Home / Chia Sẻ / Hiền Hòa

Hiền Hòa

11789116776_b3af6e2778_bHiền hòa là hiền lành, hiền từ, hiền hậu. Hiền lành là mối phúc thứ nhì trong Tám Mối Phúc (Bát Phúc): “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:3). Ngược với hiền lành là gây hấn, hung dữ, tà tâm.

Hiền hòa cũng là một nhân đức, và có liên quan nhân đức khiêm nhường. Cả hai nhân đức này rất quan trọng, như những viên đá góc tường cần thiết trong tòa nhà nhân đức và đời sống. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã có lần khuyến khích: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậukhiêm nhường” (Mt 11:29). Lời khuyến khích này cũng là lời cảnh báo. Cuối cùng, ai “học thuộc lòng” và thực hành được hai nhân đức này sẽ “được nghỉ ngơi bồi dưỡng” trong Đức Giêsu Kitô. Đó là hệ lụy tất yếu vậy!

Khi đặt chúng ta vào cuộc đời, Chúa Giêsu cũng đã dạy chúng ta “phải khôn như rắnđơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16). Người hiền lành thì luôn có tâm hồn đơn sơ, sống chân thật, không ích kỷ, không tìm tư lợi, nhưng sẵn sàng quên mình, biết dấn thân và biết sống vì người khác. Đó là quyết tâm khiêm nhường của Ngôn sứ Gioan: Người [Chúa Giêsu] phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3:30).

Về cách sống hiền hòa, Joubert đã khuyến cáo: “Hãy hiền dịu khoan dung với hết mọi người, trừ bản thân mình”. Cao thượng biết bao! Điều đó có nghĩa là đừng khó với người khác, mà hãy khó với chính mình. Dù cũng chỉ là phàm nhân như chúng ta mà ông còn biết sống như vậy thì thật đáng khâm phục. Hiền hòa cũng có phần nào liên quan nhịn nhục và chịu đựng, đó là biết vui vẻ chấp nhận sự thua thiệt, hiền lành và chịu thua thiệt chứ không là nhu nhược.

Ngược lại, hiền lành lại chính là sức mạnh, bởi vì chẳng có ai chống lại người hiền lành. Người hiền lành không tách rời khỏi cái tổng thể, chính cái toàn thể đó là sức mạnh không gì có thể chống lại. Tiền nhân nói: “No mất ngon, giận mất khôn”. Thật chí lý, bởi vì “tảo cấp tắc bại sự” (nóng tính thì hỏng việc), đồng thời đó cũng là tự hại mình.

Người hiền lành là người khôn ngoan. Nói về người vợ đảm đang, sách Châm Ngôn nói: “Nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói và dịu hiền khi dạy dỗ bảo ban” (Cn 31:26). Kinh Thánh nói về phụ nữ, nhưng cũng là nói về mọi người, chẳng trừ ai. Hiền lành phải phát xuất từ thâm tâm, không thể giả bộ. Nếu không thật lòng thì có lúc cũng lộ chân tướng, như chiếc kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra vậy. Kinh Thánh đã dẫn chứng: “Những bà mẹ vốn dịu hiền âu yếm lại đang tay nấu thịt con mình, biến chúng thành của ăn” (Ac 4:10). Chất đồng thau không bao giờ có thể hóa thành vàng được!

Tác giả nữ Stef Penney đã viết cuốn “The Tenderness of Wolves” (Sự Hiền Hoà Của Sói – dịch giả: Diệp Minh Tâm, NXB Văn Hóa Saigon). Sách kể về một vụ giết người bí ẩn diễn ra tại Canada vào thế kỷ 19, khắc họa bức chân dung về dòng người nhập cư tới vùng bắc Ontario, thuộc Canada. Đó là vùng đất lạnh lẽo và khắc nghiệt, chấp chới giữa lằn ranh sinh – tử (sống – chết). Có những điều bí ẩn, mưu mô, mê đắm, dũng cảm, xấu xa, đầy kịch tính trong sự sinh tồn giữa vùng đất mênh mông và xa lạ đó. Tác giả Penney tạo ra những nhân vật, người ta tin là thật, từ các yếu tố rời rạc nhau trong một bối cảnh lịch sử để làm sáng tỏ những bí ẩn, cũ cũng như mới. Điều đó cho thấy sự hiền hòa rất cần thiết trong cuộc sống.

Thánh Phaolô cũng động viên chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà, rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4:4-5). Lời mời gọi này cũng là lời cảnh tỉnh chúng ta phải mau chấn chỉnh cách sống trong thời gian Thiên Chúa còn chờ đợi vì thương xót.

Thời gian là lúc Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi chúng ta ăn năn sám hối. Nếu còn cứng lòng, đó là chúng ta lợi dụng lòng thương xót của Ngài. Kitô hữu nào cũng biết chắc rằng “Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu” (Tv 62:13) và Ngài luôn “nhân hậu đối với kẻ khó nghèo” (Tv 68:11). Nhưng không thể thấy vậy rồi chúng ta không mau sớm canh tân đời sống, cứ tưởng chủ chưa về, cứ tưởng chàng rể đến chậm, để rồi chủ về bất ngờ và chàng rể đến sớm. Lúc đó, không ai có thể kịp xoay xở, vì Đèn Đức Tin lu mờ, Dầu Yêu Mến cũng chẳng còn đủ mà thắp sáng. Tất cả đã muộn rồi!

***

Hiền hòa và Khó nghèo: Có mối liên hệ chặt chẽ giữa nghèo khó và hiền hòa. Thanh bần là nghèo khó hoặc khó nghèo – chứ đừng “khó (mà) nghèo”. Nghèo khó trái ngược với giàu sang, thịnh vượng. Nghèo khó còn gọi là nghèo khổ – vì nghèo mà khổ, hai trạng thái thường đi đôi với nhau.

Chúa Giêsu luôn “chạnh lòng thương” người nghèo khổ. Thiên Chúa coi nghèo khó là nhân đức, Ngài đặt nghèo khó là mối phúc thứ nhất trong Tám Mối Phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:2). Chúa Giêsu không nói suông, chính Ngài đã nêu gương sống nghèo cả đời: Sinh ra trong cảnh nghèo là Hang Belem, sống nghèo khó với Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse, ba năm rong ruổi khắp nơi trong hoàn cảnh nghèo khó, chịu chết nghèo khó trên Thập Giá. Chúa Giêsu đúng là Đệ Nhất Hàn Vương, dù là Vua nhưng Ngài còn nghèo hơn cả những người nghèo nhất trên thế gian này.

Thánh Phanxicô Assisi, vị lập Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM, Ordo Fratum Minorum), đã noi gương sống nghèo như Thầy Giêsu, nghèo đúng nghĩa theo nghĩa đen chứ không hề “bóng gió” chi cả. Giáo hoàng đương nhiệm là một tu sĩ Dòng Tên, nhưng lại “khoái” tinh thần nghèo của Thánh Phanxicô, nên ngài đã chọn Tông hiệu là Phanxicô, và ngài cũng đang thể hiện “phong cách nghèo” một cách rõ nét.

Trong kinh “Chúc Tụng Các Nhân Đức” (Lobpreis der Tugenden), Thánh Phanxicô viết: “Đức nghèo khó làm cho tất cả tính tham lam của cải, tính hà tiện nhỏ nhoi và những lo lắng thế sự đời này phải bẽ mặt xấu hổ. Thái độ sống khiêm hạ nhu mì sẽ làm cho tính kiêu căng tự cao tự đại và tính ngạo mạn của thế gian phải bẽ bàng xấu hổ”. Tinh thần khiêm nhường, hiền hòa và nghèo khó của Thánh Phanxicô rõ nét trong “Kinh Hòa Bình”, một kinh nguyện bất hủ vì giàu chất nhân đức.

Chúa Giêsu là “vị vua nghèo”, Thánh Phanxicô có thể coi là “hoàng tử nghèo”, còn Giáo hoàng Phanxicô cũng có thể coi là “đại ca nghèo” – vì ngài đã có tinh thần nghèo khó từ khi còn là giám mục ở Argentina. Không ai muốn “bị” nghèo nhưng cái nghèo lại được đề cao. Nghèo khó là một trong ba lời khấn chính của các tu sĩ: Vâng lời, Nghèo khó, Khiết tịnh (Thanh tuân, Thanh bần, Thanh khiết). Phải thể hiện thật chứ không thể giả bộ hoặc chỉ nói suông!

Người nghèo nói chẳng ai nghe, còn người giàu nói gì cũng được người khác nghe, vì “miệng nhà giàu có gang, có thép”. Đó là “phong cách thế tục”, còn đối với Thiên Chúa thì không như vậy, mà hoàn toàn trái ngược. Thật vậy, đối với người nghèo, chúng ta phải thông cảm và chia sẻ, không được coi thường, vì họ cũng là con người với đầy đủ nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền – đặc biệt là vì họ cũng là con cái của Thiên Chúa. Thật vậy, “tất cả đều là anh em với nhau” (Mt 23:8).

Văn hào Victor Hugo (1802–1885, Pháp) đã nhận xét: “Ba vấn đề lớn nhất của thế kỷ này: sự tha hóa của người đàn ông trong nghèo khổ, sự khuất phục của người phụ nữ bởi cơn đói, sự teo mòn của trẻ nhỏ vì bóng tối. Ông nhận xét về thời đại của ông – thế kỷ XIX, nhưng nhận xét đó vẫn đúng trong thời đại của chúng ta ngày nay – thế kỷ XXI.

Đúng là Chúa Giêsu nói rằng “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Ngài chú trọng “tinh thần nghèo khó”, đừng để lòng “dính líu” tới của cải vật chất ngay khi ngồi trên đống vàng, chứ Ngài không khuyến khích người ta cam chịu nghèo nàn và khổ sở. Người ta có thể viện vào cớ đó để ung dung hưởng thụ. Thực tế cho thấy rõ người ta nói rất hay, nói đâu ra đấy, nói nghe có vẻ “thanh thoát” lắm, nhưng cuộc sống người ta lại chẳng “nghèo” chút nào! Chúa Giêsu không chỉ sống “tinh thần nghèo khó” mà Ngài còn sống nghèo khó đúng theo nghĩa đen. Chúng ta cảm thấy thế nào?

Các tu sĩ Phật giáo có thói quen hay là dùng cách tự xưng “bần tăng”. Rất tốt. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở “danh xưng” thì cũng chẳng có gì đáng nói. Tuy nhiên, ít ra cũng là cái để người ta phải “kiềm chế” cho xứng với chức vị của mình. Người có tâm hồn nghèo khó thì vui thích sống tinh thần nghèo khó, và cũng chẳng ngại thể hiện lối sống nghèo khó. Chuyện kể rằng…

Tại tu viện kia có hai thầy dòng nổi tiếng là nhân đức, nhất là về lòng khiêm tốn và kiên nhẫn. Hai thầy chung sống trong một căn nhà nhỏ bé, lo việc cầu nguyện, chăm sóc vườn rau và vườn cây ăn trái. Hai thầy chuyên cần làm việc, đào mương dẫn nước, chăm sóc kỹ lưỡng, thế nên vườn tược lúc nào cũng xanh tươi và cành cây nặng trĩu những trái ngon quả ngọt, nhờ vậy mà có cái để chia sẻ với các thầy ở các tu viện khác. Không chỉ có vườn cây xanh tốt mà còn không thiếu những khóm hoa đẹp, lúc nào cũng tươi nở muôn màu muôn sắc dành để dâng tiến Chúa trong nhà nguyện của tu viện.

Tiếng thơm nhân đức của hai thầy đã đến tai cha bề trên đã cao niên. Một hôm, cha quyết định tới thăm hai thầy để có dịp chứng kiến tận mắt những nhân đức thánh thiện của hai thầy. Vừa trông thấy bóng dáng cha bề trên, hai thầy vội vàng ra cửa đón tiếp một cách vui vẻ, thân tình. Sau mấy phút cầu nguyện trong nhà nguyện, cha bề trên ngỏ ý muốn đi thăm ruộng vườn. Hai thầy vui vẻ dẫn cha bề trên đi xem khắp vườn và chỉ cho thấy từng loại cây ăn trái, từng luống rau, từng khóm hoa,… Cha bề trên vừa bước đi vừa nhăn nhó, tỏ vẻ khó chịu, rồi trách khéo là vườn quá đẹp đối với những kẻ tu hành. Rồi cha bề trên lại dùng cây gậy chống trên tay mà đập vào những cây bắp cải, cây rau xà lách và những bụi hoa gần hai bên lối đi. Trước cử chỉ khác lạ xem như điên rồ của cha bề trên, hai thầy vẫn giữ thinh lặng, không tỏ vẻ hoặc nói lời phản ứng.

Xem vườn tược xong thì gần tới giờ cơm trưa, cha bề trên đang ngồi nghỉ mệt dưới bóng cây, mồ hôi nhễ nhại. Hai thầy đến quì trước mặt ngài và thưa: “Thưa cha, nếu cha cho phép, chúng con sẽ đi thâu nhặt những lá rau không bị hư nát để dọn bữa ăn thanh đạm và mời cha dùng với chúng con”.

Vừa nghe nói vậy, mắt cha bề trên như sáng lên, vì ngài đã nhận ra nhân đức cao quí của hai thầy: Khiêm nhường, hiền hòa, và nghèo khó. Ngài đứng dậy mở rộng vòng tay ôm lấy hai thầy và vui vẻ nói: “Cảm tạ Thiên Chúa, vì thực sự Thần Khí Chúa đang ngự giữa các con ở nơi đây”.

Và chắc hẳn nhiều người còn nhớ ĐGM Paul Raymond Marie Marcel Piquet LỢI (1888–1966, Pháp), Giám mục tiên khởi Giáo phận Tông Tòa Nha Trang (Giáo phận Đông Đàng Trong). Ngài được mệnh danh là “Mục tử Nhiệt thành, Khó nghèo và Nhân hậu”. Mồ côi mẹ lúc mới 6 tuổi, cậu Marcel đặt trọn tình yêu và lòng tín thác vào Người Mẹ trên trời là Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm.

Khi sắp mãn lớp Terminal (tương đương lớp 12) tại Tiểu chủng viện Notre Dame des Champs, ngày 15-09-1908, ngài xác quyết ơn gọi truyền giáo của mình trong thỉnh nguyện thư gởi cha Giám đốc Đại chủng viện Thừa sai Bièvres như sau: Con không có những tài năng lớn lao, cũng không có những nhân đức cao cả. Nhưng con biết rằng Chúa Nhân Lành gọi con trong Ơn gọi Truyền giáo. Hành trang đức hạnh con mang theo không có những phẩm tính cao quí, nhưng con hiến dâng tất cả những gì con có. Đó là thiện chí của con. Ước muốn quyết liệt của con là sau này trở nên một công cụ hữu dụng trong tay các Bề Trên. Những lời chân thật và khiêm nhường quá, phải là một tâm hồn thánh thiện mới có được ý tưởng như vậy!

Ngài thụ phong linh mục ngày 27-11-1912, rồi lên đường truyền giáo tại Việt Nam, cụ thể là ngài đặt chân lên miền truyền giáo Qui Nhơn ngày 29-12-1912. Từ đó, ngài lấy tên Việt Nam là Lợi.

Ngày 11-11-1943, ngài được bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa Giáo phận Qui Nhơn, được tấn phong giám mục tại nhà thờ Chính toà Qui Nhơn, qua việc đặt tay của Khâm Sứ Toà Thánh là ĐGM Drapier. Ngày 23-06-1961, ngài nhậm chức Giám mục Chính tòa Giáo phận Nha Trang với phương châm: “Ut in omnibus maxime ametur Deus” (Để Thiên Chúa được hết lòng yêu mến trong mọi sự). Trên huy hiệu giám mục có Chiên Con cầm cờ chiến thắng. Ngài qua đời tại Saigon ngày 11-07-1966, an táng tại Nhà thờ Chính toà Nha Trang ngày 18-07-1966.

ĐGM Paul Raymond Marie Marcel Piquet LỢI đúng là một tấm gương sáng để chúng ta cùng soi chung vậy!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …