Chúng ta cùng nhau nghe tâm sự sau đây:
Em năm nay 20 tuổi, anh ấy 23, em quen anh ấy đã được 3 năm. Tình cảm giữa em và anh ấy rất mặn mà, nhưng có một chuyện mà hai đứa em luôn đau khổ: em là người đạo Chúa, nhưng gia đình anh ấy theo đạo Phật. Có nhiều lần anh đã muốn công khai chuyện tình cảm của hai đứa nhưng không dám vì gia đình của anh ấy không chấp nhận anh quen với người có đạo. Bản thân anh cũng là con út trong gia đình. Cho nên bây giờ hai đứa em quen nhau cứ phải lén lút. Điều này làm em buồn lắm. Gia đình em khó lắm, không chấp nhận em kết hôn với người ngoại đạo, thậm chí anh ấy đồng ý theo đạo mà ba em cũng còn không chấp nhận, chúng em không thể xa nhau.
Bây giờ chúng em phải làm sao để hai gia đình chấp nhận. Bản thân anh là người rất có trách nhiệm, là đứa con ngoan trong gia đình. Anh ấy sẵn sàng theo đạo nếu gia đình chấp nhận. Nhưng mãi mãi gia đình anh ấy không chấp nhận thì chúng em sẽ phải xa nhau mãi mãi ư. Đời em đã thuộc về anh ấy. Em không hề hối hận những điều em đã làm, nhưng em phải làm sao để gia đình cho anh ấy theo đạo, chẳng lẽ em cứ chờ đợi mòn mỏi hoài vậy. Em và anh ấy yêu nhau là một cái tội ư? Bây giờ em phải làm sao đây. Xin chị giúp em với!
2. Đặt vấn đề:
Do đâu có sự phức tạp giữa hôn nhân khác đạo như vậy?
Thật ra mọi chuyện phức tạp đều do con người mà ra cả. Thiên Chúa là tình yêu, chẳng những Ngài không ngăn cản người ta yêu nhau theo đúng nghĩa, mà con chúc phúc cho tình yêu, dù là giữa hai người đồng đạo hay khác đạo. Bởi đạo đúng nghĩa là con đường dẫn đến Chân lý. Và Chân lý thật ra chỉ có một, tuy có nhiều tôn giáo. Tôn giáo không đồng hóa với Chân lý tuy trong tôn giáo có ít nhiều chân lý, nếu tôn giáo được hiểu như khao khát vươn tới, đạt tới Chân lý. Tôn giáo đích thật không thể đối nghịch nhau mà chỉ có thể bổ túc cho nhau. Tất cả mọi tôn giáo đều là những nổ lực tiếp cận với Chân lý, phản ánh it nhiều Chân lý. Như thế tôn giáo, cho dù là khác nhau, nhưng theo nghĩa tinh ròng, xét về mặt thiêng liêng không hề đối nghịch nhau. Nếu có sự chống đối giữa các tôn giáo như đã xảy ra trong quá khứ hay hiện tại là do giới hạn, thành kiến, mê muội, hay sự vẫn đục của tâm hồn con người theo tôn giáo sinh ra mà thôi. Thật ra, tôi còn biết cả những trường hợp một trong hai người phối ngẫu không còn thực hành đạo nữa vậy mà gia đình người ấy vẫn bắt người kia theo đạo, phải chăng chỉ vì tính hiếu thắng, danh giá.
Nói tóm lại, tất cả đều do con người mà ra.
Kitô giáo thật ra chỉ có đưa ra một giới luật kép: Mến Chúa yêu người. Còn mọi luật chi tiết đều do con người đặt ra cho dù có quy chiếu vào luật Chúa. Vì thế mọi luật lệ không mang tính tuyệt đối mà chỉ tương đối.
Đối với Kitô giáo nguyên tắc chính bao trùm và hướng dẫn mọi lề luật đó là luật yêu thương. Hơn nữa luật lề đặt ra cho con người như Đức Kitô khẳng định “Con người làm chủ cả lề luật”. Hay nói đúng hơn chỉ có một luật hoàn hảo đó là luật Thần Khí, luật yêu thương được khắc ghi trong tâm khảm con người, chứ không phải trên mặt chữ.
3. Lắng nghe Lời Chúa
3.1. Công bố Lời Chúa: (1 Cr 7, 12-16)
“…Còn với những người khác, thì tôi nói-chính tôi chứ không phải Chúa. Nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người đó bằng lòng ở với mình, thì chớ rẫy họ. Và người nào có chồng ngoại đạo mà người đó bằng lòng ở với mình, thì đừng bỏ họ. Thật vậy chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy con cái anh em sẽ trở nên ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh. Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ, trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị hôn nhân ràng buộc! Chị là vợ, biết đâu chị chẳng cứu được chồng? Hay anh là chồng biết đâu anh chẳng cứu được vợ?”
3.2. Tìm hiểu Lời Chúa:
Hôn nhân khác đạo có từ khi nào? – Có từ muôn thuở, có từ đầu, có trong Giáo hội sơ khai. Có điều lúc bấy giờ chưa có giáo luật chặt chẽ như ngày nay. Cũng chưa có nghi thức kết hôn như ngày nay, Nên mọi sự xem ra nhẹ nhàng và dễ dàng. Người ta thành vợ chồng với nhau thật sự khi ăn ở với nhau.
Hôn nhân khác đạo có được chấp thuận không? Không những được chấp thuận, mà theo một ý nghĩa nào đó, còn được khuyến khích như trong thư của thánh Phaolô.
Vì sao? Vì muốn hợp thức hóa con cái; vì hy vọng thánh hóa, hay “cứu” được người vợ/chồng ngoại đạo.
Lúc ấy có Giáo luật không? Có đấy nhưng đơn giản hơn nhiều (Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ, trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị hôn nhân ràng buộc!)
Hôn nhân khác tôn giáo có vấn đề không? Cũng có vấn đề nhưng ít hơn ngày nay, Và cơ may đưa người vợ/chồng ngoại trở lại đạo dễ hơn ngày nay. Vả lại người công giáo lúc đó không bị ràng buộc với người vợ/chồng ngoại nếu người này bỏ đi.
4. Đâu là câu trả lời của Giáo hội?
Dựa vào Thánh Kinh và truyền thống, trung thành với ý định yêu thương của Thiên Chúa về nguyên tắc, Giáo hội không ngăn cản mà chấp thuận hôn nhân khác tôn giáo. Nhưng vì hiện diện dưới hình thức một tổ chức trần thế, Giáo hội cũng cần đến một bộ luật, gọi là Giáo luật để quy định mọi cơ cấu tổ chức và sinh hoạt của mình, và trong đó có những điều khoản liên quan đến Bí tích Hôn phối. Trên nguyên tắc, theo Giáo luật, không có chuyện cấm cản người Công giáo lấy một người ngoài Công giáo. Nhưng trong Giáo luật Công giáo quy định nếu người Công giáo lấy một người ngoài Công giáo, hoặc là cũng là Kitô giáo như Tin Lành chính thống (hôn nhân hỗn hợp, hay dị tín) hay lấy một người ngoài Kitô giáo (hôn nhân dị giáo) buộc phải xin phép chuẩn để hôn nhân của họ trở nên hợp pháp.
Đương nhiên tuy trên nguyên tắc là thế, nhưng trên thực tế có nhiều người không chấp nhận, hay rất khó chấp nhận chuẩn hôn nhân khác đạo vì những lý do tích cực có thể hiểu và cũng vì những lý do tiêu cực theo thói đời.
4.1. Phép chuẩn là gì? Là sự chuẩn nhận của giáo quyền (do Giám mục quy đinh đối với giáo phận mình). Xét về nguyên tắc, giám mục không bao từ chối chuẩn hôn nhân khác đạo mà không có lý do chính đáng. Thông thường các giám mục ban phép chuẩn với một số điều kiện sau:
- Người lương phải hiểu biết và tôn trọng đức tin và việc thực hành đạo của người Công giáo chứ không được ngăn trở bằng bất cứ lý do nào.
- Khi sinh con cái, phải lo cho chúng rửa tội và giáo dục chúng theo đức tin Kitô giáo.
- Người Công giáo phải có nhiệm vụ truyền giáo cho người vợ/chồng ngoại bằng lời nói, và chủ yếu cuộc sống chứng nhân nêu gương để giúp người ấy nhận biết, tin Chúa và trở về Công giáo (lời khuyên).
Trong các điều kiện Giáo luật đưa ra trên đây, điều kiện thứ hai thường tạo nên tranh cãi với người ngoài Công giáo.
Có một số người ngoài Công giáo vì không hiểu rõ vấn đề nên không đồng ý với đòi hỏi này cho rằng có sự không công bằng. Vì sao có sự xem ra không công bằng này?
Thật ra Giáo hội Công giáo không đặt vấn đề về sự công bằng ở đây nhưng chỉ hành động theo xác tín của mình. Vì một mặt Giáo hội Công giáo xác tín con đường cứu độ bình thường mà Thiên Chúa dùng là qua Giáo hội của Đức Kitô, vì Giáo hội Công Giáo luôn tin rằng Kitô giáo là đạo duy nhất do chính Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô Đấng “là Đường là Sự thật và là Sự Sống” mạc khải. Theo nghĩa là nếu xét về tôn giáo như nỗ lực tiếp cận với Chân lý, với Thượng Đế, Đấng Tối Cao, Kitô giáo gần nhất với Chân lý so với các tôn giáo khác hay đúng hơn là tiếp cận với Chân lý tròn đầy vì Kitô giáo vì Đức Kitô không phải chỉ là một con người như các vị sáng lập tôn giáo khác mà chính là Thiên Chúa, Thượng Đế là chính Chân lý nên ngài mới có thể mạc khải cho con người Chân lý trọn vẹn và chính Ngài truyền mệnh lệnh cho các môn đệ rao giảng Tin Mừng cho mọi người và làm cho họ trở nên môn đệ của ngài qua việc lãnh nhận phép rửa tội (theo đạo) ít ra là theo truyền thống diễn giải Tin Mừng. Tuy nhiên, mặt khác Giáo hội vẫn tin rằng Thiên Chúa vẫn có những phương thế khác để cứu độ con người, và Thiên Chúa đã gieo vãi những hạt giống Chân lý trong lương tâm con người, trong các giá trị văn hóa và tôn giáo của mọi thời và Thánh Thần luôn hoạt động nơi các con người sống theo lương tâm ngay lành và thiện chí tìm kiếm sự thật. Vì ơn đức tin chỉ được ban cho một số người nào đó mà Chúa chọn, còn ơn cứu độ thì được ban cho mọi người không tùy thuộc đức tin, hay tôn giáo của họ nhưng tùy vào việc sống theo lương tâm ngay lành, nhưng Giáo hội Công giáo có nhiệm vụ truyền giáo vì đó chính là bản chất của Giáo hội, còn chuyện người ta có tin hay không lại là chuyện khác và không hẳn những người tự xưng là Kitô hữu lãnh nhận Bí tích Rửa tội tự thân sống tốt hơn những người ngoài Kitô giáo. Bằng chứng rõ ràng nhất trong Tin Mừng Chúa thường đề cao những người ngoại giáo về niềm tin của họ và Chúa cũng nói rõ không phải những kẻ kêu lên “Lạy Chúa, lạy Chúa” mà được vào Nước Trời mà chỉ có những người thực hành thánh ý Chúa mà thôi.
Hơn nữa, đối với Kitô hữu, đức tin là điều kiện cần để được ơn Cứu độ, là điều quan trọng đến độ mà người Kitô hữu có thể hy sinh tính mạng để bảo vệ hay bênh vực. Chưa nói Kitô hữu còn có nhiệm vụ truyền bá đức tin cho người khác, đưa người khác về với “chính đạo” trước hết là đối với người thân nhất, vợ/chồng con cái. Ngoài ra chỉ trong Kitô giáo, hôn nhân mới mang tính bất khả phân ly một khi được coi là thành sự. Chính vì lo sợ người Kitô hữu có nguy cơ đánh mất đức tin, đánh mất phần rỗi của mình và xao nhãng sứ mạng chứng nhân khi kết hôn với người ngoài kitô giáo, nhất là khi hôn nhân đổ vỡ mà Giáo hội Công giáo mới có cách hành xử xem ra có vẻ không công bằng này trong những đòi buộc đối với Hôn nhân khác tôn giáo.
Hơn nữa, quan hệ giữa Kitô hữu và Đức Kitô là quan hệ yêu thương, gắn bó, ân tình, như giữa hai người bạn thân thiết hay giữa hai người yêu nhau vì chỉ duy có Đức Kitô mới chết vì tình yêu như Phaolô Tông đồ dân ngoại, từng bắt bớ Kitô hữu trước đây nói: Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến đối với Đức Kitô. Chính vì thế ta hiểu vì sao đối với Giáo hội Công giáo không có sự đánh đồng tôn giáo, người Kitô hữu đúng nghĩa có thể hy sinh tình yêu cá nhân chứ không bao giờ hy sinh tình yêu Thiên Chúa vì chỉ có Chúa là Đấng duy nhất xứng đáng để người ta yêu mến hết lòng, hết sức, hết tâm hồn trên hết mọi loài và ý thức rằng chính vì và nhờ tình yêu Thiên Chúa và đối với Thiên Chúa mà họ có thể yêu thương mọi người và cách riêng người bạn đời của mình thật lòng và hết lòng. Do đó họ luôn ý thức và mong muốn đưa mọi người về với Thiên Chúa Tình yêu, Chân lý trọn vẹn, đưa người khác đến với đức tin Công giáo, đặc biệt người bạn đời và con cái của mình và nếu như không được thì ít ra cũng phải bảo đảm đức tin cho bản thân mình và giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo.
4.2. Điều gì xảy ra nếu bên người ngoài Công giáo không chấp nhận những điều kiện đưa ra trên đây của Giáo luật Công giáo?
Mọi hệ quả đều tiêu cực. Hoặc hai bên phải chia tay vì lý do tôn giáo. Điều này xem ra có vẻ bất nhân. Giáo luật trong trường hợp này trở thành trở ngại chính. Trở ngại này ngăn cản hai người đến với nhau. Hoặc bên ngoài Công giáo gồng mình, hay giả ra mặt chấp nhận cho qua thì hệ quả càng tiêu cực hơn. Hoặc bên Công giáo vì tình mà bỏ qua luật lệ, thì hôn nhân của họ bất thành, người Công giáo không được cử hành Hôn phối tại nhà thờ và quan hệ của họ coi như ngoài luồng, bản thân người Công giáo bị rối nếu sống như vợ chồng, họ không được lãnh nhận các Bí tích bao lâu còn sống trong tình trạng này và hệ quả sẽ rất nguy hiểm, đức tin đức cậy bị đe dọa, con cái sinh ra bị coi là ngoại hôn về mặt đạo.
Điều tiêu cực khó tránh hơn nữa là thành kiến và hiềm khích về Công giáo càng thêm nặng nề nơi người ngoài Công giáo. Và có thể dẫn đến sự hụt hẫng ngay cả đối với bên Công giáo.
Đó là luật của Giáo hội, cho đến nay vẫn là như thế. Luật cứng rắn nhưng vẫn là luật (Dura lex, sed lex). Nhưng xét về một mặt nào đó, sự ngăn cản này đôi cũng có lợi vì nó có thể tránh trước nguy cơ bất hạnh, xung đột hay đổ vỡ có thể xảy ra khi hai người khác tôn giáo hoàn toàn khăng khăng với lập trường của mình lấy nhau, và như là sự đề phòng hiểm họa mất đức tin cho người Công giáo.
5. Đáp trả Lời Chúa.
5.1. Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Tình yêu. Quả tim Chúa mở rộng ra ôm ấp toàn thể nhân loại, hoàn toàn không có sự phân biệt. Thậm chí Chúa hiện diện nơi chùa chiền, đền, miếu, thánh thất, lắng nghe lời khẩn cầu của mọi người thiện chí và nhậm lời họ cầu xin. Xin Chúa ban cho chúng con một quả tim rộng mở để yêu thương, đón nhận mọi người dù khác biệt niềm tin với chúng con, để qua cuộc sống chứng nhân nêu gương sáng của chúng con, họ có thể nhận ra và đến với Chúa là Đấng Cứu độ Duy nhất, là Đường, là Sự thật và là Sự Sống mang lại cho họ Hạnh phúc đích thực và viên mãn.
5.2. Để kết luận, Thiên Chúa là Tình yêu, Người không bao giờ ngăn cấm tình yêu mà còn chúc phúc cho tình yêu. Trung thành với ý định của Thiên Chúa, Giáo hội Công giáo không cấm đoán hôn nhân khác với tôn giáo nhưng chỉ quan tâm để làm sao cuộc hôn nhân mang lại hạnh phúc đích thật cho cả hai, và riêng đối với người Công giáo làm sao để họ giữ vững đức tin, và truyền lại đức tin cho người phối ngẫu và con cái, đặc biệt giáo dục con cái theo đức tin Kitô giáo. Nhưng để kết hôn với người khác đạo, người công giáo cần phải thật sự trưởng thành, có đức tin vững vàng, tinh thần đối thoại cảm thông để tôn trọng tôn giáo của người bạn đời của mình và đồng thời được mời gọi để giúp người bạn đời mình nhận ra Thiên Chúa, là Chân lý tuyệt đối mà mọi tôn giáo đều hướng đến, đón nhận đức tin Công giáo với sự tự nguyện thực sự nếu có thể để cùng giúp nhau và dẫn đưa con cái mình đạt đến Hạnh phúc viên mãn là Nước Trời. Vì tình yêu của vợ chồng chỉ là dấu chỉ của Tình yêu Thiên Chúa và là phương tiện để đạt đến cùng đích là Tình yêu Thiên Chúa và Bí tích Hôn phối cũng là dấu chỉ của cuộc Hôn nhân vĩnh hằng giữa Thiên Chúa và con người. Vì thế điều quan trọng nhất trong hôn nhân Công giáo là làm sao để cả hai và con cái đạt đến sự kết hiệp mật thiết hơn với Thiên Chúa.
Và về mặt giáo luật, kết hôn hợp pháp với người ngoài Công giáo, cần phải có phép chuẩn của Giáo quyền.
6. Chia sẻ tâm tình
Người ta thường nói đạo nào cũng tốt, cũng dạy ăn ngay ở lành… Rất đúng! Nhưng không phải vì thế mà đánh đồng, coi đạo nào cũng như đạo nào, theo đạo nào cũng được. Thật ra đại đa số tín đồ của các tôn giáo theo một tôn giáo nào đó, không vì xác tín cá nhân cho bằng vì theo truyền thống của gia đình, của quốc gia nơi mình sinh ra, hay thậm chí vì một lợi lộc hay ép buộc nào đó, hay chỉ là một thứ hình thức nào đó… Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao tôi là Kitô hữu chứ không phải là Phật tử, hay tín đồ Cao Đài… hay ngược lại. Nếu bạn chưa bao giờ đặt cho mình câu hỏi này, nghĩa là bạn chưa bao giờ thực sự là Kitô hữu, Phật tử, hay tín đồ Cao Đài… đúng nghĩa vì bạn không có chọn lựa, không có xác tín cá nhân… Kitô giáo khác gì với các tôn giáo khác? Ở đây chúng ta không bàn luận về các tôn giáo ở đây nhưng cần nhận ra sự khác biệt căn bản giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác mà có lẽ chỉ cần một số hiểu biết căn bản về các tôn giáo. Đó là nếu như trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo, các đấng sáng lập đều là những con người (dựa vào chính Giáo lý căn bản tinh ròng của các tôn giáo ấy). Ví dụ: Trong giáo lý Phật giáo cho ta biết Đức Phật tự thân là một con người sinh ra trong hoàng cung là thái tử, cũng lập gia đình có vợ con, rồi sau đó nhận ra cõi vô thường sinh lão, bệnh tử, từ bỏ hoàng cung, vợ con đi tìm đường tự giải thoát cho mình và cho chúng sinh khỏi cái vòng nghiệt ngã đó, tu tâm đắc đạo và đạt đến sự giác nhộ, nhận ra Chân lý… đạt thành chánh quả. Bản thân Đức Phật chưa bao giờ xưng mình là Thượng Đế, Chúa Trời và cũng không đề cập đến Đấng nào khác. Và khi đồ đệ của Ngài hỏi, Ngài không bao giờ nhận ngài là Chân lý, ngài chỉ bảo hãy nhìn theo ngón tay ta, các người sẽ tìm thấy Chân lý. Chỉ có trong Kitô giáo, Đức Kitô được tuyên xưng và tự xưng là Thiên Chúa, là Đường, là Sự thật (Chân lý) và là Sư Sống…
- Thực tế về những cuộc hôn nhân khác tôn giáo
Trên thực tế thường những cuộc hôn nhân khác đạo đều ít nhiều gặp những trắc trở, khó khăn, đụng chạm, khó hạnh phúc, hòa hợp, nhất là khi không có sự cảm thông, chưa nói là hiềm khích giữa đôi bên và do đó ảnh hưởng thường là tiêu cực đến đức tin của người Công giáo. Chính vì thế nói chung Giáo hội Công giáo rất dè dặt chuẩn hôn nhân khác đạo, phần khác cũng vì lo lắng cho số phận của những tín hữu vì nếu có chuyện ly dị xảy ra, người Công giáo bị ràng buộc không được phép tái hôn hợp pháp.
- Lợi ích của hôn nhân khác tôn giáo
Hôn nhân khác tôn giáo tạo điều kiện cho sự bổ túc, mở rộng tầm nhìn và hiểu biết; tạo cơ hội cho tình yêu vị tha, cảm thông, sự chấp nhận khác biệt và tha tính; giúp con người khiêm tốn nhận ra những giới hạn của mình và những giá trị của kẻ khác; giúp cho con người biết sống chung và tạo nên sự hòa hợp với những người khác biệt với mình.
- Bất lợi của hôn nhân khác tôn giáo
Nếu không biết tôn trọng lẫn nhau, nguy cơ xảy ra xung đột, tranh cãi, chiến tranh, đổ vỡ là chuyện thường tình. Nhất là khi cả hai hay một trong hai và thậm chí gia đình hai bên có ý đồ, thể hiện khích bác tôn giáo của nhau, và khi người ta gắn bó nhiều tôn giáo của mình. Ngoài ra người ta có cảm giác xa cách, không được chia sẻ trọn vẹn vì mỗi người nhìn về mỗi hướng (nếu người ta nhìn tôn giáo như thể quy về nhiều hướng khác nhau hay đối nghịch). Hoặc có thể đánh mất căn tính của mình nếu không có căn tính rõ ràng hay đánh mất đức tin đối với người Công giáo.
- Lời khuyên dành cho các bạn có ý định lập gia đình với người khác tôn giáo
4.1. Lời khuyên chung. Bạn chỉ nên nghĩ đến chuyện này nếu bạn và/hay người bạn đời tương lai không có thành kiến tôn giáo, đầu óc chỉ trích phê phán và gia đình hai bên cũng như thế (trừ ra hai bạn sống riêng), thực sự trưởng thành về phương diện tâm lý, tâm linh và đức tin, có tinh thần tôn trọng, đối thoại, khiêm tốn học hỏi, và cảm thông đối với người khác. Tránh áp đặt quan niệm của tôn giáo mình lên người bạn đời hay đánh giá họ theo lăng kính của tôn giáo mình.
4.2. Lời khuyên đối với người Kitô hữu. Bạn nên tránh nếu bạn biết người bạn đời tương lai có thành kiến tôn giáo, đầu óc chỉ trích phê phán, khích bác tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng, đạo đức giả, theo đạo lấy lệ, sống vô luân, ngoan cố, không có mục đích phương hướng và gia đình lôi thôi. Nếu không bạn sẽ phải mang thập giá dài dài, hoặc có khi không chịu nổi, bạn sẽ buông xuôi, bỏ đạo, hay bỏ người ấy, nhất là nếu bạn là nữ.
Bạn có thể, hay nên lập gia đình với một người thành tâm, thiện chí, hướng thiện, có tôn giáo hay không và càng tốt nếu họ xuất phát từ một gia đình có đạo giáo, không thành kiến tôn giáo vì đó là mảnh đất tốt để gieo trồng Lời Chúa.
Điều quan trọng nhất khi quen với người ngoài Công giáo, bạn cần phải biết người ấy có thành kiến với Công giáo không, có thể xóa bỏ không, có ngoan cố không, có phải là típ hướng thiện không hay đạo đức giả, sống hình thức hời hợt…
Nếu bạn thấy người ấy có thể quen được nên giới thiệu dần dần với người ấy về đức tin Công giáo, một cách tiệm tiến, khôn khéo. Ví dụ có thể giới thiệu một tiểu thuyết có tinh thần Phúc Âm như Những người khốn cùng của Victor Hugo chẳng hạn, hay Viết cho Em của LM Pio Ngô Phúc Hậu, rồi dần dần mời người ấy tiếp xúc với những người Kitô hữu dễ thương, các Trung tâm bác ái từ thiện Công giáo, đi dự một thánh lễ dành cho giới trẻ với một linh mục thánh thiện và có lối trình bày Tin Mừng sống động dễ gần với một không gian phù hợp với sở thích của người ấy và chính bản thân bạn phải sống tinh thần Tin Mừng…
Với tư cách là người công giáo, đặc biệt là các chủ chăn, nếu ta không có một cái nhìn rộng rãi, liên tôn, bao dung và cảm thông, cũng như không có một cách xử sự khôn ngoan và đúng mực, trong khi tiếp xúc với đương sự ngoài Kitô giáo và gia đình của người ấy thì chính chúng ta có thể trở thành những phản chứng của Tin Mừng, có nguy cơ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như một trong những trường hợp sau:
Một anh phật tử nọ có đứa con trai út quen với một cô người Công Giáo, anh không cản trở, nhưng không được vui. Cho đến một ngày, con trai anh xin cưới cô bạn gái. Anh chỉ đòi hỏi hai điều kiện: một là đạo ai nấy giữ, hai là khi có con, phải đợi cho nó đủ 21 tuổi nó muốn theo đạo nào là tùy ở nó. Không được bắt đứa bé vào nhà thờ rửa tội khi nó còn nhỏ. Cha mẹ bên gái và cả ông cha xứ mời cậu con trai đến nhà thuyết phục. Nhưng cậu con vì nghe lời cha và vì vốn cũng không ưa gì đạo Công giáo nên nhất định không theo đạo. Cuối cùng thì cha mẹ cô dâu phải đồng ý hai điều kiện nhà trai đưa ra. Thế là anh ta đến nhà đàng gái để bàn chuyện hôn nhân. Khi hai bên nói chuyện với nhau, thì ông sui gái vẫn cố vớt vát: “Tôi đồng ý là đạo ai nấy giữ. Nhưng khi tụi nó có con. Xin phép anh chị, cho chúng tôi ẵm cháu vào nhà thờ rửa tội cho nó”. Anh ta trả lời: “Khi tụi nó có con, thì đứa nhỏ là cháu ngoại của anh và là cháu nội của tôi. Theo phong tục Việt Nam thì cháu nội mặn hơn cháu ngoại. Nhưng bây giờ, chuyện mặn hay lạt tôi bỏ qua một bên, không bàn tới. Đức Khổng tử có dạy “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn, thì đừng làm cho người khác). Anh không muốn cháu anh theo đạo khác thì anh cũng đừng bắt cháu tôi theo đạo khác khi nó chưa biết gì. Tôi chỉ muốn sự công bằng”. Cuối cùng thì ông bà sui phải đồng ý điều kiện của anh đưa ra, và hai bên bàn qua chuyện tổ chức đám cưới. Phía đằng gái đương nhiên phải tổ chức lễ cưới ở nhà thờ. Nhưng vốn thẳng tính, không muốn ai “chơi cha” mình, nên anh ta đòi phải làm lễ ở chùa trước và làm lễ ở nhà thờ sau. Thấy nhiều lễ quá, con cái mình không kham nổi và cái chính là không buộc được thằng rể theo đạo. Nên đàng gái đã tự động xin bỏ hai cái lễ ở chùa và nhà thờ. Để bù vào đó, bà sui (qua con gái và rể) đề nghị cho một ông linh mục người Úc ra công viên để ký giấy hôn thú mà thôi, không có làm lễ… Anh không chịu và nói. “Ký giấy hôn thú thì mời luật sự của chính quyền tới ký. Tại sao lại phải nhờ ông linh mục ký. Bất cứ làm gì mà dính tới linh mục thì phải vào chùa làm lễ”. Thế là cuối cùng, trong ngày cưới mời nhân viên chính phủ tới ký giấy hôn thú ngay sau vườn nhà trai (Trần Trọng Việt).
Gioakim Trương Đình Giai