BÀI 46
VĂN HOÁ ỨNG XỬ – GIÁ TRỊ CỦA SỰ KHIÊM TỐN
- LỜI CHÚA : Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,29).
- CÂU CHUYỆN : EINSTEIN – NHÀ BÁC HỌC KHIÊM TỐN.
EINSTEIN là người phát minh ra học thuyết tương đối, mặc dù được giới khoa học tôn xưng là một trong những người vĩ đại nhất thế giới, nhưng ông vẫn luôn tỏ thái độ rất khiêm tốn.
– Một lần, cậu con trai chín tuổi hỏi ông : “Vì sao bố lại nổi tiếng như vậy?”. Ông trả lời : “Bởi vì có một con ruồi bò trên mặt quả địa cầu, nhưng nó không biết nó đang bò trên một đường cong. Còn bố thì may mắn hơn là biết được điều đó, nhờ thế mà bố được nổi tiếng”.
Qua đó, Einstein cho rằng, sự nổi tiếng của ông chỉ là một sự may mắn, may mắn hơn con ruồi khi hiểu biết được điều đó chứ không có gì hay ho, không có gì quan trọng hết. Đây thật là một lời nói hết sức khiêm tốn !
– Lần khác, một nhà báo phỏng vấn, nhờ đâu mà Einstein tìm ra được học thuyết tương đối ? Nhà bác học trả lời “Mọi người may mắn hơn tôi là hiểu được không gian và thời gian ngay từ khi còn bé. Còn riêng tôi, do trí khôn chậm phát triển nên lúc lớn rồi tôi vẫn chưa hiểu được thế nào là không gian và thời gian, vì vậy tôi đã gắng công để tìm hiểu và tình cờ tôi đã tìm ra học thuyết tương đối”.
– Rồi cũng một lần khác, có người hỏi ông rằng “Thưa bác học, những tư tưởng vĩ đại thường xảy ra trong đầu Ngài vào lúc nào trong ngày ?” Ông mỉm cười nói rất thật thà, khiêm cung : “Suốt cả đời, tôi chỉ may mắn có được một ý tưởng tạm dùng được, đó là học thuyết tương đối. Còn ngoài ra, hầu hết là những ý tưởng tủn mủn, vụn vặt, nhỏ nhặt, không có gì đáng nói cả”.
– Người ta kể rằng : Khi ông đến nhận chức giáo sư tại trường đại học Bristol ở Anh, ông sai người tùy phái mang vào phòng cho ông một cái sọt rác rất to. Khi có người thắc mắc tại sao lại cần cái sọt rác lớn như vậy, thì ông đã giải thích : “Tôi cần nó để đựng các giấy tờ và bản thảo mà tôi thường hay viết sai”.
- SUY NIỆM :
1) Thế nào là người khiêm tốn ? :
Là người ý thức sự giới hạn về kiến thức và khả năng của mình, nên luôn có thái độ hoà nhã vui vẻ, ăn mặc giản dị, biết kính trên nhường dưới, nói năng nhỏ nhẹ lễ phép, xưng hô đúng vai vế, không khoe khoang ưu điểm của mình nhưng biết tôn trọng và thành thật khen ngợi thành tích của tha nhân, tỏ lòng biết ơn người làm ơn cho mình, thành tâm lắng nghe các lời phê bình và tu sửa các sai sót để ngày một hoàn thiện hơn; Tuân theo các quy tắc luật lệ của cơ quan tổ chức đoàn thể. Khi giao tiếp, luôn tỏ ra lịch sự, cởi mở, đối xử hoà đồng với mọi người…
2) Ích lợi của sự khiêm tốn ? :
Sự khiêm tốn sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều bạn mới ; Được người khác quý mến kính trọng ; Nhất là được nhiều người sẵn sàng cộng tác giúp đỡ nên mọi việc chúng ta làm sẽ dễ thành công hơn.
3) Làm gì để học tập đức tính khiêm tốn ?
Muốn luyện đức tính khiêm tốn, chúng ta nên thực hiện những điều sau :
– Tỏ lòng biết ơn : Hãy năng mở miệng nói lời cám ơn khi được ai làm ơn cho mình như : Tặng quà, cho vay tiền bạc, giúp đỡ phục vụ. Hãy nghĩ đến công ơn của cha mẹ, thày cô và các vị ân nhân để tỏ lòng biết ơn cụ thể qua việc : khi các ngài còn sống biết quan tâm phục vụ, biếu quà các dịp lễ tết, kỷ niệm…, và nhớ ngày kỵ giỗ sau khi các ngài qua đời…
– Tôn trọng tha nhân : Trong cuộc sống, đừng bao giờ nghĩ mình giỏi, cũng chớ bao giờ nghĩ mình biết hết mọi điều. Vì bất cứ ai cũng có điểm yếu điểm mạnh. Hãy biết tôn trọng tha nhân và sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ người khác. Albert Einstein, được coi là một trong những người có trí thông minh phi thường, đã nói “Tôi chưa bao giờ gặp một người ngu đến nỗi tôi không học được điều gì từ người ấy”.
– Sẵn sàng lắng nghe và tu sửa : Ý thức về sự bất toàn và thiếu sót cả về thể chất, lẫn tinh thần của mình, nên sẵn sàng lắng nghe các lời phê bình góp ý của người khác và quyết tâm tu sửa để ngày một hoàn thiện hơn.
– Chân thành khen ngợi và tránh nói hành tha nhân : Kính trọng và biết ơn những ai đã làm ơn cho mình và thành thật khen ngợi các ưu điểm của họ. Lời khen chân thành sẽ giúp người được khen thêm tự tin và hăng hái làm việc. Nếu thấy người thân có khuyết điểm, thay vì khích bác, hãy tìm cách giúp họ tu sửa.
- SINH HOẠT :
Phân biệt khiêm tốn và kiêu ngạo ? Khiêm tốn và tự tin ? Khiêm tốn và nhu nhược ?
– Kiêu ngạo là người nghĩ mình hơn người khác nên thường tỏ thái độ coi thường tha nhân qua lời nói khoe khoang thành tích của mình, có thái độ kẻ cả qua lời xưng hô và thường hay lấn lướt những ai yếu thế hơn mình.
– Tự tin : là thái độ của người ý thức khả năng của mình, sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm và quyết tâm hoàn thành công việc được cấp trên trao phó.
– Nhu nhược : Là thái độ của kẻ hèn nhát, e sợ những kẻ quyền thế, không vững lập trường nên dễ ngả theo kẻ mạnh, không dám can đảm nhận các sai sót của mình mà thường đổ lỗi các thất bại cho người khác.
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con ý thức giá trị của sự khiêm tốn và quyết tâm sống khiêm hạ khi giao tiếp, qua cách nói năng nhỏ nhẹ, thái độ lắng nghe người khác; năng nói lời cám ơn và xin lỗi, biết thành thật khen ngợi các ưu điểm của người khác; sẵn sàng tu sửa các khuyết điểm khi bị phê bình, biết quan tâm phục vụ tha nhân vô vụ lợi… Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ gây được thiện cảm với mọi người và ngày một nên hoàn thiện noi gương Chúa là “Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
BÀI ĐỌC THÊM
BÀI HỌC NHỚ ĐỜI VỀ SỰ KHIÊM TỐN
Một học giả sau khi đi chu du nhiều năm cho rằng mình đã học được tất cả kiến thức trên đời, ông lên đường trở về quê hương.
Về đến đầu làng, trông thấy 1 người nông dân đang nhặt củi dưới chân núi, ông ta nghĩ ngay tới việc khoe khoang về vốn liếng kiến thức uyên bác của mình.
Ông ta đi đến gần, vỗ vai người nông dân và nói :
– Chào bác nông dân khốn khổ, tôi vốn là dân trong làng này nhưng đã đi chu du thiên hạ được nhiều năm, và đã học được rất nhiều kiến thức trên đời. Hôm nay tôi trở về thăm lại quê hương xem nơi này có gì đổi mới hay không.
– Ra vậy – Người nông dân chỉ đáp 1 câu rồi lại tiếp tục công việc.
Ông học giả lại nói :
– Hay thế này đi : Bác sẽ hỏi tôi một câu mà nếu tôi không trả lời được thì tôi sẽ phải trả bác 10 đồng. Sau đó tôi cũng hỏi bác một câu, mà nếu bác không trả lời được thì bác chỉ phải đưa cho tôi một đồng.
Bấy giờ người nông dân liền ngẩng mặt lên suy nghĩ một lát rồi trả lời :
– Vậy cũng được.
– Bác hãy ra câu hỏi trước đi – Ông học giả nói.
Bác nông dân chỉ tay lên dãy núi xa xa và hỏi :
– Con gì khi lên núi thì đi 4 chân. Nhưng khi xuống núi lại chỉ đi hai chân ?
Ông học giả suy nghĩ hồi lâu mà không thể trả lời được nên đành chịu thua và phải móc túi ra 10 đồng đưa cho bác nông dân.
– Vậy đó là con gì vây ? – Ông ta hỏi.
Bác nông dân cầm lấy 10 đồng tiền, trả lại cho ông học giả 1 đồng và nói :
– Rất tiếc, tôi cũng không biết đó là con gì.
Ông học giả lúc này đã hiểu ra mọi điều, ông ta cảm thấy xấu hổ liền cầm lấy đồng tiền, chào tạm biệt bác nông dân, rồi đi một mạch ra khỏi làng.
Sau này nhờ biết khiêm tốn và chịu khó học hỏi, ông học giả đó đã trở thành một vị giáo sư nổi tiếng. Nhưng trong lòng ông vẫn nhớ mãi bài học người nông dân tại quê hương đã dạy cho mình.
Khiêm tốn bao nhiêu còn chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa!
SƯU TẦM