Home / Chia Sẻ / HIỆP THÔNG VỚI ĐẤNG PHỤC SINH

HIỆP THÔNG VỚI ĐẤNG PHỤC SINH

 

HIỆP THÔNG VỚI ĐẤNG PHỤC SINHTrong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho để diễn tả sức sống siêu nhiên nơi người tín hữu.  Chúa Cha là người trồng nho, Chúa Giêsu là cây nho, người tín hữu là cành nho.  Đây là một hình ảnh đơn sơ dễ hiểu, giúp người nghe dễ lĩnh hội giáo lý cao siêu là sự hiệp thông với Chúa. 

Nếu Chúa Giêsu là cây nho và người tín hữu là cành nho, thì như chúng ta thấy trong thực tế, có những cành xanh tươi tràn đầy nhựa sống, vừa có những cành héo úa cằn khô.  Hình ảnh này muốn diễn tả đời sống người tín hữu.  Thời nào cũng vậy, có những người đạo đức siêng năng, nhưng cũng có những người dửng dưng hờ hững.  Người tín hữu không gắn bó với Chúa giống như cành khô, chỉ dùng làm củi.  Trong khi đó, những tín hữu gắn bó, giống như cành nho gắn liền với thân, luôn an vui hạnh phúc, khi cầu nguyện họ được Chúa nhận lời.  Hình ảnh gắn bó ấy được Chúa diễn tả qua lời mời gọi: “Hãy ở lại trong Thày.”  Động từ “ở lại” trong Tin Mừng Thánh Gioan mang ý nghĩa đặc biệt.  “Ở lại” là gắn bó, là hiệp thông, là yêu mến, là chia sẻ, là đồng cảm, là trung thành.  Chúa Giêsu đã nói đến việc Người ở lại trong Chúa Cha, để mời gọi chúng ta ở lại trong Người.  Đó là sự gắn kết thân mật đến nỗi nên một với Chúa.  Chúa Giêsu đã khẳng định: Tôi và Cha Tôi là một.  Như thế, những ai kết hợp với Chúa Giêsu là được kết hợp với Chúa Cha, được chia sẻ và thông phần sự sống siêu nhiên cũng như hạnh phúc viên mãn từ Chúa Cha.  Sự kết nối này chính là mối hiệp thông thân tình giữa ta với Chúa.  Nhờ hiệp thông với Chúa, chúng ta được chia sẻ sức sống thần thiêng của Người, được biến đổi mỗi ngày nên giống Chúa, để rồi chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô:  “Tôi sống, mà không còn là tôi sống, nhưng là chính Chúa Giêsu sống trong tôi.”

 

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về thái độ sống của mỗi người, với tư cách là tín hữu.  Quả vậy, có những lúc chúng ta giống như cành nho bị lìa khỏi thân cây, vì chúng ta dửng dưng đối với Thiên Chúa.  Một khi không còn gắn kết với thân nho, chúng ta cũng lìa xa các cành nho khác là anh chị em đồng loại.  Không liên kết với Thày Giêsu, chúng ta cũng khó mà liên kết với tha nhân.  Thánh Gioan tông đồ đã nhấn mạnh đến điều này, khi đặt tình yêu thương lên hàng đầu của các thực hành Kitô giáo (Bài đọc II).  Khái niệm “ở lại trong Chúa” cũng được tác giả nhấn mạnh: “Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ.”  Đây là sự hòa quyện giữa tâm hồn chúng ta với Chúa Ba Ngôi, nhờ việc Ngài đến ở trong chúng ta, như chúng ta được ở trong Ngài.  Theo Thánh Gioan, ở lại trong Chúa còn là trung thành tuân giữ những lời Người truyền dạy.  Nhờ việc tuân giữ lời Chúa, chúng ta được tiếp nối sự sống siêu nhiên, như chất nhựa sống thiêng liêng tuôn chảy từ thân nho đến với mọi cành nho, làm cho cành sinh hoa kết trái.

 

Cây nho muốn sinh hoa kết trái thì phải được cắt tỉa hằng năm.  Sự cắt tỉa ấy làm cho cây rỉ máu vì đau đớn, nhưng thật cần thiết, vì nếu không cắt tỉa, cây sẽ cằn cỗi, vô dụng.  Mỗi năm, khi tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu, các tín hữu cũng được mời gọi chết đi với con người cũ để sống lại với Đấng Phục Sinh.  Sự “chết đi” ấy không phải chỉ là lý thuyết suông, nhưng là những hy sinh cố gắng để vác thập giá cuộc đời, để được gắn bó hơn với Đấng đã hy sinh đến cùng vì yêu thương chúng ta. 

Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, đã để cho Chúa “cắt tỉa” đời mình.  Từ một người hăng say tìm giết các tín hữu, cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đức Giêsu trên đường đi Đa-mát đã làm thay đổi cuộc đời ông và biến ông thành một nhân chứng trung kiên loan báo Tin Mừng.  Tác giả sách Công vụ Tông đồ cho thấy Phaolô đã sớm hòa nhập với các tông đồ để thực hiện sứ mạng Chúa trao phó.  Ông sẵn sàng chấp nhận những nguy hiểm đe dọa tính mạng để làm chứng cho Chúa (Bài đọc I).  Ông thực sự gắn bó với Đức Giêsu, đến nỗi sau này ông viết: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2).

 

Thông thường, chúng ta không thấy chất nhựa sống trong thân cây.  Cũng vậy, chúng ta không nhìn thấy Đấng Phục sinh bằng con mắt giác quan.  Giáo Hội sống động, lớn lên và phát triển là nhờ sự hiện diện của Đấng Phục sinh và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.  Giáo Hội được so sánh như cây nho vĩ đại.  Cành của cây nho ấy bao trùm trái đất, và đang không ngừng sinh hoa kết trái.  Mỗi cá nhân người tín hữu là một cành nho, vừa hiệp thông với Chúa Giêsu là cây nho, vừa hiệp thông với anh chị em mình, liên đới cộng tác với nhau để đem hoa thơm trái ngọt cho đời.  Nhờ liên kết với nhau, chúng ta giới thiệu một hình ảnh sinh động tươi đẹp về Giáo Hội của Chúa Kitô.  Thánh Gioan khuyên chúng ta: “Anh chị em đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng những việc làm cụ thể.”  Đúng vậy, tình yêu chân thật sẽ vững bền và có sức lan tỏa đến mọi môi trường cuộc sống.  Tình yêu ấy cũng phản ánh chính tình yêu của Thiên Chúa, Đấng là Cha nhân hậu và là nguồn mạch yêu thương.

 

TGM Vũ Văn Thiên

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN