Home / Giáo Dục Kito Giáo / HÔN NHÂN, THỂ HIỆN LIÊN ĐỚI – XÂY TÌNH HIỆP THÔNG

HÔN NHÂN, THỂ HIỆN LIÊN ĐỚI – XÂY TÌNH HIỆP THÔNG

Sau 10 năm chung sống, anh Hưng con trưởng của bà Hoa đã xin ra tòa ly hôn với vợ mình là Nga tuy đã có với nhau hai mặt con. Đã từ lâu, tình yêu giữa anh chị đã không còn, và quan trọng hơn là mâu thuẫn giữa chị Nga và mẹ chồng ngày càng lên đến đỉnh điểm. Là dâu trưởng trong nhà nhưng chị chẳng quan tâm gì đến gia đình chồng, mỗi lần đi làm về là rút vào phòng riêng xem phim một mình, trong giờ ăn cũng chẳng nói chẳng rằng, chẳng để ý đến ai, mẹ chồng đau ốm, nhiều khi cũng chẳng quan tâm hỏi thăm, đã vậy lại còn xử sự vụng về, thiếu tế nhị, không ít lần làm cho con trai bà quê độ trước mặt khách. Mẹ chồng góp ý kiến hay dở thế nào chị không tán thành mà cũng chẳng đồng ý, cứ theo ý mình mà làm. Bà Hoa, cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, luôn tỏ ý bất bình, soi mói, cạnh khóe với con trai. Cuối cùng, anh Hưng đã ngả theo ý của mẹ mình.

Ngược lại, chị An, dâu hai, vợ anh Bình, con thứ của bà Hoa, lại được bà cưng chiều, vì chị luôn luôn tạo sự gần gũi với mẹ chồng để có cơ hội hiểu nhau nhiều hơn. Khi rảnh, chị hay chuyện trò thủ thỉ, xem phim cùng mẹ chứ không vội nhảy vào phòng riêng như các chị em dâu khác trong nhà. Mẹ chồng có điều gì không phải với chị, chị cũng chẳng đi kể lại với chồng, tránh tạo sự khó xử giữa hai mẹ con. Thỉnh thoảng, chị cũng hay mua quà biếu bà, đôi khi chẳng phải là vật đắt tiền gì nhưng đúng thứ bà thích. Tình yêu của chị và anh Bình chồng chị cũng chẳng mặn mà gì nhưng vì là người có hiếu, anh vui lòng khi thấy vợ mình biết để ý chăm sóc cho mẹ mình, và mẹ anh cũng thưởng tỏ ý khen ngợi chị với anh, nhờ thế tình yêu của họ được củng cố hơn.

Do đâu mà cuộc tình của chị Nga với anh Hưng kết thúc bằng chia tay trong khi cuộc tình của chị An với anh Bình lại ngày càng được củng cố hơn? Phải chăng chuyện hạnh phúc tình yêu hôn nhân chỉ là chuyện riêng tư của hai người hay còn liên quan đến gia đình và xã hội và chịu ảnh hưởng tác động bởi gia đình và xã hội? Vậy hôn nhân đón nhận được gì từ gia đình và xã hội? Xã hội trông chờ gì nơi hôn nhân và gia đình?

  1. Hôn nhân không phải chỉ là chuyện riêng tư giữa hai người

Hôn nhân không chỉ liên quan đến hai đương sự mà thôi. Trái lại, hôn nhân là một định chế do Thiên Chúa thiết lập để làm nền tảng cho gia đình (FC 11), và là một điều hết sức hệ trọng đối với hạnh phúc của con người và thiện ích cũng như sự tồn vong của xã hội. Hôn nhân thỏa mãn khát vọng yêu thương của con người, là kết điểm của tình yêu đích thực của đôi nam nữ, làm cho họ thuộc về nhau thực sự, bền lâu, và hạnh phúc được trọn vẹn. Vì trong hôn nhân, cả trái tim lẫn ý chí tự do nhập cuộc, tình yêu phát sinh trách nhiệm bảo vệ tình yêu, và nhờ đó gia đình hình thành: hôn nhân xây dựng tổ ấm gia đình, là tế bào của xã hội, nên có liên quan đến xã hội, đặc biệt đến các thành viên trong đại gia đình của chồng/vợ mà người ta chung sống dưới một mái nhà. Trong đó đối với xã hội Việt Nam, quan trọng nhất là mối tương quan giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Theo các chuyên gia tâm lý, để quan hệ mẹ chồng – nàng dâu được tốt đẹp, điều quan trọng nhất là cả hai bên đều phải có thiện chí, biết hòa hợp, tôn trọng nhau thì mới tạo nên mối quan hệ gia đình hạnh phúc được. Trước hết như chị Nga trong câu chuyện trên, lẽ ra phải có thái độ tôn trọng, gần gũi với mẹ chồng, tôn trọng sự hiện diện của bà, vui vẻ tiếp thu sự giúp đỡ có thiện chí của mẹ chồng; không nên nói xấu, khích bác gia đình nhà chồng, sống chan hòa với gia đình anh ấy và luôn phải tâm niệm “một sự nhịn là chín sự lành”.

Còn mẹ chồng cũng cần phải coi con dâu như con ruột của mình, thay vì bám theo lễ giáo phong kiến cổ xưa bắt con dâu lúc nào cũng phải làm theo ý của mình, cần phải thức thời, dành cho con dâu một không gian riêng và sự tôn trọng, không nên ép uổng con phải tiếp thu ý kiến và kinh nghiệm của mình và cần phải xử sự công bằng.

Ngoài ra, vai trò của người con trai rất quan trọng trong việc xây đắp mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu. Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản đó là chuyện của hai phụ nữ, nên vô tư đứng ngoài cuộc, hoặc biết mà im lặng. Sai lầm nhất là nghiêng hẳn một bên: theo mẹ, hoặc theo vợ. Rõ ràng, trong gia đình, ngoài hai nhân vật chính là mẹ chồng, nàng dâu phải tự điều chỉnh những thiếu sót, khi xuất hiện mâu thuẫn, thì người con trai phải luôn đứng giữa. Anh phải đứng thật thẳng, làm chiếc gạch nối để hai người phụ nữ: một trẻ, một già hiểu nhau.

  1. Hôn nhân được thiết lập cho xã hội, giáo hội, và Nước Trời

Hôn nhân làm cho hai người nam nữ trở thành đôi vợ chồng và tạo nên gia đình – ‘tế bào đầu tiên và sống động của xã hội’, nhờ đó xã hội hình thành. Việc sinh con cái và giáo dục chúng góp phần vào sự phát triển của cộng đồng xã hội. Con cái các gia đình lại tham gia vào các mối tương quan, liên đới với nhau, làm việc với nhau, làm bạn với nhau, kết hôn với nhau, trở thành thông gia của nhau, liên kết với nhau dưới những hình thức rất đa dạng, tùy theo khuynh hướng, sở thích, nhu cầu, nghề nghiệp, lý tưởng, chính kiến, hoàn cảnh, địa vị…

Trong tư cách là con cái Chúa, gia đình cũng là những đơn vị ‘giáo hội tại gia’, là thành viên của cộng đoàn giáo xứ, giáo phận và Giáo hội toàn cầu. Quan hệ giữa các gia đình Kitô hữu với nhau trong đức tin sống động cũng chính là quan hệ gia đình thiêng liêng giữa con cái cùng một Cha trên trời. Điều này thể hiện ngay trong đời sống từng cộng đoàn cơ bản cũng như cộng đoàn lớn hơn của từng giáo xứ, giáo phận và trong cả Giáo hội, đại gia đình Dân Chúa, cùng chia sẻ một sứ mệnh, cùng quy hướng đến sự Hiệp thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

 Hôn nhân là một khế ước xã hội

Hôn nhân công giáo là một Bí tích, nhưng đồng thời cũng là một khế ước mang tính xã hội và phổ quát – một thứ khế ước quy định quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên một cách bình đẳng, không chỉ bảo đảm thiện ích cho hai đương sự, mà còn bảo đảm thiện ích cho những nhân vị phát sinh từ đó – là con cái, và cả những người liên hệ, cho nên hôn nhân liên quan đến cả xã hội và cộng đồng nhân loại. Đến nỗi không có sự vi phạm nào đối với khế ước này mà không gây hệ lụy đến cộng đồng, xã hội. Và sự tôn trọng thực thi khế ước hôn nhân sẽ đem lại lợi ích cho toàn xã hội, cho toàn nhân loại.

  1. Hôn nhân nhận được sự nâng đỡ từ gia đình và xã hội

Trước hết, vợ chồng tương lai đã được chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ trong và bởi gia đình gốc của mình. Gia đình là trường học đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục nhân bản và đức tin Kitô giáo cho con cái – là công dân và tín hữu – đồng thời cũng là người chồng, người vợ, người cha, người mẹ của gia đình tương lai. Sự thiếu sót của gia đình trong việc chuẩn bị này sẽ là một thiệt hại cho gia đình và xã hội sau này. “Xã hội, đúng hơn là nhà nước, phải nhìn nhận rằng gia đình là ‘một xã hội được hưởng một quyền lợi riêng biệt và ưu tiên’,… do đó, nhà nước có nghĩa vụ trọng yếu phải hỗ trợ gia đình,… phải làm những gì có thể để bảo đảm cho các gia đình mọi sự trợ giúp kinh tế, xã hội, giáo dục, chính trị, văn hóa mà gia đình cần có, để hoàn thành nghĩa vụ của mình một cách nhân bản”. (FC 45). Nhất là đối với những gia đình thu nhập thấp hay đang gặp khó khăn đặc biệt, thì càng phải giúp đỡ nhiều hơn.

  1. Gia đình phục vụ xã hội và cộng đồng nhân loại

Về phần mình, gia đình là nguồn lực cho xã hội qua việc sinh thành, dưỡng nuôi và giáo dục con cái trở thành thành viên có phẩm chất tốt đẹp, tích cực góp phần xây dựng xã hội. Không có một thiện ích và tiến bộ nào của xã hội mà không phát xuất từ những cá nhân đã được giáo dục huấn luyện đàng hoàng từ trong gia đình. Không có điều gì thiện hảo, mang đến lợi ích cho xã hội mà không phát xuất từ một cá nhân xuất thân từ một gia đình nào đó. Tất cả những đức tính cần thiết cho đời sống xã hội: nhân ái, khoan dung, công bằng, trung thực, hợp tác đều phải được rèn luyện từ đời sống gia đình. Hơn nữa, mỗi gia đình đều có thể và cần phải tác động đến, và hợp tác với các gia đình khác, để cải thiện, thăng tiến xã hội, như lời Thánh Gioan Phaolô II đã nói “Tương lai Giáo Hội và nhân loại là do nơi các gia đình”.

Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm Lời Chúa để hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự liên đới và hiệp thông trong hôn nhân.

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana, miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu và Đức Giêsu cùng các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giêsu đáp:“ Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến”. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: ”Các anh đổ đầy nước vào chum đi!”. Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: ”Bây giờ các anh múc và đem cho người quản tiệc”. Họ liền làm như thế. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”. Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người (Ga 2, 1-11).

Tin mừng tường thuật tiệc cưới tại Cana. Trong số khách mời dự tiệc cưới, có Đức Maria, Đức Giêsu và các môn đệ. Tiệc đang cao hứng nhưng nửa chừng rượu hết.

Rượu tượng trưng cho sức sống, tình yêu, niềm vui, hạnh phúc. Hết rượu phải chăng có nghĩa là họ mất đi sức sống, tình yêu và niềm vui, nghĩa là tương quan của họ mất hết ý nghĩa, bị đe dọa, trở nên cằn cỗi, thất bại.

Trong tình hình thê thảm đó, Đức Maria xin Chúa can thiệp và bảo các gia nhân làm theo lời Chúa truyền. Kết quả là Đức Giêsu đã ban cho họ rượu ngon hơn trước, nhờ đó mọi người tìm lại được niềm vui, đôi vợ chồng tìm lại được sức sống, tình yêu, hạnh phúc.

Thử hỏi xem nhờ đâu mà họ được như vậy phải chăng là nhờ sự can thiệp, giúp đỡ của nhiều người: Đức Maria, Đức Giêsu, các gia nhân.

Vậy qua bài Tin mừng trên đây, Chúa muốn truyền cho ta sứ điệp gì?

– Hôn nhân không phải là chuyện riêng tư khép kín của hai người (đôi tân hôn không tổ chức đám cưới cho riêng mình mà cho cả hai bên gia đình, họ hàng thân thuộc bạn bè: chính vì thế có nhiều khách mời).

– Hôn nhân được gia đình và xã hội quan tâm giúp đỡ, không chỉ giúp tổ chức đám cưới mà là góp phần vun đắp tình yêu, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho đôi vợ chồng (sự quan tâm can thiệp và giúp đỡ của Đức Maria, Chúa Giêsu, các gia nhân).

– Hôn nhân phục vụ cho gia đình và xã hội (gia chủ thiết đãi, phục vụ các khách dự tiệc).

– Chúng ta cần phải quan tâm đến thiện ích của tha nhân, biết chia sẻ những nỗi lo âu của họ, biết tích cực đem lại niềm vui và hạnh phúc cho họ, biết coi hạnh phúc của anh em là chính hạnh phúc của mình – “Cho thì có phúc hơn là nhận”, Chúa đã dạy như thế. Và một cách cụ thể: Chúa dạy chúng ta – những người lớn có trách nhiệm và kinh nghiệm – cần phải nâng đỡ những đôi bạn trẻ.

– Tình yêu của vợ chồng có thể gặp trục trặc, xuống cấp, trở nên nhạt nhẽo, tàn phai, bế tắc (họ hết rượu rồi!). Cần phải có sự can thiệp, nâng đỡ, hỗ trợ của hai bên gia đình, họ hàng thân thuộc bạn bè, xã hội. Do đó cần phải thiết lập và vun đắp mối tương quan tốt đẹp giữa vợ chồng với gia đình hai bên, với mọi thân bằng quyến thuộc, bạn bè. Trước hết là giữa hai vợ chồng với gia đình cha mẹ hai bên, và tiếp đến, giữa các thành viên trong hai gia đình thông gia với nhau. Bởi chưng sự thân thiện của hai bên thông gia góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho hai vợ chồng. Và hai vợ chồng cũng phải duy trì và phát triển mối giao hảo bằng hữu với nhiều người để học hỏi và nâng đỡ lẫn nhau.

– Chúng ta phải quan tâm góp phần vun đắp hạnh phúc cho các gia đình và thiện ích cho xã hội, đặc biệt chăm sóc, nâng đỡ, đồng hành với những đôi tân hôn, những gia đình trẻ để giúp những gia đình này được vững vàng, ổn định, hạnh phúc trong việc thực hiện những nghĩa vụ của đời sống hôn nhân gia đình.

– Khi gia đình gặp sóng gió bế tắc, cần phải có sự can thiệp, giúp đỡ hỗ trợ của gia đình họ hàng, bạn bè, thân thuộc.

– Một mặt chúng ta phải tận dụng chứng từ sống động của những gia đình khác, hay những lời khuyên bảo chia sẻ chân tình của những người khôn ngoan, giàu kinh nghiệm. Mặt khác chúng ta có thể đóng góp vào bầu khí lành mạnh yêu thương của các gia đình và thiện ích của cộng đồng nhân loại bằng chứng tá yêu thương, quên mình, phục vụ, hy sinh, cảm thông, tha thứ trong chính gia đình mình, giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái và giữ anh chị em với nhau và mở rộng đến những gia đình xung quanh, đến mọi người, đặc biệt những ai lâm cảnh thập tử nhất sinh.

– Trước tiên những người trong cùng một gia đình phải quan tâm giúp đỡ nhau. Và các gia đình cũng phải quan tâm liên đới, nâng đỡ lẫn nhau, Phải cùng nhau chia sẻ gánh nặng, khuyên bảo lẫn nhau, sửa lỗi cho nhau, giúp nhau nên hoàn thiện và cầu nguyện cho nhau.

“… Đấng Tạo Hóa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người” nên gia đình trở thành tế bào đầu tiên và sống động của xã hội.

 “Gia đình có những liên hệ chặt chẽ và sống động với xã hội vì gia đình làm nền tảng cho xã hội và không ngừng tiếp sức cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống. Thật vậy, từ gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình mà các công dân tìm thấy trường học đầu tiên dạy các nhân đức xã hội, gia đình là linh hồn của sự sống và sự phát triển của chính xã hội” (x. 42).

“… Như vậy, phát huy sự hiệp thông đích thực giữa những ngôi vị có trách nhiệm trong gia đình trở thành một việc thực tập căn bản và không thể thay thế được cho đời sống xã hội, một gương mẫu và là một khích lệ cho các tương quan cộng đồng mở rộng được đánh dấu bằng các đức tính: kính trọng, công bằng, đối thọai, tình yêu” (x. 43) (Familiaris Consortio 42-43).

“Lạy Chúa, chúng con có khuynh hướng sống khép kín, đóng khung trong quan hệ tình cảm giữa hai vợ chồng, chính vì thế tương quan của chúng con thường gặp nhiều trục trặc và đôi khi không có lối thoát.

Xin Chúa mở rộng con tim của chúng con để chúng con biết quan tâm đến họ hàng, thân thuộc, bạn bè xung quanh, để chúng con biết liên đới nâng đỡ nhau, giúp nhau kiện toàn ơn gọi hôn nhân của chúng con và góp phần xây dựng nền văn minh tình thương trong thế giới hôm nay”.

Gioakim Trương Đình Giai

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …