BÀI 03
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – ĐIỀU TRỊ CĂN BỆNH “MA-KÊ-NÔ”
- LỜI CHÚA : Chúa phán : ”Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
- CÂU CHUYỆN : CƯỚP TIỆM VÀNG.
Cách đây ít lâu báo chí đã đăng tin về mấy vụ cướp tiệm vàng táo bạo đã xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Bọn cướp có trang bị súng và không cần bịt mặt khi hành sự. Sau khi cướp vàng xong, chúng bình tĩnh đi ra xe và rời hiện trường mà không gặp bất cứ phản ứng nào của khổ chủ và những người đi đường.
Trước đó, vào một buổi tối đầu năm dương lịch 2006, tiếng thét thất thanh “Cướp, cướp, cướp…” trên đường Nguyễn thị Minh Khai Quận I TP Hồ chí Minh lọt thỏm trong tiếng ồn ào của xe cộ qua lại. Một vài người đi đường thấy một cô gái vừa chạy bộ đuổi theo vừa chỉ tay về phía hai tên cướp kêu cứu. Những người chứng kiến cảnh tượng đó chỉ biết lắc đầu nhìn theo với ánh mắt thương hại.
- SUY NIỆM :
1) Thực trạng tệ nạn cướp giựt hiên nay: Câu chuyện bọn cướp lộng hành được báo chí ghi nhận đầy đủ và không mấy ngày mà không có chuyện lớn xảy ra. Tuy nhờ phối hợp với quần chúng mà các lực lương an ninh cũng đã phá được một số vụ án cướp giựt và trả lại tiền của cho người bị hại. Nhưng số vụ cướp xảy ra ngày một gia tăng cả về số lượng cũng như về tính chất nghiêm trọng: Bọn cướp hoạt động có tổ chức và kế hoạch cuả chúng được dàn dựng rất bài bản công phu. Đây là một vấn đề gây nhức nhối không nhỏ đối với các cơ quan chức năng và cũng là sự thách thức lớn đối với toàn thể xã hội.
2) Phản ứng của xã hội trước tệ nạn này: Điều đáng nói ở đây chính là thái độ của người đi đường khi thấy một vụ cướp xảy ra trước mắt. Một số thanh niên nam nữ khi được hỏi về thái độ nên ứng xử thế nào với bọn cướp đã trả lời như sau:
– “Việc bắt cướp là nhiệm vụ của công an, mình có quan tâm thì cũng đâu làm được gì hơn, đâu có lấy lại được đồ đã bị chúng cướp?”. Đó là câu nói mà một số khá đông bạn trẻ thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên đã trả lời khi được hỏi về trách nhiệm góp phần bảo vệ trật tự an toàn trên đường phố.
– Cũng có bạn khác nói: ”Khi thấy một người bị bọn cướp trấn lột, tôi sẽ im lặng và làm như không nghe và không thấy gì hết. Vì mấy tên cướp giựt thường đi từng nhóm 4, 5 đứa. Dính vô tụi nó là mệt lắm ! Tôi sợ sau này sẽ bị chúng quay lại trả thù. Khi gặp trường hợp này cùng lắm thì tôi cũng chỉ giúp nạn nhân trình báo với cơ quan công an gần nhất mà thôi”.
– Cũng có bạn khác lại cho rằng: ”Trước hết phải trách người bị hại không chịu cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của mình: Có người còn thích phô trương khi đeo vòng vàng ra đường, hoặc thiếu khôn ngoan khi mang theo một số tiền lớn mà thiếu biện pháp bảo vệ tài sản của mình. Do đó nếu có bị cướp giật thì một phần cũng do lỗi của họ đã thiếu cẩn trọng, chứ không thể đòi người khác phải hy sinh tính mạng bản thân để bảo vệ tài sản cho mình được”.
– Nhưng nếu có người hỏi ngược lại: “Giả như bạn chính là người bị bọn cướp trấn lột ở chỗ vắng người hoặc người bị hại lại là người thân trong gia đình bạn thì bạn có muốn được người khác giúp đỡ không?”, thì các bạn này cũng chỉ cười trừ, do không biết phải trả lời sao cho phải. Vì ai cũng đều muốn được người khác giúp đỡ khi bản thân mình hay người thân gặp nạn.
Công bằng mà nói thì không phải mọi người đều mắc bệnh thờ ơ. Đã có không ít tấm gương các bạn trẻ đã dũng cảm bắt cướp, để lại sự khâm phục và kính trọng của mọi người. Nhưng thật đáng tiếc số dũng sĩ này lại quá hiếm so với số băng nhóm tội phạm ngày một gia tăng trên đường phố, và so với số người thờ ơ khi nghe tiếng kêu cứu của các nạn nhân. Bây giờ không ít chàng trai sức dài vai rộng đã thản nhiên lướt qua những cô gái bị kẻ gian đạp cho té ngã đang nằm bên đường phố. Căn bệnh thờ ơ này luôn được che đậy bằng lớp sơn ngụy biện: ”Việc bắt cướp không phải là trách nhiệm của tôi !”
3) Phương thuốc nào để chữa bệnh thờ ơ của các bạn trẻ hôm nay?
– Một cô bạn gái từng là nạn nhân bị trấn lột, đã chia sẻ như sau: ”Bản thân em rút kinh nghiệm là phải cẩn trọng khi đi ra đường: không đeo trang sức, không sử dụng IPAD, IPHONE ở những nơi công cộng mà thiếu cảnh giác đề phòng…
– Một cô khác lúc nào cũng thủ sẵn bên mình một khúc cây dài 40 phân khi lưu thông trên đường. Cô cho biết: “Em mà thấy thằng nào giật đồ của người khác là em sẽ chạy tới đập cho nó té ngã rồi bắt giao cho công an xử lý”.
– Một bạn trai cũng cho biết dự định: ”Tớ sẽ bí mật rượt theo để biết rõ hang ổ của bọn chúng ở đâu và báo cáo với cơ quan công an đến tóm gọn bọn tội phạm đó. Tớ sẽ không sợ, kẻ sợ chính là bọn tội phạm mới đúng. Vì nếu ai cũng sợ không dám bênh vực người bị hại, thì chẳng lẽ cứ để cho bọn xấu ngày càng lộng hành hay sao?“
– Một cô bạn khác sau lần bị giật giỏ tiền, cũng đã tập cho mình thói quen khác thường này: Hễ xe dừng lại ở chốt đèn xanh đèn đỏ là cô lại dáo dác nhìn chung quanh và sẵn sàng hét to lên để tố giác bọn tội phạm khi chúng hành sự cướp giật, và lúc nào tay cô cũng lăm lăm cầm sẵn một cục đá xanh để ăn thua đủ với bọn cướp giật trên đường phố.
- SINH HOẠT : Theo bạn, cách ứng xử đúng đắn nhất để chống tội phạm là gì ?
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con thực hành tình thương cụ thể đối với những người đau khổ vì bị kẻ cướp lộng hành trấn lột. Xin cho chúng con tránh thái độ Ma-kê-nô hay vô cảm như phần lớn các bạn trẻ hiện nay. Xin cho chúng con tuy không thể trực tiếp đương đầu với bọn cướp, nhưng sẵn sàng hợp tác với khu xóm làm thành một đội chống tội phạm, vì “Hợp quần gây sức mạnh”. Xin cho mỗi người biết làm hết khả năng chống lại cái xấu cái ác bằng lời nói cũng như hành động của mình. Nhờ đó hy vọng xã hội chúng con đang sống sẽ ngày một văn minh, an toàn, sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn. – AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM