đó đã và đang xảy ra khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam, càng ngày càng có xu hướng gia tăng chứ chẳng giảm bớt. Thật đáng sợ với mưu thâm kế độc, nhưng đừng hoang mang hoảng sợ, vì Chúa Giêsu căn dặn: “Khi người ta nộp anh em thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì.Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (Mt 10:19-20) Không có gì ngoài Thánh ý Ngài, dù là sợi tóc đen hay trắng, còn trên đầu hay rụng xuống.

Đã đành là bị người ngoài bách hại, những người tin yêu Chúa cũng chẳng yên thân với chính các thân nhân của mình: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10:21-22) Không hẳn là những người trong gia đình hoặc trong dòng họ sẽ nộp nhau hoặc ra mặt chống đối, nhưng có thể “bằng mặt mà không bằng lòng”, hại nhau bằng nhiều cách tinh vi: Lườm nguýt, xa lánh, ghen ghét, mỉa mai, gièm pha, khích bác, chê bôi,… Ai “yếu bóng vía” thì sẽ “lung lay” ngay.

Các vị tử đạo Việt Nam cũng là con Rồng cháu Tiên, sinh trưởng trên dải đất nhỏ bé hình chữ S, ở một đất nước như chúng ta, có hoàn cảnh sống như chúng ta, hít thở không khí như chúng ta, ăn uống các loại ẩm thực như chúng ta,… thế nhưng các ngài đã viết khúcTình Ca tuyệt vời bằng chính những giọt máu đào của mình. Âm nhạc có những cung bậc khác nhau, cuộc đời mỗi người cũng vậy. Chúng ta không viết bản nhạc cuộc đời mình bằng máu tử đạo, nhưng chúng ta có thể viết bằng cách khác.Âm thầm chịu đựng đau khổ vì Chúa cũng là một cách tử đạo liên lỉ, có ích lợi cho chính mình và các linh hồn. Cách nào cũng có mức độ khó đặc trưng, chẳng cách nào dễ hơn cách nào. Vấn đề là bản “tổng phổ tin yêu” của cuộc đời riêngmỗi người có được hoàn chỉnh hay không. Chính mình viết chứ không ai có thể viết thay.

Đời phàm nhân phức tạp đủ thứ, đủ điều. Trên đường lữ hành củacuộc sống đời thường lắm thứ nhiêu khê hơn chúng ta tưởng. Vì thế, cần phải không ngừngcảnh giác nhiều thứ – cả tinh thần lẫn thể lý, nhất là tâm linh.Một trong các thứ cần phải luôn cảnh giác là những người chúng ta giao tiếp hằng ngày, như Thánh Phaolô đã nói: “Chơi với kẻ xấu, người tốt cũng ra xấu.” (1 Cr 15:33)Tương tự, người Việt cũng nói: “Chọn bạn mà chơi,” hoặc “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.”Chắc chắn rằng sờ vào bùn đất thì bàn tay không thể không bẩn. Sống trong môi trường ô nhiễm, chẳng mấy ai không nhiễm bệnh. Người khôn luôn ý thức điều này: “Khi nào sức khỏe yếu thì không ra gió.”Về sức khỏe tâm linh cũng tương tự, nhưng thực sự đáng quan ngại hơn.

Lạy Thiên Chúa là Nguồn Sống, là Đầu và Cuối, xin gia tăng sức khỏe tâm linh để chúng con đủ sức đề kháng mọi thứ vi trùng nguy hiểm. Lạy chư vị tử đạo Việt Nam, xin cầu thay nguyện giúp dân Việt, xin đồng hành và tăng lực cho chúng con,nâng đỡ chúng con viết trọn giai điệu cuộc đời của chúng con, rạch ròi và dứt khoát, bằng những nốt tin đậm nét yêu. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN