Cơn đại dịch Covid-19 tràn vào Thành Phố Hồ Chí Minh cho đến nay đã trên 03 tháng, tính từ ngày 27 tháng 5 bùng phát dịch.
Trong 3 tháng ròng rã chống dịch, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kiên trì chấp hành các chủ trương do chính quyền đề ra. Từ việc thực hiện chỉ thị 15 rồi chỉ thị 16 và hai tuần mới đây kể từ 23/8 đến 6/9 là tăng cường, siết chặt việc giãn cách xã hội. Đồng bào Công giáo thành phố cùng hòa chung quyết tâm với mọi giới, quyết tâm chung một tấm lòng “Chống dịch như chống giặc”, sống chan hòa và tương trợ nhau trong tình tương thân tương ái. Đồng bào Công giáo cũng được soi sáng từ các vị chủ chăn trong Giáo hội qua lời của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, kêu gọi: “Giáo sỹ, tu sỹ, giáo dân, trong nước cũng như hải ngoại, hãy vào cuộc, chung tay góp sức, san sẻ công việc với mọi thành phần xã hội và Giáo hội trong công cuộc phòng, chống đại dịch. Trước hết, hãy xem trận đại dịch này như một cơ hội để yêu thương. Theo lời Chúa dạy, Kitô hữu phải nhìn nhận tất cả nạn nhân Covid-19 là “người lân cận” (Lc 10, 28-29), sẵn lòng “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15) dù họ là ai. Tứ hải giai huynh đệ. Tất cả mọi người đều là đồng bào, là thành viên của đại gia đình dân tộc và nhân loại. Người Công giáo không được phép loại trừ, kỳ thị, “điểm mặt” hoặc kết án bất kỳ ai đã hoặc chưa bị lây nhiễm…”.
Tôi ghé tổ dân phố 72, khu phố 8 thuộc giáo xứ Lộc Hưng, Phường 6 Quận Tân Bình là một điểm sáng trong phòng chống dịch. Ông Lai Xuân Cương, tổ trưởng dân phố nguyên là cựu trùm phó Họ Mông Triệu đang tất bật với công việc trong tổ, ông đi phát thông báo cho các hộ gia đình về việc thành phố hỗ trợ cho những người mất việc vì dịch Covid-19. Ông cho biết tổ 72 có trên 50 gia đình với 220 nhân khẩu. Số người ở tỉnh về thuê ở trọ và làm việc lên tới 50 người. Người dân trong tổ làm nghề tự do như chạy xe ôm, buôn bán lẻ ở chợ, giúp việc nhà cũng nhiều. Trong đợt kê khai này, thành phố sẽ hỗ trợ đợt đầu mỗi người 1,5 triệu đồng. Hỏi thăm ông về việc đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng trong lúc dịch bệnh lan tràn có vất vả và lo sợ? Ông tâm tình: Tôi đi suốt, lúc ra ủy ban Phường, lúc chạy ra khu phố để nhận các tài liệu tuyên truyền về phòng chống dịch, rồi lại đi từng nhà các hộ trong tổ phổ biến các việc cần làm. Hộ có người ở nhà thì dễ, hộ không có người ở nhà phải gọi điện, đi lại 2, 3 lần hướng dẫn kê khai các biểu mẫu, thu nhận rồi lại về tổng hợp báo cáo ra ủy ban phường. Rồi còn hướng dẫn, giải thích, vận động các hộ tạm trú, hộ ở nhà thuê tiêm chích ngừa, xét nghiệm Covid theo lịch của y tế Phường, chỉ dẫn các hộ tạm trú bổ túc hồ sơ để xin hỗ trợ… Nói chung là đủ thứ việc. Cũng sợ lây nhiễm chứ! nhưng tôi luôn thực hành 5K rất nghiêm nghặt. Trong tổ, bà con sống rất hòa đồng, lương giáo hòa hợp, chung sống với nhau rất chân tình.
Sau khi phát tờ thông báo đến hộ cuối cùng, ông Cương dẫn tôi ghé căn hộ số 3/7, hẻm 3 đường Hưng Hóa. Ngay trước hiên nhà là những thùng giấy lớn chứa đầy ắp rau củ còn xanh mướt mới chuyển về. Chủ hộ là anh chị Sơn-Dung, gốc Đơn Dương (Lâm Đồng) được gia đình, bạn bè gửi về thành phố. Anh chị đang cùng nhau phân chia rau củ thành những phần riêng gói trong bịch nylon để gửi bà con trong tổ. Nào cải thảo, rau dưa, hành lá, cà tím, cà rốt, cà chua, chanh, ớt… những đặc sản vùng cao nguyên, mỗi phần khoảng 3 kg tặng các gia đình trong mùa dịch. Bà con khu xóm hân hoan đón nhận trong niềm vui sẻ chia. Chị Dung cho biết do gia đình cùng người thân, bạn bè nhân mùa dịch biết thành phố không còn cho họp chợ truyền thống, bữa cơm thiếu chất rau tươi nên gửi xe vận tải về tặng bà con khu xóm, đồng thời anh chị còn làm công tác từ thiện giúp cho bà con trong các khu xóm bị phong tỏa tại phường. Đây là lần thứ 3, những chuyến rau đặc sản từ cao nguyên gửi về. Nhà bác Lan, cũng trong tổ, mấy bữa trước có người quen gửi mấy chục kí rau muống, cũng chia sẻ cho các hộ mỗi người vài kí. Anh Thế quê Hà Tĩnh vào thành phố lập nghiệp, ở thuê, hành nghề chạy xe chở mướn được tổ chức từ thiện thuê chở rau xanh cung cấp cho những người khó khăn. Anh không nhận tiền công nên được tặng lại ít chục kí rau cũng về chia cho bà con chòm xóm lấy thảo. Rồi khi giáo xứ gửi tặng mỗi hộ chục kí gạo, ít kí rau củ, ông trùm họ cũng trao đến tận các gia đình trong tổ không phân biệt là giáo dân hay không. Chị Kim Anh, người cũ của Tổ, do gia đình đã dọn về Hóc Môn nhưng mỗi lần ghé thăm lại bà con cũng chia sớt phần thực phẩm, rau củ quả từ những nhà hảo tâm gửi cho mọi người trong xóm cũ thật thân thiết
Tính tích cực của bà con trong tổ còn thể hiện ở hành động chung tay phòng chống dịch, nhất là trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội. Theo đề nghị của tổ trưởng dân phố, được sự thống nhất bà con, tổ đã lập “hàng rào xanh” bằng những chậu cảnh chặn ngay đầu ngõ vào, do phạm vi tổ là hẻm cụt. Không cho người lạ, Shipper tự do chạy xe vào trong xóm giao hàng hầu tránh lây lan dịch bệnh. Bà con còn trao đổi giúp nhau về những phương pháp ngừa cảm cúm qua y học cổ truyền, gửi tặng cho nhau những gói thuốc xông cảm, các loại cây thuốc như xả, gừng, tỏi, chanh… Mọi người già trẻ, lớn bé bước ra khỏi nhà đểu đeo khẩu trang, ai vô tình quên đeo đều được nhắc nhở chân tình ngay.
Về công tác tiêm chủng, tổ 72 đã vận động trên 98% người trong độ tuổi tiêm mũi 01. Chỉ còn vài người lớn tuổi trên 65 sẽ được Phường mời tiêm chủng tại bệnh viện, mọi người chuẩn bị tiêm mũi 2 vào tháng 9 này. Trong lần xét nghiệm tầm soát lần thứ 3 mới đây vào ngày 5/9, toàn bộ hơn 200 người không phát hiện ca F0 nào, chính thức được công nhận là VÙNG XANH. Mọi người trong Tổ đoàn kết sống chan hòa với nhau và quyết tâm vận động nhau luôn tuân thủ thời gian giãn cách xã hội và thực hiện 5K+Vắc xin. Công tác hỗ trợ an sinh xã hội được Tổ trưởng thông báo rộng rãi cho bà con trong tổ. Đến nay, qua hai đợt nhận trợ cấp, hầu hết những người được đề nghị đều nhân được từ 1,5 đến 3 triệu một người, bà con trong tổ rất an tâm, càng tích cực tham gia phòng chống dịch.
Sáng sớm mỗi ngày, tiếng hát Thánh ca vang lên từ các gia đình dâng lễ Trực tuyến. Chiều đến, giờ kinh Lòng Chúa Thương xót lại vang vang. Đêm về, giờ kinh tối, mọi người không quên cầu nguyện cho những tín hữu qua đời trong cơn dịch bệnh và lời cầu xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân, cầu bình an cho khu xóm. Những lời kinh nguyện không ngừng dâng lên Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Lên Trời là bổn mạng khu họ cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt.
Tình người trong mùa dịch của Tổ 72 chắc chắn sẽ là nét đẹp mãi mãi về sau.
Ghi chép của Minh Đỗ