Home / Chia Sẻ / Hội nhập văn hóa hay Tây hóa?

Hội nhập văn hóa hay Tây hóa?

 

 

Tên là từ đặt riêng cho một người hay vật để phân biệt người này với người kia, vật này với vật khác. Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa gọi từng người bằng “tên” của họ. Tên chính là hiện thân, là dấu chỉ phẩm giá của người mang tên đó. Vì thế, tên là thánh thiêng và cần được tôn trọng (x. GLHTCG – 2158).

Ý nghĩa của tên có thể diễn tả một nguồn gốc, một định hướng, một biến cố, một sự kiện, một ước mơ, một sứ mệnh… Vì thế đặt tên cho ai là nhìn nhận người đó hiện hữu; đặt tên cho vật nào là coi vật đó dưới trách nhiệm quản lý của mình (St 2, 19; 3, 20). Đổi tên ai có nghĩa là trao người ấy một sứ mệnh (St 17, 5; Mt 16, 17-18); (trích Tự điển Công giáo 500 mục từ, tr. 299).

Đối với người Việt Nam, “tên” cũng rất quan trọng và ý nghĩa. Vì thế nam giới thường lấy tên có ý nghĩa mạnh mẽ như: Hùng, Dũng, Quân, Trung, Hoàng Nữ giới thường lấy tên các loài hoa hay loài chim đẹp như Hồng, Cúc, Yến, Oanh, Lan

Trong khoảng mươi năm trở lại đây, chúng ta thấy xuất hiện lối xưng hô, thưa gửi với các đấng bậc trong Hội thánh Việt Nam như Hồng y, Giám mục, Đức ông, Tổng đại diện, Linh mụcbằng cách gọi chính tên thánh bổn mạng của các ngài. Ví dụ, kính thưa Đức Hồng y Giuse Maria, Đức cha Phaolô, Đức cha Phêrô, Đức ông Đaminh Chúng tôi tự hỏi: Đó là hội nhập văn hóa hay Tây hóa?

 Theo phong tục, văn hóa Việt Nam, cha ông chúng ta rất kính trọng tên riêng của mỗi người. Đặc biệt là tên của chức bậc trong xã hội, Giáo hội, đoàn thể Vì thế, khi xưng hô thưa gửi với các vị đó chúng ta thường tránh gọi tên, mà gọi theo chức vụ. Ví dụ: Thưa Đức hồng y Tổng Giám mục giáo phận X Thưa Đức giám mục giáo phận; Thưa ông giám đốc; Thưa ngài Thủ tướng

Nhiều trường hợp khác, để tỏ lòng kính trọng đối với các nhân vật nổi tiếng, người ta lấy họ thêm từ “quân” hay “tiên sinh” thay vì tên thật, ví dụ Nguyễn quân, Hàn quân, Phan tiên sinh Nếu gọi đích danh thì mắc tội phạm húy.

 Theo thiển ý của chúng tôi và của một số người, lối thưa gửi bằng cách lấy tên các vị Thánh bổn mạng của các đấng bậc có vẻ xa lạ với văn hóa Việt Nam. Đặc biệt là đối với những anh em đồng bào ngoài Công giáo. Họ không biết ông Vinh Sơn, ông Đaminh, ông Phaolô là ai cả. Họ sẽ nghĩ là những “ông tây” nào đó. Đàng khác, để tránh phạm húy, ta lấy tên một vị thánh để thay thế tên riêng các vị trong hàng giáo phẩm, có hợp tình, hợp lý không?

Đối với một số người Công giáo, có thể chấp nhận được cách gọi như thế, vì họ có thể đã biết các vị Thánh Giuse, Phaolô, Đaminh nhưng còn rất nhiều người khác thì không biết, ngay cả tên và Thánh bổn mạng của ĐGM giáo phận của họ. Điều này chúng tôi có thể quả quyết qua những câu hỏi trắc nghiệm giáo lý tại nhà thờ. Các em không biết đã đành, nhưng cả người lớn cũng mù tịt.

 Cách đây vài chục năm, các nữ tu thích được gọi bằng tên Tây như soeur Marie (Ma-ri), sr. Thérèse (Tê-re-zơ), sr. Madeleine (Ma-đơ-len), sr. Mary Francis (Me-ri Phờ-ran-sit). Nhất là các nữ tu thuộc dòng có nguồn gốc Âu châu. Cả các nữ tu “made in VN” cũng ưa xưng mình là Xơ. Vì trong tâm thức bình dân, từ “xơ” nghe âm vang quý phái và sang trọng.

 Người giáo dân VN từ lâu đã rất quen với tên của các vị Thánh được Việt hóa, như Giu-se, Phê-rô, Đa-minh, An-phongNhưng nếu có vị giám mục nào lấy tên Thánh gồm nhiều âm như: Pio Piettrelcina, Paulo Chong Hasang, Andre Kim Tegon, Chrysostomo thì rất là khó đọc, khó nói đối với đa số bình dân. Bởi lẽ tiếng Việt Nam là tiếng độc âm. Tiếng các nước Âu châu và nhiều nước khác là đa âm. Khi đọc, khi nói một từ ngữ nước ngoài, thì trừ người có học, người bình dân sẽ đọc rất sai và ngớ ngẩn. Vì họ không hề biết tiếng La-tinh, tiếng Pháp, tiếng Anh Càng khó đọc và không thể đọc các ngôn ngữ gốc Slave như tiếng Ba Lan, tiếng Nga

 Mới đây, chúng tôi cử hành bí tích Thánh tẩy cho một em trai. Cha mẹ em đặt tên thánh cho em là Gioan Phaolô II. Giả dụ sau này em đi tu và làm giám mục, chúng ta sẽ thưa: kính thưa Đức cha Gioan Phaolô II. Lúc đó người ta sẽ nghĩ là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II “quang lâm nhập thể”.

 Qua các bản tin trên báo đài và trên mạng điện tử, chúng ta được biết giáo dân tại các nước Âu Mỹ thường gọi thẳng tên các vị chức sắc cao cấp trong hàng giáo phẩm như: Đức Hồng y Bertone, Đức Hồng y Parolin Ngay cả Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh Vatican tại VN, chúng ta có lấy tên Thánh của ngài để trình thưa với ngài đâu (x. Cải tổ giáo triều Rôma: Cải tổ hay canh tân, tr. 39-40, Nguyệt san CGvDT, số 226 tháng 2013, của tác giả Hoành Sơn)

 Được khích lệ bởi câu nói của ĐGH Phanxicô: “Cứ tự do phát biểu mà không sợ người khác nghĩ gì về mình”, chúng tôi mạnh dạn phát biểu ý kiến và kính đề nghị: Thưa gửi với quý chức sắc cao cấp trong hàng giáo phẩm theo chức danh (Kính thưa Đức Tổng giám mục, GP. X ; Kính thưa Đức cha Phụ tá GP. Y) của các ngài. Cách thưa gửi như thế mang nét nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, và rất thân thương kính trọng. Chúng tôi viết những dòng trên đây, dựa theo sự tế nhị và phong tục văn hóa của người Việt Nam, chứ không theo luật “húy kỵ” một cách máy móc.

Lm. Vũ Thanh LỊCH – Buôn Mê THUỘT

 

Xem thêm

T3T31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  TIỆC BẤT TẬN “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”. “Thiên …