Home / Chia Sẻ / HỌC CÁCH YÊU LUẬT CHÚA

HỌC CÁCH YÊU LUẬT CHÚA

HỌC CÁCH YÊU LUẬT CHÚANgày nay, giới trẻ hầu như không thể lớn lên với cảm giác tích cực về thẩm quyền, đặc biệt là thẩm quyền của Giáo Hội. Xã hội chúng ta tôn vinh quyền tự do cá nhân là điều tuyệt vời nhất, và không gì có thể cản trở. Theo quan điểm này, luật pháp và quy tắc đối nghịch với quyền tự do, và do đó bị coi thường.

Với sự phản đối của Giáo Hội đối với việc thực hiện quyền tự do chính của thời hiện đại – tự do tình dục không hạn chế – xã hội coi Giáo Luật là đỉnh cao của sự áp bức. Hầu hết mọi người thể hiện sự bất mãn của họ bằng cách đơn giản là làm ngơ Giáo Luật. Do đó, Công giáo ở quán cà-phê (Cafeteria Catholicism) không chỉ là về sở thích tôn giáo mà về quyền tự do cá nhân so với Giáo Hội “cưỡng ép.”

Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Thánh Vịnh, trong đó ca ngợi Luật Chúa là phúc lành. “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.” (Tv 19:8-9) Chúa truyền lệnh gì? Không áp bức, không bất hạnh: “Ban ngày Chúa gửi tình thương xuống, con ngâm nga bài thánh nhạc thâu đêm thành kinh nguyện dâng Chúa Trời nguồn sống.” (Tv 42:9)

Cách tốt nhất để đòi lại Luật Chúa trong xã hội chống luật pháp của chúng ta là liên kết luật pháp của Ngài với tình yêu của Ngài. Sau tự do, tình yêu là giá trị lớn thứ hai của xã hội. Hầu hết người Công giáo nghe về tình yêu Chúa trong các trường Công giáo, giáo dục tôn giáo và bài giảng. Nhưng mỗi lần nhắc đến tình yêu của Chúa phải bao gồm cả luật pháp của Ngài trong cùng một hơi thở. Vì Chúa thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta thông qua luật pháp của Ngài.

Tv 119 dài nhất trong các Thánh Vịnh, với 176 câu, ca ngợi sự vinh quang của Luật Chúa và sự kịch tính của tâm hồn bám vào luật pháp khi những kẻ bách hại vây quanh. Luật Chúa là “quyết định công minh” (c. 62) đóng vai trò “là ngọn đèn soi cho chân bước, là ánh sáng chỉ đường đi.” (c. 105) Là ngọn đèn, tức là hướng dẫn hành động, Lời Ngài “cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường” (c. 130) vì “luật Chúa truyền là chân lý.” (câu 142) Qua Luật Chúa, chúng ta biết điều thiện nào cần làm và điều ác nào cần tránh. Việc tuân theo luật pháp này đem lại điều thiện rất được tìm kiếm: “Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào.” (c. 165)

Sau khi có được sự bình an trong tâm hồn, chúng ta có thể bắt đầu hiểu được Luật Chúa làm gì cho chúng ta. “Con vui thú với mệnh lệnh của Ngài và hết lòng yêu mến. Con nguyện chẳng hề quên huấn lệnh Ngài,
vì nhờ đó, Ngài đã cho con được sống.”
 (c. 47 & 93) Nếu các điều răn của Chúa đem lại sự sống thì sự thay thế rõ ràng: “Nếu luật Ngài chẳng làm con vui thỏa, gặp cơn khổ nhục, con đã tiêu vong.” (c. 92)

Thánh Vịnh 1 phác họa một bức tranh tương tự: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày. Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành.” (c. 1-3).

Tác giả Thánh Vịnh hoàn toàn đồng điệu với Chúa Giêsu, vì Ngài đã nói: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (Ga 15:10-11)

Nếu các điều răn của Chúa dẫn đến tình yêu và niềm vui, tại sao có nhiều người, kể cả người Công giáo, lại phản đối?

Bởi vì chúng ta cả tin, thường xuyên mắc bẫy lời dối trá của con rắn, khiến chúng ta tin rằng các điều răn của Chúa hạn chế quyền tự do của chúng ta thay vì là nền tảng giúp chúng ta được tự do hoàn toàn. Ngày nay, con rắn có rất nhiều người phát ngôn – phương tiện truyền thông, điện thoại thông minh, văn hóa đại chúng, trường học của chính phủ, “những người vô tín ngưỡng” tuyên bố không theo tôn giáo nào – đến nỗi hầu như có thể chuồn mất. Mọi người tin vào lời dối trá của nó và nghĩ rằng điều đúng là sai.

Khi chúng ta tin vào lời dối trá của con rắn, luật lệ có vẻ ngoài lề và xa lạ. Chúng được áp đặt từ bên ngoài, và do đó đặt chúng ta vào thế đối lập với Thiên Chúa.

Ngược lại, nếu bằng đức tin chúng ta có thể thấy rằng Luật Chúa là tình yêu của Chúa vì luật pháp trước là sự biểu hiện hoàn hảo của luật pháp sau, chúng ta có thể nội tâm hóa luật pháp và thấy rằng đó là chân lý sâu sắc về chính chúng ta. Đây là lời khuyên của Thánh Phaolô cho người Galát: “Tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá.” (Gl 2:19) Và cho người La Mã: “Cứu cánh của Lề Luật là Đức Kitô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính.” (Rm 10:4)

Giống như nhiều khía cạnh khác của đời sống tâm linh, việc tích hợp Luật Chúa vào trong chúng ta đòi hỏi sự siêng năng và kiên trì liên tục. Lòng kiêu hãnh của chúng ta sẽ thường xuyên trỗi dậy để khẳng định mình trên Luật Chúa. Do đó, chúng ta phải nghe đi nghe lại rằng Luật Chúa là sự biểu lộ – và phương tiện – đối với tình yêu của Ngài.

Chỉ với tấm lòng khiêm nhường, nhận thức được tội lỗi của mình và cần được Chúa tha thứ, chúng ta mới có thể cầu nguyện với tác giả Thánh Vịnh, người nhắc nhở chúng ta rằng tuân theo Luật Chúa là tắm mình trong tình yêu của Ngài, đó chính là hạnh phúc đích thực của chúng ta.

Cuối cùng, chúng ta phải khôi phục lại sự hiểu biết rằng Giáo Hội là người bảo vệ Luật Chúa. Vì vậy, tuân theo Giáo Hội là tuân theo Chúa. Đây có lẽ là rào cản lớn nhất hiện nay. Nhưng nếu Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô thì chắc chắn Giáo Luật phải giúp chúng ta, con cái của Giáo Hội, tham gia vào niềm vui của hôn nhân.

Tác giả Thánh Vịnh dâng lời chúc phúc của Chúa: “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa, hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.” (Tv 119:1-2) Đó là niềm vui của chúng ta, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta, bởi vì đó là tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.

DAVID G BONAGURA, JR.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Xem thêm

Cha Viet 1

Bài Chia Sẻ Của LM Phanxicô X. Nguyễn Văn Việt, Trong Hội Nghị LCTX Liên GP Lần VII (Phần 1)

BTT CĐ LCTX TGP SG