Home / Chia Sẻ / HỢP TÁC VỚI CÁI ÁC

HỢP TÁC VỚI CÁI ÁC

HoptacvoiCaiAcVấn đề hợp tác chính thức và cụ thể với cái ác đã được đưa ra trong một cuộc trò chuyện gần đây. Người đối thoại với tôi tỏ ra bối rối khi tôi bày tỏ sự dè dặt. Đây chẳng phải là một sự phân biệt tiêu chuẩn trong thần học luân lý sao? Tại sao chúng ta không sử dụng nó?

Tôi đề nghị cô ấy đọc cuốn sách của Lm. Kevin Flannery, tựa đề “Cooperation with Evil: Thomistic Tools of Analysis” (Hợp Tác với Cái Ác: Công Cụ Phân Tích của Thánh Tôma Aquinô). Nếu đọc, cô ấy sẽ thấy rằng nguồn gốc của sự khác biệt đó không rõ ràng và việc áp dụng nó vào các trường hợp cụ thể còn lôi thôi.

Trường hợp cổ điển (được thảo luận nhiều và không đồng ý nhiều) liên quan một người hầu được yêu cầu đem thang đến một ngôi nhà mà chủ nhân của anh ta định dùng để leo lên cửa sổ để anh ta có thể ngoại tình với tình nhân của ngôi nhà đó. Mọi người đều đồng ý (khi đó, nếu không phải lúc nào cũng vậy) rằng ngoại tình là xấu xa và tội lỗi. Vấn đề là mức độ hợp tác của người đầy tớ với cái ác. Đó là “chính thức” hay “cụ thể”? Có những bất đồng giữa những người phán quyết, nhưng ý kiến cũng khác nhau tùy thuộc vào chi tiết.

Người hầu có biết đó là ý đồ của chủ nhân? Anh ta có biết và đồng ý với kế hoạch này? Hay là biết nhưng chống cự? Anh ta có chống cự và cố gắng thuyết phục chủ nhân? Hay anh ta chống cự nhưng không nói gì?

Có phải anh ta không biết kế hoạch của chủ nhân nhưng đáng lẽ phải biết, đặc biệt là khi họ đến gần ngôi nhà? Lúc đó, anh ta có nên thắc mắc liệu chủ nhân có ý đồ xấu? Sự thiếu hiểu biết của anh ta đáng trách hay không?

Liệu chúng ta có thể nói rằng ý định của anh ta chỉ đơn giản là giúp đỡ chủ nhân và tránh bị trừng phạt, chứ không phải giúp một người đàn ông phạm tội ngoại tình, trong trường hợp đó, việc ngoại tình sẽ là “ngoài ý muốn” (praeter intentionem) – một kết quả được thấy trước nhưng không có chủ ý. Trong trường hợp đó, anh ta có vô tội?

Có lẽ bạn có thể hiểu tại sao những câu hỏi như vậy đã làm đau đầu các thần học gia luân lý trong nhiều thế kỷ – và đến nay vẫn vậy, mặc dù thường là với những ví dụ đương đại hơn. Nếu một người đàn ông sử dụng biện pháp tránh thai với mục đích tránh lây nhiễm HIV cho vợ, và vợ anh ta đồng ý, thì cả hai có vô tội?

Tôi không có trí tuệ cao hơn để truyền đạt về cách tháo gỡ những nút thắt trí tuệ này cho mọi người hài lòng. Tôi chỉ muốn bày tỏ lý do tại sao tôi lại do dự khi đi theo con đường này. Sự nhầm lẫn mà kiểu suy nghĩ này tạo ra có thể gợi ý một lý do. Nhưng một điểm khác là cách tiếp cận này khiến mọi người nghĩ về việc họ có thể đi được bao xa hơn những điều tốt đẹp mà họ có thể làm và nên làm. Họ bắt đầu thương lượng hơn là quyết tâm làm những gì họ có thể.

Hãy xem xét một ví dụ hiện đại hơn, không dễ giải quyết hơn và có thể sẽ có những khó khăn và bất đồng tương tự. Giả sử tôi sở hữu cổ phiếu của một công ty, có thể trực tiếp hoặc có thể là một phần của quỹ chung. Bây giờ hãy nói rằng công ty này (a) hỗ trợ phá thai, hoặc (b) lạm dụng nhân viên nữ, hoặc (c) không trả lương đủ sống cho nhân viên. Hãy chọn đi!

Đây không phải là vấn đề bảo thủ hay tiến bộ. Chẳng phải sự hợp tác của tôi trong bất cứ điều gì xấu xa mà công ty đang làm chỉ đơn thuần là “cụ thể,” vì vậy tôi không cần phải bán cổ phiếu của mình và có thể tiếp tục thu được lợi nhuận?

Khi đặt ra vấn đề này, câu hỏi đầu tiên tôi thường nhận được là: “Nếu tôi không biết công ty đang làm gì thì sao?” Tôi hỏi: “Anh có trách nhiệm phải biết hay không?” Câu trả lời phổ biến là: “Hầu hết mọi người đều không làm như vậy.” Đó không phải là tranh luận, mà là thừa nhận.

Nhưng rồi người ta lại thắc mắc: Nếu sự hợp tác của tôi chỉ là “cụ thể,” liệu tôi có biết không? Tôi có thể biết rằng một số loại thép mà công ty tôi sản xuất được sử dụng trong các phòng khám phá thai, nhưng điều đó sẽ không khiến sự hợp tác của tôi trở nên chính thức mà chỉ là cụ thể.

Nếu ý định của tôi là hỗ trợ gia đình tôi chứ không phải hỗ trợ phá thai thì sao? Điều đó có thay đổi luân lý hay trái luân lý đối với việc tôi sở hữu cổ phiếu đó? Hãy xem xét điều này: Nếu ý định của lính canh Đức tại trại tập trung Auschwitz là hỗ trợ gia đình anh ta thì anh ta có vô tội không?

Tôi cũng không có trí tuệ như Salômôn để thuyết phục mọi người về những vấn đề này. Mối quan tâm của tôi là, thay vì hỏi “Tôi có thể làm và nên làm điều gì tốt cho thế giới, ngay cả khi điều đó đòi hỏi tôi phải hy sinh?” thì chúng ta hỏi “Tôi có thể đi bao xa trước khi phạm tội và bị khiển trách?” Đối với tôi, có vẻ như câu hỏi thứ nhất là câu chúng ta nên hỏi, câu thứ hai thấy giống con đường dẫn đến diệt vong hơn.

Thông thường, vấn đề then chốt là cách đặt câu hỏi. Vì vậy, ví dụ trong trường hợp người hầu có chiếc thang, thay vì tự hỏi liệu đây sẽ là sự hợp tác “cụ thể” hay “chính thức,” anh ta có thể hỏi anh ta muốn người mang chiếc thang này để làm gì nếu anh ta là chồng của người phụ nữ hay người vợ trong những khoảnh khắc tốt đẹp hơn của cô ấy? Anh ta có thể lý luận theo quy tắc này: “Hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho mình.” Trong ánh sáng đó, tôi nên hành động như thế nào, và tôi nên làm gì?

Hoặc người đó có thể tự hỏi: “Chúa muốn tôi làm gì?” Nếu Chúa Kitô đến vào lúc này và tìm thấy tôi với chiếc thang này, tôi có xấu hổ? Liệu tôi có nhìn vào khuôn mặt đó và tranh luận về sự hợp tác chính thức và cụ thể với Ngài?

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tránh hợp tác với cái ác, đó là một phần tất yếu của cuộc sống trong một thế giới sa ngã. Một số xà bằng thép dùng để xây dựng nhà thờ cũng được dùng để xây dựng các phòng khám phá thai. Việc hợp tác với cái ác là điều không thể tránh khỏi.

Nhưng chẳng phải chúng ta nên làm tất cả những gì có thể để chống lại cái ác và trở thành những công cụ càng nhiều càng tốt cho ánh sáng và tình yêu của Thiên Chúa chiếu soi trong bóng tối hay sao? Tôi không nói rằng tôi là một công cụ như vậy, hoàn toàn không phải vậy, chỉ là tôi nghĩ tất cả chúng ta sẽ tốt hơn nếu như vậy.

Vì vậy, mặc dù các phạm trù hợp tác chính thức và cụ thể có thể có vị trí của chúng, nhưng không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất để bắt đầu suy nghĩ về những quyết định luân lý mà chúng ta phải có trong cuộc sống.

RANDALL SMITH

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …