Home / Chia Sẻ / HỎI THĂM TẾT

HỎI THĂM TẾT

ATết là dịp thuận tiện để gặp nhau để hàn huyên tâm sự, để hỏi thăm nhau. Việt ngữ thường ghép đôi là “gặp gỡ” – thật tốt khi còn được “gặp” nhau Xuân này và may mắn có cơ hội để “gỡ” những gì còn vướng víu. “Tết này còn được gặp nhau – Biết còn có dịp Tết sau sum vầy?”. Có lẽ có người cảm thấy “khó chịu” vì câu nói “không vui” và cho rằng nói như thế là “xui xẻo”, thế nhưng đó lại là một thực tế hoàn toàn có thật và rất thật, không hề xui chút nào!

Gặp nhau ngày Tết, lời chúc Xuân đôi khi chỉ là sáo rỗng, đúng quy trình một công thức như làm toán 2 với 2 là 4. Chưa thật lòng chúc nhau thì chỉ mới GẶP chứ chưa GỠ gì được. Gặp nhau rồi người ta cũng thường hỏi thăm nhau. Tốt, nếu hỏi thăm với ý ngay lành. Nhưng thật Tồi Tệ nếu hỏi thăm kiểu soi mói (cũng viết “xoi mói”), khiến người ta “được hỏi thăm” lúng túng, không vui. Chẳng hạn, gặp một cô gái thì cứ hỏi “Bao giờ lấy chồng?”, hoặc gặp người khác lại hỏi “Làm lương khá không?”, và cứ cái kiểu “xen vào sâu” đời tư của người khác như vậy. Bất lịch sự và không hay, chẳng khác chi “ác ý”.

Cái này đẩy cái kia, cái kia xía cái nọ, rồi cái nọ xọ cái khác. Xuân vui mà hóa Tết buồn! Trong cuộc sống, chúng ta thấy người khác “thua kém” mình (về bất cứ lĩnh vực nào) thì ra vẻ ngông nghênh vênh váo, vênh váo thì… láo thật. Tương tự và ngược lại, chúng ta thấy người khác có khả năng gì đó hơn mình, làm được việc gì có vẻ thành công hơn mình, chúng ta cảm thấy khó chịu và ganh tỵ, ghen ghét, thậm chí còn tìm đủ mọi cách mà “hạ bệ” người đó (bằng mọi động thái). Cách phản ứng như thế là hèn hạ, đê tiện, bỉ ổi, nhục nhã, chứng tỏ lòng chúng ta còn nặng nề, bừa bộn rác rưởi, thiếu tố chất yêu thương cần thiết mà Chúa Giêsu muốn, đối lập với giáo huấn của Thiên Chúa.

Thật thú vị với cách biện luận của Thánh Piô Năm Dấu: “Nơi nào KHÔNG có vâng phục thì KHÔNG có nhân đức; nơi nào KHÔNG có nhân đức thì KHÔNG có gì tốt lành, KHÔNG có tình yêu; và nơi nào KHÔNG có tình yêu thì KHÔNG có Thiên Chúa; KHÔNG có Thiên Chúa thì chúng ta KHÔNG được lên thiên đàng”. Các cặp đôi “cái không” đó rất đáng lưu tâm.

Ngày xưa, Chúa Giêsu được người ta khâm phục về cách ăn nói lưu loát và khôn ngoan, nhưng rồi Ngài cũng đã từng bị người ta – thậm chí là thân nhân – coi là “mất trí” (Mc 3:21), chỉ “dựa thế quỷ vương” (Mc 3:22), khoái “ăn nhậu và giao du với đám người tội lỗi” (Mt 11:18). Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Chúa Giêsu mà còn bị người ta kèn cựa như thế thì không ai trong chúng ta có thể sống vừa lòng hết mọi người. Chắc chắn như vậy. Quen hay lạ không thành vấn đề, thân nhân cũng chưa chắc hơn người xa kẻ lạ, bởi vì có khi thân nhân còn soi mói mình hơn người ngoài: “Dòi trong xương dòi ra” (dòi = giòi). Và chính Chúa Giêsu xác định: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3:35). Đó mới là thân nhân đích thực.

Hệ lụy tất yếu: Người HIỀN thì LÀNH, kẻ ÁC thì ĐỘC. Ác độc là bản chất của ma quỷ. Satan phải diệt vong – chẳng chóng thì chầy, chẳng nay thì mai. Thiện và Ác không thể “sống chung”. Có những kẻ dã tâm, hại người bằng đủ chiêu bài rất tinh vi và đúng quy trình, làm ác cho thỏa mãn tư lợi rồi đi làm từ thiện, thắp nhang khấn vái, phóng sinh (chim, cá),… Vải thưa không thể che mắt thánh: “Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” (Mt 10:26).

Hỏi thăm nhau là điều tốt, cần thiết không chỉ khi Xuân về, Tết đến, mà cần thiết quanh năm – suốt đời. Tuy nhiên, hãy chân thành hỏi THĂM chứ đừng hỏi THAM kẻo hóa lố bịch, dại dột và thậm chí là… ngu xuẩn. Kinh Thánh cho biết vài cách hỏi thăm:

– Ông Gie-sê căn dặn con trai Đa-vít: “Con hãy hỏi thăm sức khoẻ các anh và lấy một vật của các anh làm bằng” (x. 1 Sm 17:17-19).

– Ông Nơ-khe-mi-a cho biết: “Tôi hỏi thăm về những người Do Thái thoát nạn, những người sống sót sau thời gian tù đày, và hỏi thăm về Giêrusalem” (x. Nkm 1:1-4).

– Đức Chúa hỏi thăm các ngẫu tượng: “Các ngươi đừng sờn lòng, đừng sợ hãi trước những tin đồn trong xứ: năm này đồn thổi thế này, năm sau lại đồn thổi thế khác, bạo lực lan khắp xứ, bạo chúa này kế tiếp bạo chúa kia” (x. Gr 51:44-64).

TRẦM THIÊN THU

Lễ Thánh Thomas Aquino – 2019

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …