Home / Chia Sẻ / HỆ MIỄN DỊCH TÂM LINH

HỆ MIỄN DỊCH TÂM LINH

HỆ MIỄN DỊCH TÂM LINHKhi Fyodor Dostoevsky gởi bản thảo tiểu thuyết nổi tiếng “Crime and Punishment” (Tội Ác và Trừng Phạt) cho nhà xuất bản, ông đã gửi kèm một ghi chú ngắn gọn. Ông viết: “Đây là câu chuyện của một sinh viên đại học bị lây nhiễm bởi những ý tưởng trôi nổi theo gió.”

Có ba điều mà thông điệp ngắn gọn này truyền tải rất đáng phóng đại. Một là tính dễ bị tổn thương của sinh viên đại học đối với những ý tưởng độc hại, hai là làm thế nào những ý tưởng “trôi nổi theo gió” như thế khó hoặc không thể chấp nhận vì tính độc hại mà chúng mang lại.

Trong Quyển III của Nền Cộng Hòa, Plato giải thích rằng khi tâm trí bị lây nhiễm bởi thứ gì đó khác lạ, một trong những suy yếu nghiêm trọng nhất dẫn đến hậu quả là tâm trí không thể biết nó đã bị nhiễm bệnh. Ông viết: “Thói xấu cũng không thể biết nhân đức, nhưng bản chất đức hạnh, được giáo dục kịp thời, sẽ có được kiến thức về nhân đức và thói xấu: những người đức hạnh, chứ không phải kẻ đồi bại có sự khôn ngoan.” (409d) Tương tự, người không trung thực thì không thể nhận ra người trung thực bởi vì anh ta không có mẫu mực trung thực trong chính họ.

Điều thứ ba tập trung vào khái niệm “bị lây nhiễm.” Chúng ta bị lây nhiễm từ bên ngoài, nghĩa là từ một thứ gì đó xa lạ. Chúng ta không tạo ra sự nhiễm trùng trong chính mình.

Hệ thống tự miễn dịch của chúng ta bao gồm 100 tỷ thụ quan miễn dịch giúp phân biệt cái tôi với cái vô ngã. Nó bảo vệ chúng ta khỏi các chất bên ngoài có khả năng gây hại cho chúng ta. Đó là hệ thống phòng thủ bên trong chúng ta. Đáng chú ý là không phải lúc nào nó cũng bảo vệ chúng ta khỏi bị nhiễm trùng. Ghi chú của Dostoevsky gợi ý rằng chúng ta cần một loại hệ thống miễn dịch khác bảo vệ chúng ta khỏi những ý tưởng độc hại. Chúng ta cần một dạng bổ sung của hệ thống miễn dịch để bảo vệ chúng ta khỏi bị lây nhiễm theo cách đạo đức. Do đó, chúng ta cần một hệ thống miễn nhiễm đạo đức để bảo vệ chúng ta khỏi những ý tưởng xấu xa như kiêu ngạo, giận dữ và đố kỵ gây hại cho chúng ta về phương diện đạo đức với tư cách là con người.

Bác sĩ tâm thần Viktor Frankl rút ra mối liên hệ thú vị giữa những ý tưởng độc hại và thảm họa xã hội. Từ trải nghiệm trong tù, ông thấy nó miêu tả thế giới vi mô phản chiếu cả thế giới. Như Frankl mô tả, “bệnh lý Zeitgeist” (hệ tư tưởng thời đại, những ý tưởng thống trị thời đại) được đánh dấu bằng những thái độ nhất thời, theo thuyết định mệnh, chủ nghĩa tuân thủ, thậm chí là cuồng tín đối với cuộc sống. Vì ý tưởng tồi tệ đó, các phương pháp tiếp cận cuộc sống mất hết về mặt triết học không chỉ vô ích ở cấp độ cá nhân, mà còn có thể dễ dàng trở thành một đại dịch tâm linh. Tóm lại, như Frankl giải thích, các ý tưởng tồi tệ sẽ dẫn đến trại tập trung. (Tâm Lý Trị Liệu và Chủ Nghĩa Hiện Sinh: Các Bài Chọn Lọc Về Liệu Pháp, trang 104-105) Sự khoan dung của những ý tưởng vô đạo đức dẫn đến tình trạng hỗn loạn xã hội.

Chữ “nhiệt thành” trong tiếng Hy Lạp, về mặt từ nguyên, dùng để chỉ “được tràn đầy các vị thần.” Nó nhấn mạnh những gì chúng ta có bên trong bản thân để có thể sống sôi nổi và đam mê. Từ quan điểm khoa học, chúng ta có thể coi các “vị thần” này như các thụ quan miễn dịch của chúng ta. Mặt khác, chúng ta có thể xem chúng như sức mạnh luân lý mà chúng ta sở hữu để sống viên mãn.

Sự phong phú về nội tâm của chúng ta, tiềm năng xuất sắc về đạo đức và sức khỏe thể lý của chúng ta thường bị bỏ qua và kết quả vẫn chưa phát triển. Sau đó, chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài, nhiều tác động khiến chúng ta không thể thực sự là chính mình. Chúng ta có thể coi các thụ quan miễn dịch luân lý của mình là những đức tính khác nhau mang lại cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chống lại những tác động độc hại bên ngoài. Thánh Phaolô khuyên chúng ta nên tự bảo vệ mình bằng “áo giáp” của Thiên Chúa: “Hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.” (Ep 6:14-17) Ý niệm đức tính có thể dùng như một biện pháp bảo vệ vững chắc chống lại điều ác cho thấy rằng đức hạnh là điều gì đó hiệu quả hơn nhiều so với cách lựa chọn lịch sự.

Friedrich Nietzsche đã coi các đức tính Kitô giáo – đặc biệt là đức ái, khiết tịnh, hiền lành và khiêm nhường – là những ví dụ về sự yếu đuối. Sự thật của vấn đề là các đức tính cung cấp cho chúng ta sức mạnh và xây dựng một rào cản hiệu quả để chống lại thói xấu. Nội tại tinh thần của chúng ta có nhiều khả năng hơn chúng ta tưởng. Nhưng, ngoài việc được công nhận, chúng còn cần được phát triển. Những ảnh hưởng bên ngoài lây nhiễm cho chúng ta. Sức mạnh bên trong bảo vệ chúng ta. Chúng ta chống lại một thế giới của những ý tưởng tồi tệ. Đức hạnh thực sự là đồng minh của chúng ta trong vở kịch vĩnh cửu này.

“Crime and Punishment” là cuốn tiểu thuyết dựa trên hai định đề rằng cuộc sống bị những ý tưởng xấu xa cai trị sẽ dẫn đến tội ác, và tội ác đó đòi hỏi sự trừng phạt. Hệ quả của nó là những ý tưởng tốt cho phép chúng ta phát triển sức mạnh cá nhân, chính sức mạnh này mang lại sự tồn tại có ý nghĩa và hạnh phúc. Dostoevsky đã dịch thơ của Dante sang dạng tiểu thuyết. Cả Dostoevsky và Dante đều khuyên rằng chúng ta có khả năng hướng thiện nội tại, nhưng nếu chúng ta không làm được điều này sẽ dẫn đến tai họa cá nhân. Thiên Đàng và Hỏa Ngục xoay quanh đức hạnh và thói xấu.

Hệ thống tự miễn dịch của chúng ta hoạt động ngoài ý muốn của chúng ta. Nó tự trị. Nhưng nó cần một hệ miễn dịch đạo đức bổ sung đòi hỏi sự nỗ lực của ý chí chúng ta. Cùng với nhau, hai hệ miễn dịch này liên quan toàn bộ con người, cơ thể và tâm hồn. Chúng ta nên chú ý hơn và đánh giá cao những năng lực bên trong chúng ta và bớt háo hức bị lây nhiễm bởi “những ý tưởng trôi nổi theo gió.”

TS DONALD DEMARCO

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …