Home / Chia Sẻ / Hiểu sâu hơn về Ân sủng

Hiểu sâu hơn về Ân sủng

 

Hiểu sâu hơn về Ân sủng

bởi phanxicovn

 

Ronald Rolheiser, 2017-07-10

Biểu hiện của lòng hối lỗi đích thực không phải là cảm giác tội lỗi, mà là cảm giác buồn phiền, hối hận vì đã làm sai. Cũng vậy, biểu hiện của sống trong ân sủng không phải là cảm giác mình xứng đáng mà là cảm giác mình được đón nhận và yêu thương dù cho mình không xứng đáng. Chúng ta lành mạnh về tâm linh khi cuộc sống của chúng ta có sự thú tội thật tâm và tự hào thật tâm.

Jean-Luc Marion đã nhấn mạnh điểm này trong một bình luận về quyển Tự thú của thánh Augustino. Ông xem tự thú của thánh Augustino là một tác phẩm về lương tâm đạo đức đích thực, bởi đó vừa là một thú nhận về lòng tự hào và thú nhận về tội lỗi. Gil Bailie cho rằng lời bình luận này nêu bật một tiêu chuẩn quan trọng để phán định xem chúng ta có đang sống trong ân sủng hay không. “Nếu thú nhận về lòng tự hào không đi kèm với thú nhận về tội lỗi thì nó là một hành động trống rỗng và khoa trương. Nếu thú nhận về tội lỗi không đi kèm với thú nhận về lòng tự hào, thì nó trống rỗng và cằn cỗi như thế, là một đống tạp nham, là một lời hối hận kiểu con vẹt.”

Gil nói đúng, nhưng thú nhận cả hai cùng lúc thật không phải là chuyện dễ dàng. Chúng ta thường rơi vào một trong hai kiểu, thú nhận về lòng tự hào và không thật sự thú nhận tội lỗi của mình, hoặc là hối hận kiểu con vẹt, một kiểu ngụy biện hơn là nỗi buồn phiền thật sự vì đã lầm đường lạc lối.

Trong cả hai trường hợp, đều không có một ý thức thật sự về ân sủng. Piet Fransen, với quyển sách về ân sủng được dùng như sách giáo khoa trong các chủng viện và trường thần học, cho rằng cả những tín hữu tự tín (những người vẫn âm thầm ghen tị với lạc thú của những kẻ vô luân, những thứ mà họ đã bỏ lỡ) cũng như những người ương ngạnh dù đã hối cải nhưng vẫn cảm thấy trân trọng những lầm lỡ của mình, cả hai loại người này vẫn chưa hiểu được ân sủng. Chúng ta chỉ hiểu được ân sủng khi thật sự nắm bắt được những lời của người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng nói với người con cả. “Con của cha, con luôn ở với cha, và mọi thứ cha có đều là của con. Nhưng chúng ta phải vui mừng vì em của con đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm được.”

Người anh cả sẽ không cay đắng nếu hiểu được rằng mọi thứ cha của anh có đều là của anh, và anh cũng sẽ không ghen tỵ với những lạc thú của người em hoang đàng nếu hiểu rằng người em đó đã chết đi. Nhưng cần có nhận thức sâu sắc hơn để trực cảm được rằng so với cuộc sống trong nhà Chúa, thì mọi lạc thú đều là ngọn nến so với mặt trời. Và cũng đúng như thế với những người đã trở lại, từ bỏ lối sống lầm lạc nhưng vẫn âm thầm vui mừng vì những trải nghiệm mà nó mang lại cho mình, và nuôi dưỡng một sự thương hại cao ngạo cho những người ít được trải nghiệm hơn. Người này cũng không thực sự hiểu được ân sủng.

Trong quyển sách Khái niệm về Linh thánh (The Idea of the Holy), Rudolf Otto cho rằng khi đối diện với sự thánh thiện, chúng ta luôn có một phản ứng kép: thấy e ngại và được lôi cuốn. Như thánh Phêrô trong sự kiện Chúa Biến hình, chúng ta cũng muốn xây một lều và ở lại đó mãi mãi, nhưng như thánh Phêrô trong sự kiện phép lạ bắt được nhiều cá, chúng ta cũng sẽ muốn nói: “Xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” Trước sự linh thánh, chúng ta vừa muốn hớn hở tự hào vừa muốn thú nhận tội lỗi của mình.

Và thấu suốt này có thể giúp chúng ta hiểu được ân sủng. Trong quyển sách của mình về ân sủng, Đời sống Ân sủng Mới (The New Life of Grace), Piet Fransen mở đầu bằng cách mời chúng ta hình dung cảnh này: Hãy hình dung một người sống theo chủ nghĩa khoái lạc một cách vô tâm. Ông ta hoàn toàn chìm trong những khoái lạc của thế gian mà không nghĩ gì đến Thiên Chúa, trách nhiệm hay luân lý cả. Rồi sau một cuộc đời chìm trong những khoái lạc vô luân, ông ta hối cải thật sự trên giường hấp hối, thật tâm thú nhận tội lỗi của mình, nhận lãnh các bí tích của giáo hội, và chết lành. Nếu phản ứng của chúng ta với câu chuyện này là: “Gã này may mắn thật! Hắn đã chơi bời mà cuối cùng vẫn được phúc!” thì chúng ta chưa hiểu được ân sủng. Nếu nghĩ như thế thì chúng ta chỉ là những người đạo đức trong cay đắng, dứng đó như người anh cả cần phải nói chuyện thêm với Chúa. 

Và cũng như thế với những người đã hoán cải mà vẫn cảm thấy những trải nghiệm hoang đàng của mình là một niềm vui sâu sắc hơn những người chưa từng hoang đàng. Trong trường hợp này, người đó trở về nhà cha mình không phải bởi cảm thấy một niềm vui sâu sắc hơn nhưng là bởi nghĩ rằng việc trở về là một trách nhiệm không mong muốn, một chuyện ít thú vị và vui vẻ hơn cuộc sống tội lỗi, nhưng là một chiến lược thoát thân buộc phải làm. Người này cũng chưa hiểu được ân sủng.

Chỉ khi chúng ta hiểu được ý của người cha nói với người anh cả trong dụ ngôn người con hoang đàng: “Mọi sự cha có đều là của con,” thì chúng ta mới có thể vừa thú nhận niềm tự hào của mình vừa thú nhận tội lỗi của mình được.

J.B. Thái Hòa dịch

 
Nguồn:phanxicovn

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …