Home / Chia Sẻ / HOAN CA ĐỨC MẸ

HOAN CA ĐỨC MẸ

Đức Mẹ Về Trời Vinh Quang Chói Sáng

Nữ Vương Mông Triệu Nguyện Giúp Cầu Thay

HOAN CA ĐỨC MẸCuộc đời Đức Mẹ đầy đau khổ nhưng lại là khúc hoan ca tuyệt vời, vì Đức Mẹ luôn tín thác và tuân phục tuyệt đối. Đức Mẹ được về trời cả hồn xác, nên Đức Mẹ cũng muốn mọi người cũng được về trời với Mẹ. Tại Fátima, Đức Mẹ nhắn nhủ: “Nếu loài người biết vĩnh cửu là gì thì họ sẽ làm mọi thứ để thay đổi cuộc đời.”

Cái gì cũng có cái giá nhất định, thậm chí rất đắt. Đại dịch cúm Tàu nhắc nhở về cái chết bất ngờ, và cũng là lời nhắc nhở về sự sống đời đời. Cầu chúc mọi người luôn biết hướng thượng, luôn “ái mộ những sự trên trời” để “được chết lành trong tay Đức Mẹ” và sẽ “được thưởng cùng Đức Mẹ trên Thiên Đàng.”

Đức Mẹ về trời là dấu chỉ chắc chắn có Thiên Đàng, các thánh đã tái xác nhận điều đó, đúng như Chúa Giêsu đã hứa: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy LẠI ĐẾN và ĐEM anh em VỀ VỚI THẦY, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi.” (Ga 14:2-4) Chúa Giêsu nói rõ ràng là VỀ trời chứ không LÊN trời bình thường.

Về trời là niềm hy vọng lớn nhất và là hoài bão cuối cùng của những người tin vào Đức Giêsu Kitô. Về trời không là chuyện viễn vông như chú Cuội lên cung trăng, cũng không như kiểu tham quan mặt trăng, khám phá một hành tinh nào đó, mà về trời để hưởng phúc trường sinh với Thiên Chúa, sau khi chúng ta được sống lại.

Ngày xưa, trong lúc ông Êlia đang nói chuyện với ông Êlisa thì xuất hiện “một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra, và ông Êlia LÊN TRỜI trong cơn gió lốc.” (2 V 2:11) Thời Tân Ước, tướng cướp Dismas cả đời gian ác, không coi ai ra gì, bị đóng đinh bên Chúa Giêsu, nhưng nhờ sám hối chân thành, Dismas đã được Chúa Giêsu tha thứ và cho về trời ngay: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 22:43) Đặc biệt là Đức Mẹ được về trời qua một “giấc ngủ” – chết mà như ngủ (dormition).

Theo Lm Pohle và Lm Scheeben, mấy thế kỷ đầu không có dấu tích gì về lòng tin Đức Mẹ Maria lên trời. Nhưng một cái quách (sarcophagus) đầu thế kỷ IV ở nền nhà thờ Santa Engracia tại TP Saragossa (Tây Ban Nha) có bức chạm trổ hình Đức Mẹ lên trời. Chứng tích của Thánh Epiphanô cho biết người ta tin Đức Mẹ Maria bất tử và thân xác Mẹ vinh quang, niềm tin này đã được truyền bá sâu rộng trong một ít giáo đoàn như ở Antiokia. Do xác tín và ngợi khen “Chức Phẩm Thiên Mẫu” và “Đức Đồng Trinh” của Mẹ là hai căn nguyên. Thánh Epiphanô mở đường cho lòng tin và sự xác quyết của các Giáo phụ, các Giáo hoàng, các Giám mục, các thần học gia và toàn thể Giáo hội. Trước thời Hoàng đế Constantinope đã diễn ra một cuộc lễ trong nhà thờ trên núi Cây Dầu tại Giêrusalem, truyền thống gọi là lễ “Đức Mẹ An Giấc.”

Đức Alexanđrô III nói: “Mẹ Maria thụ thai không bị xấu hổ, sinh con không bị đau đớn, từ trần không bị hư hoại trong mồ, vì theo lời Thiên thần, Mẹ đã được đầy ơn.” Đức Piô XII nối tiếp các vị tiền nhiệm về niềm tin đó. Trong Thông điệp “Corporis Mystici” (29-6-1943), ngài viết: “Chúng ta hãy nài xin Mẹ rất thánh của mọi phần tử của Chúa Kitô mà Ta đã tín thác hiến dâng loài người cho Trái tim Mẹ. Ngày nay ở trên trời, thân xác và linh hồn Mẹ toả sáng trong vinh quang, hiển trị cùng với Con của Mẹ.”

ĐGH Piô XII gởi Thông điệp “Deiparae Virginis” (1-5-1946) tới các giám mục khắp thế giới, cho biết rằng từ năm 1840 đến năm 1940, số đơn thỉnh nguyện xin Toà Thánh định tín Mẹ Maria hồn xác lên trời đã đóng thành hai cuốn sách. Ngày 30-10-1950, Đức Thánh Cha gửi tông thư cho Cơ Mật Viện, loan báo vào ngày mồng 1-11-1950 là một biến cố quan trọng và là niềm vui lớn lao cho toàn thế giới Công giáo: Công bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời. Đó là nhờ ơn soi sáng tác động của Chúa Thánh Thần và ơn trợ lực của Thiên Chúa.

Cuối cùng, ngày 1-11-1950, Thánh Ý Chúa thể hiện qua ĐGH Piô XII với Thông điệp “Munificentissimus Deus” – Thiên Chúa Quảng Đại: “Sau khi chúc tụng lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đã yêu thương quan phòng làm êm dịu những khổ đau, đem lại niềm an vui cho các dân tộc, Đức Thánh Cha nêu cao sự kiện ơn Chúa thương, dù giữa thời buổi nhiều người sai lạc chân lý và nhân đức, vẫn có nhiều cách biểu lộ đức tin, lòng sùng mến Mẹ Maria và những con cái Mẹ vẫn được khuyến khích chiêm niệm những đặc ân của Mẹ. Thật vậy, từ muôn đời, Thiên Chúa đã đặc biệt yêu thương Mẹ và rồi ban cho Mẹ dạt dào những đặc ân mà Giáo hội đã nhận biết và khám phá ra. Nhưng thời đại của chúng ta đã được dành riêng để chiêm ngưỡng đặc ân Đức Mẹ hồn xác lên trời.”

Hòm Bia là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện, rất quan trọng. Trình thuật 1 Sb 15:3-5 cho biết: “Thời Cựu Ước, vua Đa-vít triệu tập toàn thể Israel về Giêrusalem để rước Hòm Bia của Đức Chúa lên chỗ vua đã dọn sẵn. Vua cũng tập hợp con cháu ông Aharon và các thầy Lêvi: trong hàng con cháu ông Cơhát, có ông Uriên chỉ huy, và các anh em của ông, tất cả là một trăm hai mươi người.” Hòm Bia “được làm bằng gỗ keo, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi và cao bảy tấc rưỡi, được bọc bằng vàng ròng cả trong lẫn ngoài, phía trên có một đường viền chung quanh bằng vàng.” (Xh 25:10-11)

Luật xưa nghiêm túc: Khi khiêng Hòm Bia phải dùng đòn, đã xỏ đòn vào thì không được rút ra. (Xh 25:15) Kinh Thánh cho biết thêm: “Con cháu Lêvi mang Hòm Bia Thiên Chúa đúng như ông Môsê đã truyền theo lệnh của Đức Chúa, là dùng đòn mà khiêng trên vai. Vua Đavít truyền cho những người đứng đầu các thầy Lêvi bố trí các ca viên, anh em của họ, để những người này dùng nhạc khí như đàn sắt, đàn cầm, não bạt mà tấu khúc hoan ca.” (1 Sb 15:15-16)

Còn nữa, 1 Sb 16:1-2 cho biết: “Người ta đưa Hòm Bia Thiên Chúa vào đặt giữa Lều vua Đavít đã dựng sẵn. Rồi họ dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an trước nhan Thiên Chúa. Khi đã hoàn tất việc dâng các lễ toàn thiêu và lễ kỳ an, vua Đavít nhân danh Đức Chúa chúc phúc cho dân.” Người ta đặt Chứng Ước của Thiên Chúa vào Hòm Bia, (Xh 25:16) do đó gọi là Hòm Bia Giao Ước.

Thánh Vịnh cho biết: “Này đây, khi ở Épratha, chúng tôi đã nghe nói đến hòm bia, chúng tôi tìm thấy hòm bia đó tại cánh đồng Giaa. Nào ta tiến vào nơi Chúa ngự, phủ phục trước bệ rồng.” (Tv 132:6-7) Chỉ nơi nào có Thiên Chúa thì mới là nơi vĩnh phúc đích thực, nơi mà ai cũng hướng tới với niềm khao khát cháy bỏng. Thánh Vịnh gia khát vọng: “Ước chi hàng tư tế của Ngài mặc lấy sự công chính, kẻ hiếu trung với Ngài được cất tiếng hò reo. Vì vua Đa-vít, trung thần của Chúa, xin đừng xua đuổi đấng Chúa đã xức dầu phong vương.” (Tv 132:9-10) Muốn vậy thì chính bản thân phải biết hướng thượng và sống tốt càng ngày càng tiến bộ hơn, chứ không thể giậm chân tại chỗ, không thể ù lì hoặc gặp chăng hay chớ.

Thuở xưa, chính Đức Chúa đã chọn Sion, đã thích lấy chốn đó làm nơi Ngài ngự, như Ngài công khai tuyên phán: “Đây là chốn Ta nghỉ ngơi đến muôn đời, Ta sẽ ngự nơi này, vì Ta ưa thích.” (Tv 132:14) Nhà Chúa là Nhà Cầu Nguyện của mọi dân tộc. (Mt 21:13; Mc 11:17; Lc 19:46)

Đức Maria là Nhà Tạm đầu tiên, vì Đức Mẹ là Đấng-Mang-Thiên-Chúa (Theotókos, God-Bearer). Thực sự chúng ta cũng đã và đang được diễm phúc tương tự mỗi khi chúng ta rước lễ, chúng ta được mang chính Đấng Cứu Thế trong lòng và hòa tan để kết hiệp mật thiết với Ngài, dù chúng ta chỉ là những tội nhân hoàn toàn bất xứng.

Thánh Phaolô nói: “Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!(1 Cr 15:54) Chiến thắng cái chết để được phục sinh và trường sinh. Cùng với Đức Kitô và Đức Mẹ, cùng với Thánh Phaolô, chúng ta có thể dõng dạc vặn hỏi tướng quỷ Luxiphe: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.” (1 Cr 15:55-56) Ước gì mỗi chúng ta đều khả dĩ như vậy!

Là Thiên Chúa, nhưng Thầy Giêsu vẫn có hiếu với Đức Mẹ. Điều này “nhắc nhở” chúng ta về chữ hiếu thảo. Ngài xác định một mối phúc đặc biệt: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11:28) Kỳ lạ quá, “nghe và giữ Lời Chúa” mà còn có phúc hơn người cưu mang Ngài. Có lẽ chúng ta không dám tin, nhưng đó lại là sự thật. Điều đó chứng tỏ rằng việc sống Lời Chúa vô cùng quan trọng.

Đức Mẹ là thụ tạo đặc biệt của Thiên Chúa. Ngay cả Hồi giáo cũng tôn trọng Đức Mẹ, coi Đức Mẹ là phụ nữ cao cả nhất trong Kinh Koran (Kinh Thánh của Hồi giáo). Có rất nhiều tôn danh dành cho Đức Mẹ: Nữ vương Hòa bình, Đức Nữ Trinh Vương, Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu, Đức Mẹ Ban Ơn, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ Thương Xót, Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ Hoa Hồng,… và Đức Mẹ còn gắn liền với các địa danh trên khắp thế giới, riêng Việt Nam cũng có Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Giang Sơn, Đức Mẹ Mằng Lăng, Đức Mẹ Sao Biển, Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ Núi Cúi, Đức Mẹ Bãi Dâu,…

Thánh Vịnh gia đã ca tụng: “Hàng cung nữ, có những vì công chúa, bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai, trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy. Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ. Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái, hãy vào phục lạy: Người là Chúa của bà.” (Tv 45:10-12) Chắc hẳn phàm ngôn không thể đủ để diễn tả về Đức Mẹ cho xứng đáng, chúng ta chỉ biết dùng những ngôn từ nào cao trọng nhất để tôn xưng Đức Mẹ mà thôi.

Ai trong chúng ta cũng là tội nhân, thế nên mọi người đều phải bước qua “ngưỡng cửa sự chết” theo luật sinh tử. Nhưng chết không là chấm hết, mà là biến đổi, như Thánh Phanxicô Assisi xác định: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.” Chết đi để được sống lại. Chính Đức Kitô cũng đã chết và phục sinh để bảo đảm về chuyện đời sau. Chết là trực tiếp gặp Thiên Chúa, gặp Đức Kitô, và cũng gặp Đức Mẹ nữa.

Niềm hy vọng của Kitô hữu thật lớn lao và tuyệt vời, nhưng Thánh Phaolô nói: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1 Cr 15:19) Niềm hy vọng của chúng ta không như vậy, bởi vì “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” (1 Cr 15:20-22) Niềm hy vọng của Kitô hữu vượt ngoài thế gian này.

Kẻ trước người sau, như lá rụng về cội, dù lá còn xanh hay đã vàng. Thánh Phaolô giải thích: “Mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.” (1 Cr 15:23-24)

Tất cả đều xảy ra đúng theo trật tự Thiên Chúa đã ấn định, như chúng ta thường nói là Thiên Chúa an bài. Chúng ta không thể hiểu thấu, nhưng sự thật là vậy: “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết.” (1 Cr 15:25-26) Chính Đức Kitô đã dùng thập giá để chiến thắng tất cả, và cũng chính trên thập giá, Ngài đã tiêu diệt sự thù ghét (x. Ep 2:16) để minh chứng tình yêu vô biên và sâu thẳm, là Lòng Thương Xót mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Hoan Ca Maria chỉ xuất hiện trong trình thuật Lc 1:42-55. Thánh sử Luca cho biết: Hồi ấy, Cô em Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Cô vào nhà Anh Dacaria và chào hỏi Chị Êlisabét. Chị Êlisabét vừa nghe tiếng Dì Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và Chị Êlisabét được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai phụ nữ đặc biệt, theo sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa. Một người là mẹ Thiên Chúa, còn một người là Mẹ của Vị Tiền Hô Gioan. Thấy Em họ Maria đến, Chị Êlisabét vui mừng thốt lên những lời đầy Thần Khí. Sau đó, Đức Maria cũng rất vui mừng và dâng lời Kinh Ngợi Khen (Magnificat), vừa như thơ vừa như nhạc:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;

Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,

Danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,

Như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

Vì Người nhớ lại lòng thương xót

Dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.

Đức Mẹ đã chứng tỏ lòng yêu thương với tha nhân khi vội vã đi thăm Chị Êlisabét, và cũng muốn chứng tỏ tình yêu thương đó qua việc ở lại giúp đỡ người chị đang mang thai trong ba tháng đầu của thai kỳ. Đức Maria ở lại với Chị Êlisabét độ ba tháng, rồi mới trở về nhà.

Đường về dù xa hay gần, đường đi có thể gập ghềnh nhiều nỗi, nhưng có Đức Mẹ đồng hành thì chúng ta an tâm. Cứ bám chặt vào áo Mẹ thì không lo lạc đường, chắc chắn sẽ đi đến nơi về đến chốn. Thánh Birgitta Thụy Điển cho biết: “Dù trong tình trạng thù nghịch với Thiên Chúa đến đâu đi nữa, không tội nhân nào trên trần gian này lại không thể quay về với Ngài và được phục hồi ơn thánh, nếu họ chạy đến nương nhờ và cầu xin Đức Mẹ Maria hộ phù.”

Lạy Thiên Chúa, chúng con tạ ơn Ngài vì Ngài đã ban cho mỗi chúng con có hai người mẹ – một người mẹ trần gian tuyệt vời, và đặc biệt là một Người Mẹ Thánh là Đức Maria, để nâng đỡ chúng con về thể lý và tâm linh. Xin giúp chúng con luôn biết sống xứng đáng với những gì chúng con lãnh nhận.

Lạy Mẫu Nghi cao cả, đồng hành và nâng đỡ chúng con luôn, xin dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu của Mẹ, để chúng con cũng được đoàn tụ trong Đại Gia Đình Thiên Chúa trên Thiên Quốc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 3, 15-16. 21-22

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Trời mở ra, Cửa Thánh mở SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Lc …