Home / Chia Sẻ / HÒA GIẢI VỚI ANH CHỊ EM

HÒA GIẢI VỚI ANH CHỊ EM

HoagiaivoianhchiemHòa giải là lời mời gọi khẩn thiết của Mùa Chay.  Hòa giải với Chúa và hòa giải với anh chị em mình.  Tuy vậy, hòa giải với Chúa là việc dễ dàng, trong khi hòa giải với anh em là một làm hết sức khó khăn.  Trong cuộc sống trần gian, con người “đầu đội trời, chân đạp đất.”  Họ vừa có tương quan với đất và tương quan với trời.  Họ cũng không là những ốc đảo tách biệt cô đơn, nhưng sống chung với nhau và cần đến nhau.  Hòa giải với anh chị em sẽ giúp chúng ta xây dựng cuộc sống lý tưởng, làm thành một gia đình trong tình huynh đệ thân thương.

Câu chuyện “Người cha nhân hậu” là một trong những áng văn chương tuyệt vời nhất của Kinh Thánh.  Câu chuyện ấy nhấn mạnh tới lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mà nhân vật người cha là biểu tượng.  Người cha tôn trọng tự do của người con thứ, sẵn sàng để nó ra đi.  Người cha ấy cũng luôn mong ngóng đợi chờ và vẫn tin chắc có ngày nó trở lại.  Sự trở về của người con là niềm vui lớn lao của người cha, đến nỗi ông mở tiệc tưng bừng để đón con trở về.  Bởi lẽ, như ông nói, con ông đã mất mà nay lại tìm thấy, đã chết mà nay đã sống lại.  Còn niềm vui nào lớn hơn là tìm thấy của cải đã mất và gặp lại người thân đã chết?  Vì thế mà niềm vui hội ngộ càng tưng bừng lớn lao.

Tuy vậy, nếu Thiên Chúa là cha bao dung nhân hậu, sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của con người, thì con người lại hà khắc và cứng nhắc đối với nhau.  Mỗi người trong chúng ta đều đã có lần cảm nhận điều đó nơi chính bản thân và nơi những người xung quanh.  Có ba nhân vật trong câu chuyện Chúa Giêsu kể, cả ba nhân vật đều là nam giới.  Người con cả, từ lúc ban đầu xem ra là người tử tế, vì khi người con thứ đòi chia gia tài và bỏ nhà ra đi, thì anh vẫn ở lại với cha mình.  Tuy vậy, những gì anh nói với Cha, xem ra là những uất ức được dồn nén trong nhiều năm: “Cha coi, con ở với cha bao nhiêu năm….”  Người cha giật mình nhận ra, mặc dù thân xác đứa con cả vẫn ở với cha mình, mà tâm hồn nó lại xa vời vợi.  Nó phủ nhận tình huynh đệ máu mủ khi gọi em mình là “thằng con của cha kia.”  Người cha đau khổ nhận ra rằng, ông đã mất cả hai đứa con, mỗi đứa một cách khác nhau.

Nhân vật người con cả giúp chúng ta liên tưởng đến mối tương quan với tha nhân.  Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng giống như người con cả, luôn cố chấp, ích kỷ và ôm mối hận thù.  Hình ảnh người con cả cho thấy một thái độ chủ quan tự tin, nghĩ rằng mình là người ngay thẳng và là người đạo đức, coi mình là tiêu chuẩn để đánh giá và phê phán người khác.  Cả ba nhân vật trong câu chuyện đều nhắn gửi đến chúng ta những thông điệp quan trọng: Thiên Chúa là Cha yêu thương.  Ngài nhân hậu bao dung và rộng lòng tha thứ.  Người con thứ tượng trưng cho người lầm lạc tội lỗi, nay quyết tâm chỗi dậy trở về để sống trong tình yêu thương của cha mình.  Người con cả là những người cố chấp và khó hòa đồng với những người xung quanh, thậm chí ngăn cản họ, không cho về với Chúa.  Cả người con thứ và người con cả đều cần phải trở về.  Cả hai đều phải tự vấn lương tâm về đời sống quá khứ của mình, đồng thời nhận ra Chúa nhân hậu bao dung, từ đó cố gắng sống tốt như người cha hằng mong muốn.

Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa.  Đó là điều người con thứ đã chuẩn bị sẵn để khi gặp cha sẽ nói.  Tuy vậy, người cha không để cho con nói hết những gì nó đã chuẩn bị.  Tình thương của Thiên Chúa mênh mông vời vợi, không cần những công thức, nhưng chan hòa như đại dương, phủ lấp những yếu đuối của phận người.

Chúng ta đã đi đến nửa chặng đường của Mùa Chay.  Lời mời gọi hòa giải lại vang lên, nhắc chúng ta lên đường trở về.  Thánh Phaolô năn nỉ chúng ta: “Vì Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hòa với Thiên Chúa” (Bài đọc II).  Hòa giải với Ngài sẽ đem cho chúng ta hạnh phúc và bình an, đồng thời tạo nên một cuộc sống trần thế an bình.  Niềm vui của hòa giải, được phụng vụ so sánh như niềm vui của người Do Thái đến đất hứa sau 40 năm hành trình sa mạc.  Họ không còn lang thang phiêu bạt nữa, nhưng được định cư ở miền đất Chúa hứa cho cha ông họ và được hưởng những thổ sản của địa phương.  Họ được chứng kiến những gì trước đây chỉ là lời hứa, nay thành hiện thực ngay trước mắt.  Họ như người con thứ trong Tin Mừng, được trở về nhà của mình, không còn là khách lạ (Bài đọc I).  Mỗi chúng ta cũng vậy, khi thành tâm sám hối, chúng ta được nối lại mối tình cha con đối với Chúa và mối tình huynh đệ đối với anh chị em mình.

Hãy sám hối!  Hãy trở về!  Lời gọi ấy đang vang lên trong đời sống và trong tâm hồn mỗi chúng ta.  Trở về với Chúa và trở về với anh chị em, đó chính là thông điệp được nhấn mạnh của Phụng vụ hôm nay.  Hiệu quả của Mùa Chay tùy thuộc vào thiện chí hòa giải đối với anh chị em mình.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …