Home / Chia Sẻ / HỒNG ÂN SỰ SỐNG

HỒNG ÂN SỰ SỐNG

HỒNG ÂN SỰ SỐNGSự sống là tặng phẩm tuyệt hảo của Thiên Chúa trao ban cho muôn loài, cách riêng là đặc ân Ngài ban cho con người. Sự sống có vẻ đơn giản mà rất phức tạp, rất kỳ diệu. Biểu hiện dễ nhận thấy là hơi thở và máu. Trong máu của con người có 3 tỷ 100 triệu mẫu cặp hệ thống gen – mật mã của sự sống, trình tự ADN.

Cuộc sống của mỗi con người khởi đầu từ lúc còn trong lòng mẹ, nhưng người ta chỉ tính từ lúc cất tiếng khóc chào đời. Sinh nhật là ngày đặc biệt vì là ngày bắt đầu làm người – với đầy đủ nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền, đặc biệt là được làm con cái của Thiên Chúa. Sinh nhật là một ngày đáng nhớ, dù số phận rồi đây có thế nào, và chẳng ai giống ai. Trong “Tuyên Ngôn Giáo Dục” (Công đồng Vatican II), Giáo Hội xác định: “Mọi người đều có quyền hưởng một nền giáo dục đầy đủ và xứng hợp với THIÊN CHỨC LÀM NGƯỜI của mình, mỗi ngày tham gia vào đời sống xã hội, nhất là về kinh tế và chính trị, một cách tích cực hơn, hầu có thể hưởng dụng di sản văn hóa thiêng liêng của nhân loại một cách dễ dàng hơn, hợp với chức vị là người con của Thiên Chúa”. Đó là nhân quyền – quyền làm người, quyền cơ bản của mọi người.

Trong chúng ta, đa số sinh ra đều là người rất bình thường, nhưng cũng có một số người khá đặc biệt ngay từ khi lọt lòng mẹ, bằng cách này hay cách nọ, theo Thánh Ý của Thiên Chúa quan phòng và tiền định từ thuở đời đời, mỗi người có một danh phận và được đặt ở một vị trí theo ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta có muốn khác cũng không được. Thiên Chúa tạo dựng mọi người đều tốt lành, “nhân chi sơ tính bổn thiện”, nhưng người ta bị biến chất, đến nỗi Thánh Vịnh phải thốt lên: “Bọn ác nhân lạc lối từ khi lọt lòng mẹ, phường gian dối lầm đường ngay thuở mới sinh ra” (Tv 58:4).

Từ thuở xa xưa, Thiên Chúa đã tuyên phán với ông Giêrêmia: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1:5). Rõ ràng Ngài đã chọn ông từ ngày ông chưa biết gì. Ông lo sợ không biết ăn nói, nhưng Thiên Chúa bảo ông đừng sợ, rồi Ngài chạm vào miệng ông và đặt lời Ngài vào miệng ông (Gr 1:8-9). Trong thời Tân Ước, người ta cũng thấy có những “điểm lạ” ở ông bà Dacaria và hài nhi Gioan, nên họ đã đặt vấn đề: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” (Lc 1:66). Quả thật, bé Gioan là một dị nhi, được Thiên Chúa tác tạo và tiền định làm người tiền phong cho Đấng Cứu Thế, chuẩn bị và mở đường cho Ngài xuất hiện.

Từ ngàn xưa, ngôn sứ Isaia đã lên tiếng mời gọi: “Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49:1-2). Chính ông Isaia đã xác định về ơn gọi của ông được Thiên Chúa tiền định từ khi ông chưa ra đời. Nhận biết ý Chúa là điều cần thiết, nhưng không dễ để nhận biết, thế nên rất cần cầu xin Chúa soi sáng cho biết Thánh Ý Ngài – biết để tin và hành động.

Ngày đó, Thiên Chúa nói với ông Isaia rằng ông là người tôi trung, và Ngài dùng ông để “biểu lộ vinh quang của Ngài” (Is 49:3), còn ông cũng xác định rằng ông đã “vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì” (Is 49:4a). Nhưng qua những gì đã xảy ra, ông xác tín: “Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng” (Is 49:4b). Hạnh phúc đó ông xứng đáng được tận hưởng vì vinh danh Thiên Chúa.

Xác định được ý Chúa rồi, ông cho biết thêm: “Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi” (Is 49:5). Thiên Chúa tạo dựng muôn loài nên Ngài thấu suốt mọi sự từ đời đời, đồng thời Ngài cũng quan phòng và tiền định mọi thứ từ đời đời.

Chính vị Thiên Chúa toàn năng đó đã trao thêm trọng trách cho ông Isaia: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49:6). Ai có khả năng gì và với mức độ thế nào thì Thiên Chúa đều tỏ tường mười mươi, khả năng thế nào thì Ngài giao trách nhiệm đúng mức – không thiếu cũng chẳng thừa.

Đúng như vậy, Thánh Vịnh gia đã thân thưa: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả” (Tv 139:1-3). Ngài không biết rõ sao được, bởi vì Ngài là Đấng tạo dựng mọi sự – trong đó có chúng ta là một loài trong các loài thục tạo của Ngài.

Thiên Chúa biết rõ tất cả mọi sự, cả điều lớn lẫn điều nhỏ nhất, cả vô hình và hữu hình: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 139:13-15). Ai đau xác hoặc khổ hồn thế nào, Thiên Chúa đều thấu suốt, nếu Ngài để cho chúng ta chịu đau khổ là vì lợi ích của chính chúng ta. Thật vậy, Thomas Carlyle (1795-1881 – triết gia, nhà văn châm biếm, nhà viết luận, sử gia và nhà giáo người Tô Cách Lan) đã nhận định: “Tai ương là bụi kim cương mà Thiên Đàng dùng để đánh bóng châu báu”. Ý Chúa rất nhiệm mầu, chúng ta không thể nào hiểu nổi. Ngài xuống thế không phải để diệt trừ đau khổ mà để chia phần đau khổ với chúng ta, và rồi chính Ngài đã chịu đau khổ tới mức tận cùng.

Sự đau khổ luôn là điều bí ẩn, là một mầu nhiệm. Chúa Giêsu vẫn nhắc nhở mọi người về việc chịu đau khổ: Vác Thập Giá hằng ngày. Chính “cửa hẹp” là một phần trong hành trình đức tin mà ai cũng phải cố gắng “đi vào”, vì cửa đó hoặc lối đó dẫn tới cõi trường sinh. Không đau khổ, con người rất dễ kiêu ngạo, như tiền nhân nói rằng “Sướng quá hóa rồ” hoặc “No cơm, ấm cật, dậm dật mọi nơi”. Nguy hiểm lắm!

Quá trình “vào cửa hẹp” cũng đã được Thánh Phaolô nhắc lại lời Chúa Giêsu khi ông rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại: Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”. Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!” thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!” (Cv 13:25-26). Điều này tái xác định rằng việc “vào cửa hẹp” hoặc “đi lối nhỏ” là điều cần thiết. Và chỗ “hẹp và tối” sẽ dẫn tới nơi “rộng và sáng”.

Chắc chắn chẳng bao giờ dễ vào cửa hẹp, và đau khổ luôn gây cảm giác khó chịu. Ai chịu được đau khổ và vào được cửa hẹp thì sẽ trở nên mạnh mẽ và chiến thắng. Những người sống khắc khổ như vậy thường bị người ta cho là dại dột hoặc ngu xuẩn, thế nhưng chính các “dị nhân” đó lại trở thành những người can đảm của Thiên Chúa. Các Kitô hữu chân chính đều là những con người có lối sống “không giống ai”, thế nên ở đâu họ cũng bị ghét, bị bách hại, đủ kiểu và đủ mức. Khổ vô cùng. Sự đau khổ đó càng ray rứt hơn vì họ luôn bị giằng co!

Thánh sử Luca cho biết sự kiện ra đời của “dị nhi” Gioan Tẩy Giả qua trình thuật Lc 1:57-66 và 80: Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlidabét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. Họ cùng đến chia vui nhưng họ cũng vô cùng ngạc nhiên vì thấy nhiều điều khác thường.

Rồi đến lúc con trẻ chịu phép cắt bì theo tục lệ vào tám ngày sau. Người ta dự định lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho “cu tý”, nhưng bà mẹ liền phản đối, bắt phải đặt tên con là Gioan. Lại kỳ lạ nữa! Thế nên họ bảo rằng trong họ hàng chẳng ai có tên như vậy cả. Người ta ra hiệu hỏi người cha (vì lúc này ông còn bị câm), xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết rõ ràng: “Tên cháu là Gioan”. Ái chà, vợ chồng “ăn ý” ghê ta! Ai nấy đều bỡ ngỡ, tròn mắt nhìn nhau mà chả hiểu gì ráo trọi. Kỳ lạ hóa kỳ diệu chứ không kỳ cục.

Lại tiếp tục “sự lạ” nữa: Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra và chúc tụng Thiên Chúa. Bỗng dưng “ông câm” Dacaria lại nói được bình thường. Ái chà, cái vụ này càng lạ dữ nghen! Láng giềng ai nấy đều kinh sợ, và chuyện lạ về gia đình ông Dacaria được đồn ra khắp miền núi Giuđê rất nhanh. Ai nghe cũng lắc đầu vì không hiểu chi cả, mắt nhìn như chữ O, miệng nhìn như chữ A, nhưng rồi họ chỉ biết “dằn bụng”, miên man suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”. Đó là việc của Thiên Chúa, do tay Ngài tác động. Người anh họ Gioan được Ngài phù hộ để chuẩn bị theo kế hoạch của Ngài: “Khi Đức Chúa các đạo binh đã quyết định, ai có thể cản ngăn, cánh tay Người đã giơ ra, ai có thể làm cho rút lại?” (Is 14:27).

Theo lời kể của Thánh sử Luca, Cậu Bé Gioan “càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh” và “sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel” (Lc 1:80). Lối sống của Chàng Gioan cũng rất khác người, phong cách rất “bụi đời”. Người đơn giản là người sống sâu sắc, sống khác người, thảo nào thường bị ghét. Gioan như vậy đấy!

Được sinh ra làm người là một hồng ân, được tái sinh làm tín nhân là một hồng ân nữa. Đó là nhân đôi hồng ân sự sống. Nhưng có điều quan trọng cần ghi nhớ: “Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục” (Hc 2:4-5).

Lạy Thiên Chúa, Ngài thấu suốt mọi sự, cả những gì con chưa nghĩ tới, xin soi sáng và định hướng con theo đúng ý Ngài, mặc dù con chỉ là kẻ bình thường nhất trong những người bình thường. Con cảm tạ Ngài đã cho con được làm người và được tái sinh làm con cái Ngài, xin nâng đỡ con bằng ân sủng và che chở con trong dòng thương xót của Ngài. Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin đồng hành và giúp con dám sống “bụi đời” như ngài, luôn biết thu mình nhỏ lại để Thiên Chúa được lớn lên, xin cầu thay nguyện giúp luôn. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …