Home / Tiêu Điểm / Huấn thị “Ad Resurgendum cum Christo” về việc mai táng và lưu giữ tro hoả táng

Huấn thị “Ad Resurgendum cum Christo” về việc mai táng và lưu giữ tro hoả táng

BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN

 

HUẤN THỊ

AD RESURGENDUM CUM CHRISTO

VỀ VIỆC MAI TÁNG VÀ LƯU GIỮ TRO HỎA TÁNG

 

  1. Để sống lại với Đức Kitô, chúng ta phải cùng chết với Người, phải “lìa bỏ thân xác để đến ở bên Chúa” (2Cr 5,8). Trong Huấn thị Piam et constantem ngày 5.7.1963, Bộ Thánh Vụ lúc ấy đã quy định phải “trung thành giữ thói quen chôn cất thi hài các tín hữu”, tuy nhiên vẫn nói thêm rằng việc hoả táng “tự bản chất không nghịch với Kitô giáo” và không được từ chối cử hành bí tích và nghi lễ an táng cho những người muốn được hoả táng, với điều kiện việc chọn cách thức hoả táng không phải vì lý do “chối bỏ giáo thuyết Kitô giáo, có ý định ly khai, hoặc vì muốn chống đối Giáo Hội công giáo hay Hội Thánh” [1]. Sự thay đổi này sau đó đã được đưa vào Bộ Giáo Luật La tinh (1983) và Bộ GiáoLuật của các Giáo Hội Đông phương (1990).

Kể từ đó, việc hoả táng được thực hành khá phổ biến nơi một số quốc gia, nhưng đồng thời cũng xuất hiện tại nhiều nơi những ý tưởng đối nghịch với đức tin của Hội Thánh. Sau khi tham vấn ý kiến của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Hội đồng giáo hoàng về các văn bản giáo luật, nhiều Hội Đồng Giám Mục và Thượng Hội Đồng Giám mục Đông phương, Bộ Giáo Lý Đức tin xét thấy cần công bố một Huấn thị mới để tái xác định những lý chứng về giáo thuyết và mục vụ dành ưu tiên cho việc địa táng thi hài các tín hữu, đồng thời cũng ấn định những quy tắc liên quan đến việc lưu giữ tro trong trường hợp hoả táng.

  1. Sự phục sinh của Đức Kitô là chân lý tột điểm của đức tin Kitô giáo, được rao giảng ngay từ thời Hội thánh sơ khai như là yếu tố chính yếu của mầu nhiệm Vượt qua: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh,Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Muời Hai” (1Cr 15,3-5).

Qua cái chết và sự phục sinh của Người, Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, đưa chúng ta đến sự sống mới: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết bởi vinh quang của Chúa Cha, để chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Hơn nữa, Đức Kitô phục sinh là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của chúng ta: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, là hoa quả đầu mùa trong số những người đã an nghỉ […] mọi người phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được sống trong Đức Kitô như vậy” (1Cr 15,20-22).

Nếu Đức Kitô sẽ cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết, thì bây giờ, một cách nào đó, chúng ta cũng đã sống lại với Người. Thật vậy, trong bí tích Thánh tẩy, chùng ta đã được dìm vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, và đã được đồng hóa với Người cách mầu nhiệm: “Đã cùng được mai táng với Đức Kitô trong bí tích Thánh tẩy, anh em cũng được sống lại với Người trong niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã cho Người sống lại từ cõi chết” (Cl 2,12). Nên một với Đức Kitô nhờ bí tích Thánh tẩy, chúng ta đã thật sự thông phần vào sự sống của Đức Kitô phục sinh (x. Ep 2,6).

Nhờ Đức Kitô, cái chết của các tín hữu mang một ý nghĩa tích cực. Nhãn quan Kitô giáo về cái chết được diễn đạt thật rõ nét trong phụng vụ của Hội Thánh: “Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì họ lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời” [2]. Khi con người chết, linh hồn rời khỏi thân xác, nhưng khi sống lại, thân xác chúng ta sẽ được Thiên Chúa ban cho sự sống bất diệt, được biến đổi khi liên kết lại với linh hồn. Trong thời đại ngày nay, Hội Thánh vẫn được mời gọi phải rao giảng niềm tin vào sự sống lại: “Niềm tin của các Kitô hữu chính là sự sống lại từ cõi chết, chúng ta sống khi tin như thế” [3].

  1. Theo truyền thống từ bao đời qua, Hội Thánh luôn mong muốn thi hài người quá cố được mai táng trong các nghĩa trang hoặc tại những địa điểm thánh thiêng [4].

Để tưởng nhớ sự chết, mai táng và sống lại của Chúa, mầu nhiệm đã rạng soi ý nghĩa về cái chết của các tín hữu [5], việc địa táng trở thành cách thức ưu tiên và thích hợp nhất để diễn tả đức tin và niềm hy vọng vào sự phục sinh của thân xác [6].

Như một người mẹ luôn cùng đi với người Kitô hữu trong cuộc lữ hành trần thế, Hội Thánh, trong Chúa Kitô, phó dâng cho Chúa Cha người con của ân sủng và trao gửi thi hài người quá cố vào lòng đất, với niềm hy vọng thân xác ấy sẽ được phục sinh vinh hiển [7].

Qua việc chôn cất thi hài các tín hữu, Hội Thánh xác quyết niềm tin vào sự sống lại của thân xác [8], đồng thời cũng cho thấy giá trị cao quý của thân xác, một thành phần thiết yếu làm nên căn cước nhân dạng của một con người [9]. Vì thế, Hội Thánh không thể chấp nhận những quan điểm và nghi lễ hàm chứa những ý niệm sai lạc về sự chết, chẳng hạn xem đó là sự triệt tiêu hoàn toàn của một con người, hoặc là thời điểm của sự tan biến vào Mẹ-thiên nhiên hay vào vũ trụ vạn vật, hoặc như một giai đoạn của tiến trình đầu thai sang kiếp khác, hoặc như việc giải thoát chung cuộc khỏi “ngục tù” thân xác.

Hơn nữa, ngôi mộ trong nghĩa trang hay ở những nơi thánh thiêng, thật xứng hợp với thái độ tôn kính hay sự quý trọng dành cho thân xác của các tín hữu đã qua đời, thân xác đã trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần nhờ bí tích Thánh tẩy, đã trở thành “khí cụ và phương tiện chuyển tải được Chúa Thánh Thần sử dụng để thực hiện bao việc tốt lành” [10].

Ông Tôbia, người công chính, đã được ca ngợi về công trạng lập được trước mặt Thiên Chúa khi ông chôn xác kẻ chết [11], và Hội Thánh vẫn kể đây là một trong các hành vi của lòng thương xót [12].

Sau cùng, việc chôn xác những tín hữu tại các nghĩa trang hay những nơi thánh thiêng nhắc nhở cho gia đình cũng như cộng đoàn tín hữu tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã qua đời, đồng thời cũng cổ võ việc sùng kính các vị tử đạo và các thánh.

Qua việc chôn cất thi hài tại các nghĩa trang, bên trong hoặc bên cạnh nhà thờ, truyền thống Kitô giáo đã nêu cao mối tương quan giữa người còn sống và kẻ đã qua đời, chống lại khuynh hướng xem nhẹ, hoặc cá nhân hóa sự kiện liên quan đến cái chết và ý nghĩa của sự kiện này đối với các Kitô hữu.

  1. Trong trường hợp chọn cách thức hoả táng vì lý do vệ sinh, kinh tế hay xã hội, phải chắc chắn việc này không làm trái với ý muốn đã được nói rõ hoặc có thể suy diễn được của người tín hữu vừa qua đời. Hội Thánh không phản bác thực hành này trên bình diện giáo thuyết, vì việc hoả táng không tác động gì đến linh hồn, cũng không gây cản trở gì trong việc Thiên Chúa toàn năng làm cho thân xác kẻ đã chết được sống lại trong đời sống mới. Như thế, việc hoả táng, tự bản chất, không hàm chứa sự chối bỏ khách quan đối với giáo thuyết Kitô giáo về sự bất tử của linh hồn và sự sống lại của thân xác [13].

Hội Thánh vẫn dành ưu tiên cho việc chôn cất thi hài người quá cố, vì việc này bày tỏ cách rõ ràng hơn sự tôn trọng đối với người đã khuất. Tuy nhiên, việc hoả táng không bị cấm đoán, “trừ khi được thực hiện với những lý do nghịch lại giáo thuyết Kitô giáo” [14].

Trong trường hợp hoả táng không vì những động lực nghịch với giáo thuyết Kitô giáo, sau khi đã cử hành nghi thức an táng, Hội Thánh đồng hành với các tín hữu khi họ chọn việc hoả táng, và đưa ra những chỉ dẫn về phụng vụ và mục vụ, đặc biệt lưu ý đến việc tránh tất cả những hình thức gây gương mù hoặc thể hiện sự bất cần tôn giáo.

  1. Nếu chọn cách thức hoả táng vì những lý do chính đáng, tro hoả táng có thể được lưu giữ tại một nơi xứng đáng, chẳng hạn tại nghĩa trang, hoặc trong một số trường hợp, tại thánh đường hoặc một nơi dành riêng, được cung hiến bởi thẩm quyền Giáo Hội.

Từ rất lâu, các cộng đoàn Kitô hữu vẫn luôn cầu nguyện và tưởng nhớ những anh chị em tín hữu đã qua đời. Phần mộ của họ trở thành nơi cầu nguyện, tưởng nhớ và suy niệm. Người tín hữu đã ly trần vẫn thuộc về Hội Thánh, một cộng đoàn tin “có sự hiệp thông giữa toàn thể các tín hữu Chúa Kitô, những người đang trên đường lữ hành trần thế, những người đang trải qua thời gian thanh luyện, và những người đang hưởng phúc thiên đàng, tất cả làm nên một Hội Thánh duy nhất” [15].

Việc lưu giữ tro hoả táng tại môt nơi thiêng thánh, giúp cho những người đã ly trần không bị lãng quên trong lời cầu nguyện và tưởng nhớ của gia đình cũng như của cộng đoàn Kitô hữu. Cách thức này vừa giúp tránh được thái độ lãng quên hoặc thiếu lòng hiếu kính đối với người quá cố, điều vẫn có thể xảy ra, nhất là sau khi thế hệ kế cận của người ấy cũng đã qua đi, vừa giúp ngăn ngừa những thực hành không phù hợp hoặc pha lẫn mê tín dị đoan.

  1. Vì những lý do kể trên, không được phép lưu giữ tro hoả táng tại tư gia. Chỉ trong những trường hợp nghiêm trọng và ngoại lệ, tùy thuộc vào các điều kiện văn hóa địa phương, vị Giám mục thường quyền, với sự đồng thuận của Hội Đồng Giám Mục hoặc Thượng Hội Đồng Giám Mục các Giáo Hội Đông phương, mới có thể cho phép lưu giữ tro hoả táng tại tư gia. Tuy nhiên, không được phép phân chia tro hoả táng cho các nhóm thành viên khác nhau trong gia đình, và phải luôn giữ thái độ trọng kính xứng hợp trong việc lưu giữ tro hoả táng như thế.
  2. Để tránh những hình thức mang tính cách phiếm thần thuyết, thiên nhiên thuyết và hư vô thuyết, không được phép vung tro hoả táng lên không, rải trên mặt đất, đổ xuống sông biển, hay làm cách thức nào khác, cũng không được giữ tro hoả táng trong các kỷ vật, đồ trang sức hay vật dụng nào khác. Những cách làm này không thể biện minh bằng những lý do được viện dẫn để hoả táng như vệ sinh, xã hội hay kinh tế.
  3. Trong trường hợp người quá cố bày tỏ công khai ý muốn phải được thiêu xác và tro hoả táng phải được tung rắc phân tán vì những lý do nghịch với đức tin Kitô giáo, không được cử hành nghi lễ an táng Kitô giáo cho người ấy, theo như Giáo luật quy định [16].

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 18 tháng 3 năm 2016, trong buổi tiếp kiến Đức Hồng Y Chủ tịch ký tên dưới đây, đã phê chuẩn và ban chỉ thị phải công bố Huấn thị này, được thông qua trong phiên họp khoáng đại của Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 2 tháng 3 năm 2016.

 

Rôma, từ Văn phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 15 tháng 8 năm 2016, Đại lễ Đức Trinh Nữ Maria về trời


Hồng y Gerhard Müller

Bộ trưởng


+ Luis F. Ladaria, S.I.

Tổng giám mục hiệu toà Thibica
Thư ký

––––––––––––––––––––––

[1] AAS 56 (1964), 822-823.

[2] Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền tụng I, lễ cầu cho tín hữu đã qua đời.

[3] Tertullianô, De Resurrectione carnis, 1,1: CCL 2, 921.

[4] x. Bộ Giáo luật, điều 1176, § 3; 1205; Bộ Giáo luật các Giáo Hội Đông phương, 876, § 3; điều 868.

[5] x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 1681.

[6] x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 2300.

[7] x.  1 Cr 15,42-44 ; Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 1683.

[8] x. Th. Augustinô, De cura pro mortuis gerenda, 3, 5; CSEL 41, 628:

[9] CĐ. Vatican II, Gaudium et Spes, 14.

[10] Th. Augustinô, De cura pro mortuis gerenda, 3, 5: CSEL 41, 627.

[11] x. Tb 2,9; 12,12

[12] x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 2300.

[13] x. Bộ Thánh Vụ, Huấn thị Piam et costantem, 5/7/1963: AAS 56 (1964) 822.

[14] Bộ Giáo luật, điều 1176, § 3; 1205; Bộ Giáo luật các Giáo Hội Đông phương điều 876 § 3.

[15] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 962.

[16] Bộ Giáo luật, điều 1184; Bộ Giáo luật các Giáo Hội Đông phương, điều 876, § 3.

(Bản dịch tiếng Việt của Đức giám mục Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn)

 

Bộ Giáo Lý Đức Tin

 

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …