Lần đầu tiên sau 2.000 năm, Hồ Silôác (Berecha Siloam) mở cửa cho công chúng tham quan. Hồ này là nơi mà Phúc Âm Thánh Gioan kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người mù từ thuở mới sinh. Trình thuật Ga 9:1-12 cho biết:
Đi ngang qua, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” Nói xong, Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa.” (Silôác có nghĩa là: người được sai phái).
Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!” Người ta liền hỏi anh: “Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?” Anh ta trả lời: “Người tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: ‘Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa.’ Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy.” Họ lại hỏi anh: “Ông ấy ở đâu?” Anh ta đáp: “Tôi không biết.”
Theo bài viết trên báo Business Insider, Hồ Silôác “sẽ được khai quật hoàn toàn và mở cửa cho công chúng lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại.” Mặc dù một phần nhỏ của nó đã có thể tiếp cận được trong vài năm, nhưng phần lớn hồ này đã bị phá hủy và bị che phủ sau cuộc chiến tranh giữa Do Thái và La Mã lần thứ nhất, năm 70.
Cơ quan Cổ vật Israel, Cơ quan Công viên Quốc gia Israel và Tổ chức Thành phố David nói với báo Business Insider: “Cuộc khai quật sắp tới sẽ phơi bày hoàn toàn hồ bơi cổ xưa, cho phép du khách xem nó như một phần của tuyến du lịch.”
Hồ này là một phần hệ thống nước cổ xưa của Giêrusalem, và sau này trở thành một địa điểm có ý nghĩa tôn giáo đối với người Do Thái cổ đại. Những người hành hương tôn giáo đã sử dụng nó như là mikveh (nghi lễ tắm) để tẩy rửa bản thân trước khi đến viếng Đền Thờ.
Một mảnh nhỏ của một bản khắc đá gần đây đã được tìm thấy trong đường hầm Silôác – một con kênh dẫn nước đến Hồ Silôác. Được chạm khắc từ thời cổ đại, đường hầm hiện nằm ở khu phố Ả Rập Silwan, phía đông Jerusalem. Tên phổ biến của nó là “Đường Hầm Khítkigia,” do giả thuyết phổ biến nhất cho rằng nó có từ triều vua Khítkigia của Giuđa, giữa cuối thế kỷ thứ 8 và đầu thế kỷ thứ 7 trước công nguyên.
Người ta thường tin rằng đường hầm này tương ứng với một “ống dẫn” được đề cập trong Kinh Thánh: “Những truyện còn lại của vua Khítkigia, mọi chiến công của vua, cũng như việc xây hồ và kênh dẫn nước vào thành, những điều ấy đã chẳng được ghi chép trong sách Sử Biên Niên các vua Giuđa đó sao?” (2 V 20:20)
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một bằng chứng nhỏ (một mảnh đá vôi) liên kết vua Khítkigia với đường hầm này. Các câu chuyện trong Kinh Thánh giải thích cách vua Khítkigia chuẩn bị Giêrusalem cho cuộc vây hãm sắp xảy ra của người Asiri. “Chính vua Khítkigia đã ngăn đầu nguồn nước suối Ghikhôn, rồi dẫn nước chảy xuôi xuống phía tây Thành vua Đavít. Vua Khítkigia thành công trong mọi điều toan tính.” (2 Sb 32:30) Cách chặn “đầu nguồn nước suối Ghikhôn” và dẫn “xuống phía tây đến Thành Đavít” để ngăn quân địch tiếp cận nguồn nước, dưới sự chỉ huy của Sankhêríp.
Mảnh đá vôi có niên đại thế kỷ thứ 8 trước công nguyên. Theo báo cáo của NewsBreak, các nhà nghiên cứu tin rằng nó chỉ là một hạt nhỏ của một công trình lớn hơn nhiều.
Mảnh đá vôi có 6 mẫu tự trong hệ thống chữ viết Do Thái thời đồ đá, được chia thành hai dòng, mỗi dòng có ba mẫu tự. Dòng đầu tiên có 3 mẫu tự QYH. Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng toàn bộ chữ này là Hizqyhw – nghĩa là Hizquiyahu, Hezekiah.
Dòng thứ hai có 2 mẫu tự, dấu chấm, và mẫu tự thứ ba bắt đầu bằng chữ khác. Họ đã đưa ra giả thuyết rằng chữ đầu tiên, kết thúc bằng kh, có thể là brkh – berecha, nghĩa là “hồ,” theo câu chuyện trong Kinh Thánh giải thích rằng nước chảy qua đường hầm Khítkigia chảy đến Hồ Silôác.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)