Home / Chia Sẻ / HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 53

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 53

BÀI 53

VĂN HOÁ GIAO TIẾP – TRÁNH THÓI GANH GHÉT ĐỐ KỴ

 Bai53

  1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy : “Đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,3-4).
  2. CÂU CHUYỆN : HỒ TINH CHỈ SỢ LOÀI HỒ TINH THÔI.

Trong sách Cổ Học Tinh Hoa có câu chuyện về loài hồ tinh như sau : Tại một lầu sách kia có môt con hồ tinh nói chuyện rất lý thú khiến ai nghe cũng đều nể phục. Một hôm, một số bạn bè họp nhau tại lầu sách mang theo cả con hát đến hầu rượu. Khi men rượu đã bừng bừng, cả bọn liền đánh cuộc với nhau rằng : “Ai sợ gì sẽ phải thành thật nói ra. Nếu nói vô lý sẽ bị phạt rượu”. Bấy giờ lần lượt từng người đứng lên phát biểu ý kiến : nào là sợ người học rộng, nào là sợ kẻ giàu có, sợ người làm quan to, sợ kẻ xu nịnh, sợ người khiêm tốn, sợ kẻ lễ phép câu nệ, sợ người cẩn trọng ít nói, sợ kẻ ăn nói lăp lửng… Sau cùng khi đến lượt, hồ tinh liền phát biểu :

– Còn ta chỉ sợ lòai hồ tinh của ta.

Ai nấy đều cười bảo rằng : “Người ta phải sợ loài hồ tinh mới đúng. Ngươi là đồng lọai can chi phải sợ ? Phạt ngươi một chén rượu”. Hồ tinh liền cười và nói rằng : “Thiên hạ duy có đồng lọai là sợ nhau mà thôi : Con cùng cha mới tranh nhau gia sản; Gái cùng chồng mới hay ghen tức nhau; Kẻ tranh quyền tất là quan lại đồng triều; Kẻ tranh lợi tất là lái buôn một chỗ. Bức bách nhau thì sẽ làm trở ngại nhau; Trở ngại nhau thì sẽ làm té ngã nhau. Người bắn trĩ thì dùng con trĩ làm mồi chứ không dùng con gà con ngỗng; Người săn hươu thì dùng hươu làm mồi chứ không dùng con dê con lợn. Phàm những việc hại nhau người ta đều dùng đồng lọai cả. Cứ thế mà suy thì hồ tinh ta sợ loài hồ tinh có gì là vô lý ? “ Mọi người nghe xong đều cho hồ tinh đã nói phải.

  1. SUY NIỆM :

1) NGUYÊN NHÂN CỦA THÓI GANH GHÉT ĐỐ KỴ :

– Thói hay ganh ghét đố kỵ đã có ngay từ buổi bình minh của nhân lọai : Sách Sáng Thế Ký đã ghi lại sự ganh ghét của hai anh em là Ca-in và A-ben là con của ông bà nguyên tổ: Thấy lễ vật của em A-ben được Thiên Chúa chấp nhận, Ca-in liền sinh lòng ganh tức và tìm dịp giết chết A-ben ngòai đồng vắng. Rồi chuyện ông Giu-se là con út của tổ phụ Gia-cóp, đã bị các anh ganh ghét hè nhau ném xuống giếng cạn và sau đó bán cho bọn lái buôn sang bên Ai cập làm nô lệ.

Trong Tân Ước các môn đệ cũng tỏ ra ganh tức với hai anh em nhà Giê-bê-đê, khi thấy họ cùng mẹ đến xin Thầy Giê-su cho ngồi hai bên tả hữu sau khi Thầy lên làm vua. Đức Giê-su đã phải dạy các ông bài học khiêm nhường : Ai muốn làm lớn thì hãy ăn ở như người rốt hết và ai muốn cầm đầu thì phải khiêm hạ phục vụ anh em (x Mt 20,24-28). Chính Đức Giê-su cũng bị bọn đầu mục Do thái ganh ghét khi họ thấy dân chúng bỏ họ và lũ lượt đi theo Đức Giê-su. Họ nói : “Kìa xem thiên hạ theo ông ta hết cả rồi”. Chính lòng ganh ghét đã thúc đẩy bọn đầu mục này cáo gian với quan Tổng Trấn Phi-la-tô và đòi ông kết án tử hình cho Người (x Mt 27,18).

– Ganh ghét là do thói kiêu ngạo phát sinh : Người ta hay ganh ghét với những ai có quan hệ gần với mình như: anh em cùng lớp, bạn đồng nghiệp hay cùng nghề, bạn buôn bán cùng một mặt hàng, bạn hàng xóm hoặc ngay cả anh chị em ruột thịt trong một gia đình… Thấy người khác hơn mình về thành tích, địa vị, danh dự, chuyên môn, bằng cấp, giàu có, nhân duyên, hạnh phúc, thành đạt… thì mình cảm thấy kém vui, lo lắng, ngờ vực… rồi căm ghét và muốn đạp đổ… như người ta thường nói : “Giàu nó ghét; Đói rét nó khinh; Mà thông minh thì nó tiêu diệt”. Vậy ganh ghét chính là thái độ ghen ăn tức ở khi thấy bạn bè đồng trang lứa trổi vượt hơn mình. Nguyên nhân dẫn đến ganh ghét là do thói kiêu căng, tự ái cao, háo thắng và óc hẹp hòi thiển cận.

2) HẬU QUẢ CỦA THÓI XẤU GANH GHÉT ĐỐ KỴ :

– Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có câu chuyện Chu Du vì ganh tức với Khổng Minh Gia Cát Lượng có trí thông minh hơn mình, nên nhiều lần tìm cách hãm hại Gia Cát Lượng nhưng không thành. Cuối cùng vì uất hận nên Chu Du đã bị hộc máu mồm ra mà chết.

Ganh ghét gây hậu quả nghiêm trọng : Ganh ghét làm mất tình đòan kết nội bộ, cản trở tài năng phát triển và cản bước đi lên của tập thể. Nó làm cho tinh thần của kẻ ganh ghét luôn bị căng thẳng và dễ bị “stress”. Nó thúc đẩy họ bỏ vạ cáo gian, nói hành nói xấu và gài bẫy làm hại kẻ hơn mình cho hả dạ… Nhà văn Pháp De Balzac nói : “Người có tính ganh tị khổ sở hơn bất cứ kẻ bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta lại càng nhân lên bấy nhiêu”.

3) PHƯƠNG CÁCH KHẮC PHỤC THÓI GANH GHÉT ĐỐ KỴ:

– Về mặt tự nhiên: Cần ý thức rằng thành công của người khác không phải tự nhiên mà có, nhưng do công sức lao động vất vả của họ, kết hợp với tài năng và trí tuệ mới thành. Hãy luôn bình tĩnh tự tin và lạc quan. Hãy ý thức rằng : “Thất bại là mẹ thành công”. Chỉ cần ta quyết tâm và rút kinh nghiệm làm lại, thì sớm muộn cũng thành công như họ. Hãy học cái hay cái tốt của đối phương để bổ sung hòan thiện cái dở cái xấu của mình. Hãy thành thật khen ngợi thành công của anh em để nên bạn thân của họ như lời người xưa dạy : “Ai khen ta mà khen phải là bạn ta. Ai chê ta mà chê phải là thầy ta. Ai nịnh hót ta, ấy mới là kẻ thù của ta vậy”.

Nếu bạn gái thấy cô bạn cùng phòng xinh đẹp hơn mình, thay vì ganh ghét, cô nên dành thời giờ tập thể dục hay chơi thể thao để gia tăng sức khỏe. Từ đó sắc diện sẽ nên hồng hào, thân hình sẽ cân đối, dáng đi sẽ thanh nhã gọn gàng hơn… Rồi cô cũng có thể tập ăn nói lưu lóat nhẹ nhàng, học thêm nữ công gia chánh để trang bị thêm phẩm hạnh cho mình… Như vậy dù có thua kém sắc đẹp, nhưng cô lại vượt qua đối thủ về nhiều mặt khác… Nếu người con cả thấy cha mẹ đối xử “con yêu con ghét” : cho đứa em nhiều của cải hơn mình,… Thay vì tỏ thái độ bất mãn ngang ngạnh, xúc phạm cha mẹ và hằn học với em…. thì hãy tìm nguyên nhân để khắc phục nhược điểm và phát huy ưu điểm. Nên nhớ rằng : cha mẹ thường yêu đứa con chăm chỉ hơn đứa lười biếng, thương đứa yếu đuối hơn đứa khỏe mạnh, thương đứa hiếu thảo biết vâng lời hơn đứa ương bướng hỗn láo … Vậy tại sao mình không tu sửa bản thân bằng cách vâng lời cha mẹ để được các ngài thương, mà lại thù ghét hãm hại em mình làm chi ?

– Về mặt siêu nhiên : Hãy xin ơn Chúa trợ giúp ta noi gương Chúa Giê-su, “Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, rồi thực hành theo lời Người dạy : “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Cần sống theo lời thánh Phao-lô : “Vui với người vui, khóc với kẻ khóc”. Khi xét đóan cần theo nguyên tắc : “Khoan dung với người, mà nghiêm khắc với mình”.

TÓM LẠI : Khi thấy ai hơn mình, thay vì ganh ghét đố kỵ và tìm cách chống lại họ, ta hãy khiêm tốn tự kiểm xem mình thua họ ở điểm nào, rồi quyết tâm “tu tâm dưỡng tánh” để ngày một nên hòan thiện đáng yêu hơn, như người ta thường nói : “Muốn được người khác thương thì chính mình phải trở nên dễ thương trước”.

  1. SINH HOẠT :

Ganh đua và tranh đua khác nhau thế nào ? Bạn nên phản ứng thế nào khi thấy bạn bè tài giỏi thành công và được nhiều người quí trọng hơn mình ?

  1. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con tránh thói ganh ghét đố kỵ các bạn bè đồng trang lứa trổi vượt hơn chúng con. Cho chúng con biết thành thật khen ngợi cái hay của họ và quyết tâm đổi mới bản thân để ngày một nên tốt đẹp hoàn hảo như họ, thay vì nói hành nói xấu để hạ giá trị của họ.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 

 

 

 

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …