Home / Chia Sẻ / HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 7

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 7

BÀI 07

GIÁO DỤC NHÂN BẢN – HÌNH THÀNH LỐI SỐNG ĐẸP VÀ HỮU ÍCH 

  1. LỜI CHÚA : “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).mt5,16
  2. CÂU CHUYỆN : “NHẬT KÝ ĐI ĐƯỜNG”

Thạc sĩ khoa tâm lý chuyên nghiên cứu về phát triển cộng đồng NGUYỄN THỊ OANH đã hài hước kể lại “nhật ký đi đường” của bà tại hội thảo “SINH VIÊN VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC NHÂN VĂN TRONG NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ” tổ chức cách đây ít lâu như sau :

“Tôi đi từ nhà ở Hóc Môn xuống Bình Thạnh bằng xe búyt. Trên xe có 8 em nữ sinh cấp hai, em nào cũng mặc áo dài trắng tươm tất và rất dễ thương. Khi tôi bước lên xe thì tất cả các em đang ngồi trên xe đều cúi mặt xuống coi như không nhìn thấy tôi. Cho tới khi anh lơ xe la lên “Các em xích lại nhường chỗ cho bà già đi chứ” thì các em mới chịu ngồi sát lại gần nhau để có chỗ trống cho tôi ngồi.

Nhật ký đi đường của thạc sĩ Oanh được tiếp tục bằng tường thuật cảnh bà đi bộ trong một con hẻm nhỏ, suýt nữa đã hứng phải nước bọt của người đàn ông từ trong nhà phun ra, đi được vài bước thì bà lãnh trọn một tàn thuốc của anh chàng đi xe máy ngang. Đi thêm một quãng nữa thì gặp một bà mẹ trẻ đang bồng con trên tay đứng trên hè nhà và đứa trẻ đã “tè” vồng ra đường xém bay vào mặt bà. “Bệnh “đái đường” đã được “giáo dục” từ bé như vậy đó !!!” – Thạc sĩ Oanh dí dỏm.

  1. SUY NIỆM :

1) Thực trạng : Việc xả rác bừa bãi ra đường, không nhường chỗ cho người già và phụ nữ mang thai trên xe buýt, thờ ơ trước những số phận kém may mắn của tha nhân… là những chuyện có thật trong giới trẻ Viêt Nam hiện nay, trong đó giới sinh viên chiếm không ít. Vì thế một diễn giả đọc tham luận về văn hóa xe buýt của sinh viên đã khẳng định như sau : “Hiện nay nhiều bạn sinh viên đã triệt để áp dụng chiến thuật “3 không” là : “không thấy – không nghe – không biết” trên xe buýt cũng như khi tham gia giao thông hoặc khi sinh hoạt nơi công cộng… để  đạt mục tiêu cuối cùng là “không mất chỗ !”.

Nói về thực trạng việc lựa chọn các giá trị đạo đức nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên TP.HCM hiện nay, Tiến sĩ Tâm lý học HUỲNH VĂN SƠN đã tiến hành nghiên cứu trên 873 sinh viên tại các trường Đại Học – Cao Đẳng, kết quả cho thấy : Trong bậc thang giá trị thì giá trị “vì lợi ích cộng đồng”, “tôn trọng người khác” và “sẵn sàng hy sinh cho tha nhân” lại bị xếp cuối cùng. Điều này cho thấy ý thức nhân bản “mình vì mọi người” nơi phần lớn sinh viên hiện nay ở mức rất thấp.

2)  Nguyên nhân : Thạc sĩ Oanh nhận xét nguyên nhân của thực trạng trên như sau : “Cái tôi của sinh viên quá lớn, lợi ích cá nhân đã được đặt trên lợi ích cộng đồng. Sự ích kỷ cực đoan này khiến nhiều sinh viên cư xử thiếu ý thức ở những nơi công cộng”. Sở dĩ có tình trạng tồi tệ này là vì quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình hiện khá lỏng lẻo, do cha mẹ không có nhiều thời gian quan tâm chăm sóc dạy dỗ con cái. Bên cạnh đó, sự thiếu gương mẫu của người lớn cũng tác động không tốt tới sự hình thành nhân cách trong giới trẻ. Một đứa bé lớn lên trong môi trường gia đình hay xã hội còn nhiều bất cập như vậy, ắt sẽ trở nên những con người không biết trân trọng các giá trị đạo đức và nhân văn.

3) Khắc phục : Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh đã kể lại chuyện cách đây hơn 40 năm, khi bà có dịp đi công tác ở Nhật, bà được chứng kiến cảnh các em học sinh băng qua đường một cách trật tự và ý thức :

“Trên lề đường có những cái hộp như hộp đựng dù, trong đó có những cây cờ. Một học sinh đi đầu đến lấy một cây cờ trong hộp ra và giơ cao lên. Các em đi sau liền đến xếp hàng một rồi cả nhóm cùng băng qua đường. Tất cả xe hơi đều dừng lại đợi đến khi các em học sinh đi qua mới tiếp tục lăn bánh. Sang tới phía đường bên kia, em cầm cờ lại đem cất cây cờ vào một cái hộp khác ở ngay bên lề đường gần đó”.

Tiến sĩ Tâm lý Tô Thị Ánh cũng kể thêm chuyện đi công tác ở Tiệp Khắc : Khi bà  vừa bước lên toa xe điện thì liền có 7–8 bạn trẻ đứng dậy nhường chỗ cho bà…

Tham gia hội thảo trên, một số bạn sinh viên cũng đóng góp ý kiến cho biết sở dĩ nhiều bạn trẻ chưa có lối “sống đẹp và hữu ích” không phải do họ cố ý, mà do sự thờ ơ thiếu quan tâm dạy dỗ giáo dục của xã hội như sau :

Vì thiếu gương sáng nơi người lớn, các em không được cha mẹ giáo dục từ nhỏ;

Vì thiếu những bài học đạo đức cụ thể của thày cô ở trong nhà trường;

Vì thiếu truyện giáo dục nhân bản cho trẻ em như “Tâm Hồn Cao Thượng”;

Vì thiếu phương án giáo dục tổng hợp đề cao gương “người tốt việc tốt” trên báo chí, phim ảnh, truyền hình…

Ngòai ra, điều căn bản nhất là

luật pháp của chúng ta còn thiếu những biện pháp xử lý hành chánh nghiêm đối với những kẻ cố tình gây ô nhiễm môi trường như “đái đường”, khạc nhổ, xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định…

  1. SINH HOẠT : Riêng các bạn trẻ trong các lớp học giáo lý vào đời hay giáo lý hôn nhân cần làm gì để đạt lối “sống đẹp và hữu ích”, hầu nên ánh sáng của Chúa Ki-tô trong môi trường sống và làm việc ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin thắp sáng ngọn đèn đức tin cậy mến trong lòng mỗi tín hữu chúng con hôm nay. Xin cho chúng con ý thức tầm quan trọng của nền giáo dục văn hoá ứng xử cho các thế hệ học sinh sinh viên, để biến lối ứng xử ích kỷ thiếu văn hoá hiện nay, bằng lối ứng xứ văn minh vị tha đầy tình người theo thánh ý Chúa.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …