Home / Chia Sẻ / Hồn Quê

Hồn Quê

Tình cờ tôi nghe được những giai điệu thật vui tươi do một tốp ca thể hiện trong bài hát: “Tết Quê Em” của nhạc sĩ Từ Huy trên chuyến xe đò từ Cần Thơ về Rạch Giá. Bài hát đã làm cho bầu khí trên xe trở nên nhộn nhịp, ồn ào: “Tết tết tết tết đến rồi! Tết tết tết tết đến rồi!Tết tết tết tết đến rồi! Tết đến trong tim mọi người!..” 

Nhưng Tết là gì? Mà kiều bào ở hải ngoại, hàng năm có hàng trăm ngàn người đã vượt cả nửa vòng trái đất (20.000km) chẳng quản tốn phí; hàng triệu người trong nước từ học sinh, sinh viên, đến công nhân viên chức ở các thành phố lớn, có khi đã phải đi bộ hàng trăm km; đi xe hai bánh cả ngàn cây số; đặt vé xe đò, xe lửa, vé máy bay cả mấy tháng trước để có một chỗ “về quê ăn tết”. 

Quả thật, Tết từ bao đời đã là ngày hội lớn truyền thống, thiêng liêng, huyền diệu bất tử đã ở trong tim, trong máu, trong xương thịt của mỗi người Việt Nam. Và đặc biệt là với những người tha hương. 

Ta cùng tìm hiểu một đôi nét về Tết. 

Nguồn gốc Tết

Tết còn được gọi đầy đủ hơn là Tết cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết truyền thống, Tết nguyên đán. Còn chữ Tết chính là chữ tiết “Thời tiết”; chữ “nguyên” là khởi đầu; chữ “đán” là buổi ban mai. Vậy, Tết nguyên đán là tiết trời bắt đầu buổi ban mai ngày đầu tiên mùa xuân của năm mới, theo sự vận hành của trời đất, có bốn mùa trong một năm: Xuân-Hạ-Thu-Đông.

Tết đã có từ đời Tam Hoàng, Ngũ Đế bên Trung Quốc cách nay cả gần 5000 năm. Còn ở Việt Nam Tết đã có từ đời Lý, Trần, Lê cách nay cả 10 thế kỷ. 

Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm, không chỉ riêng đối với người Việt, mà nó còn là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của nhiều nước Châu Á như: Trung Quốc, Mông Cổ, Singapore, Bán đảo Triều Tiên… Tết nguyên đán, đánh dấu kết thúc một mùa đông lạnh lẽo, và khởi đầu cho một mùa xuân, với những chồi non đâm tược cùng muôn sắc hoa rộ nở, đặc biệt ở Việt Nam là hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam mang lại bao hy vọng an lành, tốt đẹp, may mắn và được mùa trong năm mới. Đó chính là mong ước của người dân, những nước thường coi nông nghiệp là nghề chính.

Trong khi đó, Tết nguyên đán không được các nước phương Tây quan tâm. Các nước phương Tây họ tổ chức mừng Tết Dương lịch thật long trọng hoành tráng. Ngược lại, người Châu Á, cũng như Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến Tết Dương lịch. Dù ngày nay đã hội nhập sâu, nhưng Đông vẫn là Đông, Tây vẫn là Tây. 

Giao thừa, giây phút thiêng liêng

Thời khắc linh thiêng của Tết nguyên dán diễn ra trong giữa đêm ba mươi, đêm mà trời đất giao hoà, kết duyên để tiễn đưa năm cũ, và tiếp nhận năm mới. Đó chính là giây phút Giao thừa thiêng liêng huyền diệu của ngày Tết. Giây phút mà thi sĩ Hàn Mạc Tử đã thốt lên: “Giây phút thiêng liêng đã khởi đầu”. Các gia đình theo đạo Công Giáo thường chờ đón giây phút thiêng liêng Giao thừa để đọc kinh cầu nguyện, cúi đầu cảm tạ Chúa: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi Sion” (Thánh Vịnh 133, 3) và gia đình cùng cảm tạ Chúa trong Thánh lễ Giao thừa linh thiêng đó: “Trong giờ phút Giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Chúa” (Ca nhập lễ đêm Giao thừa). 

Tết, lễ hội truyền thống thiêng liêng của dân tộc

Tết là một lễ hội truyền thống của dân tộc, đầy tính nhân văn cao đẹp. Đây là dịp để mọi người nhớ đến Trời đất, cảm tạ đất Trời đã ban cho một năm 365 ngày bình an, may lành, và để cầu Trời đất, ban cho một năm mới mưa thuận gió hoà, được mùa, mọi người mạnh khoẻ, gia đình hạnh phúc. 

Tết còn là một dịp tốt, thuận lợi để ta tỏ lòng tôn kính thăm viếng, báo hiếu tổ tiên ông bà, cha mẹ nội ngoại, bà con chú bác cậu dì, thầy cô và thân hữu: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. 

Tết với Giáo hội Công Giáo.

Giáo hội Công Giáo luôn xác tín và loan báo đến muôn dân là chính Thiên Chúa mới là Vua vũ trụ muôn loài, Ngài là chủ của thời gian, là chủ vận hành của trời đất vũ trụ, là chủ cuộc sống của chúng ta và muôn loài. Vì thế,  mỗi ngày trong ba ngày Tết đều mang một ý nghĩa trong đại. Mồng một Tết, nơi mỗi giáo xứ dâng lễ cầu bình an cho năm mới. Trong Thánh lễ đầu năm, nơi các nhà thờ, thường có lệ hái lộc xuân là những câu trích trong Kinh Thánh, như nhắc nhở mỗi gia đình cần sống và làm những gì trong năm mới để hợp ý Chúa; mồng hai Tết Giáo hội dâng lễ kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, thường được tổ chức dâng lễ nơi nghĩa trang của giáo xứ; mồng ba Tết Giáo hội dâng lễ thánh hoá công ăn việc làm, còn gọi là lễ cầu mùa nơi vùng nông thôn.   

Về quê ăn tết

Về quê ăn Tết là một cụm từ không biết đã có từ bao giờ, nhưng hiện nay nó đã trở thành một câu nói cửa miệng, của mọi người mỗi dịp xuân về, Tết đến.

Về quê ăn tết là để tận hưởng, để cảm nhận đầy đủ nhất, thắm thiết nhất, đầm ấm nhất cái hương vị ngọt ngào trìu mến thân thương, trữ tình đầy tính nhân văn của quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của tổ tiên, ông cha ta từ bao đời nay, cả về tinh thần, cũng như hương vị lương thực đặc trưng của ngày Tết, dù đó chỉ là: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” (Câu đối Tết). 

Về quê ăn tết là để sống lại những phút giây ngọt ngào thơ mộng thần tiên thân thương của tuổi thơ bên bạn bè, bên gia đình… “Ai bảo chăn trâu là khổ/ Chăn trâu sướng lắm chứ/ ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau/ và miệng hát nghêu ngao/ Vui thú không quên học đâu/ Nằm đồi non gió mát/ Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo/ Em đánh vần thật mau… Khoai vùi bếp nóng ngon hơn là vần…” (Em Bé Quê của Pham Duy).

Về quê ăn tết, là để chia vui sẻ ngọt với gia đình sau 365 ngày xa cách, để sống lại những phút giây đoàn tụ gia đình. Điều này được diễn tả đầy cảm xúc, trữ tình ngập tràn hình ảnh thân thương qua bài thơ: Tết đoàn tụ của nhà thơ Cao Gia An:

 “Con đi cả năm Tết mới về một bận/ Náo nức giữa lòng giây phút đoàn viên/ Nhà mình nghèo bao sóng gió ngả nghiêng/ Tụi con lớn lên anh em mỗi người một ngã/ Có những buổi nơi quê người xứ lạ/ Con nhớ cháy lòng mùi rơm rạ tinh nguyên/ Nhớ khói lam chiều bên sườn núi nghiêng nghiêng/ Nhớ cánh đồng xa nhập nhoà bóng Mẹ…Tạ ơn Chúa giữa bao đổi thay, thăng trầm loạn lạc/ Vẫn có gia đình là tổ ấm đời con” (Trích trong bài thơ Tết đoàn viên của Cao Gia An). 

Có lẽ, những điều nêu trên chỉ mới nói lên được một phần trăm, phần ngàn những điều đáng nói trong ngày Tết truyền thống của dân tộc. Nhưng nó đã nói lên được phần nào những giá trị tinh thần, hồn thiêng của quê hương, hồn thiêng của miền quê, nơi có những “Bà mẹ quê”, những ông bố một nắng hai sương, lưng còng gối mỏi mòn mỏi đợi con về đoàn viên trong ba ngày Tết thiêng liêng. Đó là những tinh tuý vô giá của quê hương làm sao ta không nhớ không thương! đúng như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã mô tả: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như chỉ một Mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”

Tôi nghĩ, Tết chính là cái hồn, cái bất tử của quê hương, của dân tộc, của đất nứơc, mãi mãi ở trong tim mỗi người dân Việt chúng ta từ bao đời nay.

“Tết tết tết tết đến rồi!

Tết đến trong tim mọi người”.

 Inhaxiô Đặng Phúc Minh

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …