Home / Chia Sẻ / HỌC SỐNG HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỢNG VỚI CHÚA GIÊSU

HỌC SỐNG HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỢNG VỚI CHÚA GIÊSU

 

Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.  Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng (Mt 11, 29-30).

 

HocsonghienlanhvakhiemnhuongvoiChuaGiesu

Lịch sử loài người đã tỏ cho thấy cho dù những bạo chúa hung tàn nhất như Nê-rô hay Tần Thủy Hoàng chẳng hạn, cũng chỉ có thể dùng cường quyền và bạo lực để chiếm lấy ngai vàng trong một thời gian nhưng không thể chinh phục được lòng người.  Những nhân vật nầy cũng chưa hề được xem là hùng mạnh, là anh dũng. Trong khi đó, lịch sử đánh giá rất cao những con người hiền lành, khiêm nhượng, ôn hoà bất bạo động như Mahatma Gandhi, Martin Luther King…  Lịch sử nhân loại nhìn nhận họ là những bậc vĩ nhân đáng ngưỡng mộ, biết dùng sự hiền hoà, bất bạo động để chiến thắng bạo tàn, biết “dùng nhu để thắng cương, biết dụng nhược để thắng cường” (Lão Tử).

 

Thế nên, mặc dù Chúa Giêsu có rất nhiều phẩm chất cao đẹp đáng nêu gương, nhưng phẩm chất đầu tiên mà Người kêu gọi mọi người nên học nơi Người là đức tính hiền hậu và khiêm nhường.  “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhượng. (Mt 11, 29) và phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp (Mt 5, 4).

 

Câu chuyện sau đây minh chứng cho thấy sự hiền lành khiêm nhu có thể chiến thắng hung hăng và thô bạo.

 

Thời chiến quốc, vua nước Triệu phong Lạn Tương Như làm tướng quốc.  Tướng Liêm Pha cậy mình có công lớn hơn mà lại bị đặt dưới quyền Tương Như nên đâm ra căm tức, thề rằng nếu gặp mặt Lạn Tương Như là giết.

 

Tương Như nghe nói thế bèn tìm cách lánh mặt Liêm Pha hoài.  Một hôm, Tương Như ra đường, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha đi tới, vội bảo tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra tiếp tục hành trình.

 

Bọn xa nhân thấy thế tức giận, bèn hỏi Tương Như: Chúng tôi tưởng ngài là bậc đại trượng phu nên đem lòng quý trọng, từ bỏ nhà cửa, xa lìa thân thích để đến đây hầu ngài.  Nay thấy ngài là tướng quốc, thứ hạng còn cao hơn Liêm tướng quân, lại để Liêm tướng quân dọa giết mà không đáp lại; ngài đã tránh mặt Liêm tướng quân ở triều đình, nay lại tránh ở ngoài đường.  Sao ngài lại sợ Liêm tướng quân quá vậy?  Chúng tôi rất lấy làm xấu hổ, vậy chúng tôi xin rút lui, không theo hầu ngài nữa.

 

Tương Như nói: Các ngươi xem Liêm tướng quân có oai phong, cao trọng bằng vua Tần không?”  Bọn xa nhân thưa: Không.”

 

Tương Như nói: Uy danh của vua Tần, thiên hạ đều kinh sợ không ai dám chống, vậy mà một mình Tương Như nầy dám mắng nhà vua giữa triều đình, lại dám làm nhục cả đám quần thần nữa.  Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm Tướng Quân ư?  Nhưng ta nghĩ sở dĩ Tần không dám đánh nước ta là vì ngại có ta và Liêm tướng quân.  Nay hai con hổ tranh nhau, tất không cùng sống.  Tần mà nghe tin ấy tất sẽ thừa cơ tiến đánh nước ta.  Sở dĩ ta chịu nhục tránh Liêm tướng quân là vì coi việc nước là trọng mà thù riêng là nhẹ đó thôi.”

 

Nghe vậy, bọn xa nhân quỳ mọp tâu rằng: Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm sao hiểu được đại chí của tướng công.”

 

Liêm Pha hay được tin nầy, cả thẹn than rằng: Ta thật còn kém Lạn Tương Như nhiều lắm, rồi trần vai áo đến trước cửa nhà Tương Như tạ tội: Tính tôi thô bạo, đội ơn tướng quốc bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá!

 

Tương Như đỡ Liêm Pha dậy, hai người nắm tay nhau khóc và thề nguyền kết bạn suốt đời sống chết có nhau.

 

(Trích Thuật xử thế của người xưa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần).

 

Thế là bằng đường lối nhịn nhục, hiền lành và khiêm nhượng, Lạn Tương Như hoàn toàn chiến thắng và chinh phục được cả con người lẫn tâm hồn của Liêm Pha.  Đúng như Pascal nhận xét: Người ta chỉ thực sự vĩ đại khi hạ mình quỳ xuống.

 

Một trong những hình tượng rất sinh động để diễn tả sự khiêm hạ là hình tượng về nước.  Nước luôn tỏ ra mềm mỏng, dịu dàng, tránh va chạm và xô xát.  Cho dù nước có bị tấn công thô bạo, nước cũng không hề kháng cự bao giờ.

 

Khi người ta dùng búa tạ đập vào khối đá rắn chắc, đá dùng sự cứng rắn của mình để kháng cự lại nên bị vỡ tan.  Khi người ta dùng búa tạ giáng vào nước, nước dùng sự mềm mại dịu hiền của mình đối lại, thế là nước không hề bị sứt mẻ hư hao, còn búa thì bị chìm lỉm xuống tận đáy bùn!

 

Nước luôn luôn tìm chỗ rốt hết, tìm chỗ thấp mà chảy xuống, chẳng bao giờ muốn leo cao, nên nước luôn được bảo toàn.

 

Tuy mềm mại và luôn tìm chỗ thấp hèn như thế, nhưng nước lại có sức mạnh phi thường.

 

Khi có một đám cháy rừng bộc phát thiêu rụi hàng ngàn mẫu rừng nguyên sinh và trong khi bao nhiêu nỗ lực của con người với những phương tiện hiện đại nhất không tài nào dập tắt được, thì người ta chỉ còn biết cầu mưa!  Khi mưa trút xuống hàng tỉ mét khối nước thì thần hỏa mới chịu bó tay và rừng xanh mới có thể phục hồi.

 

Nước tuy mềm mại dịu dàng nhưng có thể bào mòn đá cứng.  Nước tuy không cánh nhưng có thể bay tới mây trời; nước không có mũi dùi mũi khoan nhưng có thể thấm nhập đến tầng sâu nhất trong lòng đất.  Nước đi đến đâu thì đem lại sự sống dồi dào cho nơi đó.

 

Như thế, nước tuy thấp kém, mềm mỏng, dịu hiền nhưng lại có sức mạnh vô song.

 

Những minh hoạ trên đây giúp chúng ta xác tín hơn vào lời dạy đầy khôn ngoan của Chúa Giêsu được trích đọc trong Tin Mừng hôm nay: Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhượng. (Mt 11, 29) và phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp (Mt 5, 4).

 

Lm. Ignatiô Trần Ngà

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …